Dưới ánh mặt trời
Toscana
Dưới ánh mặt trời
Toscana
Vùng đất của
Chư Thiên
Atlantis the palm:
Khách sạn huyền thoại
Bộ sưu tập Hermès
Xuân Hè 2023
Audrey Hepburn - biểu tượng
thời trang đặc biệt thế kỉ 20
TRẢI NGHIỆM
Dưới ánh mặt trời
TOSCANA
Bài: MỸ HẠNH
Cho đến trước năm 2003, Toscana (đọc và viết theo tiếng Anh là Tuscany) vẫn chưa được coi là một danh thắng nổi tiếng, kể cả với người dân Italia. Chỉ đến khi Hollywood tung ra bộ phim lãng mạn kiểu “tình già” Under The Tuscan Sun, vùng đất này bỗng như bừng tình với hàng đoàn du khách lũ lượt tới thăm viếng hàng năm. Không ít người trong số đó cho biết, tác phẩm điện ảnh dựa theo những ký ức được viết thành sách của nữ tác giả Frances Mayes là lý do chính đưa họ đến với Toscana.

Quả thực, bộ phim ấy đã làm rất tốt công việc quảng cáo cho Toscana với những hình ảnh đẹp mộng mơ như một bức tranh phong cảnh của thời kỳ Phục hưng. Có ai mà không nao lòng khi được chứng kiến chiếc xe bus lặng lẽ chạy trên con đường đất đỏ quanh co, băng qua cánh đồng hoa hướng dương vàng rực trải dài như muốn lấn át cả bầu trời xanh mướt mải, thấp thoáng phía xa là tháp chuông nhà thờ vươn cao, trên nền nhạc tươi vui, rộn rã. Không chỉ vậy, câu chuyện tình cảm trong phim theo mô-típ rất thường thấy nhưng luôn lấy được cảm xúc của người xem cũng góp phần không nhỏ thôi thúc những con tim cô đơn đến với Toscana, bởi họ cũng hi vọng biết đâu sẽ tìm được “nửa kia” của mình ở đó, như Frances Mayes vậy.

Du khách tự do khi đến với Toscana thường chọn hành trình giống Frances Mayes để tìm thấy những điểm tương đồng giữa bộ phim và thực tế. Chuyến đi sẽ bắt đầu từ Roma, đến vùng đất giáp ranh giữa xứ Toscana và Umbria, rẽ qua con đường mà ở đấy dẫn tới Arezzo, nhưng chạy cắt thung lũng Val di Chiana để qua Camuccia và lên con đường quanh co dẫn đến bức tường thành cổ bao quanh thành phố Cortona. Frances Mayes đã dừng chân ở đây, mua một biệt thự cũ nát, sửa sang lại và bắt đầu cuộc sống mới.

Mặc dù chỉ là một thành phố tỉnh lẻ ở miền Trung nước Ý nhưng Cortona cũng có sức hút mãnh liệt chẳng thua gì những danh thắng nổi tiếng khác. Có lịch sử từ thời La Mã, Cortona được coi là “mỏ vàng” dành cho những du khách say mê và am hiểu nghệ thuật, đặc biệt ở hai lĩnh vực kiến trúc và hội họa. Riêng các fan của Under The Tuscan Sun thích nhất là được trải nghiệm theo nhân vật của họ, dừng lại trên quảng trường Cộng hòa (Piazza della Repubblica) ở trung tâm thành phố, sau khi đã đi bộ một quãng dài trên đường dốc lát đá từ tường thành, ngồi ăn kem trên những bậc thang dẫn lên Tòa thị chính xây từ thế kỉ 14, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ như vừa giục giã lại rất mời gọi và ngắm người qua lại. Cách đó không xa là villa Bramasole, được dùng làm phim trường cho Under The Tuscan Sun. Nhà văn người Mỹ - Frances Mayes và chồng bà giờ đã thành công dân danh dự của thành phố.

Cortona không to lớn, bề thế như Roma. Cortona không bồng bềnh lãng mạn như Venice. Cortona là bé nhỏ, là cổ kính rêu phong. Khi những chiếc xe còn chạy dưới thung lũng, du khách đã dễ dàng chiêm ngưỡng được vẻ đẹp thơ mộng của Cortona. Trên ngọn núi cao nhất kia là một thành phố hơn 2.500 năm tuổi với hàng trăm nóc nhà lợp mái ngói đỏ cũ kĩ và tháp nhà thờ Thánh Margherita vươn cao hơn tất thảy, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ khiêm nhường của một tín đồ ngoan đạo trước Thiên Chúa oai nghiêm.

Đã đến Cortona, chẳng ai lại không muốn được dạo bước trên những con hẻm lát đá dẫn ra cầu thang chạy xuống con đường lớn bao quanh thành phố. Ngay phía trên đầu là khung cửa số cũ kỹ lúc nào cũng mở toang, hé ra vài bông hoa dại vừa đơm nụ. Càng đi gần về phía tu viện Thánh nữ Margherita, hoa ùa ra càng nhiều, dọc hai bên đường, bên cạnh những bức tranh mô tả chặng đường khổ nạn của Thiên Chúa. Trời sẩm tối, những ngọn đèn đường thế kỷ 19 tự động bật sáng, như đưa du khách về với một quãng thời gian xa xôi nào đó. Cuộc sống hiện đại dường như không hiện hữu ở nơi này.

Giống như mọi thành phố khác trên đất Italia, nhà thờ, tu viện được coi là “đặc sản” của Cortona, nổi bật nhất phải kể đến nhà thờ Santa Maria Nuova, được thiết kế và xây dựng năm 1554 bởi kiến trúc sư, họa sĩ, nhà văn đại tài Giorgio Vasari, lai giữa hai trường phái Phục hưng và Hy Lạp. Cùng với nó là Nhà thờ Cortona, được xây dựng trên tàn tích của một ngôi đền La Mã cổ đại từ thế kỷ 11, nhà thờ San Fracesco được biết đến rất nhiều nhờ những khung cửa sổ kiểu Gothic cùng mái ngói đơn sơ nhưng chắc chắn và sảnh đường “dài dằng dặc”. Ở Cortona, nhà thờ có thể bất ngờ xuất hiện ở mỗi góc phố, mỗi quảng trường, tất cả đều rất cổ kính, trầm mặc và hầu hết còn giữ được nguyên trạng như hồi mới xây dựng.

Rõ ràng, vang Italia luôn được coi là món quà kỷ niệm rất ý nghĩa và được ưa chuộng. Xung quanh trục đường chính Nazionale là những nhà hàng ngon lành quen thuộc với mọi cư dân thành phố.

Cortona có khu chợ thực phẩm Molesini lúc nào cũng tấp nập du khách, một “kho” rượu vang mang tên Molesini bán đủ các loại rượu ngon nhất của vùng Toscana với những chương trình thử rượu cực kỳ hấp dẫn. Rõ ràng vang, Italia luôn được coi là món quà kỷ niệm rất ý nghĩa và được ưa chuộng. Xung quanh trục đường chính Nazionale là những nhà hàng ngon lành quen thuộc với mọi cư dân thành phố. Dạng nhà hàng sang trọng có Nessun Dorma, La Bucaccia, Oscaria del Teatro, truyền thống có Il Cacciatore, Antica Trattoria, El Comanchero. Ở Cortona, du khách cũng có thể nếm món kem gelato ngon nhất tại Gelato ti Amo, Gelateria Snoopy hay Gelateria Dolce Vita… Món kem này có ăn vào mùa lạnh cũng không hề bị cảm giác ê buốt răng.

Những người mê của ngọt có thể sẽ quên cả lối về nếu được một lần nhìn qua tủ kính tiệm Banchelli, bên trong là vô số loại bánh ngọt tuyệt hảo mang đúng phong cách Cortona truyền thống. Đó là bánh mì đường có tên cantucci, bánh gateau ngọt ciaramiglia, hay một loại bánh rắc đầy đường và bột mì trắng có hình thù xấu xí nhưng rất ngon có tên brutti buoni (nghĩa là xấu mà ngon). Con đường Rugapiana từ quảng trường Cộng hòa dẫn đến công viên chính của thành phố, nối với những quán cà phê, quán kem cũ kĩ và những cửa hàng lưu niệm nhỏ. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua thật dịu dàng.

Công viên Cortona cũng là một nơi mà không nên và không được bỏ qua. Nếu may mắn đến nơi này vào giữa tháng 8, du khách sẽ được tham dự sagra - ngày hội ẩm thực truyền thống nhân dịp lễ Ferragosto. Những tảng thịt bò lớn, đặc sản của xứ Toscana sẽ được nướng trên lò than rộng đến 20m2 nằm giữa công viên, tái, chín vừa hay chín tùy theo yêu cầu của thực khách tham gia. Mỗi suất gồm một miếng thịt bò cỡ nửa cân, bánh mì, chanh để vắt lên thịt, một chai vang đỏ và hoa quả tráng miệng. Đó là một trong những chương trình ẩm thực cộng đồng lãng mạn nhất ở vùng Toscana, nơi người ta ăn uống, nhảy múa, vui chơi với nhau lúc hoàng hôn buông xuống, còn mặt trời đã tìm được chỗ nghỉ ngơi đằng sau thung lũng Val di Chiana…

Ghé thăm Toscana là ghé thăm cuộc sống bình yên, hiền hòa, trôi đi một cách đáng yêu trên những quảng trường công cộng, những cánh đồng nho mênh mông trĩu quả, dưới bầu trời nắng ấm. Đến bất kỳ thành phố nhỏ nào trong vùng đất này cũng dễ dàng được chứng kiến cảnh những chiếc xe lam chở rau quả vào bán ở chợ sớm, khi bình minh vừa lên. Buổi trưa, du khách ngồi ở những bàn ăn trên phố ngắm nhìn cuộc sống chậm chậm trôi đi rồi thư thả vỗ tay trước những đám cưới tổ chức ở Tòa thị chính. Buổi chiều tối, đám thanh niên và du khách ngồi ngắm hoàng hôn lướt qua thung lũng và đánh đàn thâu đêm.
TRẢI NGHIỆM
VÙNG ĐẤT CỦA
CHƯ THIÊN
Bài: MINH TÚ
Người ta thường nói, Tây Tạng là nơi trời đất giao nhau, trăng sao làm bạn. Đây cũng là nơi bắt nguồn của những con sông thiêng liêng và vĩ đại nhất trên mảnh đất Á Đông: sông Hằng, Hoàng Hà, Trường Giang, Cửu Long. Nằm ở khoảng cách 4.875m so với mực nước biển, Tây Tạng đe dọa mọi du khách bằng hội chứng sốc độ cao, nên, hành trình tới vùng đất này luôn được xếp vào loại mạo hiểm cấp độ cao.

Sốc độ cao (AMS – Acute Mountain Sickness) có nhiều triệu chứng dễ nhận thấy, bao gồm nhức đầu như búa bổ, tròng mắt lồi ra khỏi con ngươi, chảy máu cam, nôn nao, chóng mặt, kiệt sức, khó thở, mất ngủ… Theo thống kê, khoảng 75% dân số chắc chắn gặp phải các triệu chứng sốc độ cao khi lên quá 2.400 mét. khoảng 75% dân số chắc chắn gặp phải các triệu chứng sốc độ cao khi lên quá 2.400 mét.

Chính vì thế, đi Tây Tạng bằng tàu hỏa là một cách thức hiệu quả để thích nghi dần với độ cao. Chưa kể, đây cũng là một trải nghiệm vào loại độc nhất vô nhị, bởi tuyến đường sắt Thanh Tạng có nhiều đoạn xuyên qua biển mây, chạy trên nóc nhà của thế giới. Vỏ tàu àm bằng một chất liệu đặc biệt, nước sinh hoạt và nước xả toilet cũng phải được làm ấm để chống đóng băng, các bình ô-xy lắp sẵn ở góc ca-bin để chống lại không khí loãng bên ngoài. Sau 1.956 km từ ga Thanh Hải, con tàu dừng lại ở Lhasa lúc 10 giờ sáng.

Tây Tạng không phải vùng đất có nhiều trai xinh gái đẹp. Chỉ cần xuống núi thì con gái Tây Tạng sẽ tủi thân khi so sánh với nước da không tì vết của các kiều nữ Tứ Xuyên. Khí hậu và thiên nhiên hà khắc khiến người Tạng phải vật lộn để sinh tồn qua hàng ngàn năm, thành thử họ cũng trở nên khắc nghiệt như trời đất nơi này, hiếm khi nở nụ cười trên môi. Người Tây Tạng vững chãi và khô khan như đá núi, bền bỉ và lạnh lùng như băng tuyết vĩnh cửu trên dãy Hymalaya. Đôi mắt họ lúc nào cũng kiên định và vô cảm như một chú bò Yak đang đứng bất động trên rìa vực.

Lhasa, được người Hán phiên âm thành Lão Ốc, tức ngôi nhà cũ, gợi lên một sự thân thương, ấm áp đến dịu người mặc dù sự thật là đô thị này cũng như toàn bộ Tây Tạng nằm trong vùng khí hậu rất lạnh lẽo, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 1,1 độ C hằng năm. Còn đối với người Tây Tạng, chữ Lhasa có nghĩa là Liên hoa (hoa sen) vì kinh đô này được coi là nhụy hoa sen giữa những cánh hoa là các dãy núi cao bao bọc: Côn Luân ở phía Bắc, Hymalaya ở phía Nam, Karakorum ở phía Tây.

Lhasa cũng được gọi là thành phố của chư thiên vì nó nằm ở độ cao chóng mặt, lại là nơi toạ lạc của chùa Labrang - Tổng bản sơn Lạt Ma giáo, điện Potala - trung tâm quyền lực chính trị và tôn giáo của cả Tây Tạng, 30 Đại Già Lam và hàng trăm chùa nhỏ nằm rải rác. Đặc biệt nhất là sự hiện diện của hơn 100.000 vị Lạt Ma tăng trong khi toàn bộ dân số cũng chỉ chưa tới 200.000 người.

Ai tới Lhasa cũng đều nóng lòng được chiêm bái Potala - ngôi đền thiêng lớn nhất Tây Tạng, nằm dựa lưng vào ngọn Hồng sơn. Theo tiếng Phạn, Potala là Núi của Phật, còn theo tiếng Tây Tạng, nó có nghĩa Chỗ ở của Quan Thế Âm Bồ Tát. Xưa kia, đây là nơi các Lạt Ma thể hiện quyền lực tôn giáo (Cung Đỏ) và chính trị (Cung Trắng), còn giờ đây, nó đã là Viện bảo tàng lịch sử - văn hoá - mỹ thuật Tây Tạng, đặc biệt hấp dẫn với 50.000 m2 tường, trên đó là những bức bích họa tái hiện hết sức sinh động lịch sử tôn giáo, phong tục tập quán của người dân xứ này, thậm chí cả những sự kiện chính trị nổi bật. Ngoài ra là hàng chục ngàn vật trưng bày thuộc Phật giáo mà không ít trong số đó được làm bằng vàng nguyên chất. Potala không chỉ đơn thuần là một cung điện, nó còn là pháo đài hết sức kiên cố, đường đi quanh co ngoắt ngoéo chẳng khác gì một mê cung.

Thậm chí, các mái điện Potala cũng được dát vàng. Ngôi tháp chứa tro cốt của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 (Losang Gyato, 1617 - 1682) - người có công xây lại Potala hoành tráng như ngày nay được bọc bởi 3.700kg vàng, sử dụng 18.766 viên ngọc trai, hồng ngọc, san hô mã não, hổ phách để trang trí nội thất. Ở cực Tây của cung Đỏ là tòa bảo tháp chứa xá lợi của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, trong đó còn có một Mandala (đồ hình tượng trưng cho vũ trụ) làm từ 200.000 viên ngọc trai.

Nhưng nhiều người lại mê đắm khu phố cổ Barkhor nhiều hơn. Mùa hè ở Tây Tạng cũng giống như châu Âu, nóng vào ban ngày, lạnh từ chiều và bóng tối tràn xuống rất muộn. Đêm về, Barkhor lấp lánh trong ánh điện và kiến trúc cổ xưa. Những ki ốt bán pháp khí Mật Tông nhiệt tình chèo kéo du khách mua kinh luân, chuông mõ, tràng hạt, chén nhạc, chày kim cương… Những cửa hàng tranh Thanka chào bán chân dung Ban Thiền Lạt Ma hay Liên Hoa Sinh đại sư. Nhà trưng bày thảo mộc và thuốc Bắc ê hề đông trùng hạ thảo, Thiên Sơn tuyết liên, hắc kỷ tử, hồng hoa Tây Tạng hay saffron. Những quầy trang sức quyến rũ có đến trăm kiểu dáng vòng cổ, lắc tay, hoa tai thổ ngọc, san hô đỏ và Thiên châu.

Đêm về, Barkhor lấp lánh trong ánh điện và kiến trúc cổ xưa. Những ki ốt bán pháp khí Mật Tông nhiệt tình chèo kéo du khách mua kinh luân, chuông mõ, tràng hạt, chén nhạc, chày kim cương…

Và nằm ở giữa Barkhor chính là tu viện Jokhang, được coi là cái gốc của Lhasa, bởi đô thị này bắt đầu mọc lên xung quanh Jokhang, tính từ năm 642, dưới lệnh của Hoàng hậu Bhrkuti. Vật trân quý nhất trong đền Jokhang còn tồn tại đến ngày nay là pho tượng Jowo Rinpoche (Đức hạnh cao quý - Phật Thích Ca) thời trẻ, do công chúa Văn Thành - vợ hai của Tùng Tán Cang Bố mang từ nhà Đường sang vào năm 640. 300 năm sau, bức tượng này trở lại Trung Nguyên theo chân các tăng lữ truyền bá Phật pháp, rồi lại vòng về Jokhang. Trải qua khoảng 2.500 năm mà pho tượng hầu như còn nguyên vẹn, khuôn mặt vàng rực của đức Thích Ca vẫn nhìn xuống không biết bao lớp người quỳ lạy dưới chân mình bằng cặp mắt hiền hòa, từ bi.

Trước khi vào bên trong, du khách thường được khuyên đi vòng quanh ngôi chính điện và quay tất cả mani bằng đồng (theo chiều kim đồng hồ) để lấy khước. Tường bên ngoài đền màu đỏ thẫm, như màu áo của các Lạt Ma. Đền Jokhang có 4 tầng, mái dát vàng, được chống đỡ bằng những cột gỗ - còn nguyên từ thế kỷ thứ 7, ngày cũng như đêm đều thắp đèn mỡ trâu dậy mùi ngai ngái khó chịu.

Mani (còn được gọi là bánh xe cầu nguyện) là một loại bánh xe làm có thể bằng đồng, có thể bằng vàng, trên đó ẩn chứa rất nhiều văn tự và mật chú bí ẩn. Mani có thể nhỏ bằng ngón tay, có thể to lớn bằng cả căn phòng. Thời xưa, người Tây Tạng thường đặt bánh xe này trong dòng nước để cho quay mãi với thời gian, để công đức của cầu nguyện lan truyền đi khắp nơi

Hằng năm luôn có những người hành hương đi từ Thanh Hải lên Tây Tạng, rồi xuống Kathmandu, về Lumbini và sang tận Bodhgaya. Mỗi chuyến hành hương kéo dài từ sáu tháng đến ba năm. Họ đi vòng quanh vòng ngoài cùng của tu viện Jokhang, cũng là cả khu phố cổ Barkhor. Họ chắp tay trên đỉnh đầu, trên trán, xuống cằm, xuống ngực vái lạy rồi nằm dài ra đất biểu lộ sự khiêm cung, nhẫn nhục - một trong 6 hạnh ba-la-mật, miệng lầm rầm cầu nguyện. Nhiều người không mang theo nệm mà lắp luôn hai miếng đệm nhỏ ở đầu gối và hai bàn tay cho đỡ đau. Nhiều người lại dùng hai miếng gỗ đeo vào tay, khi làm động tác vái sẽ kêu lách cách vui tai.

Ánh nắng trên cao nguyên sáng lóa một cách khó chịu, song dường như không ảnh hưởng mảy may đến cư dân bản địa. Người Tây Tạng chẳng ai thèm đội mũ đeo kính. Nhưng thứ ánh sáng thần thánh ấy ngõ hầu đã hành hạ gần như mọi du khách ngoại lai, với triệu chứng cay mắt, cay tới mức chảy nước mắt nước mũi ròng ròng. Không quen với kiểu nắng chói lòa kỳ dị này, người nào cũng phải đeo kính râm tới tận 8h tối. Chỉ cần bỏ kính ra là ai nấy rơm rớm ngay như lúc nghĩ về quê hương bản quán.

Nhà leo núi người Áo Heinrich Harrer từng viết: “Cho dù tôi sống ở đâu đi chăng nữa, thì nỗi nhớ Tây Tạng vẫn khôn nguôi. Tôi thường nghĩ rằng mình thậm chí vẫn nghe được tiếng kêu của những con sếu và loài ngỗng hoang, cả tiếng đập cánh khi chúng bay qua Lhasa dưới ánh trăng trong vắt lạnh lẽo”. Đúng vậy, với đại đa số du khách từng tới nơi này, Tây Tạng dường như là hành trình chỉ có một lần trong đời. Nhưng những ấn tượng về sự khắc nghiệt và mạnh mẽ, vẻ đẹp và đức tin trong vắt nơi vùng đất của chư thiên sẽ còn đọng mãi trong tâm trí, không thể phai mờ.

TẬN HƯỞNG CUỘC SỐNG
ATLANTIS THE PALM
Khách sạn huyền thoại
Là một trong những khách sạn đắt đỏ bậc nhất thế giới với các tiện ích, dịch vụ mà bất cứ du khách nào cũng phải trầm trồ, Atlantis The Palm tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất) có gì hấp dẫn giới siêu giàu đến thế?

Kiến trúc khác lạ, dịch vụ cao cấp, ẩm thực đạt đến đỉnh cao là những mỹ từ mà tín đồ du lịch khắp thế giới dành cho Atlantis The Palm. Cho dù bạn đang dùng bữa tại một trong những nhà hàng có đầu bếp nổi tiếng từng đoạt giải thưởng thế giới hay cảm nhận sự hối hả tại công viên nước Aquaventure, những trải nghiệm tại khách sạn đắt đỏ bậc nhất Dubai này thực sự đáng đồng tiền bát gạo.

Khách sạn Atlantis The Palm mở cửa vào ngày 24/9/2008 với chi phí xây dựng lên tới 15 tỷ USD. Được xây dựng tại một trong những vị trí đẹp nhất ở Dubai, công trình này tọa lạc trên dải đất hình trăng khuyết của đảo cọ Palm Jumeirah, một mặt hướng vào thành phố, một mặt hướng ra vịnh Ba Tư. Khách sạn cũng được du khách biết tới với các trò chơi thú vị tại Aquaventure - công viên nước lớn nhất Trung Đông.

Sang trọng, lộng lẫy

Atlantis The Palm là khách sạn đầu tiên được xây dựng trên đảo cọ và được thiết kế theo huyền thoại về thành phố Atlantis cổ xưa. Toàn bộ khuôn viên khách sạn rộng 46 ha và công viên nước Aquaventure độc lập rộng 17 ha. Atlantis The Palm được trang trí sang trọng lộng lẫy, từng chi tiết của khách sạn siêu xa xỉ này được chăm chút vô cùng cầu kỳ và dát vàng khắp nơi.

Nội thất bên trong khách sạn mang đến vẻ hiện đại tiện nghi nhưng cũng cổ điển tinh tế tạo cảm giác như đang bước vào cung điện trong truyện cổ. Đứng từ khách sạn, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn toàn cảnh biển xanh bao la, hay ngắm thành phố Dubai phía chân trời.

Atlantis The Palm có 1.539 phòng, mỗi phòng đều có 3 phòng ngủ, 3 phòng tắm, một bàn ăn 18 chỗ được dát vàng và ban công với tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra vịnh Ba Tư.

Đặc biệt, phòng Royal Bridge Suite ở khách sạn Atlantis The Palm chính là điểm nhấn của sự sang trọng vượt bậc, nơi mà ngôi sao Kim Kardashian và nhiều minh tinh hạng A từng ở với giá ngất ngưởng 30.000 USD/đêm. Căn phòng này nằm trải dài trong đoạn cầu trên đỉnh mái vòm ở tầng 22 nhìn ra toàn cảnh đảo Palm cũng như biển Ba Tư.

Phòng có diện tích lên đến 924 m2 với 3 phòng ngủ, 4 phòng tắm và nội thất vô cùng xa hoa hiện đại. Thậm chí, ngay cả xà phòng trong phòng tắm cũng được mạ bằng vàng 14K.

Dịch vụ đẳng cấp thế giới

Nằm trên quần đảo nhân tạo Palm hiện đại bậc nhất thế giới của thành phố Dubai giàu có, khách sạn Atlantis sẽ cung cấp cho bạn khu vực nghỉ dưỡng có bãi biển riêng. Tại đây, bạn cũng có cơ hội bơi lội cùng cá heo, tham quan công viên nước Aquaventure cũng như thủy cung Lost Chambers Aquarium.

Với hơn 65 ngàn loài động vật biển như: cá mập, rắn biển, cá voi, cá ngựa, sứa, cá piranha… và dung tích khoảng 11 triệu lít nước, Lost Chambers Aquarium xứng đáng là hồ cá lớn nhất ở Trung Đông. Du khách có thể đi dạo trong mê cung và đường hầm, ngắm nhìn những loài sinh vật biển thông qua các bức tường bằng kính trong suốt. Không chỉ vậy, bạn còn có thể lặn biển để trực tiếp khám phá các loại san hô.

Sự đa dạng là đặc tính tại Atlantis The Palm. Nơi đây có tới 16 nhà hàng phục vụ ẩm thực Ả Rập, châu Á, Mexico và quốc tế. Nghỉ tại Atlantis The Palm, bạn đừng quên khám phá những nhà hàng như Nobu - nơi từng được trao giải thưởng phục vụ ẩm thực hiện đại của Nhật Bản, hay Hakkasan - chuyên phục vụ các món ăn Quảng Đông chính thống.

Du khách có thể đi dạo trong mê cung và đường hầm, ngắm nhìn những loài sinh vật biển thông qua các bức tường bằng kính trong suốt. Không chỉ vậy, bạn còn có thể lặn biển để trực tiếp khám phá các loại san hô.

Quán Bread Street Kitchen Bar là lựa chọn hoàn hảo cho hội bạn thân với thực đơn đặc trưng của Anh và các loại đồ uống hấp dẫn từ Gordon Ramsay. Các đôi tình nhân có thể thưởng ngoạn quang cảnh tuyệt đẹp của The Palm và ngắm nhìn đường chân trời của thành phố Dubai trong khi thưởng thức hương vị ẩm thực Lebanon cùng với đồ uống thơm ngon tại Ayamna. Nếu muốn tìm một nhà hàng hiện đại cung cấp cả dịch vụ ăn uống lẫn hoạt động giải trí trong một khu vực thì Wavehouse chính là nơi dành cho bạn.

Còn khi muốn thư giãn, hãy ghé tới ShuiQi Spa, nơi có 27 phòng trị liệu, để tận hưởng liệu trình Maison D’asa Metamorphosis, một trong các liệu trình chăm sóc sức khỏe hoàn hảo.

Địa chỉ: Atlantis Dubai, Crescent Road, The Palm, Dubai, United Arab Emirates

Hotline: +971 4 426 2000

Website: https://www.atlantis.com/dubai

THỜI TRANG
BỘ
SƯU TẬP HERMÈS XUÂN HÈ 2023
Những sáng tạo mới nhất của nhà thiết kế Nadège Vanhée-Cybulski tiếp tục cuộc hành trình của Nàng thơ Hermès. Mùa Xuân Hè 2023 này, nàng dịch chuyển tới một vùng sa mạc với vẻ đẹp huyền ảo bởi những sắc độ ánh sáng biến đổi một cách mượt mà trên sân khấu.

Những bộ trang phục lần lượt hiện ra với bảng màu trải dài từ vàng đất, gỗ mun, tới beige cát, nâu Thar. Và tông màu hồng bình minh dành cho buổi sớm, như níu lại chút thú vị trước khi tan biến, mang đến sự ngọt ngào và trẻ trung cho các thiết kế Xuân Hè 2023 của Hermès. Xen lẫn trong những màu sắc mới mẻ là họa tiết 3D trên những bộ trang phục tạo điểm nhấn phong cách cho người mặc.

Trang phục của Nàng thơ Hermès mùa Xuân Hè 2023 như được may từ những vật dụng quen thuộc với những hành trình khám phá đầy ắp sự hứng khởi. Có thể kể đến những thiết kế như được may từ chính tấm lưới, chiếc võng hay chiếc màn chống muỗi trong các chuyến đi. Một số thiết kế mô phỏng lá cờ phấp phới bởi độ dài và khổ rộng của chất liệu, tung bay theo từng chuyển động của người mẫu trên sàn diễn.

Những món phụ kiện cho mùa Xuân Hè 2023 là sự hòa hợp hoàn hảo giữa các dấu ấn đặc trưng của Hermès, cùng sự sáng tạo trong thiết kế, mang đến những điều mới mẻ cho khách hàng trải nghiệm.

Sự đặc sắc trong các sản phẩm của Hermès đó là cảm hứng sáng tạo đến từ những điều rất quen thuộc. Với tay nghề của những nghệ nhân tài ba thao tác trên các chất liệu cao cấp nhất, Hermès luôn tự hào với những tạo tác của mình khi giới thiệu đến khách hàng. Đó cũng là điều giữ chân khách hàng trung thành cùng với thương hiệu qua nhiều năm, nhiều thế hệ.

Bài: DIỆU ANH
Audrey Hepburn vẫn được xem là biểu tượng của điện ảnh và thời trang không chỉ tại Hollywood mà trên toàn thế giới.
THỜI TRANG
Audrey Hepburn
Bài: DIỆU ANH
Audrey Hepburn vẫn được xem là biểu tượng của điện ảnh và thời trang không chỉ tại Hollywood mà trên toàn thế giới.

Nàng thơ của Breakfast at Tiffany’s

Một buổi sáng sớm ở New Yorks những năm 1960, cả thành phố vẫn đang chìm giấc mơ màng. Phố không một bóng người, một chiếc taxi màu vàng đỗ vội bên đường. Nàng thơ Holly Golightly bước xuống, ngay trước cửa hàng số 727 mang tên Tiffany’s. Nàng đứng quay lưng, mặc bộ váy satin đen quyến rũ, đôi găng tay đen dài, vòng cổ ngọc trai lấp lánh, tóc búi cao để lộ chiếc trâm cài diamante quý phái. Nàng đeo một chiếc kính mát mắt to đẳng cấp. Nàng từ từ tiến lại ô cửa kính, ngắm nhìn những món trang sức đắt đỏ phía trong cửa hàng. Vừa ngắm, nàng vừa nhẩn nha một chiếc bánh mì cùng ly cafe trên tay.

Khoảnh khắc này gói gọn trong vòng 2 phút nhưng nàng thơ Holly đã khiến cho tất cả phải nói và nghĩ về mình. Nàng mê hoặc người ta bởi cái nhìn đăm chiêu vời vợi, bởi thần thái thảnh thơi pha lẫn chút bất cần. Chiếc váy đen mà nàng mặc trong khoảnh khắc ấy bỗng chốc trở thành một trang phục mang tính biểu tượng của thời trang có tên là Little Black Dress (chiếc váy đen nhỏ).

Đó là phân cảnh đầu tiên của bộ phim nổi tiếng mang tên Breakfast at Tiffany’s (Điểm tâm ở Tiffany). Bộ phim hài lãng mạn đã trở thành một hiện tượng điện ảnh thời điểm đó.

Người ta nói rằng Breakfast at Tiffany’s như được viết ra cho nàng Holly và ngược lại, có Holly, Breakfast at Tiffany’s trở nên bất hủ. Người làm nên tất cả những điều tuyệt vời này là Audrey Hepburn.

Holly Golightly là một kiểu nhân vật “mixed” giữa sự đơn giản và phức tạp. “Đơn giản” là vì nàng nói quá nhiều, hướng ngoại và nhẹ dạ. “Phức tạp” bởi dễ tổn thương, nội tâm phong phú và có những bí mật của quá khứ. Holly bị ám ảnh bởi tự do, luôn cố trốn thoát khỏi những điều tốt đẹp mà những người đàn ông tử tế mang lại. Bù lại, nàng duyên đáng, đẹp đẽ một cách kỳ lạ, gu thời trang tuyệt diệu và đài các.

Audrey Hepburn đã hóa thân vào nhân vật Holly một cách hoàn hảo. Nhưng ít ai biết rằng, ban đầu, vai diễn nàng thơ Holly lại để dành riêng cho Marilyn Monroe, minh tinh màn bạc sáng chói nhất thời điểm đó. Tác giả tiểu thuyết Breakfast at Tiffany’s là Truman Capote đã tuyên bố rằng “Marilyn luôn là lựa chọn đầu tiên của tôi trong vai Holly Golightly”. Nhưng Marilyn đã từ chối sau khi nhận lời tư vấn của nhà đạo diễn – sản xuất lừng danh Lee Strasberg. Lý do là vào vai Holly, một cô gái phóng túng, lẳng lơ có thể làm xấu hình tượng Marilyn. Sau đó, Audrey Hepburn được chọn và phần còn lại đã là lịch sử.

Phân đoạn kinh điển của nàng thơ Holly trong Breakfast at Tiffany's

Với vai diễn Holly Golightly, Audrey Hepburn đã chạm tới đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Hơn 60 năm trôi qua, khán giả vẫn nhớ mãi hình ảnh Holly Golightly, trong ánh nắng chiều tà, ngồi thoải mái bên bậu cửa sổ, đầu cuốn khăn tắm, mặc quần áo ở nhà, gảy đàn guitar và hát Moon River.

Số phim mà Audrey Hepburn tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng chỉ cần vai Holly Golighly của Breakfast at Tiffany’s, Audrey đã tự nâng mình lên hàng minh tinh bậc nhất. Lối diễn xuất tinh tế, lôi cuốn như hóa thân trọn vẹn vào nhân vật đã giúp tên tuổi của Audrey Hepburn vụt sáng.

Ngoài diễn xuất, nhan sắc của Audrey Hepburn cũng là một trong những yếu tố giúp Breakfast at Tiffany’s thành công đến vậy. Nhiều năm sau, khán giả khi xem lại phim vẫn rung động trước vẻ đẹp kinh điển, đôi mắt quyến rũ đủ “hạ gục” bất cứ ai lỡ sa vào của Audrey.

Cũng sau “Breakfast at Tiffany’s”, cái tên Audrey Hepburn gần như phủ sóng trên các phương tiện truyền thông. Người hâm mộ lục lọi tất cả mọi thông tin về nữ minh tinh và tung hô như một biểu tượng của thời trang. Vai diễn cũng giúp người đẹp trở thành ngôi sao hạng A và dành chiến thắng ở các hạng mục quan trọng trong các kỳ liên hoan phim quốc tế uy tín như Oscar, Emmy, Grammy v.v…

Biểu tượng thời trang thế kỉ 20

Trở lại với biểu tượng Little Black Dress. Đó là sản phẩm được thiết kế bởi Hubert de Givenchy và với việc xuất hiện trong Breakfast at Tiffany’s, nó được xem là một trong những trang phục biểu tượng của thời trang thế kỉ 20. Chiếc váy đen nhỏ của Givenchy được thiết kế bằng vải satin Ý đẳng cấp. Nó không tay, dài thướt tha với áo trên vừa vặn nhấn mạnh ở lưng, họa tiết cắt xẻ cổ áo đặc biệt, chiếc váy tập trung nhẹ ở phần hông và cắt rộng xuống một bên đùi, đi cùng đôi găng tay đen dài xuống khuỷu tay. Chiếc áo trên nổi bật với chi tiết hở nhẹ ở phần lưng, lộ xương bả vai đầy quyến rũ và tinh tế.

Người thiết kế ra chiếc váy này không phải là Givenchy. Nó thuộc về các nhà thiết kế trong những năm 1920, và một trong số đó là Coco Chanel. Vào năm 1926, bà đã có một bản vẽ chiếc váy đen dài đến đầu gối trong crepe de Chine được xuất bản trên tạp chí Vogue Mỹ. Little Black Dress ra đời trở thành “vũ khí” tuyệt vời đem lại tự do và sự quyến rũ cho người phụ nữ, bất kể họ là ai, một tín đồ thời trang hay người bình thường.

Từ nguồn cảm hứng sẵn có ấy, Givenchy phát triển, phối kết hợp với những phụ kiện khác (kính, vòng cổ ngọc trai, trâm cài tóc…). Ông biến tất cả những thứ tưởng như đơn giản trở thành một siêu phẩm thời trang quyến rũ, đầy mê hoặc. Nó được thể hiện xuất sắc trên cơ thể và thần thái của Audrey Hepburn. Nói một cách khác, Audrey Hepburn và Givenchy đã đưa Little Black Dress lên một nấc cao mới trong lĩnh vực thời trang của thế kỉ 20.

“Thú thực, tôi không dám nghĩ chiếc váy mình mặc trong phim Breakfast at Tiffany’s lại trở thành một biểu tượng của thời trang. Tôi tìm thấy sự thoải mái, tự do khi mặc nó. Quan trọng hơn, tôi nghĩ nó hợp với mình khi vào vai Holly”, trích lời của Audrey Hepburn trong một lần trả lời họp báo năm 1971.

Trong rất nhiều năm, Audrey Hepburn vẫn được đánh giá là một biểu tượng thời trang đầy khác biệt. Chỉ cao 1,7 m với thân hình thanh mảnh, Audrey là người khởi xướng cho trào lưu ăn mặc thanh lịch với những thiết kế không cần phô trương đường cong.

Trong cuốn sách The Berg Companion to Fashion, nhà sử học thời trang Valerie Steele đã viết về chiếc váy đen mà Audrey Hepburn mặc trong Breakfast at Tiffany’s như thế này. “Nó là chiếc váy đen xuất sắc trong tất cả những chiếc váy đen nhỏ khác”. Sau này, trong cuộc đấu giá của Christie’s vào năm 2006, chiếc váy được trả 904.000 USD, chính thức trở thành trang phục phim đắt nhất mọi thời đại ở thời điểm đó.

Và những người phụ nữ, dù nổi tiếng hay bình thường, sẽ thầm cảm ơn Audrey Hepburn. Nhờ có Audrey, Little Black Dress đã trở thành một món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của bất cứ một quý cô nào. Đó là một biểu tượng, một nguồn cảm hứng của bất cứ xu hướng thời trang nào, xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai.

Ngoài diễn xuất, nhan sắc của Audrey Hepburn cũng là một trong những yếu tố giúp Breakfast at Tiffany’s thành công đến vậy.
Những điều chưa biết về Audrey Hepburn
1.
Audrey Hepburn từng là trợ lý nha sĩ trước khi được phát hiện và trở thành một diễn viên sáng giá nhất của thế kỷ 20. Vai diễn đầu tiên trên đất Mỹ của Hepburn trong vở kịch “Gigi” ở sân khấu Broadway là bước đệm để bà tiếp cận công chúng Mỹ và dần tạo dựng tiếng tăm ở kinh đô Hollywood.
2.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vanity Fair, con trai của Audrey Hepburn là Lucca Dotti từng chia sẻ mẹ anh không nghĩ mình đẹp. “Mẹ tôi nghĩ rằng bà có một chiếc mũi to, bàn chân cũng to nữa, thân hình thì gầy gò và ngực nhỏ. Mẹ tôi thường đứng trước gương và hỏi rằng “không hiểu sao mọi người lại nghĩ mẹ xinh đẹp nhỉ”?.
3.
Vào năm 1959, Audrey Hepburn là ngôi sao duy nhất được lấy tên mình đặt cho một con đường. Bà đã rất hạnh phúc vì điều này và khẳng định: “Đó là một ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”.
4.
Loại đá quý mà ngôi sao màn bạc Audrey Hepburn yêu thích không phải là kim cương mà là ngọc trai. Bà không thích những kim loại lạnh chạm vào da của mình nên Hepburn rất ghét đeo đồng hồ.

TIỂU SỬ

Audrey Hepburn (4/5/1929 – 20/1/1993) là một nữ diễn viên người Anh. Là biểu tượng của điện ảnh và thời trang, Hepburn hoạt động trong thời Hoàng kim của Hollywood. Bà xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử chiếu bóng Hoa Kỳ do Viện phim Mỹ bình chọn và được vinh danh tại Đại lộ Danh vọng Hollywood.

Sinh ra tại Ixelles, một quận của Brussels, Hepburn trưởng thành tại Bỉ, Anh và Hà Lan. Tại Amsterdam, bà theo học bộ môn kịch múa với Sonia Gaskell, trước khi chuyển đến London vào năm 1948 để tiếp tục chương trình luyện tập cùng Marie Rambert và hát bè tại các chương trình nhạc kịch West End.

Sau khi tham gia nhiều vai phụ trong các bộ phim, Hepburn được tiểu thuyết gia người Pháp Colette chú ý và sắm vai chính trong vở kịch Broadway Gigi (1951). Bà bứt phá bằng vai chính trong Roman Holiday (1953), đem lại cho bà giải Oscar, giải Quả cầu vàng và giải BAFTA. Cùng năm đó, Hepburn thắng giải Tony cho "Nữ diễn viên chính kịch xuất sắc nhất" với diễn xuất trong Ondine. Bà tiếp tục xuất hiện trong nhiều bộ phim thành công, như Sabrina (1954), The Nun's Story (1959), Breakfast at Tiffany's (1961), Charade (1963), My Fair Lady (1964) và Wait Until Dark (1967).

Hepburn sau đó ít tham gia diễn xuất mà cống hiến nhiều hơn cho UNICEF. Dù đóng góp cho tổ chức này từ năm 1954, bà chỉ mới làm việc tại những cộng đồng khó khăn nhất tại châu Phi, Nam Phi và châu Á giữa năm 1988 và năm 1992. Năm 1990, bà từng đến Việt Nam trong vai trò đại sứ của UNICEF. Bà được phong tặng Huân chương Tự do Tổng thống để ghi nhận đóng góp dưới cương vị của một Đại sứ Thiện chí của UNICEF vào tháng 12/1992. Một tháng sau, Hepburn qua đời vì căn bệnh ung thư ruột thừa tại nhà riêng ở Thụy Sĩ, hưởng thọ 63 tuổi.