Du lịch xa xỉ bùng nổ
thời hậu đại dịch
Du lịch xa xỉ bùng nổ
thời hậu đại dịch
Không còn là
"Điệp vụ bất khả thi"
Hành trình
không giới hạn
Giới siêu giàu
"ở ẩn" nơi đâu ?
Tiếng gọi hạnh phúc
trên màn bạc
Bài: Uyên Nguyễn
Hầu hết du khách giàu có chọn cabin độc quyền, khoang hạng nhất và khách sạn sang trọng trong các hành trình của họ. Chúng ta có thể nghĩ, chỉ những người trưởng thành mới đòi hỏi những trải nghiệm cao cấp, mang tính cá nhân và khác biệt, nhưng ngay cả các bạn trẻ cũng sẵn sàng chi trả cho những thứ tương tự. Vượt khỏi du lịch đại chúng và những nơi lưu trú thông thường, ngành công nghiệp không khói đang phát triển rất mạnh mẽ ở phân khúc xa xỉ.

Có một điều chắc chắn, du lịch xa xỉ đang bùng nổ. Theo dự báo của công ty nghiên cứu Research Dive, trong giai đoạn 2022 - 2028, thị trường du lịch xa xỉ dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ gộp 8,8%, vào thời điểm nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ bị tình trạng lạm phát đình trệ chi phối - một sự kết hợp tồi tệ giữa lạm phát và tăng trưởng chậm.

Giới siêu giàu, nhóm khách hàng thống trị phân khúc cao cấp nhất của ngành du lịch, đã kiếm được nhiều tiền hơn trong giai đoạn đại dịch, nhờ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu lên cao khiến tài sản của giới siêu giàu cũng theo đó mà tăng lên. Dĩ nhiên, điều này hoàn toàn có lợi cho ngành du lịch nói chung, đang bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển ổn định trở lại.

Muôn vàn lý do dể lên đường

Với nhóm người này, chỉ sự tò mò muốn nếm thử một món ăn đặc biệt cũng đủ để họ bước chân lên máy bay mà không cần nghĩ ngợi nhiều. Mặc dù giờ đây, việc trải nghiệm nhiều nền văn hóa và ẩm thực khác nhau ngay trong một đô thị lớn là rất dễ dàng, nhưng việc đến tận nơi vẫn mang lại những cảm giác đặc biệt, không thể thay thế, qua đó, khiến du lịch trở nên vô cùng quan trọng.

Giới siêu giàu, nhóm khách hàng thống trị phân khúc cao cấp nhất của ngành du lịch, đã kiếm được nhiều tiền hơn trong giai đoạn đại dịch, nhờ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.

Sau đại dịch, những chuyến đi của giới siêu giàu thường kéo dài hơn. Có lẽ vì họ đã cảm nhận được sự mong manh của cuộc sống, và muốn khám phá, muốn tận hưởng nhiều hơn “trước khi quá muộn”. Họ cũng muốn tụ tập nhiều hơn với gia đình lớn và bạn bè, ở một nơi biệt lập nào đó, đó cũng là lý do các hòn đảo xa xôi, chuyên cơ riêng và du thuyền cá nhân thường xuyên kín khách. “Giữa thời đại dịch cho tới tận bây giờ, một chiếc du thuyền tuyệt đẹp trong một vịnh nhỏ hẻo lánh chính là định nghĩa của sự sang trọng”, George Morgan-Grenville, nhà sáng lập công ty du lịch Red Savannah cho biết.

Chất lượng dịch vụ ở mức cao cấp nhất, những điểm đến an toàn nhất, những hành trình riêng tư nhất. Đó cũng là những tiêu chuẩn cốt lõi của du lịch xa xỉ thời nay.

Ông cũng tin rằng, du lịch xa xỉ sẽ dẫn đầu xu hướng hậu đại dịch. Bởi đơn giản, nó đáp ứng các nhu cầu cao nhất về an toàn, khám phá, tận hưởng, những kỳ vọng về hạnh phúc và phát triển bản thân, đồng thời, mang đến cơ hội mở ra sự phát triển bền vững, hướng tới cộng đồng cư dân bản địa ở những điểm đến xa xôi, sự tương tác tốt hơn giữa người với người.

“Sứ mệnh của chúng tôi vẫn trước sau như một, là mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, sống động, giúp họ có góc nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống, nhất là khi đại dịch đã gần như ở sau lưng. Chúng sẽ còn trở nên thấm thía hơn nhiều với những khách hàng ít hoặc chưa có cơ hội để trân trọng cuộc sống, để thấy cuộc sống vẫn còn nhiều thứ quan trọng không kém việc làm giàu. Dĩ nhiên, về cơ bản, chúng tôi vẫn cung cấp những lựa chọn để “trốn thoát” khỏi đời thực trong một quãng thời gian nhất định, để khi trở lại, khách hàng cảm thấy thoải mái hơn, vui vẻ hơn, khỏe khoắn và giàu năng lượng hơn. Điều quan trọng là chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ ở mức cao cấp nhất, những điểm đến an toàn nhất, những hành trình riêng tư nhất. Đó cũng là những tiêu chuẩn cốt lõi của du lịch xa xỉ thời nay”, George Morgan-Grenville khẳng định.

Thế nào là du lịch xa xỉ?

Tùy theo văn hóa, xã hội và tình hình kinh tế của từng quốc gia, từng vùng đất, nhận thức về xa xỉ của du khách không hề giống nhau. Thậm chí, càng tiếp xúc nhiều với du khách quốc tế, chúng ta sẽ thấy, sự khác biệt là cực kỳ lớn.

Có những thứ với người này là bình thường, với người khác lại là xa xỉ. Tuy nhiên, có một khái niệm được thống nhất trong số đông, rằng du lịch xa xỉ là những chuyến đi không căng thẳng, không vội vàng, riêng tư và thư giãn, được chăm sóc, được tận hưởng những trải nghiệm độc đáo và phong phú vượt khỏi nhu cầu, mong muốn lúc ban đầu.

Còn theo các chuyên gia, du lịch xa xỉ đồng nghĩa với thoải mái và chất lượng, hành trình phải được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết để không xuất hiện những yếu tố bất tiện, du khách phải được chăm sóc và chiều chuộng tối đa. Du lịch xa xỉ đòi hỏi mức độ dịch vụ rất cao, và không phải công ty lữ hành nào cũng đủ khả năng cung cấp.

Một phần rất quan trọng khác của trải nghiệm sang trọng, là làm cho hành trình trở nên độc đáo, khác biệt, thậm chí là duy nhất. Điều này phù hợp với nhu cầu chung của nhóm khách hàng siêu giàu: Sở thích, thói quen được cá nhân hóa, chất lượng của nơi lưu trú, của phương tiện di chuyển luôn phải là thượng hạng. Có thể đó là khách sạn sang trọng với lối kiến trúc cổ điển phương Tây cầu kỳ, cũng có thể là một căn bungalow đầy đủ tiện nghi với tầm nhìn vô cực về phía biển cả, với đầu bếp và đội phục vụ chuẩn 5 sao túc trực bên ngoài. Cũng có thể là nhà hàng từng nhận sao Michelin với không gian hoàn toàn riêng tư. Một du khách siêu giàu sẽ tìm kiếm trải nghiệm được cá nhân hóa ở mọi khía cạnh.

Hầu hết các nhà thiết kế, điều hành, tư vấn tour tuyến sẽ xếp một chuyến đi vào loại xa xỉ với ngân sách tối thiểu 1.000 USD/khách/ngày, nhưng ai cũng hiểu, không thể đưa ra một con số xác định. Điều này thực sự phụ thuộc vào nhu cầu, ý tưởng của khách hàng, phụ thuộc cả vào điểm đến cùng cơ sở vật chất ở đó, chưa kể nhiều yếu tố khác.

Khái niệm du lịch xa xỉ đã thay đổi rất nhiều trong vài thập niên trở lại đây và ngày càng mở rộng so với định nghĩa xa xỉ kiểu cổ điển. Không chỉ là hưởng thụ theo kiểu xa hoa, sử dụng trang thiết bị/đồ đạc đắt tiền, mà xa xỉ còn là được tự do hành động, bảo vệ quyền riêng tư, cung cấp những giá trị gia tăng khác biệt, sử dụng dịch vụ của các công ty chuyên nghiệp nhất, trải nghiệm được tối ưu hóa theo nhu cầu.

Dù ai cũng có thể lên kế hoạch cho một hành trình xa xỉ vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời, miễn là họ đáp ứng được hai yếu tố thời gian và tiền bạc, thì du khách sang trọng vẫn được chia thành nhiều nhóm khác nhau.

Những người chỉ đơn giản kiếm tìm sự thoải mái, sẽ dễ dàng hài lòng với những trải nghiệm độc đáo. Họ không có nhu cầu khám phá nhiều hơn.

Nhóm chiến binh - những người thích tranh đấu và sẵn sàng dành cả cuộc đời để tranh đấu, coi du lịch xa xỉ như một bằng chứng của sự thành công. Họ sẽ thích tìm kiếm và chinh phục những vùng đất mới, thích kiểu mạo hiểm (nhưng vẫn đòi hỏi công tác chuẩn bị và tiện nghi thật hoàn hảo). Nhóm duy mỹ lại rất cầu kỳ về khung cảnh của điểm đến, thiết kế, kiến trúc của nơi lưu trú, chưa kể sẽ rất tỉ mỉ về chất lượng dịch vụ.

Họ hết sức coi trọng ẩm thực. Từ đồ ăn hè phố tới các nhà hàng nhận sao Michelin, ẩm thực phải luôn làm họ cảm thấy hài lòng.

Du khách hạng sang có những điểm chung gì?

Họ tìm kiếm trải nghiệm đích thực phù hợp với quốc gia, vùng đất họ viếng thăm. Đặc biệt là các hoạt động thể hiện bản sắc của địa phương, giúp họ cảm thấy mình đã thực sự hòa nhập, trở thành một phần của nền văn hóa bản địa.

Họ cũng đòi hỏi dịch vụ 24/7, mọi du khách giàu có đều muốn được hỗ trợ mọi nơi, mọi lúc, bất kể ngày đêm. Dĩ nhiên, môi trường lưu trú của họ thường phải tao nhã, sang trọng và đầy đủ tiện nghi. Những người thuộc nhóm siêu giàu, siêu quyền lực thậm chí còn yêu cầu được đặt chân vào những nơi ít khi mở cửa cho đám đông, hoặc những danh thắng nổi tiếng, nhưng chỉ một mình. Sự khác biệt, độc đáo và riêng tư là vô cùng quan trọng.

Họ cũng có ý thức bảo vệ môi trường rất rõ ràng, luôn đề cao sự hài hòa giữa cảnh quan đô thị và thiên nhiên. Họ cũng không muốn dấn thân vào những hành trình căng thẳng. Kể cả mạo hiểm đi chăng nữa cũng phải thong thả, thư giãn và có thời gian dành riêng cho bản thân. Họ luôn đánh giá rất cao những nhà cung cấp dịch vụ nào có phản ứng nhạy bén với các vấn đề phát sinh và lập tức đưa ra phương án giải quyết hiệu quả.

Họ hết sức coi trọng ẩm thực. Từ đồ ăn hè phố tới các nhà hàng nhận sao Michelin, ẩm thực phải luôn làm họ cảm thấy hài lòng. Không ít người sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng cư dân bản địa ngay trong chuyến đi của mình bằng những việc làm thiết thực. Qua đó, họ cũng học hỏi được những kiến thức mới mẻ và hữu ích.

Họ gần như ngắt kết nối với công việc, những mối bận tâm thường nhật, và họ cũng cần nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo điều này. Họ muốn được đến những nơi họ cảm thấy đặc biệt, có thể gắn với người thân, hoặc những dịp trọng đại, tạo cảm giác độc đáo, có sự liên kết nhất định. Ngoài ra, sức khỏe, sự thoải mái, thư giãn trong cả chuyến đi là vô cùng quan trọng, vì thế, họ luôn cần những khu spa ở đẳng cấp thượng hạng. Còn về vấn đề shopping, ngoài các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, họ cũng hết sức quan tâm đến các thương hiệu bản địa thực sự độc đáo, và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn tại những địa điểm mua sắm độc đáo, khác biệt.

Họ cần các nhà thiết kế, điều hành tour tìm hiểu họ tới “chân tơ kẽ tóc” để tạo ra những chuyến đi độc nhất vô nhị, phù hợp với mong muốn, sở thích và ước mơ của bản thân. Đó là mối quan hệ gắn kết lâu dài, có sự tin tưởng giữa hai bên gần như tuyệt đối. Sự dồn nén về nhu cầu du lịch suốt thời gian đại dịch sẽ thúc đẩy sự bùng nổ lượng du khách siêu giàu này trong quãng thời gian sắp tới là điều chắc chắn xảy ra.

KHÔNG CÒN LÀ
“ĐIỆP VỤ BẤT KHẢ THI”
Bài: PHI TUYẾT
Bất kể là tổ chức một bữa tối hai thực khách do bếp trưởng từng nhận sao Michelin đảm trách với mức giá 300.000 USD, hay dựng cả một khu cắm trại sang trọng ở vùng thảo nguyên phía Bắc sa mạc Sahara, các đại lý du lịch siêu xa xỉ và dịch vụ hỗ trợ đặc biệt ngày nay đều có khả năng thực hiện những nhiệm vụ được coi là bất khả thi.

Dịp hè vừa qua, Element Lifestyle, một công ty chuyên thực hiện những yêu cầu vào loại “khó nhằn” nhất đã giúp nhóm du khách 6 người Mỹ có thể vào thưởng thức những bức bích họa đẹp tuyệt vời tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican trong vài tiếng đồng hồ mà không bị ai quấy rầy. Số tiền phải chi trả cho trải nghiệm này lên tới 75.000 USD nhưng hoàn toàn xứng đáng. Bởi đó là nơi những danh họa tên tuổi nhất thời kỳ Phục hưng đã cùng nhau phóng bút lên tường, như Michelangelo, Botticelli hay Perugino. Chưa kể, Nhà nguyện Sistine còn được xem là thánh địa của Công giáo, nơi diễn ra các Mật nghị Hồng y để bầu chọn ra Giáo hoàng mới.

Hay như trên một chuyến bay từ New York tới Seoul, các nhân viên của Remote Lands đã giúp một gia đình 4 người Mỹ gốc Hàn mua trọn 12 ghế trong khoang hạng nhất - với mức giá 20.000 USD/ghế để tận hưởng sự riêng tư. Chuyện này vốn rất khó xảy ra, nhưng rõ ràng, không có gì là không thể.

Khi một cặp vợ chồng quên xin visa vào Myanmar cho cô con gái rượu, nhân viên khu vực của công ty du lịch nổi tiếng từng giành nhiều giải thưởng Red Savannah đã thuyết phục được người đứng đầu bộ phận có liên quan ở Yangon chấp thuận các mẫu đơn trong khi khách hàng đang trên đường ra sân bay. Và khi máy bay hạ cánh, visa cho khách hàng “nhí” đã sẵn sàng.

Tại Iceland, các chuyên gia về lĩnh vực du lịch mạo hiểm của công ty Black Tomato đã biến lời cầu hôn trong mơ thành hiện thực bằng cách giấu một chiếc nhẫn kim cương bên trong một hang động băng và sắp xếp để cô dâu tìm thấy nó theo cách không thể tình cờ hơn.

Trong một nhiệm vụ khác, Black Tomato đã mời một nhà làm phim Hollywood, người đã từng quay các tác phẩm bom tấn như Star Wars và Interstellar, chỉ để ghi lại hành trình đi thuyền kéo dài 6 tuần qua các hòn đảo của Indonesia của một gia đình tỉ phú. Tổng chi phí cho “bộ phim” phiêu lưu này là 665.000 USD.

“Từ độc đáo xưa nay vẫn được dùng theo nghĩa khá rộng. Thế nào là độc đáo, thật khó định nghĩa. Nhưng ở đây, chắc chắn là độc đáo, vì chính khách hàng đã nghĩ ra, đã dựng lên chỗ ở cho mình”.

Riêng tư, độc đáo và nhập vai

Về mặt lý thuyết, du khách siêu giàu đủ khả năng để đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì họ muốn, Tuy nhiên, trên thực tế, họ vẫn phải dựa vào những công ty du lịch sở hữu đội ngũ chuyên gia có năng lực mạnh mẽ, mối quan hệ phức tạp, giàu khả năng thích ứng và sáng tạo để biến giấc mơ thành hiện thực.

Tom Marchant, đồng sáng lập của Black Tomato, cho biết: “Lý do duy nhất khiến mọi việc có thể diễn ra theo đúng kế hoạch, là chúng tôi có mạng lưới nhân sự tuyệt vời rải khắp thế giới, những người hiểu rõ chúng tôi, hiểu rõ khách hàng của chúng tôi và những loại trải nghiệm mà chúng tôi có thể cung cấp”.

Một số người có thể bước vào căn phòng khách sạn và thấy một giỏ trái cây, hoặc một chai vang đúng sở thích và rất khó tìm thấy trên thị trường. Nhưng cũng có người khác bước vào phòng và nhìn thấy ba con chim cánh cụt đang giương mắt lên, được mượn về từ vườn bách thú. Đó cũng là cách mà Michael Albanese, người sáng lập Element Lifestyle gây bất ngờ cho một khách hàng, khi được nghe kể rằng bạn gái anh ta có tình yêu đặc biệt với chim cánh cụt.

“Nghe đến thế, trong đầu tôi đã nảy sinh ý tưởng, rằng mình có thể thuê được chim cánh cụt sống không? Có thể mang vào khách sạn không? Xong chuyện với khách là tôi tìm ngay số điện thoại của vườn bách thú, đồng thời, cho người chạy đi thương thảo với bên khách sạn. Không quá khó khăn, nhưng cũng không hề dễ dàng. Tổng cộng có ba con cánh cụt, một con hơi dữ tợn được xếp đứng trong cùng, gần tường. Khỏi phải nói, dịp cuối tuần của họ đúng là trên cả tuyệt vời”.

Michael Albanese chuyên làm việc với những khách hàng sẵn sàng chi khoảng 100.000 - 200.000 USD trở lên cho mỗi chuyến đi kéo dài hai tuần. Anh nổi tiếng vì đã thiết kế những cuộc săn tìm kho báu ở châu Âu cho các gia đình và nhóm bạn bè, đồng thời, mời được một ca sĩ nổi tiếng viết và trình diễn một ca khúc dành riêng cho một khách VIP.

Không chỉ vậy, anh còn sắp xếp cả một bữa tối riêng tư với 8 món “signature” do đích thân đầu bếp Éric Ripert đảm trách. Đây cũng được xem là một nhiệm vụ bất khả thi, bởi Éric Ripert nổi tiếng là người nguyên tắc, chưa kể đến việc ông là bếp trưởng của Le Bernadin, nhà hàng nhận ba sao Michelin nức tiếng ở New York City.

Theo Michael Albanese, khách hàng của anh sẵn sàng đưa ra những đòi hỏi vào loại không thể thực hiện được với các công ty du lịch thông thường. Họ không ngần ngại tiêu tiền, nhưng đòi hỏi những giá trị xứng đáng. Và họ cũng sẵn sàng chờ đợi, vì biết rằng mong muốn của mình đôi khi cần rất nhiều thời gian và công sức để được thỏa mãn. Như trường hợp của Éric Ripert chẳng hạn, Michael Albanese đã phải bỏ ra đến 9 tháng để thuyết phục vị bếp trưởng khó tính này tham gia một sự kiện như vậy, với mức chi phí “không thể tiết lộ” cùng rất nhiều yêu cầu vào loại “hiểm hóc” không thua gì các khách hàng siêu giàu của anh.

"Thậm chí, đó không phải một cột mốc quan trọng như sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới. Đơn giản là vợ của khách hàng mê mẩn tài nấu ăn của Éric Ripert, và đó chính là bữa tối trong mơ. Chúng tôi cũng mời cả một chuyên gia rượu vang thuộc nhà hàng The French Laundry để gợi ý rượu vang, và anh ấy đưa ra một chai vô cùng quý hiếm, tìm thấy trên một con tàu đắm từ trước thế kỷ 19. Tổng chi phí cho bữa tối đó khoảng 300.000 USD, nhưng tất cả đều cảm thấy vô cùng hài lòng”, Michael Albanese nhớ lại.

Nhu cầu không giới hạn

Ở Black Tomato, những hành trình càng mang tính cá nhân và càng sáng tạo càng được hoan nghênh nhiệt liệt. Năm ngoái, công ty này tiếp một khách hàng là nhà từ thiện nổi tiếng người Canada, người đã thăm viếng cả 7 kỳ quan của thế giới hiện đại, chưa kể cả trăm địa danh nổi tiếng ở mọi nơi trên thế giới.

Hành trình của ông ta bắt đầu bằng buổi lặn biển giữa các mảng kiến tạo (một phần của lớp vỏ trái đất) ở Iceland, tiếp theo là vài ngày liên tục lặn và chơi đùa với cá mập trắng ở Cape Town (Nam Phi), cùng một nhà sinh vật biển hàng đầu thế giới. Ở Ấn Độ, ông ta dạy tiếng Anh trong một trường trung học ở khu ổ chuột, rồi sang Bắc Kinh một mình thăm viếng Tử Cấm Thành vào cuối ngày, sau khi du khách bình thường đã ra về hết.

Nhưng điểm nhấn quan trọng nhất là chuyến ghé thăm Hiroshima (Nhật Bản). Lúc còn trẻ, nhà từ thiện có đọc cuốn hồi ký của của một người sống sót sau vụ ném bom hạt nhân xuống thành phố này, và câu chuyện đó đã ảnh hưởng rất lớn đến triết lý sống của ông ta. Các chuyên gia của Black Tomato đã tìm ra tác giả cuốn sách, và sắp xếp một bữa ăn tối riêng cho hai người.

Tom Marchant cho biết thêm: “Loại trải nghiệm mang tính cá nhân rất cao đó chính là thứ tạo nên một chuyến đi không thể nào quên. Tôi nghĩ nó là một biểu hiện của những gì được xem là xa xỉ trong thời đại này: Giúp khách hàng thể hiện tư duy và quan điểm của họ”.

Ngoài cá nhân hóa, khách hàng dạng “siêu VIP” cũng hết sức coi trọng tính độc quyền. Cho nên, Black Tomatot còn cung cấp cả dịch vụ mang tên Blink - tạo ra những nơi lưu trú dựa theo ý tưởng và thiết kế của khách hàng. “Từ độc đáo xưa nay vẫn được dùng theo nghĩa khá rộng. Thế nào là độc đáo, thật khó định nghĩa. Nhưng ở đây, chắc chắn là độc đáo, vì chính khách hàng đã nghĩ ra, đã dựng lên chỗ ở cho mình”.

Từ số lượng sợi trên tấm ga trải giường đến độ trong suốt của trần nhà, màu sắc của các bức tường, loại gỗ dùng để đóng bàn ghế, kích thước của ô cửa sổ hay chiếc TV, khách du lịch có thể tự mình thiết kế một nơi nghỉ dưỡng hoàn hảo. Như là những lều trại trị giá 100.000 USD ở sâu trong vùng núi phía Nam New Zealand, chỉ có thể tiếp cận bằng máy bay trực thăng, hay những căn nhà “dã chiến” sang trọng và đầy đủ tiện nghi ở giữa Thung lũng thiêng thuộc Peru. Khách hàng đến đây bằng xe lửa băng qua thung lũng, rất ngạc nhiên khi được đón chào bằng pháo hoa. Tổng chi phí cho cả chuyến đi là 1,4 triệu USD.

“Những nơi lưu trú như vậy lại còn nằm ở nơi chốn xa xôi, hẻo lánh trên thế giới, nơi cuộc sống của con người không hiện diện. Vì thế, khách hàng của chúng tôi cơ bản là những người đầu tiên qua đêm ở đó. Ngắm bình minh, hoàng hôn, những cơn mưa nhiệt đới từ trên giường ngủ theo cách hoàn toàn khác biệt, hiển nhiên, chỉ rất ít người có thể hưởng thụ trải nghiệm đó”, Tom Marchant tự hào khẳng định.

Tiếp cận và hỗ trợ

Theo Catherine, đồng sáng lập kiêm CEO của Remote Lands, hậu cần là một yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra những hành trình sang trọng. “Trên thực tế, những du khách “siêu VIP” lại càng cần đến sự hỗ trợ ở mức độ cao”, cô nói. “Họ muốn đảm bảo hành trình của mình phải được an toàn tuyệt đối, chu đáo tuyệt đối và biết chắc mình đang làm việc với những người có thể đáp ứng những nhu cầu này, bất kể chi phí ra sao”.

Cô cũng kể lại một chuyến đi đặc biệt vào mùa hè này, khi hai triệu phú muốn thăm hồ Baikal trong một ngày. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất, sâu nhất, trong nhất và lâu đời nhất, chiếm 23% trữ lượng nước ngọt trên toàn cầu. Nhưng nó nằm ở Siberia, vùng đất có khí hậu khắc nghiệt cũng vào loại nhất thế giới.

Dự kiến hai vị khách này bay chuyên cơ từ Mông Cổ tới sân bay Baikal, rồi đi trực thăng tới đảo Olkhon nằm giữa hồ Baikal, trò chuyện với một ngư dân lão luyện. Mọi thứ gần như phụ thuộc vào thời tiết, nếu không suôn sẻ, có thể họ không thể hạ cánh, hoặc phải ở lại vài đêm trên đảo Olkhon. Sau rất nhiều nỗ lực (bao gồm cả tham vấn các nhà khí tượng học hàng đầu), cuối cùng, các chuyến bay đều đến đúng giờ, đúng chỗ và họ đã được tận hưởng “ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời”, và thoải mái nằm duỗi dài trên chiếc giường ấm áp tại khách sạn Shangri-La Ulaanbaatar vào lúc nửa đêm. Nhiệm vụ đã hoàn thành.

“Phải hoạt động lâu năm ở cấp cao nhất trong ngành công nghiệp du lịch, có kiến thức chuyên sâu, những mối quan hệ đa dạng và đáng tin cậy, mới có thể thỏa mãn những nhu cầu ngày càng phức tạp, ngày càng cầu kỳ của khách hàng siêu giàu. Quan trọng nhất vẫn là tìm đúng người, mọi thứ đều có thể được xử lý”, Catherine Heald kết luận.

HÀNH TRÌNH KHÔNG
GIỚI HẠN
Bài: Lôi Phong
Có một sự thật hiển nhiên, là tiền không thể mua được những thứ trừu tượng như tình yêu hay hạnh phúc, nhưng nó vẫn có thể mua được vô vàn thứ khác. Một trong số đó là những hành trình khác biệt, mang nhiều tính chất mạo hiểm, ở những địa điểm mà rất ít người có thể đặt chân tới, thậm chí là không đủ khả năng chi trả ngay cả khoản đặt cọc…

Có một vấn đề giới siêu giàu thường xuyên phải đối mặt, đó là sự buồn chán. Họ có thể đến bất cứ địa danh nổi tiếng nào, lưu trú tại bất cứ khách sạn hay resort xa xỉ nào, du ngoạn trên bất cứ du thuyền đắt đỏ nào. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Họ có khát khao làm những thứ khác biệt, thậm chí là điên rồ, và nguồn tiền vô tận của họ đủ cho phép họ thực hiện những chuyến đi thậm chí chỉ nằm trong tưởng tượng của hầu hết chúng ta.

WealthX, công ty dữ liệu chuyên thu thập thông tin về các cá nhân giàu có, lưu ý: “Khi bạn cung cấp được những dịch vụ độc đáo, khác biệt và không thể dễ dàng tiếp cận, bạn sẽ thu hút được những cá nhân ‘có giá trị ròng cao” và ‘có giá trị ròng cực cao’ (high net worth & ultra high net worth individual – HNW & UHNW) trở thành khách hàng”. Danh mục HNW gồm những người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD đến 29 triệu USD, và trên 30 triệu USD thì thuộc nhóm UHNW.

Theo Matthew Robertson, người sáng lập Momentum Adventure, thì du lịch mạo hiểm xa xỉ là dạng trải nghiệm chỉ có một lần trong đời. Ngoài việc đắt đỏ - chi phí cho một cá nhân có thể lên đến hơn 1 triệu USD - đôi khi, nó cũng rất nguy hiểm, đòi hỏi thể lực, kinh nghiệm và cả sự chuẩn bị chu đáo từ đơn vị cung cấp dịch vụ. Nhiều khách hàng thuộc nhóm UHNW đã tìm đến Momentum Adventure sau khi các đại lý du lịch thông thường không còn thỏa mãn được nhu cầu của họ nữa. Danh mục những hoạt động mạo hiểm được ưa thích của đại lý này bao gồm đi tàu ngầm khám phá đại dương, hòa mình vào văn hóa bản địa ở những khu vực hẻo lánh, chinh phục các nóc nhà thế giới, sinh tồn và trải nghiệm các loại động vật trong thiên nhiên hoang dã.

Momentum Adventure có thể mời nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau về cộng tác, như huấn luyện viên leo núi, cựu cảnh sát đặc nhiệm, đầu bếp ở nhà hàng 5 sao, những người dẫn đường bản lĩnh nhất - tất cả chỉ để tạo ra những tour mạo hiểm vừa đặc sắc nhưng lại vừa an toàn ở mức tối đa. Thời gian xây dựng đội ngũ “cộng tác viên” đặc biệt trên toàn cầu này lên đến 30 năm, nhưng xứng đáng đến từng phút, từng xu bỏ ra.

Một trong những tour nổi tiếng nhất và cũng kén khách nhất của Momentum Adventure là đi tàu ngầm cá nhân thăm viếng ngọn núi lửa nằm sâu dưới đáy Đại Tây Dương cùng một tàu ngầm Đức bị đánh chìm năm 1942 nằm gần đó, còn giữ nguyên hiện trạng. Độ sâu của tour này là gần 700 mét, còn tầu ngầm công ty sử dụng là Triton, có giá thấp nhất 5,8 triệu USD. Cho mỗi mức độ sâu của đại dương, khách hàng phải trả thêm 100.000 USD nhưng có vẻ ít người quan tâm đến con số này. Ai cũng muốn xuống tới điểm sâu nhất và Triton có thể đạt được.

Còn trên đất liền, Momentum Adventure cũng có một tour không kém phần xuất sắc, nhưng mức giá cũng vào loại hiếm người chi trả nổi: 1,2 triệu USD. Công ty sẽ đăng ký cho khách hàng tham gia cuộc đua xe huyền thoại Dakar Rally (từ Paris tớ Dakar thuộc Senegal) với chặng đường gian nan nhất là băng qua sa mạc Sahara. Chiếc xe “hàng thửa” dành cho khách hàng sẽ là Land Rover Defender 4 x 4 được công ty xe đua Bowler “độ’ lại, có thể chịu đựng thời tiết khắc nghiệt ở châu Phi cũng như các dạng địa hình vào loại “khó nhằn” nhất. Mọi hoạt động đi lại, ăn ở, huấn luyện, quản lý và hậu cần đều do Momentum Adventure đảm trách, nhiệm vụ duy nhất của khách hàng chỉ là ngồi sau tay lái và hoàn thành từng chặng đua - cho tới khi về đích.

Matthew Robertson cho biết: “Khi tiếp xúc với khách hàng lần đầu, họ thường không có ý tưởng cụ thể, chỉ mong được mở rộng tầm nhìn, mở rộng tri thức, tìm kiếm những thứ khác biệt. Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp những trải nghiệm đích thực, giàu cảm hứng - chính là những chuyến phiêu lưu được cá nhân hóa, đôi khi chỉ diễn ra một lần trong cuộc đời họ”.

Dưới đây là danh sách những tour mạo hiểm được quan tâm nhiều nhất hiện nay, tổng hợp từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ này.

Chinh phục đỉnh K2

Thuộc dãy Karakoram, cao 8.611 mét, K2 là đỉnh núi cao thứ nhì thế giới, nằm ở khu vực biên giới Trung Quốc - Pakistan. Hiển nhiên, đứng trên đỉnh K2 hẳn là một thứ cảm xúc lẫn lộn: tự hào, hồi hộp, phấn khích, thỏa mãn. Có nhiều hãng du lịch sẵn sàng cung cấp các tour leo đỉnh K2 trọn gói, tất cả đều từ bên phía Pakistan. Những thứ du khách cần là lều trại với đầy đủ tiện nghi, đội dẫn đường và hậu cần chuyên nghiệp, khẩu phần ăn ngon lành và đầy đủ dinh dưỡng. Giá cả có thể dao động tùy công ty, chất lượng dịch vụ nhưng 22.000 USD là mức chi phí tối thiểu để chinh phục đỉnh K2. Không ai tiếc tiền để đảm bảo cho sự an toàn của bản thân, vì thế, con số thực tế sẽ phải cao hơn nhiều.

22.000 USD

Chinh phục đỉnh Everest

Nếu đã leo tới đỉnh K2, rất khó cưỡng lại khát khao chinh phục nốt mục tiêu còn lại - nơi được mệnh danh là nóc nhà của thế giới. Nằm trên dãy Himalaya thuộc Nepal, đỉnh Everest là “chén thánh” dành cho những người mê leo núi, trên toàn cầu. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại trên đường lên, nhưng cũng có những thành công được lịch sử ghi nhận. Giờ đây, những khách hàng của tour Everest sẽ phải trải qua quá trình luyện tập khắc nghiệt do các chuyên gia hàng đầu đảm trách, việc lập trại, chuẩn bị trang thiết bị cũng như công tác hậu cần cũng đều thuộc về những người lão luyện nhất thực hiện. Nếu bạn được chứng nhận có đầy đủ sức khỏe, nếu bạn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để tham gia chuyến phiêu lưu mang tính biểu tượng này, thì còn đợi gì nữa. Tối thiểu 64.000 USD để bạn có thể trở thành một trong rất ít người đứng ở nơi cao nhất trên Trái đất này.

64.000 USD

Du ngoạn Nam Cực

Có thể coi đây là biên giới cuối cùng trên Trái đất, nơi sinh sống của loài chim cánh cụt, nơi có những dòng sông băng đẹp tuyệt vời. Hiển nhiên, rất ít du khách nghĩ đến địa danh này, nên Nam Cực chỉ là nơi thường xuyên lui tới của giới khoa học và quân sự. Tuy nhiên, đây là một chuyến đi vô cùng đáng giá cho bất cứ ai muốn ghé thăm, bởi họ sẽ được nếm trải cảm giác sinh tồn ở nơi thiên nhiên khắc nghiệt nhất, ánh sáng ban ngày 24h, cực quang. Tuy nhiên, khi trở về, đó sẽ là một câu chuyện tuyệt vời để kể với người thân và bạn bè bên bàn ăn, hay những bức ảnh độc nhất vô nhị trên mạng xã hội. Một chuyến đi vòng quanh thế giới bằng du thuyền xa xỉ có giá 44.000 USD, nhưng chắc chắn vẫn sẽ có người chọn cái lạnh giá của Nam Cực.

46.000 USD

Bay vào vũ trụ

Nhân loại đã có những bước tiến dài kể từ chuyến bay vũ trụ đầu tiên vào cuối thập niên 1950. 15 triệu USD hiển nhiên là số tiền khổng lồ, nhưng đó cũng là nơi chỉ rất, rất ít người trong lịch sử từng hiện diện. Nam Cực có thể là biên giới cuối cùng trên hành tinh xanh, nhưng không gian là biên giới cuối cùng của con người. Mặc dù hầu hết các chuyến bay vào vũ trụ đang được khai thác thương mại chỉ tới quỹ đạo thấp của trái đất, nhưng từ đây, hành khách cũng đã có thể ngắm nhìn gần như toàn bộ ngôi nhà lớn của chúng ta. Từ những trận cuồng phong hoành hành phía Nam Đại Tây Dương tới các dãy núi chọc trời trên mọi châu lục, hay thậm chí là ánh điện rực rỡ của các quốc gia đang lúc ban đêm. Đây gần như là giới hạn cuối cùng về du lịch, và 15 triệu USD là hoàn toàn xứng đáng.

15.000 USD

Bay quanh Mặt trăng

Ngay cả khi bạn là tỷ phú thì việc lên Mặt trăng cũng gần như bất khả thi ở thời điểm hiện tại. Nhưng khi các công ty tư nhân như SpaceX (của tỷ phú Elon Musk) đã phát triển các dòng tên lửa đẩy thế hệ mới thì ý tưởng về việc chiêm ngưỡng Mặt trăng ở khoảng cách gần nhất có thể đã trở lại với nhiều công ty lữ hành xa xỉ. Ví dụ như với tàu vũ trụ Soyuz của Nga, du khách sẽ được đi vòng quanh Mặt trăng, sang tới phía tối của “chị Hằng” và trở lại. Chắc chắn là chân thực hơn rất nhiều so với khoảng cách hàng chục ngàn km từ Trái đất. Mức giá đã được đề xuất: 150 triệu USD nhưng xem ra, chỉ rất ít người có thể đáp ứng nổi.

150 triệu USD
GIỚI SIÊU GIÀU
“Ở ẨN”
NƠI ĐÂU?
Bài: Ngọc Anh
Một trong những đặc quyền của giới siêu giàu là được tận hưởng những kỳ nghỉ tuyệt vời ở hầu hết địa danh độc đáo trên thế giới, mà một số trong đó thậm chí không hề nổi tiếng với đại chúng, thậm chí, nhiều người còn chưa từng nghe nói đến bao giờ. Nhưng, ở đó luôn tồn tại những khách sạn 5 sao trở lên, những khu resort đắt đỏ bậc nhất, những biệt thự và lâu đài cho thuê với giá “trên trời”, những bãi biển thuộc sở hữu tư nhân…

Kể từ sau đại dịch, những khách du lịch ở phân khúc cao cấp nhất hiện nay dường như trở nên khó tính hơn. Không chỉ yêu cầu sự sang trọng, chất lượng dịch vụ hoàn hảo và tiện nghi tới chân tơ kẽ tóc, họ còn muốn tận hưởng chuỗi ngày thư giãn, vui chơi ở những khu vực biệt lập, cảnh quan thiên nhiên chưa bị con người can thiệp nhiều, không quá đông đúc, đảm bảo được tính riêng tư. Người Dẫn Đầu xin giới thiệu đến quý độc giả một số điểm đến ưa thích nhất của giới siêu giàu trong một năm trở lại đây.

Hồ Como - Italia

Nằm dưới chân dãy Alps, cách Milan khoảng một tiếng lái xe, hồ Como được ví như bức tranh phong cảnh mang tinh thần khác hẳn phần còn lại của Italia. Diện tích 146 km2, điểm sâu nhất đến 410 m, hồ Como nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ, những tòa lâu đài cổ kính tuổi đời lên tới vài trăm năm, những ngôi làng nhỏ nằm đan xen với những khu biệt thự siêu cao cấp. Nổi bật nhất vẫn là làng Bellagio - được mệnh danh là “viên ngọc của hồ Como”, mang phong cách kiến trúc của thời Trung cổ, nhiều ngõ nhỏ quanh co và những cầu thang bằng đá.

Bên cạnh đó là Villa la Collina, nơi lưu giữ bộ sưu tập tranh tượng đồ sộ của hai thời kỳ Lãng mạn và Tân cổ điển, là Villa Carlotta, nơi sở hữu khu vườn có 800 loại cây cảnh khác nhau, là thành cổ Vezio trên núi, xây từ thế kỷ 13, nơi du khách có thể ngắm toàn cảnh hồ Como và hiểu vì sao nhà văn người Đức Hermann Hesse lại gọi đây là “lối vào nước Ý đẹp nhất xưa nay”.

Hollywood cũng lựa chọn hồ Como để quay những bộ phim bom tấn như Once Upon A Time In America, Casino Royale, Ocean’s Twelve hay Star Wars: Attack of The Clones. Nam diễn viên George Clooney cũng sở hữu một căn biệt thự xây dựng từ thế kỷ 18 tri giá 10 triệu USD với tầm nhìn toàn cảnh vào loại đẹp nhất. Giá trung bình cho một đêm ở trong các resort và khách sạn hạng sang rơi vào khoảng 5.000 USD, nhưng vào mùa cao điểm, tình trạng “cháy phòng” thường xuyên diễn ra.

Đảo Necker - Quần đảo Virgin thuộc Anh

Năm 1978, tỉ phú Richard Branson đã bỏ một số tiền “tí hon” là 180.000 USD để mua hòn đảo tí hon rộng 300.000 mét vuông này, rồi cải tạo thành một khu resort sang trọng và riêng tư bậc nhất trong vùng biển Caribbean. Sau 40 năm, nó được định giá 100 triệu USD và là điểm đến quen thuộc của giới siêu giàu khắp nơi, dù danh sách chờ đợi luôn dài dằng dặc. Rất nhiều người nổi tiếng từng lưu trú ở đảo Necker, như ca sĩ Mariah Carey, các diễn viên tài danh Robert de Niro và Kate Winslet, siêu mẫu Kate Moss, vợ chồng cựu Tổng thống Obama.

Khu resort nằm trên một ngọn đồi thoai thoải hướng về bãi biển, mang phong cách kiến trúc Bali, với 11 phòng ngủ ẩn mình trong những khu vườn lộng lẫy, tường mở để thoải mái quan sát cảnh quanh. Vật liệu chính được sử dụng là đá lấy trên đảo, gỗ Brazil, trang trí bằng đồ cổ, các tác phẩm nghệ thuật, các loại vải và nội thất tre Bali. Giá rẻ nhất cho một đêm lưu trú là 5.150 USD, còn nếu muốn bao trọn gói cả hòn đảo (cũng là cả khu resort, kèm theo đội phục vụ 60 người), khách hàng sẽ phải bỏ ra 105.000 USD/đêm. Dĩ nhiên, đây cũng là số tiền “tí hon” với các tỉ phú, triệu phú nên phải chờ đợi hàng tháng trời, đôi khi đến cả năm cũng là điều dễ hiểu.

Cabo San Lucas - Mexicot

Với nhiều người, thị trấn nghỉ mát Cabo San Lucas là một điểm đến đáng mơ ước với những bãi biển rực nắng, ẩm thực xứ Mễ ngon lành và những khu resort sang trọng. Biển Cotez thậm chí còn được gọi là “thủy cung của thế giới” nhờ hệ sinh vật cực kỳ phong phú và đa dạng. Nhưng với giới siêu giàu, có thể đây chỉ là một điểm trung chuyển. Sau một ngày ăn chơi nhảy múa, đi thăm khu phố cổ Todos Santos, chèo kayak thăm cổng vòm ở bãi El Mesdano, thác cát dưới nước ở Playa del Amor, họ sẽ ngồi thuyền ra một hòn đảo nhỏ để chính thức nghỉ dưỡng tại Casa Fryzer - villa đắt giá nhất Mexico.

Với giá phòng thấp nhất là 10.000 USD/đêm, Casa Fryzer tự hào có bể sục vô cực trên cao nhìn ra vịnh Palmilla, trong khi bể bơi vô cực lại được thiết kế như nối liền vào biển Cortez, thêm cả một quầy bar ngay trên mặt nước. Ngoài ra, Casa Fryzer còn tự hào có những hố nướng BBQ ngoại cỡ, rạp chiếu phim ngoài trời, bartender trong từng căn biệt thự và xe hơi với tài xế riêng. Chỉ cần chăm theo dõi mạng xã hội thôi cũng đủ nhận ra, những ngôi sao nữ quyến rũ như Jennifer Aniston, Courtney Cox hay Selena Gomez chính là khách quen của Cabo San Lucas và Casa Fryzer.

Bora Bora – French Polynesia

Hòn đảo này được mệnh danh là thiên đường ở Nam Thái Bình Dương, nhỏ xíu, riêng tư và đắt đỏ, đường bay hạn chế. Chính vì thế, Bora Bora trở thành một nơi lý tưởng cho giới siêu giàu chạy trốn khỏi cuộc sống thường nhật. Vô số bãi biển với cảnh quan nguyên sơ, nước trong vắt, những ngôi làng với dân cư thưa thớt, nghệ thuật xăm mình độc đáo, nền ẩm thực độc đáo của người Polynesia không thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào khác, Bora Bora có quá nhiều yếu tố khiến trái tim của mọi du khách phải tan chảy.

Nhưng bay đến đây là một hành trình thực sự nhiêu khê, và trên đảo, số lượng khách sạn, resort cao cấp hoàn toàn chiếm ưu thế với mức giá dao động cho một đêm lưu trú vào mùa thấp điểm là 2.000 - 11.000 USD, còn vào mùa cao điểm, du khách sẽ phải trả từ 5.000 – 20.000 USD cho một đêm. Nhưng chẳng hề gì, có những gia đình đến đây ở từ hai tới ba tuần trong những căn biệt thự thuê trọn gói, với giá tiền không được tiết lộ.

Mykonos – Hy Lạp

Ai cũng biết, Santorini là hòn đảo nổi tiếng nhất Hy Lạp, nhưng lựa chọn yêu thích của giới siêu giàu luôn là “đảo gió” Mykonos, nhỏ hơn, riêng tư hơn, đắt đỏ hơn. Người ta vẫn nói, Mykonos là một mê cung và cách duy nhất để thoát khỏi mê cung này là hãy lạc lối trong đó. Nhà cửa ở Mykonos cũng giống Santorini, mang lối kiến trúc Trung Cổ độc đáo với màu sơn trắng nhã nhặn, đặc biệt là ở khu Little Venice, rất gần những chiếc cối xay gió Kato Mili đã có tuổi đời hàng trăm năm. Một điểm nhấn không thể bỏ qua ở Mykonos chính là nhà thờ Panagia Paraportiani, được xây ròng rã trong gần 200 năm, tạo hình bất đối xứng, nhìn từ xa như chiếc bánh gato cắt dở, với tầm quan sát mê người xuống Địa Trung Hải bao la.

Giá một cabin “sang chảnh” trong ngôi làng triệu phú Nammos không hề rẻ: 5.000 USD/đêm, giá một chai champagne loại rẻ nhất cũng khoảng 140 USD. Quan trọng nhất, trên đảo Mykonos chỉ có khách sạn và resort 5 sao, không có hạng thấp hơn, nên du khách bình dân hầu như chỉ dừng chân ở Santorini.

St. Moritz – Thụy Sĩ

Nằm ở độ cao 1.822 mét so với mực nước biển, từng tổ chức hai kỳ Thế vận hội mùa đông, thị trấn nhỏ bé St. Moritz có cơ sở vật chất lý tưởng và là một trong những khu trượt tuyết uy tín nhất, sang trọng nhất thế giới với đường trượt dài 99 km. Không chỉ vậy, người ta còn đến đây vì cảnh quan hết sức thơ mộng, bình yên, mang lại cảm giác thư giãn và nhẹ nhõm không đâu sánh bằng. Tại St. Moritz, du khách có thể chơi nhiều môn thể thao khác như golf, đua ngựa, motor trên băng, leo núi, xe đạp địa hình, dù lượn…

Sự đắt đỏ của St. Moritz là điều hiển nhiên, cũng vì thế, nơi này không có nhiều khách du lịch bình dân, chủ yếu là giới nhà giàu và siêu giàu. Xung quanh khu trượt tuyết là các khách sạn 5 trở lên, kha khá nhà hàng đạt sao Michelin. Một trong những nơi lưu trú cao cấp nhất và đắt giá nhất St. Moritz là khu nhà gỗ Chesa el Toula – 5 tầng, tổng diện tích sử dụng 900 mét vuông, có dịch vụ spa xuất sắc, bể bơi, phòng gym, phòng chiếu phim, phòng giải trí với nhiều loại trò chơi… với sức chứa tối đa 10 người lớn và 4 trẻ em.

Danh sách chờ thuê Chesa el Toula luôn dài dằng dặc, dù mức giá của nó dao động trong khoảng 75.000 – 180.000 USD tùy thời điểm trong năm.

TIẾNG GỌI
HẠNH PHÚC
TRÊN MÀN BẠC
Bài: QUANG VŨ
Các nhân vật chính trong thể loại phim hành trình luôn có vài đặc điểm chung: khát khao thay đổi hoặc chạy trốn khỏi thực tại, tìm kiếm - trải nghiệm - học tập những thứ mới mẻ. Họ có thể là một gia đình, một đôi bạn, một cặp tình nhân, hai kẻ xa lạ, hoặc đơn giản chỉ là một tâm hồn cô đơn…
Phim hành trình (road movie) đã xuất hiện ngay từ buổi bình minh của điện ảnh.

Giống một câu nói quen thuộc, “hạnh phúc không nằm ở đích đến mà ở trên từng chặng đường đi”, phim hành trình chính là biểu hiện rõ rệt nhất của xu hướng du lịch hiện đại, khi hầu hết các tác phẩm không tập trung vào đích đến, mà khai thác cách người ta đến đó như thế nào. Các nhân vật đã thay đổi ra sao khi đi từ điểm A tới điểm B, đã không là con người cũ khi đặt chân tới “vùng đất mơ ước”. Hay nói khác đi, những trải nghiệm trên đường mới là thứ đáng quan tâm, cũng là cách để lôi kéo khán giả vào chuyến đi, khiến họ cảm thấy mình như đang đồng hành cùng nhân vật.

Sideways - một trong những phim hay nhất năm 2014, hay Life Of Pi, dàn dựng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yan Martel, hoặc Thelma & Louise, bộ phim mang tính biểu tượng của đạo diễn Ridley Scott, đều phản ánh góc nhìn này.

Trải nghiệm đích thực trên những chặng đường

Phim hành trình (road movie) đã xuất hiện ngay từ buổi bình minh của điện ảnh, nhưng nó chỉ thực sự bùng nổ sau Thế chiến thứ hai và thăng hoa vào những năm 1970, thời điểm trào lưu hippie với tư tưởng phá vỡ mọi rào cản xã hội lan tràn ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Những bộ phim được xếp vào dòng road movie rất đa dạng về phong cách thể hiện. Có thể đó là những câu chuyện xảy ra trên đường, như Wild Hogs, như Due Date. Có thể liên quan đến một chuyến hành trình nhưng có rất ít yếu tố du lịch, như Little Miss Sunshine. Cũng có thể chỉ là mong muốn thay đổi chính bản thân mình thông qua những chuyến đi, như Sideways hay Into The Wild.

Dù là một dòng riêng nhưng phim hành trình cũng có thể giao thoa với mọi thể loại khác. 2001: A Space Odyssey – phim viễn tưởng vĩ đại nhất mọi thời hay series Star Trek có tuổi đời hàng chục năm là những cuộc viễn du vào vũ trụ bao la, vượt qua mọi biên giới, thám hiểm những thế giới mới, khám phá tri thức nằm ngoài tầm hiểu biết của nhân loại. Mad Max: Fury Road, phim giành nhiều tượng vàng Oscar nhất năm 2016 thực chất là hành trình đầy chông gai của các nhân vật chính trong việc săn lùng tự do và giải thoát cho những ký ức u ám. Green Book là chuyến đi có thật của nghệ sĩ piano da màu vĩ đại “Doctor” Don Shirley cùng người cận vệ da trắng tới vùng Trung Tây và Thâm Nam của nước Mỹ trong bối cảnh tệ phân biệt chủng tộc vẫn được xem là điều quá đỗi bình thường ở quốc gia này.

Không phải ai cũng biết Logan, tác phẩm điện ảnh cuối cùng về “dị nhân” Wolverine đã lấy rất nhiều cảm hứng từ phim Little Miss Sunshine và cuộc di cư bão táp xuyên qua xứ cờ hoa của bộ ba siêu anh hùng bất đắc dĩ với một ông lão bị bệnh thần kinh, một chiến binh hết thời và một cô bé đang học cách thích nghi với cuộc đời đã hoàn toàn chinh phục được cảm xúc của khán giả.

Thông qua thủ pháp dàn dựng vô cùng khéo léo của đạo diễn James Mangold, mỗi nhân vật đều đã tìm được thứ mình cần, thứ mình đã để thất lạc trong quá khứ cho dù cái giá phải trả là không hề nhỏ: máu, nước mắt, danh dự, thậm chí cả sinh mạng. Giống hệt nhân vật Christopher McCandless trong bộ phim tiểu sử Into The Wild thấm đẫm ý vị nhân sinh, giàu chất nghệ thuật, đồng thời là một biểu tượng vĩnh cửu của dòng road movie.

Thể loại hài hước cũng là mảnh đất màu mỡ để các nhà sản xuất gửi gắm vào đó tinh thần rong ruổi, khám phá và những trò nghịch ngợm rất khó “thi triển” trong cuộc sống thường nhật.

Dù là một dòng riêng nhưng phim hành trình cũng có thể giao thoa với mọi thể loại khác

Ý vị nhân sinh ở một nơi xa lạ

Nhưng vẫn có nhiều bộ phim khác đậm đà màu sắc du lịch mà không được xếp vào dòng road movie. Bởi nó chỉ cho khán giả thưởng thức những trải nghiệm của các nhân vật chính - trong thân phận của một du khách - tại một địa danh cụ thể, chứ không phải trên dặm đường thiên lý. Ví như Eat, Pray, Love (rất nổi tiếng ở Việt Nam với tên gọi Ăn, cầu nguyện, yêu) là nỗ lực thấy lại bản thể qua ba lĩnh vực tưởng chừng rất ít liên quan là ẩm thực – tôn giáo – tình yêu. Hay bộ ba Before Sunrie, Before Sunset và Before Midnight trên thực tế là cuộc truy đuổi sự lãng mạn, truy đuổi hạnh phúc kéo dài từ thanh xuân tới trung niên ở những địa danh đẹp đẽ bậc nhất châu Âu là Vienna, Paris và bán đảo Peloponnese.

Cho đến giờ, khán giả cũng không thể quên được bộ ba “hài thô” The Hangover, mỗi tập là một chuyến du lịch dở khóc khóc dở cười với tôn chỉ “chuyện đến đâu chỉ có giời mới biết” và “những cuộc vui đó không được mang qua cửa nhà”. Cũng như vậy, chuyến đi “dối già” bằng xe phân khối lớn của 4 người đàn ông trung niên trong Wild Hogs thực chất là khát khao được tận hưởng niềm vui hoang dã của thời trai trẻ đã bị những vụn vặn của cuộc sống thường nhật đè bẹp.

Hay nhân vật Walter Mitty trong bộ phim đáng yêu The Secret Life Of Walter Mitty phải trải qua nhiều chặng đường gian nan để biết cách trân trọng những thứ giản dị ở ngay bên cạnh mình.

Ý vị nhân sinh ở một nơi xa lạ

Nhưng vẫn có nhiều bộ phim khác đậm đà màu sắc du lịch mà không được xếp vào dòng road movie. Bởi nó chỉ cho khán giả thưởng thức những trải nghiệm của các nhân vật chính - trong thân phận của một du khách - tại một địa danh cụ thể, chứ không phải trên dặm đường thiên lý. Ví như Eat, Pray, Love (rất nổi tiếng ở Việt Nam với tên gọi Ăn, cầu nguyện, yêu) là nỗ lực thấy lại bản thể qua ba lĩnh vực tưởng chừng rất ít liên quan là ẩm thực – tôn giáo – tình yêu. Hay bộ ba Before Sunrie, Before Sunset và Before Midnight trên thực tế là cuộc truy đuổi sự lãng mạn, truy đuổi hạnh phúc kéo dài từ thanh xuân tới trung niên ở những địa danh đẹp đẽ bậc nhất châu Â

Không hề kém cạnh chút nào chính là “bộ ba châu Âu” độc đáo của đạo diễn Woody Allen, bao gồm Vicky Cristina Barcelona, Midnight In Paris và To Rome With Love, ba câu chuyện tình phức tạp, thú vị, đầy màu sắc và còn pha một chút giả tưởng dễ chịu ở những thành phố rất dễ khiến người ta phải yêu nhau vì sự quyến rũ của chúng. Lúc này, Barcelona, Paris và Roma đã không đơn thuần là bối cảnh, ‘những thành phố này’ cũng tham gia vào sự phát triển của câu chuyện, cất lên tiếng gọi mời khán giả đến trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc như các nhân vật trong phim.

Thậm chí trong Midnight In Paris, đạo diễn Woody Allen đã đưa khán giả lên con tàu trở về khứ vàng son của những năm 1920 với nhiều chi tiết đắt giá, tái hiện những khung cảnh tuyệt vời được mô tả trong cuốn hồi ký Hội Hè Miên Man của nhà văn Ernest Hemingway.

Trong phim kinh điển Lost In Translation của nữ đạo diễn Sofia Coppola, thành phố Tokyo với sự sống động mê người chính thức được coi là nhân vật chính thứ ba bên cạnh hai du khách phương Tây đang “lạc lối” trong mê cung tâm trạng của bản thân. Không phải ngẫu nhiên mà những người mê môn nghệ thuật thứ 7 đã lập ra hẳn một danh sách những tác phẩm điện ảnh mà ở đó, bối cảnh xảy ra câu chuyện mới là yếu tố lôi cuốn nhất.

Ngoài Lost In Translation còn có những cái tên nổi bật khác như Mahattan của Woody Allen, In Bruges của Martin McDonagh, In The City Of Sylvia của Jose Luis Guerin, Paris, Texas của Wim Wenders, Under The Tuscan Sun của Audrey Wells. Cho dù nội dung và thể loại có đa dạng đến đâu thì điểm tương đồng lớn nhất giữa những bộ phim này vẫn là khai thác nỗ lực tìm kiếm ý vị nhân sinh mới mẻ ở một nơi chốn hoàn toàn xa lạ.

Toàn cầu hóa khiến con người di chuyển nhiều hơn và cũng dễ dàng hơn, đồng thời gia tăng nhu cầu và ham muốn trải nghiệm những điều khác biệt. Và chính những bộ phim hành trình hay tương tự vậy đôi khi lại rất cần thiết, giúp chúng ta nhận ra mình là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu.

Về mặt lý thuyết, phim hành trình ca ngợi trải nghiệm trên đường đi hơn là đích đến. Tuy nhiên, sự mở rộng của thể loại và cách định nghĩa đã khiến mọi thứ thay đổi, chỉ cần ở một nơi chốn không phải nhà mình cũng đủ được coi là hành trình – nhất là khi nhân vật trong phim muốn chạy trốn khỏi những gì quen thuộc. Những trải nghiệm không thể nào quên, những sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, những tri thức quý báu, những bài học đắt giá chỉ có thể thu lượm được trong chuyến đi – đó chính là thứ luôn làm say lòng những người mê rong ruổi.