TIN THẾ GIỚI

Hàng trăm nhân viên của Twitter có thể sẽ nghỉ việc

Hàng trăm nhân viên của Twitter được cho là sẽ nghỉ việc sau khi ông chủ mới của mạng xã hội này là tỷ phú Elon Musk ra tối hậu thư buộc họ hoặc phải làm việc nhiều giờ với cường độ cao hoặc phải nghỉ việc.

Theo một khảo sát trên ứng dụng dành cho các doanh nghiệp Blind, 42% trong số 180 người chấp nhận nghỉ việc; 25% cho biết họ lựa chọn ở lại một cách miễn cưỡng và chỉ 7% nói rằng họ đồng ý ở lại làm việc chăm chỉ.

Trong số những người nghỉ việc có nhiều kỹ sư phụ trách việc sửa lỗi và ngăn chặn sự gián đoạn dịch vụ, đặt ra vấn đề về sự ổn định của Twitter. Ngày 16/11/2022, ông Musk đã gửi email tới nhân viên, viết rằng để xây dựng Twitter 2.0 đột phá và thành công trong thế giới ngày càng cạnh tranh cần có những nhân viên cực kỳ chăm chỉ. Điều này có nghĩa là làm việc nhiều giờ với cường độ cao.

Nhân viên Twitter đã được yêu cầu truy cập theo một liên kết để tick vào câu trả lời “Có” trước 17h ngày 17/11/2022 (theo giờ New York) nếu muốn tiếp tục làm việc, còn nếu không coi như đã nghỉ việc.

IMF kêu gọi G20 loại bỏ các rào cản trong thương mại toàn cầu

Ngày 15/11/2022, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã hối thúc các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tạo điều kiện hơn cho thương mại toàn cầu trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và có nguy cơ chia tách thành các khối riêng biệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế chung.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20, bà Georgieva chỉ ra rằng, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát leo thang và biến đổi khí hậu đã dẫn đến khủng hoảng lương thực, gây ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 345 triệu người trên thế giới. Theo bà, việc loại bỏ các rào cản trong thương mại, đặc biệt là lệnh trừng phạt đối với các mặt hàng trọng yếu như lương thực và phân bón, có thể là bước tiến dài để giúp đỡ hàng trăm triệu người đang gặp khó khăn.

Theo tính toán của IMF, một thế giới đa cực sẽ gây thiệt hại khoảng 1,5% tổng GDP hằng năm của thế giới, trong đó các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hợp tác quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Trước tình hình đó, Tổng Giám đốc IMF kêu gọi các nước G20 giảm và giãn nợ cho các nước đang phát triển.

Barclays cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

Ngày 16/11/2022, các nhà kinh tế của công ty dịch vụ tài chính Barclays đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2023 với lý do tình trạng lạm phát cao trên diện rộng khó có thể giảm nhanh, buộc nhiều nước phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nhà cung cấp dịch vụ tài chính Anh cảnh báo rằng, năm 2023 có vẻ sẽ là một trong những năm tồi tệ nhất đối với kinh tế toàn cầu trong bốn thập kỷ qua, và các nền kinh tế tiên tiến có khả năng rơi vào suy thoái.

Barclays dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 ở mức 1,7%, thấp hơn so với dự báo được đưa ra hồi tháng Chín là 2,2%. Trong năm nay, Barclays dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2%.

Các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát tăng vọt, nguy cơ sẽ còn trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Anh sẽ đối mặt với 2 năm kinh tế khó khăn sắp tới

Ngày 18/11/2022, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt dự báo, Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với 2 năm tới đầy thách thức kinh tế, nhưng các kế hoạch ngân sách mới sẽ giúp giảm lạm phát và thiết lập nền tảng kinh tế vững chắc hơn. Nhận định trên được ông đưa ra nhằm bảo vệ kế hoạch ngân sách của mình.

Trước đó, ngày 17/11/2022, Bộ trưởng Hunt đã thông báo kế hoạch tài chính trung hạn (còn gọi là Tuyên bố mùa Thu), với các biện pháp tăng thuế và thắt chặt chi tiêu công lên tới 55 tỷ Bảng Anh (64,8 tỷ USD). Kế hoạch nhằm phục hồi nền kinh tế, giảm nhẹ gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân, cũng như khôi phục uy tín thị trường tài chính hàng đầu thế giới của nước này.

Ông khẳng định, các biện pháp này là cần thiết để giảm nợ và giảm lạm phát, song các chuyên gia dự báo ngân sách cho rằng, các hộ gia đình sẽ gặp khó khăn lớn trong 2 năm tới vì lạm phát - hiện đã lên mức cao kỷ lục trong 41 năm qua (11,1% trong tháng 10/2022) - khiến thu nhập thực tế giảm.

Credit Suisse bán bớt tài sản tài chính cho Apollo

Ngày 15/11/2022, Ngân hàng Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sỹ, cho biết đã đạt thỏa thuận bán một lượng lớn sản phẩm tài chính được chứng khoán hóa (có thể giao dịch được) cho công ty đầu tư Apollo Global Management của Mỹ.

Theo đó, quá trình chuyển giao sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2023, là một phần trong các biện pháp tái cấu trúc nhánh ngân hàng đầu tư của Credit Suisse vốn đang gặp khó khăn tài chính sau một loạt bê bối.

Theo Credit Suisse, thỏa thuận trên, cùng với việc bán các tài sản khác cho các nhà đầu tư thứ ba, sẽ giảm tài sản chứng khoán hóa từ 75 tỷ USD xuống còn khoảng 20 tỷ USD. Các tài sản còn lại, để tạo thu nhập nhằm hỗ trợ việc rút khỏi hoạt động kinh doanh các sản phẩm chứng khoán hóa, sẽ do Apollo quản lý trong 5 năm.

J.P.Morgan dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2023

Các nhà kinh tế của ngân hàng J.P.Morgan mới đây đã dự báo một cuộc “suy thoái nhẹ” ở Mỹ trong nửa cuối năm tới, với nhận định Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ngân hàng đầu tư này ước tính, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm 0,5% vào quý IV/2023 và tình trạng ảm đạm đó có thể kéo dài sang năm 2024. Được cho là sẽ làm giảm quy mô GDP năm 2023 của Mỹ khoảng 1%, nhưng con số này chỉ bằng một nửa so với dự báo cho năm 2022.

J.P.Morgan kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản từ nay cho đến tháng 3/2023, sau khi tăng hơn 300 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay. Dự kiến ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12, tiếp theo là 25 điểm cơ bản mỗi tháng vào tháng Hai và tháng Ba năm tới. Cũng theo J.P.Morgan, lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ ước sẽ giảm xuống 4,1% vào cuối năm 2023.