TIÊU ĐIỂM
TS. Nguyễn Minh Phong
NĂM 2022, DÙ SẼ GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN NHƯNG VỚI KINH NGHIỆM, NĂNG LỰC, KHẢ NĂNG ỨNG PHÓ DỊCH BỆNH TIẾP TỤC ĐƯỢC NÂNG LÊN, KHẢ NĂNG CHỦ ĐỘNG SẢN XUẤT ĐƯỢC VACCINE, KINH TẾ VIỆT NAM SẼ CÓ NHIỀU CẢI THIỆN CẢ VỀ ĐỘNG LỰC VÀ KẾT QUẢ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN SO VỚI NĂM 2021.
Tăng trưởng cả năm 2021 khó đạt mục tiêu

Mục tiêu năm 2021 mà Quốc hội đề ra là tăng 6% GDP và kế hoạch của Chính phủ là tăng 6,5% GDP trênthực tế cho thấy rất khó khả thi… Theo Báo cáo cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô ViệtNam tháng 10/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo tăng trưởng GDP cho Việt Nam trong năm 2021 ước chỉ đạt từ 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà WB đưa ra hồi tháng 8/2021.

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 22/9/2021, kinh tế Việt Nam dự kiến năm 2021 tăng trưởng ở mức 3,8% và đạt 6,5% vào năm 2022, với nông nghiệp tăng 2,7%, bằng mức năm 2020.

Ngày 13/9/2021, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nằm trong ngưỡng 3,5-4%, hoặc 5-5,5% tùy thuộc vào hiệu quả triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho người dân kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm; vào sự phục hồi các thị trường xuất khẩu lớn và tiêu dùng nội địa; vào khả năng phục hồi phong độ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vào sự ổn định chính sách chất lượng nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng...

Theo Báo cáo số 422/BC-CP về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 18/10/2021 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ước thực hiện cả năm 2021: GDP tăng trưởng khoảng 3,5-4% (có 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra). Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 41,2% GDP; khu vực nông nghiệp chiếm khoảng 12,3-12,4% GDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5-37,6%. CPI bình quân tăng dưới 4% so với bình quân năm 2020, đạt mục tiêu đề ra; Thặng dư cán cân thanh toán quốc tế khoảng 9 tỷ USD; Tỷ giá ngoại tệ khoảng 22.800 VNĐ/USD; Thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt khoảng 1.365,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so dự toán, bằng 90,6% so thực hiện năm 2020. Chi NSNN đạt 1.709,2 nghìn tỷ đồng, bằng 101,3% dự toán. Bội chi NSNN khoảng 4% GDP trong phạm vi dự toán; Nợ công khoảng 43,7% GDP; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm đạt khoảng 2.919,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2020, bằng khoảng 35% GDP.

Dòng vốn FDI thực hiện dự kiến cả năm đạt 19-20 tỷ USD; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 628 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% và nhập siêu cả năm khoảng 2 tỷ USD; Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng tăng lên mức 1,67%-1,95% so với mức 1,69% vào cuối năm 2020. Nếu tính cả dư nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn ước tính ở mức 6,98%-7,29%.

Động lực tăng trưởng cuối năm 2021 được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Nền tảng vẫn tốt

Về tổng thể, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh, lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng và tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Các tập đoàn lớn của thế giới, châu Âu, Nhật Bản (tiêu biểu như Apple, Foxconn, Intel) vẫn tiếp tục đánh giá cao tiềm năng thị trường rộng mở và coi Việt Nam là địa chỉ rất tốt để đầu tư, mở rộng sản xuất và dịch chuyển chuỗi ung ứng.

Động lực tăng trưởng cuối năm 2021 được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, nhất là xuất khẩu nông sản, hàng dệt may, giày dép, điện tử và điện thoại di động vào Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Mỹ - những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước đã gia tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ 10%-12% lên 14%-15% trong năm 2021 và 16 ngân hàng thương mại đã tiến hành giảm lãi suất trên các khoản vay hiện tại nhằm giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn về dòng tiền. Cả nước đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 120/166 thủ tục hành chính, cắt giảm 21,2% chi phí tuân thủ quy định. Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên "Tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát.

Hơn nữa, World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) trong tháng 10/2021 đã công bố các giải thưởng năm 2021, trong đó Việt Nam được vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á (từng đạt được năm 2018 và 2019) và Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau giãn cách xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics; thiếu hụt lao động; sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.

Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Năm 2022 - Nhiều cải thiện về động lực và kết quả phục hồi

Năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021. Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên; khả năng chủ động sản xuất được vaccine ngừa COVID-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vaccine cho toàn dân, giúp đất nước trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Nhìn chung, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp và kinh tế thế giới chưa thực sự thoát khỏi khó khăn. Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính (kỳ hạn trả nợ vay, kỳ hạn nộp thuế) và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, theo WB, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022. Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68- 70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn từ mức tăng trưởng thấp của năm 2020 nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu thụ và các nguồn cung ứng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ và vận tải, kho bãi được kỳ vọng phục hồi mạnh, trở lại vai trò dẫn dắt, động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Việt Nam cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (dự thảo) xác định: Đặt mục tiêu tổng quát “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; ưu tiên rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; phấn đấu GDP tăng 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN khoảng 4% GDP... trong cả năm 2022; bảo đảm gắn chặt với việc xây dựng và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã được Quốc hội yêu cầu xây dựng tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đặt ra là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng nhân dân và an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác xây dựng,

hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng; chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực; phát triển kinh tế số, xã hội số nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; Gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế.

Việc vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô cần linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các biễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do quan trọng (như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu - EVFTA); nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới, mở rộng không gian kinh tế trong nước và tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuyển đổi số, thu hút hợp tác về cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

TS. Nguyễn Minh Phong
NĂM 2021, THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH (TTTC) VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG KHÁ, LÀM TỐT VAI TRÒ HUYẾT MẠCH CỦA NỀN KINH TẾ. TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 HIỆN NAY, CẦN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP MANG TÍNH CHIẾN DỊCH VÀ CHIẾN LƯỢC ĐỂ THỊ TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ HƠN.
Thị trường tín dụng tăng trưởng tích cực

Trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng quí III/2021 vẫn đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 chỉ tăng 4,99%), hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là trong các quí I và II/2021.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã ban hành kịp thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn như: Tái cơ cấu theo hướng kéo dài thời gian các khoản nợ cũ, tạo điều kiện mở ra các khoản nợ mới, miễn giảm lãi vay, giảm phí thanh toán, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ... Theo đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hàng triệu khách hàng hiện hữu và khách hàng mới.

NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 đến 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành; Giảm 0,6 đến 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; Giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm). Đồng thời, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và tiếp tục giảm hơn 0,55%/năm trong nửa đầu năm 2021 đến nay, tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước đại dịch.

Tính đến ngày 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2020. Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân chung.

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng thương mại (NHTM), chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế, đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Theo đó, 16 ngân hàng này đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng lên tới 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng quí III/2021 vẫn đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 chỉ tăng 4,99%).
Thị trường chứng khoán khả quan

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2021, chỉ số VNIndex đạt 1342,06 điểm, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 21,58% so với đầu năm 2021. Trong đó, VN30 đạt 1453,76 điểm, giảm 1,76% so với tháng trước nhưng tăng 35,77% so với đầu năm.

Thị trường cổ phiếu trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 19.543 tỷ đồng/phiên với khối lượng giao dịch bình quân đạt 682,42 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 294,93% về giá trị và tăng 138,29% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) qua 9 tháng đầu năm cũng đã có tổng giá trị và khối lượng giao dịch lần lượt đạt 592.308 tỷ đồng và 12,6 tỷ cổ phiếu. Đến hết quí III/2021, tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 111,3 tỷ cổ phiếu, với giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,13 triệu tỷ đồng, tăng 2,30% so với tháng trước, đạt tới 81,59% GDP năm 2020.

Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK 9 tháng đầu năm ước đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%.

Khối lượng giao dịch bình quân trên TTCK phái sinh, đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32%; đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, khối lượng đạt 18,78 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59%.

Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 9 tháng năm 2021 đạt 10,3 triệu USD/dự án, tăng 94% (2020 đạt 5,3 triệu USD/dự án).

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 9 tháng ước đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường bảo hiểm phát triển khá

Kinh doanh bảo hiểm trên TTTC Việt Nam 9 tháng qua đã tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2020 tăng 7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2021, thị trường bảo hiểm (TTBH) Việt Nam có tổng tài sản ước đạt 643.588 tỷ đồng (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 541.366 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.040 tỷ đồng (tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 38.092 tỷ đồng, doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 94.948 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 34.398 tỷ đồng (tăng 12,70% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 13.590 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 20.808 tỷ đồng.

Nhìn chung, thời gian qua, TTTC tuy có nhiều tiềm năng nhưng môi trường hoạt động đã và đang vừa bị co hẹp vừa chịu nhiều nguy cơ rủi ro trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

Theo Tổng cục thống kê, GDP 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã phải thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội kéo dài.

Trong mức tăng chung khiêm tốn của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05% GDP. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; tương tự, ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm;

TTTC với tổng giá trị hoạt động ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm là nhóm tăng cao thứ nhì, với mức tăng tới 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm, góp phần thúc đẩy tổng phương tiện thanh toán M2 tính đến ngày 7/10/2021 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Cùng với đó, các “tia sáng cuối đường hầm” cũng đã phát sáng với nhiều kỳ vọng mới về khả năng kiểm soát đại dịch đã và đang diễn ra trong thực tiễn.

Tuy nhiên, kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, đặc biệt là từ đợt bùng phát thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, đại dịch đã đánh thẳng vào các trung tâm kinh tế và khu công nghiệp lớn từ Bắc vào Nam, như Hải Dương (tháng 3/2021); từ tháng 4 đến 5/2021 là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và từ tháng 5/2021 đến nay là các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ và đặc biệt TP. Hồ Chí Minh. 

Trong bối cảnh đó, nhiều tỉnh, thành phố, khu công nghiệp phải thực hiện giãn cách và áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội.

Đề xuất giải pháp chiến dịch và chiến lược

Trong mọi trường hợp, TTTC luôn vừa là nguồn lực, vừa là huyết mạch của nền kinh tế thị trường. Do đó, không chỉ coi TTTC là nơi để buôn bán vốn và tiền, mà đó còn phải là nơi khơi thông những ách tắc cho nền kinh tế - xã hội, nơi cùng phải xắn tay chia sẻ rủi ro với toàn nền kinh tế.

Vì vậy, các giải pháp cho phát triển TTTC mang tính chiến dịch và chiến lược cần được vận hành và yêu cầu được vận hành theo các giải pháp và môi trường sau:

Về chiến dịch, Nhà nước cần tạo điều kiện cho TTTC được hoạt động trong cơ chế nền kinh tế vừa phòng ngự, vừa tấn công trước dịch bệnh một cách đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời cơ cùng với chiến dịch tăng tốc phủ sóng tiêm vaccine trên phạm vi toàn quốc.

Quá trình phục hồi cũng phải được hỗ trợ bằng chiến lược tiếp cận thị trường qua con đường ngoại giao, các hiệp định thương mại tự do cùng cơ chế, chiến dịch khuyến khích thu hút lực lượng lao động cũ và mới trở lại sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường.

Chính phủ cần tăng cường các chính sách hỗ trợ DN, người dân trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường để phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa ngay trong môi trường có dịch. Xóa bỏ hình thức khoanh vùng, ngăn sông cấm chợ, “dùng vành đỏ bó cả vành vàng, vành xanh bên trong” gây ách tắc, gãy khúc, gián đoạn vì tránh dịch hơn là chống dịch!...

Về chiến lược, nền kinh tế - xã hội cũng giống như cơ thể con người, khi khỏe, khi ốm, khỏe chỗ này yếu chỗ kia... Và vì vậy, ốm đâu chữa đấy, yếu gì chữa nấy và/hoặc ai ốm thì đi viện, ai khỏe thì đi làm! Chiến lược của nền kinh tế cũng phải “sống chung với dịch dã, môi trường, tai ương...”. Phải chống mọi nguy cơ rủi ro và hướng đến một thị trường tiềm năng để phát triển sản xuất kinh doanh trong mọi điều kiện.

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào những thị trường chủ lực (Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc...). Do đó, quá trình phục hồi cũng phải được hỗ trợ bằng chiến lược tiếp cận thị trường qua con đường ngoại giao, các hiệp định thương mại tự do cùng cơ chế, chiến dịch khuyến khích thu hút lực lượng lao động cũ và mới trở lại sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường.

Chính sách phát triển TTTC cần tiếp tục khuyến khích nới lỏng thông qua triển khai thực hiện các công cụ ngắn, trung và dài hạn. Chính sách tài khóa phải gắn với việc đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, mở ra hướng đầu tư cho TTTC cạnh tranh phát triển, tạo tiềm năng, động lực cho các DN trong và ngoài nước cùng phát triển bền vững.