MUÔN MÀU
LỄ HỘI
Nguồn cảm hứng lớn lao từ
những lễ hội
Nguồn cảm hứng lớn lao từ
những lễ hội
Phong tục đón giao thừa độc đáo trên
thế giới
Những lễ hội đắt đỏ &
độc đáo nhất
Lên đường mừng năm mới
Vòng quanh thế giới trên bàn tiệc mùa
lễ hội
Phi Tuyết
Theo một ý nghĩa giản dị nhất, lễ hội là cách thể hiện để tôn vinh truyền thống, di sản, phong tục và văn hóa. Lễ hội luôn mang đến niềm vui, hạnh phúc, tạo ra những khoảnh khắc thật đặc biệt để chúng ta chia sẻ cùng người thân yêu, và cả người xa lạ. Sau quãng thời gian dài giãn cách vì đại dịch, nhu cầu tụ họp, trải nghiệm lễ hội giữa đám đông dường như trở nên quan trọng hơn bao giờ hết…
NGUỒN CẢM HỨNG
LỚN LAO TỪ NHỮNG
LỄ HỘI

Trong suốt hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến cuộc sống của cả nhân loại bị đảo lộn hoàn toàn. Theo đó, hàng ngàn lễ hội từ cấp độ địa phương tới quốc tế đã bị hủy bỏ, bị giảm quy mô hoặc tổ chức theo hình thức trực tuyến – thứ mà trước đó không ai hình dung ra nổi.

Có một câu hỏi đã được các nhà nghiên cứu đặt ra từ nhiều thập kỷ trước: “Vì sao các lễ hội lại quan trọng, và làm thế nào để nắm bắt giá trị thực sự của chúng?”. Câu trả lời dường như đã nằm trong định nghĩa của Donald Getz được viết ra năm 1991: “Các sự kiện đặc biệt, cũng là một cách diễn đạt của lễ hội, là dịp để giải trí, trải nghiệm xã hội bên ngoài những phạm vi lựa chọn thông thường và vượt khỏi khuôn khổ hoạt động thường nhật”.

Đúng vậy, mục đích của lễ hội luôn là tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ mang tính tập thể và sự hưng phấn chung. Chúng ta có thể hiểu đây là một nền văn hóa của quang cảnh (culture of spectacle), phần lớn diễn ra trong những không gian rộng ngoài trời, trải rộng từ tín ngưỡng, phong tục truyền thống cho tới biểu diễn nghệ thuật và các hình thứ sáng tạo khác. Một mục đích cao hơn của lễ hội chính là tạo ra trải nghiệm văn hóa cộng đồng “chỉ một lần trong đời” cho những người tham gia vãng lai, mà ngày nay, trong thời đại bùng nổ du lịch, nhóm vãng lai này có thể hiện diện ở khắp mọi nơi.

Không có gì để bàn cãi về tầm quan trọng của những lễ hội “trực tiếp”, bởi chúng luôn tạo ra sự khác biệt. Hưởng thụ, tham gia một hoạt động văn hóa, thể chất trong một thời gian và tại một địa điểm cụ thể luôn mang lại cảm giác vui sướng, hào hứng, phấn khích, khác hẳn việc tiếp cận với nó từ xa. Cũng giống như xem một trận đá bóng tại sân vận động, nghe một buổi hòa nhạc tại khán phòng hoàn toàn khác hẳn việc thưởng thức tại nhà. Sự hiện diện và hòa mình vào sự kiện cùng những người khác (hầu hết là xa lạ, nhưng có cùng một mối quan tâm chung) sẽ dẫn đến việc tạo ra những kỷ niệm có ý nghĩa, dễ được sẻ chia và cũng dễ nhận được sự đồng cảm, kể cả từ người không quen biết.

Một giá trị khác biệt của lễ hội (nhất là lễ hội lâu đời và mang tầm vóc quốc tế) là tính hấp dẫn xuyên suốt của chúng, có thể lôi cuốn con người qua nhiều thế hệ, từ các nền tảng kinh tế, xã hội và thị hiếu văn hóa khác biệt. Những đặc điểm hiển nhiên này của lễ hội đã trở nên ngày càng giá trị hơn, trong thời đại chúng ta đang chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ vật chất, đắm chìm trên mạng xã hội và ưa chuộng các loại dịch vụ “theo yêu cầu”. Nhưng trước đây, chúng ta hiếm khi quan tâm đến chúng, cho tới khi cơ hội được “ở cùng nhau, vui cùng nhau” bỗng nhiên bị đại dịch khép lại.

Có một điều chắc chắn, những giá trị to lớn của niềm hưng phấn tập thể hoặc sự hưng phấn chung không thể đong đếm bằng tiền hay mang ra phân tích dưới góc nhìn kinh tế. Chuyên môn này chỉ giúp chúng ta hiểu cách thức vận hành của chúng có thể tạo ra việc làm như thế nào, phát triển du lịch và mang lại doanh thu ra làm sao, nhưng rất khó để nói rõ về những tác động của chúng trong việc tạo ra hạnh phúc, tinh thần lạc quan, yêu đời hay cảm hứng sáng tạo.

Làm sao chúng ta có thể hiểu, lập biểu đồ và đánh giá về các lễ hội theo những biểu tượng, ý nghĩa, những giá trị vô hình mà chúng mang đến cho người tham gia? Làm sao để xác định rằng chúng ta đang cần lễ hội tới mức nào, nhất là sau chuỗi ngày u ám bị đại dịch giam hãm? Tại sao chúng ta lại cần những trải nghiệm tập thể đến như vậy và tại sao không gian, thời gian, địa điểm cùng sự tương tác trực tiếp lại quan trọng đến thế, nhất là với những lễ hội văn hóa, nghệ thuật?

Kể từ lúc tồn tại theo cấu trúc xã hội đến nay, chúng ta luôn khát khao những cơ hội được vui chơi, ăn mừng theo tập thể (cứ nhìn mỗi trận thắng quan trọng của đội tuyển bóng đá Việt Nam mà xem) và lễ hội cung cấp nền tảng cho nhu cầu này một cách định kỳ. Nhất là khi đời sống vốn đã bộn bề lại bị khó khăn bủa vây, chúng ta lại càng cần một thứ gì đó tích cực để giúp quên đi mọi lo lắng, muộn phiền, tôn vinh những khía cạnh tích cực, và đó chính là lễ hội – dù nó chỉ diễn ra trong một hoặc vài ngày ngắn ngủi.

Nên nhớ rằng, mọi trải nghiệm mang tính vật lý (nghĩa là trực tiếp, không phải trên không gian ảo) đều đáng giá và tận hưởng niềm vui cùng những người khác khiến chúng ta hạnh phúc hơn, lạc quan hơn và kiên cường hơn, với tư cách là một cộng đồng (chung chí hướng). Lễ hội đóng vai trò như liều thuốc giảm căng thẳng và giúp cân bằng cảm xúc. Lạc quan tự nhiên sẽ làm giảm bớt những yếu tố tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, nó còn giúp xóa đi xích mích và gắn kết bạn bè, người thân vốn xa cách lại với nhau trong tiếng cười và tình yêu thương.

Không có gì dễ dàng kết nối con người như các lễ hội. Thậm chí, chúng còn đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng các đế chế, các quốc gia vững mạnh và ổn định. Trong hành trình tiến hóa của nhân loại, không thứ gì ra đời mà không có lý do. Chẳng ai biết lễ hội bắt nguồn từ khi nào, nhưng từ Ai Cập sang tới Hy Lạp hay La Mã cổ đại, rồi Trung Quốc, Nhật Bản hay nền văn minh Aztec xa xôi, những lễ hội gắn với tôn giáo, nông nghiệp, tổ chức xã hội và phát triển chính trị đều đã được cử hành, với nhiều nét tương đồng về hình thức và mục đích. Trước khi nền văn hóa đại chúng ra đời vào thế kỷ 20, các lễ hội cũng là một nguồn giải trí tuyệt vời, giúp con người tạm xa rời khỏi sự vất vả của công việc lao động hằng ngày.

Calle Ocho Carnival – một trong những lễ hội đường phố lớn nhất thế giới. Tham dự sự kiện, mọi người mặc trang phục sặc sỡ theo theo màu cờ hoặc phong cách truyền thống. Lễ hội vô cùng sôi động với nhiều điệu nhạc nổi tiếng. Thực phẩm từ các quốc gia khác nhau thường được bán trong lễ hội
Bức phù điêu bên trong nhà nguyện Hathor, mộ Nữ hoàng Hatshepsut (thế kỷ 15 trước Công nguyên) mô tả cảnh rước của một lễ hội

Vicky “Flipflop” là một blogger nổi tiếng, cho biết cô đã trực tiếp khám phá hơn 60 lễ hội tại 22 quốc gia và vẫn muốn tiếp tục trải nghiệm hoạt động tuyệt vời này. Từ góc nhìn của cô, những người tham gia lễ hội như những thành viên trong một bộ lạc và đó chính là thời điểm để họ bộc lộ một phần khác biệt trong tính cách, lối sống với những người có tư duy, sở thích hoặc thói quen tương tự. Lễ hội được xem là một không gian công khai nhưng an toàn cho sự khác biệt này. Lễ hội dường như dành cho tất cả, nhưng mỗi người rồi cũng tìm thấy một số lễ hội phù hợp nhất với bản thân.

Tham dự lễ hội là sống hết mình trong thời điểm đó, không TV, không điện thoại, không tin tức. Như ở đại nhạc hội Woodstock 1969 (Mỹ) hay Live Aid 1985 (Anh quốc), thứ duy nhất những người có mặt lúc đó quan tâm là ban nhạc nào sẽ chơi tiếp theo, họ sẽ chơi những bài gì và chỗ đi vệ sinh ở đâu. Nhưng khi ra về, họ sẽ có những trải nghiệm không bao giờ quên và mỗi khi nhắc lại, đôi mắt dù đã nhăn nheo có thể bừng lên thứ ánh sáng rạng ngời hiếm khi xuất hiện.

Theo quan sát của Vicky “Flipflop”, có những người đã thay đổi tâm tính hoàn toàn sau khi tham gia một số lễ hội. Chỉ cần trong quãng thời gian đó, bên những người xa lạ đó, trải nghiệm bầu không khí đó, họ đã có cái nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống, con người, công việc, niềm vui. Đây cũng là cách những lễ hội nổi tiếng và lâu đời thu hút được lượng người tham dự khổng lồ.

Lễ hội không phải một sự kiện và không gian bình thường. Chúng ra đời và được xây dựng để trở nên khác thường – như một thế giới riêng tuyệt đẹp, xa xôi và rộng lớn hơn cuộc sống. Đó là nơi chốn siêu thực, nơi mọi thứ đều tưng bừng, vui nhộn và bắt mắt, không một khoảnh khắc buồn tẻ. Cho dù được tổ chức hằng năm, lễ hội luôn mang đến những cảm giác hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt với những người lần đầu tiên tham dự.

Cho nên, bất kể tương lai thế nào, chúng ta cũng nên vững tin và tìm cách tham gia các lễ hội mỗi khi có thể, càng xa lạ, càng khác biệt lại càng thú vị. Sẽ có những quy định mới, cách thức mới, hình thức mới để phù hợp với tình hình thực tế, nhưng chắc chắn, ý nghĩa và tinh thần của các lễ hội sẽ mãi không thay đổi: Luôn khiến tất cả chúng ta hào hứng với việc ra ngoài thiên nhiên, hòa mình vào đám đông, tận hưởng niềm vui và mang vô vàn kỷ niệm đẹp trở về…

Các lễ hội là dịp để người ta nâng mức độ kết nối trực tiếp lên một cấp cao hơn, thứ đang chết dần trong thời đại cả xã hội đã hết sức quen thuộc với các tương tác thoáng qua trên mạng xã hội ảo, thậm chí, bị lệ thuộc vào chúng và trở nên ngại ngần chuyện gặp gỡ trực tiếp ngoài đời.
Phong tục đón giao thừa
độc đáo trên thế giới
Như Nguyệt
Có một đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất của mọi lễ hội đón mừng năm mới, đó là pháo hoa rực rỡ trên bầu trời ở khắp mọi nơi. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại những phong tục độc đáo, kỳ lạ ở những địa phương khác biệt, mà trong bài viết này, chúng tôi xin mời Quý độc giả cùng tham gia hành trình khám phá và trải nghiệm chúng…
Ăn nho cầu may

Cứ vào đêm giao thừa, rất đông người Tây Ban Nha sẽ đổ ra đường, tay cầm theo bát nho xanh và đợi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Khi tháp đồng hồ Real Casa de Correos ở thủ đô Madrid bắt đầu điểm chuông – 12 tiếng đại diện cho 12 tháng, mỗi tiếng cách nhau khoảng 2 giây – người ta sẽ cố gắng ăn hết 12 quả nho trước khi tiếng chuông cuối cùng kết thúc. Nếu thành công, người đó sẽ được may mắn suốt cả năm. Truyền thống này do dân trồng nho ở vùng Alicante nghĩ ra vào thế kỷ 19 như một cách để bán được nhiều nho hơn, nhưng cuối cùng, đã trở thành phong tục của cả một quốc gia. Nhưng cũng có một nguồn thông tin khác cho rằng, khi giới tư sản Tây Ban Nha học đòi người Pháp thói quen uống champagne và ăn nho vào đêm giao thừa, dân nghèo đã kéo tới các quảng trường đúng đêm giao thừa, nghe chuông và ăn nho để mỉa mai đám nhà giàu. Ngày nay, khoảng 80% số nho được người Tây Ban Nha tiêu thụ trong đêm giao thừa vẫn đến từ vùng Alicante ở ven Địa Trung Hải, thơm, ngọt và gần như màu trắng, chín muộn hơn so với bất kỳ loại nho nào ở châu Âu.

Trai đẹp xông nhà

Cũng như ở Việt Nam, tục xông nhà ở Scotland đã có từ rất lâu đời và được người dân nơi này hết sức coi trọng. Nó có tên gọi là first-footing, tạm dịch là “bước chân đầu tiên”. Nhưng nếu dân Việt Nam chọn người xông nhà theo tuổi, theo mệnh thì dân Scotland có vẻ hình thức hơn nhiều. Người đó nhất định phải là đàn ông, phải cao lớn, phải đẹp trai và quan trọng hơn cả, có mái tóc càng sẫm màu càng tốt. Còn người có màu tóc vàng rực hay hung đỏ hoặc theo nghề y thì tốt nhất không nên đến nhà ai trong ngày đầu năm mới vì sẽ mang lại nhiều xui xẻo.

Phong tục này được cho là bắt nguồn từ thời đại Viking, khoảng năm 703 – 1066, khi đội quân cướp biển Bắc Âu đặt chân đến Scotland và thực hiện những vụ cướp bóc quy mô lớn, và người dân bản địa đã vô cùng sợ hãi khi thấy một người có màu tóc sáng đứng trước cửa nhà. Những người xông đất thường xuất hiện ngay sau giao thừa, muộn nhất là vào buổi sáng, mang theo rượu vang hoặc whisky, đồng xu, mẩu than, bánh mì và muối làm quà. Nên nhớ, quà cũng quan trọng không kém vẻ đẹp trai và mái tóc sẫm màu, thiếu bất cứ thứ gì cũng sẽ bị coi là thô lỗ.

Ăn mì soba ngày cuối năm

Sự đặc biệt của toshikoshi soba nằm ở chỗ, sợi mì gần như không được cắt ra khi cho vào bát, nên nó rất dài, cũng vì thế, nó còn có tên là mì trường thọ. Người Nhật ăn mì soba vào ngày cuối cùng của năm cũ với mong ước cuộc sống cũng dài như sợi mì vậy. Phong tục này xuất hiện ở đảo Phù Tang vào giữa thời Edo (1603 – 1868) và được duy trì tới tận ngày nay. Ý nghĩa của bát mì soba thực ra còn nhiều hơn hai chữ trường thọ. Sợi mì soba mềm, dễ cắt, ăn nó để vứt bỏ những khó nhọc của năm cũ, đón chờ một năm mới ung dung, nhàn hạ.

Soba là loại thực vật có thể mọc lại ngay sau những ngày giông bão, ăn mì soba còn mang hàm ý có thể nhanh chóng đứng dậy vững vàng sau gian khó. Điều quan trọng nhất của phong tục này là phải ăn trước thời điểm giao thừa (khoảng 22 – 23h). Qua giao thừa cũng không được đi ngủ ngay, vì nếu không chịu thức lâu đón thần năm mới, trên người sẽ có nhiều nếp nhăn, tóc sẽ bạc sớm.

Đập vỡ bát đĩa tặng bạn bè

Một số quốc gia châu Âu có phong tục này, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở Đan Mạch, và cũng không ai biết nó ra đời từ khi nào. Đêm giao thừa, các gia đình ở xứ sở của nàng tiên cá sẽ chọn những chiếc bát, đĩa cũ, xấu, sứt mẻ, không dùng đến, mang tới ném trước cửa nhà hàng xóm hay bạn bè thân thiết. Sáng mồng Một, nhà nào càng nhiều mảnh vỡ trước cửa sẽ càng nhận được nhiều may mắn trong năm mới, qua đó cũng cho thấy chủ nhân được nhiều người quý mến.

Ở một số vùng, người dân chọn cách tự đập bát đĩa ở nhà rồi mang vài mảnh sang bầy ở cửa nhà bạn bè sao cho gọn gàng và đẹp mắt. Bên cạnh đó, người Đan Mạch còn có thói quen nhảy khỏi chiếc ghế mình đang ngồi vào đúng thời điểm giao thừa, với hi vọng sẽ có bước nhảy vọt, gặt hái thành công vượt trội so với năm cũ.

Đập lựu và treo hành tây

Ở Hy Lạp, lựu được xem là loại trái cây “thần thánh”, nó gắn liền với những câu chuyện trong thần thoại hay thiên sử thi Odyssey của Homer. Lựu cực kỳ phổ biến trong mùa Đông, hiện diện trong các thực đơn tiệc tùng, là biểu tượng của may mắn, sung túc và con đàn cháu đống. Cũng vì thế, ngay sau khoảnh khắc giao thừa, các bà mẹ Hy Lạp thường giữ thói quen đập mạnh quả lựu vào tường. Số hạt lựu văng ra tương ứng với hạnh phúc và may mắn sẽ đến trong năm mới.

Trong khi đó, hành tây ở quốc gia này lại là biểu tượng của tái sinh, trong văn hóa, ý nghĩa của nó gắn liền với phát triển không ngừng nghỉ. Thậm chí, hành biển khi bị nhổ rễ vẫn tiếp tục mọc lá và ra hoa. Cũng vì thế, người Hy Lạp thích treo hành tây, hành biển trên cửa nhà để mong có một năm mới thịnh vượng, mọi việc luôn tiến về phía trước một cách suôn sẻ. Dĩ nhiên, hoàn toàn không liên quan đến tác dụng trừ tà hay ngăn ngừa ma cà rồng của loại củ này, như nhiều người vẫn hình dung.

Ăn càng nhiều càng tốt

Hiển nhiên, những người nghiện ăn uống sẽ rất thích đến Estonia để đón giao thừa. Ở đây, trong ngày cuối năm, ăn ba bữa sáng, trưa, tối là không đủ. Người Estonia tin rằng ăn 7, 9 hoặc 12 bữa sẽ mang đến những điều tốt lành trong năm mới, vì đây cũng là những con số may mắn ở quốc gia này. Nhưng họ không ăn sạch sành sanh mọi thứ trên đĩa, bao giờ cũng phải chừa lại một phần thức ăn dành cho tổ tiên về chung vui với con cháu.

Các món truyền thống của Estonia trong dịp này là salad khoai tây, cá sprats muối cay, dồi tiết, lợn quay, phô-mai nấu bông cải xanh… Ngoài ra, tắm hơi cũng là một thói quen lâu đời và rất được coi trọng ở quốc gia này trong dịp năm mới.

Ném giấy ra ngoài cửa sổ

Cứ vào buổi trưa ngày cuối năm, đường phố trong các thành phố lớn ở Argentina lại ngập tràn trong giấy tờ đủ loại, nối đuôi nhau bay ra khỏi cửa sổ, nhất là các tòa nhà văn phòng. Người Argentina có thói quen cắt nhỏ các loại tài liệu không dùng đến rồi ném chúng qua cửa sổ, như cách tiễn biệt những phiền toái của năm cũ, chào đón năm mới suôn sẻ.

Phong tục này không rõ xuất hiện từ bao giờ, nhưng ngày nay cũng đã mai một ít nhiều, do cao ốc xuất hiện ngày càng nhiều, thay thế các tòa nhà cũ. Tuy nhiên, nó hoàn toàn vô hại, không như thói quen ném cả xô nước xuống đường ở nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, hay như dân Nam Phi và Italia thích quăng đi đồ đạc cũ, cũng qua lối cửa sổ.

Mặc đồ lót khác thường

Phong tục đón năm mới độc đáo này có vẻ phổ biến trên toàn thế giới và mỗi nơi lại có một chút biến tấu khác biệt. Như những người Argentina đang cô đơn và mong muốn tìm thấy nửa còn lại nhất định sẽ mặc đồ lót màu hồng vào ngày 31/12, trong khi người Mexico và Bolivia, không hẹn mà gặp, đều mặc đồ lót màu vàng để cầu may mắn. Phong tục này không rõ xuất hiện từ bao giờ, nhưng ngày nay cũng đã mai một ít nhiều, do cao ốc xuất hiện ngày càng nhiều, thay thế các tòa nhà cũ. Tuy nhiên, nó hoàn toàn vô hại, không như thói quen ném cả xô nước xuống đường ở nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, hay như dân Nam Phi và Italia thích quăng đi đồ đạc cũ, cũng qua lối cửa sổ.

Quanh khu vực Địa Trung Hải, nhất là Italia, đồ lót đỏ là thứ trang phục được mặc rất nhiều trong dịp cuối năm, nhất là với những gia đình đang muốn đón thêm thành viên nhí vào năm mới. Người Thổ Nhĩ Kỳ cũng thích mặc đồ lót đỏ và truyền thống này có từ thời Trung cổ - họ chỉ mặc một lần vào dịp năm mới để tìm vận may, còn ngày thường, màu đỏ được cho là có liên quan đến ma quỷ, vì thế nó hoàn toàn không được ưa chuộng.

Tú Quỳnh
Lễ hội, theo cách hiểu thông thường nhất, là một sự kiện đại chúng, dành cho đại chúng. Nhưng vẫn có những lễ hội mà ở đó, tiền vé tham gia khiến nhiều người phải ngập ngừng đắn đo, hay sự hiện diện dầy đặc của các triệu phú, tỉ phú, các ngôi sao nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. mời Quý độc giả cùng tìm hiểu về những lễ hội thuộc loại độc đáo, đắt đỏ, khác biệt và đôi khi khó tham dự bậc nhất hiện nay.
Met Gala

Là sự kiện gây quỹ thường niên cho Viện trang phục thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) nhưng tầm vóc của Met Gala vượt xa khỏi khuôn khổ và ý nghĩa chính, trở thành lễ hội thời trang xa hoa nhất, hoành tráng nhất và được quan tâm nhất. Thậm chí, danh sách khách mời hằng năm còn do đích thân Anna Wintour – Tổng biên tập khó tính của tạp chí thời trang Vogue lựa chọn và quản lý, mà tất cả trong số đó đều là doanh nhân, chính trị gia, nghệ sĩ, vận động viên thuộc loại tên tuổi nhất.

Khách mời buộc phải ăn mặc theo đúng dress code – quy định trang phục thay đổi theo từng năm, và tư duy thời trang của từng người sẽ được báo giới phân tích, mổ xẻ theo trang phục họ diện tới lễ hội: vừa phải đúng chủ đề, vừa phải độc đáo, mới mẻ vừa phải bắt mắt và đắt giá hiển nhiên là một lợi thế. Phóng viên thường chỉ được tác nghiệp ở “vòng ngoài”, rất khó biết được những gì thực sự xảy ra ở phía bên trong, chính vì thế, Met Gala càng trở nên bí ẩn, càng trở nên đáng thèm khát trong mắt giới fashionista “bình dân”.

Như ca sĩ Rihanna, cô luôn được coi là “nữ hoàng thảm đỏ” nhờ những trang phục lộng lẫy và khác thường đến mức gây kinh ngạc, như bộ váy của nhà Guo Pei mất đến 2 năm để hoàn thành hồi 2015, bộ váy lấy cảm hứng từ trang phục của Giáo hoàng năm 2018. Những cái tên luôn muốn “soán ngôi” Rihanna rất đông, như Lady Gaga, Katy Perry, Cardi B, chị em nhà Kardashian nhưng chưa ai thành công. Met Gala năm 2021 diễn ra hôm 13/9 được tổ chức theo chủ đề “Nước Mỹ độc lập”, tôn vinh các nhà thiết kế lão làng, đồng thời, ca ngợi những gương mặt trẻ sáng giá.

Concorso
d’Eleganza Villa d’Este

Được tổ chức thường niên vào tháng Năm, Concorso d’Eleganza Villa d’Este không phải lễ hội xe cổ lớn nhất nhưng chắc chắn là sang trọng bậc nhất trên thế giới, mang chính tên nơi mà nó diễn ra: Villa d’Este, bên hồ Como thuộc thành phố nhỏ Cernobbio, Italia. Lễ hội này đã có tuổi đời gần một thế kỷ, khoảng 10 năm trở lại đây luôn do hãng xe hơi Đức BMW đảm trách khâu chuẩn bị. Khách tham quan là dân nhà giàu, người có quyền lực thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà sưu tập xe hơi, sẽ được chiêm ngưỡng 50 chiếc xe xuất xưởng trong giai đoạn 1920 – 1970 ở nhiều phân khúc khác nhau. Trong khi đó, nhiều thương hiệu xe sang và siêu sang cũng tận dụng cơ hội để ra mắt các sản phẩm mới. Sẽ có các giải thưởng trao cho những xe được yêu thích nhất ở từng phân hạng.

Quy mô tuy khá khiêm tốn nhưng Concorso d’Eleganza Villa d’Este lại có tầm ảnh hưởng cực lớn trong ngàng công nghiệp xe hơi, luôn quy tụ những mẫu xe cổ đẹp nhất, quý hiếm nhất, đắt đỏ nhất, đến từ những cái tên bất kỳ ai cũng phải thèm khát như Rolls-Royce, Lamborghini, Bugatti, Ferrari, BMW, Mercedes-Benz, Alfa Romeo, Porsche, Aston Martin, Jaguar, Maserati…

Do ảnh hưởng của đại dịch, lễ hội năm nay diễn ra vào tháng Mười thay vì tháng Năm, khách mời hạn chế hơn nhưng không vì thế mà kém phần hào hứng. Người giành chiến thắng ở hạng mục quan trọng nhất – Best of Show – tại Concorso d’Eleganza Villa d’Este 2021 là Brian Ross với chiếc Ferrari 250 GT Tour de France 1956. Đồng hành cùng BMW trong vai trò nhà tài trợ còn có A. Lange & Söhne, thương hiệu đồng hồ xa xỉ của Đức, danh tiếng và chất lượng không thua gì “tam thánh” Patek Phillipe, Vacheron Constantin và Audemars Piguet.

Thường diễn ra trong một tuần giữa tháng Sáu ở sân bay Paris-Le Bourget, Paris Air Show được xem là lễ hội triển lãm máy bay lớn nhất thế giới, nơi ngành hàng không toàn cầu tụ hội để phô diễn năng lực sản xuất thiết bị, sức mạnh công nghệ, quân sự, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh. Lễ hội này xuất hiện lần đầu năm 1909, tổ chức 2 năm một lần, thu hút tới 350.000 người tham gia trực tiếp. Ngoài các loại máy bay quân sự, máy bay dân dụng, vận tải, Paris Air Show rất mạnh ở mảng máy bay cỡ nhỏ, máy bay cá nhân, trực thăng, thiết bị bay đời mới, dành cho khách hàng là tỷ phú, triệu phú – những người thuộc giới siêu giàu. Như mẫu Mitsubishi Regional Jet 92 chỗ của Nhật Bản xuất hiện năm 2017 lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng tư nhân nhiều hơn các hãng hàng không. Đây cũng được xem là sân thi đấu của hai đại gia Boeing và Airbus xem bên nào giành được nhiều đơn hàng hơn.

Trong các lần tổ chức gần đây nhất, luôn có hơn 150 máy bay tham gia trình diễn ở Paris Air Show, cùng sự xuất hiện của rất nhiều tên tuổi lớn, mà nổi bật nhất vẫn là Elon Musk, người sáng lập dự án đưa người lên vũ trụ SpaceX, có mối quan hệ mật thiết với NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ). Năm nay, lễ hội không được tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch và sẽ trở lại vào trung tuần tháng 6/2023.

Ra đời năm 1986 và được tổ chức thường niên tại sa mạc Black Rock thuộc bang Nevada (Mỹ) vào cuối tháng Tám, Burning Man là tổng hòa của âm nhạc, nghệ thuật đương đại, triết học, nhằm tôn vinh những tư tưởng cấp tiến của nhân loại. Cho tới thời điểm này, Burning Man đã được xem là hiện tượng văn hóa độc đáo, luôn có mặt trong Top 10 lễ hội thú vị nhất thế giới.

Sa mạc Black Rock được chọn vì có độ bằng phẳng, lại đủ không gian để các nghệ sĩ thoải mái dựng nên các tác phẩm nghệ thuật khổng lồ với đủ mọi ý tưởng – thường là lập dị, siêu thực, vị lai… Riêng số lượng nghệ sĩ tham dự Burning Man hằng năm đã vào khoảng 60.000 - 70.000 người. Âm nhạc, các màn trình diễn ánh sáng và đốt lửa là những thứ mang đến nhiều phấn khích nhất cho Burning Man mỗi khi hoàng hôn buông xuống.

Đến Burning Man là đến với một tuần hoang dại dưới nắng cháy, với đồ ăn thức uống, trang phục và vật dụng cần thiết tự chuẩn bị, bởi không có bất kỳ hàng quán hay nhà nghỉ, khách sạn nào ở gần đó cả. Mỗi năm Burning Man lại dựng lên một công trình biểu tượng theo chủ đề riêng để rồi đến cuối cùng, đốt cháy tất cả, không để lại bất kỳ thứ gì như một cách thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

Burning Man năm nay buộc phải hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch, và chủ đề cho năm sau sẽ là Waking Dreams – Những giấc mơ thức dậy, như một niềm hi vọng về sự hồi sinh. Rất nhiều nhân vật tiếng tăm đã kín đáo tham dự lễ hội này, ngay cả tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg cũng từng nói, muốn được tới Burning Man “như một người bình thường”.

Coachella

Là lễ hội âm nhạc đắt đỏ nhất thế giới, vé tham dự Coachella (tên đầy đủ là Coachella Valley Music and Arts Festival) có giá 275 USD nhưng sau khi cộng mọi phụ phí, người tham dự sẽ phải trả tổng cộng 374 USD (hơn 8 triệu đồng). Diễn ra vào ba ngày cuối tuần trong tháng Tư tại CLB Empire thuộc thành phố Indio, bang California, Mỹ, Coachella mang đến bầu không khí hội hè thực sự dưới ánh nắng rực rỡ, trên thảm cỏ xanh, nơi đồ ăn và nước uống được cung cấp miễn phí, tiệc chiêu đãi của các nhãn hàng tài trợ, thưởng thức âm nhạc phong phú với các thể loại như pop, rock, hip-hop, indie, EDM, kèm theo nghệ thuật sắp đặt và điêu khắc. Vô số ban nhạc và ca sĩ hàng đầu đã tham gia Coachella, trong những năm gần đây có Beyoncé, Rihanna, Katy Perry, Maroon 5, Coldplay, Madonna, Daft Punk, Roger Waters, AC/DC, Guns N’ Roses, Radiohead, Lady Gaga, Kendrick Lamar, Eminem, The Weeknd, Frank Ocean… Chính nhờ đẳng cấp của nghệ sĩ trình diễn và quy mô vô cùng to lớn, Coachella cũng được xem là lễ hội âm nhạc lớn nhất, nổi tiếng và mang lại nhiều lợi nhuận nhất trên thế giới hiện nay. Thành công của Coachella đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều lễ hội âm nhạc kiểu “ăn theo”, hướng đến từng dòng nhạc riêng rẽ.

Ra đời năm 1999, cho tới nay, tầm ảnh hưởng của Coachella đã không thua gì Woodstock năm xưa. Sau hai năm bị hoãn tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch, Coachella dự định sẽ trở lại vào tháng 4/2022 dưới sự dẫn dắt của nhóm rock cựu trào Rage Against the Machine và rapper Travis Scott.

Lên đường
MỪNG NĂM MỚI
NGỌC ANH
Kỳ nghỉ lễ cuối năm có lẽ là một trong vài thời điểm hợp lý nhất để đi du lịch. Với nhiều người, nhiều gia đình, thú vui này đã trở thành quen thuộc và nhất định phải thực hiện, dù rằng, thực hiện những chuyến đi trong quãng thời gian này có thể gặp những bất lợi do tính chất đặc thù của dịp lễ, tết. Nhưng có hề gì, bởi một hành trình mới, ở một địa điểm mới cùng những người thân quen chẳng phải là cách tốt nhất để chào đón năm mới đó hay sao!

Không phải nói nhiều nữa, giao thừa chắc chắn là khoảnh khắc tuyệt vời để tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, mỗi năm chỉ có một lần diễn ra trên toàn cầu. Với những người muốn tìm kiếm sự náo nhiệt, bầu không khí hội hè giữa vô vàn khuôn mặt xa lạ, đích đến của họ sẽ là những thành phố lớn, đông đúc, những trung tâm du lịch luôn chật kín du khách. Còn nếu yêu thích sự yên tĩnh, một bãi biển vắng vẻ, một khu nghỉ dưỡng trên núi sẽ trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết trong thời khắc chuyển giao của thiên nhiên. Chắc chắn đó sẽ là trải nghiệm bạn không bao giờ có được khi đón giao thừa ở nhà, hay kể cả giữa đám đông ở ngay địa phương bạn đang sống.

Một chuyến đi xa cũng giúp bạn tránh khỏi những nghi lễ, xã giao truyền thống, những tiệc tùng với ê hề đồ ăn thức uống mà bạn đã ngán đến tận cổ, và sau đó, lại phải “cắm mặt” vào chuyện dọn dẹp. Một chuyến đi xa, thoạt nghĩ thì tưởng sẽ mệt mỏi, trên thực tế, sẽ tiếp năng lượng cho cả thể xác lẫn tinh thần sau hàng “núi” công việc đổ xuống vào đợt cuối năm. Và nếu bạn sống ở vùng có khí hậu lạnh, chuyến đi này cũng là cách để thoát khỏi giá buốt, tận hưởng biển xanh cát vàng, nắng ấm trái mùa. Chụp những bức ảnh đẹp, check-in các địa điểm nổi tiếng chắc chắn sẽ làm cho nhiều người ở nhà vừa ngưỡng mộ vừa tiếc nuối…

Ngay cả khi bạn đơn độc trong chuyến đi này, thì đó vẫn là một trải nghiệm hết sức khác biệt và đáng nhớ. Bạn có thể thoải mái hòa vào cuộc vui với những người không quen biết, thậm chí không nói chung một ngôn ngữ. Hoặc thong thả bên trang sách, nhấp một ngụm champagne và bình tĩnh đón chờ một năm mới sắp sang.

Dĩ nhiên, sẽ xuất hiện những yếu tố không mong đợi và bạn phải học cách thích nghi với chúng. Ví dụ như chuyện một số nhà hàng, quán café, các bảo tàng đóng cửa trong dịp nghỉ lễ, hay cảnh kẹt cứng ở sân bay, ga tàu. Khách sạn có thể hết phòng và nên đặt chỗ sớm, từ vé máy bay cho tới khách sạn, và cũng nên chấp nhận giá vé cao hơn so với bình thường như một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia và những người đi du lịch giàu kinh nghiệm, ngày cuối cùng trong năm (31/12) luôn là ngày có vé máy bay giá rẻ, lượng khách đi lại cũng thưa thớt hơn và đây được xem là thời điểm tốt nhất để bay trong dịp lễ tết mà không phải gặp quá nhiều phiền toái.

Tiếp theo đây là những địa điểm đón giao thừa và năm mới được ưa chuộng nhất trên thế giới, theo chia sẻ từ các website du lịch hàng đầu, vị trí có thể thay đổi theo từng năm, nhưng chưa bao giờ nằm ngoài Top 10 điểm đến “hot” nhất cho thời khắc thiêng liêng này.

Reykjavik, Iceland

Năm nay, thủ đô của Iceland đứng đầu danh sách bình chọn của Condé Nast Traveller. “Vùng đất của băng và lửa” không chỉ có những khung cảnh đẹp đến sững sờ trong mùa Đông băng giá – mà đỉnh cao là cực quang – vô số phong tục và truyền thống độc đáo, mà còn có cả lễ hội pháo hoa kéo dài từ chập tối cho đến tận nửa đêm, với ánh sáng rực rỡ và những tiếng nổ lớn trên bầu trời, cứ thế vang vọng mãi không thôi. Toàn bộ số pháo hoa này được mua để ủng hộ ICA-SAR, đơn vị tìm kiếm và cứu nạn quốc gia, những người hùng trong đời thường.

Ngoài tiếng pháo hoa, tàu, thuyền trên bến cảng và xe cứu hỏa đều bấm còi inh ỏi vào lúc giao thừa để đón chào năm mới. Không khí lễ hội lan tỏa trên từng con phố được trang hoàng lộng lẫy và sau giao thừa, các quán bar, pub, tiệm café trở nên tưng bừng, nhộn nhịp hơn bao giờ hết, các cuộc vui sẽ kéo dài đến khoảng 5 giờ sáng, khi mọi người kéo về nhà nghỉ ngơi để chuẩn bị cho tiệc tùng vào buổi chiều ngày đầu năm.

New York, Mỹ

Chắc chắn, lễ đếm ngược trên Quảng trường Thời Đại ở thành phố New York là sự kiện chào đón năm mới bất kỳ ai cũng muốn được tham dự ít nhất một lần trong đời. Một triệu người có mặt trực tiếp tham gia các hoạt động vui chơi, tiệc tùng trước sự kiện thả quả cầu pha lê diễn ra đúng một phút trước giao thừa, được truyền hình trực tiếp cho khoảng một tỷ người xem, và trong hàng chục năm qua, đây luôn được coi là sự kiện chào năm mới lớn nhất trên thế giới. Nếu không thể chen chân vào “điểm nóng” này, đừng lo, New York còn rất nhiều chỗ đón giao thừa nổi tiếng khác, tiêu biểu như đảo Coney với màn thả bóng LED, trình diễn ánh sáng 3D, công viên Prospect với tiệc pháo hoa lộng lẫy, Trung tâm nghệ thuật Lincoln với rất nhiều show diễn đa dạng thể loại, Công viên Trung tâm với cuộc thi chạy nửa đêm đã thành truyền thống, sông Hudson với các tour mừng năm mới đặc biệt… Ngoài ra, lên quán bar trên nóc các tòa nhà cao tầng hay ra cầu Brooklyn ngắm toàn cảnh thành phố cũng là hoạt động được dân địa phương và du khách hết sức ưa thích trong đêm đặc biệt này.

Sydney, Australia

Nằm ở Nam bán cầu, không ngạc nhiên khi nhiệt độ trên hầu khắp Australia và nhất là thành phố Sydney trong đêm giao thừa có thể lên tới 35 độ hoặc hơn, và đó cũng là lý do để dân cư cũng như du khách đều thích đổ ra ngoài trời, tới công viên hoặc các bãi biển để ăn mừng. Và điểm nhấn luôn là hai màn trình diễn pháo hoa ở Nhà hát “Con sò” và quanh cầu cảng Sydney, thu hút đến hơn một triệu người đến chiêm ngưỡng. Dĩ nhiên, vị trí quan sát được lựa chọn nhiều nhất luôn là trên bãi biển, nhưng nếu muốn khác biệt, hãy thuê một chiếc thuyền nhỏ, mặc áo phao và cùng hàng trăm người khác chèo tới một vùng nước thật êm ả với góc nhìn mở rộng đến vô cực.

Nếu muốn vừa ngắm pháo hoa vừa thưởng thức đồ uống lạnh cùng hải sản tươi sống, cần nhanh tay đặt bàn ngoài trời ở một trong vô số nhà hàng sát mép nước bên khu cầu cảng. Còn nếu muốn tìm sự khác biệt, có thể tới đảo Cockatoo tham gia cắm trại, nghe hòa nhạc, lên đảo Sydney Habour dự tiệc hay tới khu cảng Darling xem trình diễn ánh sáng từ chập tối. Pháo hoa đón giao thừa ở Sydney luôn được đánh giá là bắt mắt, sáng tạo và hấp dẫn hàng đầu thế giới, với cả trăm triệu người xem truyền hình trực tiếp.

Tokyo, Nhật Bản

Một trong những điểm độc đáo nhất trong lễ đón giao thừa ở Tokyo chính là việc các ngôi chùa đồng loạt gióng lên 108 tiếng chuông, như một hình thức thanh tẩy mọi tội lỗi của con người. Và điểm đón năm mới nổi tiếng nhất là đền Meiju Jingu, không hề đóng cửa trong dịp Tết, đón hơn 3 triệu người đến lễ bái. Rải rác khắp thủ đô của Nhật Bản có rất nhiều sân khấu tổ chức sự kiện đếm ngược nhưng hoành tráng nhất vẫn là ở ngã tư Shibuya nổi tiếng và tháp truyền hình Tokyo, hoặc ở khu Công viên hải dương Yokohama với màn trình diễn ánh sáng đặc sắc đi kèm bắn pháo hoa. Sau khi xong xuôi, người ta sẽ kéo đến vô số quán bar, nhà hàng quanh đó để tiếp tục cuộc vui.

Màn pháo hoa truyền thống ở Tokyo cũng được coi là đẹp xuất sắc, và khi trời gần sáng, rất đông người dân sẽ đi ra ngoại thành hoặc lên những tòa cao ốc được phép mở cửa để thực hiện nghi thức Hatsuhinode – đón ánh bình minh đầu tiên trong năm mới. Chỉ có điều, các nhà hàng ở Tokyo thường giữ thói quen đóng cửa trong dịp đầu năm, vì thế, thủ sẵn đồ ăn ở các cửa hàng tiện lợi là việc rất nên làm.

Cape Town, Nam Phi

Cũng như Australia, người dân Nam Phi đón năm mới khi tiết trời nóng nực, và người ta thường dựng một sân khấu khổng lồ ở bãi biển Alfred với đủ loại hình âm nhạc, biểu diễn liên tục từ chiều ngày cuối năm cho tới qua giao thừa. Trên bãi biển Durban cũng như các bãi biển nhỏ dọc theo đại lộ Garden cũng diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật của các nghệ sĩ từ chuyên nghiệp tới nghiệp dư. Trong khi đó, những bữa tiệc đếm ngược thường được tổ chức ở Lazari thuộc khu trung tâm thành phố, còn du khách thích tới Cape Quarter, nơi ken chặt các quán bar, pub và luôn tấp nập 24/24.

Những màn pháo hoa tuyệt vời sẽ được trình diễn ở khu phức hợp V&A Waterfront, nơi có trung tâm ẩm thực Food Market rất được ưa chuộng với đủ loại đồ ăn ở mọi nơi trên thế giới. Những người thích yên tĩnh có thể lựa chọn đón giao thừa ở các resort, khách sạn dọc theo vịnh Camps hoặc lái xe tới khu cắm trại Western Cape ở ngoài thành phố, hòa mình vào với thiên nhiên. Vài năm trở lại đây, Cape Town luôn có mặt trong Top 10 điểm đón giao thừa thú vị nhất trên thế giới.

VÒNG QUANH THẾ GIỚI
TRÊN BÀN TIỆC
MÙA LỄ HỘI
Trần Mai Phương
Không một dịp lễ nào trong năm lại rộn ràng và ấm áp hơn lễ Giáng Sinh - dịp của tiệc tùng miên man và những bữa ăn trang hoàng rực rỡ. Trong đêm Giáng Sinh, sự chờ đợi mong mỏi của cả một năm dài để được bung ra vào tháng mười hai lạnh giá đã tới, xứng đáng được đền đáp bằng những món ăn tuyệt vời nhất, những hương vị xa xỉ nhất trên thế giới dù ngay tại bàn ăn mỗi gia đình.

Châu Âu “già nua” là chiếc rương chứa đựng nhiều nhất các câu chuyện Giáng sinh. Truyền thống mùa lễ ở châu lục này cũng vì thế mà phong phú hơn hết thảy. Tại kinh đô ánh sáng Paris, một bữa tiệc Giáng sinh không thể thiếu món “quốc hồn quốc túy” - hàu sống. Tạm bỏ qua những chú hàu số một thế giới nặng tới 1kg từ vịnh Coffin - Úc, thì hàu Pháp là một món ăn xa xỉ nhất định phải có trong bữa tiệc xa hoa nhất của năm.

Được biết đến là món ăn yêu thích của chàng Casanova hào hoa, những chú hàu ngọt lịm từ làng chài Cancale vùng Brittany nước Pháp được nuôi ở vùng nước sâu, sau đó đưa lên thềm biển nông hơn khi đã lớn, cho hương vị tuyệt vời với lớp thịt mỏng đặc trưng. Thời điểm từ tháng 9 tới tháng 12 trong năm là lúc thích hợp nhất để thưởng thức hàu, khi chúng không quá béo.

Hàu mua nguyên con đã rửa sạch, hãy dùng chiếc dao nhỏ nạy khéo lấy nửa có thịt hàu, đặt trên đĩa và chờ điều kì diệu xảy ra. Chỉ nửa tiếng sau, nước hàu tiết ra lóng lánh, mặn nhẹ và tràn trề mùi biển.

Lúc này, chẳng ai có thể chờ được nữa mà không đặt trọn miếng biển khơi ấy lên đầu lưỡi để nếm hết cả vị mặn mòi và làn gió lộng từ Cancale. Miếng hàu thứ hai đã có thể chậm rãi hơn, vắt một giọt chanh, hoặc nhỏ vài giọt giấm rượu trắng và mẩu hành tím băm nhỏ, húp hết nước hàu ngọt, nhấp một ngụm rượu vang, và để bữa tiệc bắt đầu.

Món khai vị sao có thể thiếu trứng cá tầm - caviar? Món ăn xa xỉ mà nhà báo đoạt giải Pulitzer Inga Saffron, một người đam mê caviar, đã thốt lên: “Những viên ngọc đen lấp lánh đó, là người anh hùng ẩm thực đã vén lên bức màn khao khát của chúng ta về sự xa hoa, giàu có, và cả sự sống này”. Caviar để lạnh vừa đủ để giữ vị tươi mới nguyên bản, đặt trên bát đĩa thủy tinh giữ lạnh, và dùng với một chiếc thìa xà cừ. Mọi vật dụng kim loại sẽ làm những hạt caviar mỏng manh nhiễm mùi và mất đi chất lượng. Hãy thử sự kết hợp thú vị này: Một thìa caviar thả vào miếng thịt hàu mọng nước, và nếm trọn vẹn vị xa hoa của biển khơi.

Champagne và hàu sống luôn là sự kết hợp cơ bản nhất trong mọi bữa tiệc. Chọn loại champagne khô nhất, để hương khoáng và vị chua nhẹ trong champagne bùng nổ tuyệt hảo với hương biển sâu và vị mặn của hàu. Hãy chọn một chai với nhãn “Brut” - dry và “Blanc de Blancs” - từ nho chardonnay cho một sự kết hợp hoàn hảo nhất. Lanson Noble Cuvee, hay NV Pierre Peters Cuvee luôn là lời đảm bảo cho mọi nụ cười trên bàn tiệc.

Ngược lên quê hương của ông già Noel - Bắc Âu, cùng đem về ngay chiếc đùi lợn xông khói nướng lò giữa kì ảo cực quang, lóng lánh bởi được phủ sốt đường nâu, thơm ngát mùi từ từng nụ đinh hương ghim trên lớp da. Nhưng như vậy là chưa đủ, bữa tiệc lộng lẫy luôn cần một ngôi sao sáng nhất, hãy thả lên trên đó vài lát mỏng nấm truffle trắng quý giá, chiếc đùi lợn xông khói nướng lò trên bàn ăn nhà bạn sẽ là phiên bản độc nhất vô nhị của món ăn Giáng sinh quen thuộc này.

Được sinh ra từ quốc gia “thích ăn thịt” - nước Đức, và sau đó lan ra khắp các nước theo đạo Thiên Chúa khác cho dịp lễ cuối năm, món đùi lợn rừng truyền thống vốn được dùng để tạ ơn thần Freyr - vị thần của sự sinh sôi, của cải và săn bắn. Hiện nay, đùi lợn xông khói có thể dễ dàng mua ở bất kỳ cửa hàng thực phẩm Âu nào, đặc biệt khi tháng Mười Hai đã tới sát gần. Chiếc đùi lợn Giáng sinh ngon nhất sau khi được xông khói, sẽ ướp cùng với xốt ngọt từ anh đào và mật ong, lớp da khía đều hình quả trám ghim những nụ đinh hương thành lớp trang trí lộng lẫy, sau cùng quét đều lớp phủ bóng bẩy từ đường nâu và bỏ lò. Đùi lợn xông khói không cần chế biến quá cầu kỳ, nhưng “kho báu” làm nên sự khác biệt lúc này đã cần được lấy ra.

Nấm truffle trắng trứ danh từ thị trấn Alba miền Bắc nước Ý, ngon nhất khi được thu hoạch vào vụ đông, thời điểm nấm đạt hương vị mạnh và phức tạp nhất. Đây cũng là loại nấm truffle đắt đỏ nhất trên thế giới, với hương vị không một loại nguyên liệu nào “sao chép” được: là sự pha trộn của các loại hạt béo bùi, thơm ngọt như tỏi nướng, ngai ngái mùi đất, the như gia vị, và ngậy nhẹ giống phô mai. Không gì thỏa mãn mọi giác quan hơn một lát mỏng nấm truffle trên miếng đùi lợn hun khói nướng nóng, thơm, mềm và ngọt, lộng lẫy như một vedette trên bàn tiệc Giáng sinh.

Một bữa tiệc tưng bừng không thể kết lại bằng bất kì món tráng miệng “nhẹ nhàng” nào. Một món tráng miệng tương xứng phải bóng bẩy, nồng nàn và “chất lượng” không thua kém mọi món chính trong bữa tiệc cuối năm. Đã tới lúc dành “sân khấu” cho món bánh cưới truyền thống của Hoàng gia Anh - bánh trái cây (fruitcake), thực chất là loại bánh đón Giáng sinh của nhiều nước châu Âu.

Dù có thể dễ dàng mua món bánh này tại bất kì cửa hàng nào, nhưng hãy cầu kì một chút trong việc tìm hiểu thành phần, bởi điều làm nên sự xa hoa cho món bánh với cái tên đơn giản này lại là từng thành phần trong đó. Các loại quả xứ lạnh được sấy khô, chọn những loại thơm ngon nhất với độ chua - ngọt cân bằng: việt quất, nam việt quất, anh đào, quả phỉ, mận, mơ, nho vàng và đen. Tất cả được ngâm trong rượu mạnh pha rum, tiếp thêm rượu tới khi quả khô nở hết, bóng loáng như ngọc, tỏa hương thơm phức của quả và mật, của rượu mạnh và cả mùi hương sâu kín bắt đầu lên men. Sau khi được nướng thành bánh, hỗn hợp rượu cognac tiếp tục được “ướp” vào bánh trong nhiều tuần, thậm chí là hàng tháng, hàng năm nếu muốn tiếp tục bảo quản chiếc bánh thật lâu. Chiếc bánh sau khi “ướp” no rượu sẽ nồng nàn như một vườn quả chín say sưa.

Chiếc bánh fruitcake hãy mua trước bữa tiệc vài tuần, “ướp” rượu thật phóng khoáng đủ đầy. Để đến cuối bữa ăn, khi bạn mang ra chai rượu tráng miệng cùng lát bánh, mở lớp giấy gói, thì mùi hương ngây ngất sẽ làm bữa tiệc Giáng sinh của bạn trở nên trọn vẹn và nhớ mãi về sau.

Chẳng thể đi đâu nhưng vẫn có thể thưởng thức không khí tưng bừng mùa lễ hội vòng quanh thế giới - không điều gì có thể kết nối và làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn những bữa ăn ngon.

Đã tới lúc dành “sân khấu” cho món bánh cưới truyền thống của Hoàng gia Anh - bánh trái cây (fruitcake), thực chất là loại bánh đón Giáng sinh của nhiều nước châu Âu.