MINH TIỆP
ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐÃ GÂY RA NHỮNG HỆ LỤY VÔ CÙNG TO LỚN CHO NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI. TUY NHIÊN, NÓ CŨNG GIÚP CHO THẾ GIỚI CÓ MỘT CÚ HÍCH MẠNH MẼ TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ, KHIẾN CÁC HÃNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH PHẢI NHANH CHÓNG ÁP DỤNG QUY TRÌNH EKYC TRONG LĨNH VỰC CỦA MÌNH. HIỆN EKYC ĐÓNG VAI TRÒ RẤT QUAN TRỌNG, LÀ PHƯƠNG THỨC ĐỊNH DANH MÀ GIỚI TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG COI NHƯ MỘT CÁNH CỬA THIẾT YẾU ĐỂ ĐẾN VỚI NHỮNG NGÂN HÀNG SỐ.
Know Your Customer [tạm dịch: biết về khách hàng của bạn] là quy trình xác minh danh tính, xác định tính phù hợp và rủi ro của khách hàng nhằm thiết lập, duy trì mối quan hệ kinh doanh. Ban đầu, các quy định KYC chỉ được áp dụng

đối với các tổ chức tài chính. Nhưng hiện tại, ngành công nghiệp phi tài chính, công nghệ tài chính (Fintech), các nhà kinh doanh tài sản ảo, tiền mã hóa và thậm chí các tổ chức phi lợi nhuận đều phải có quy trình xác minh danh tính khách hàng một cách chặt chẽ để tránh rủi ro như trốn thuế và rửa tiền.

Hiểu một cách đơn giản, KYC là cách thức một tổ chức như ngân hàng, quỹ tín dụng xác định danh tính của khách hàng bằng cách yêu cầu khách hàng cung cấp giấy tờ như chứng minh thư, thẻ căn cước, bằng lái xe... để chứng minh họ có tồn tại và họ đúng là chính họ để có thể lập tài khoản ngân hàng, làm thẻ tín dụng hay vay bằng hình thức tín chấp hoặc thế chấp tài sản...

eKYC [electronic Know Your Customer] là quy trình KYC điện tử hay định danh khách hàng trực tuyến, cho phép các ngân hàng, các tổ chức định danh khách hàng 100% online, đơn giản hóa các thủ tục xác minh giấy tờ, xác minh sinh trắc học mà không cần gặp mặt trực tiếp tại phòng giao dịch như KYC truyền thống.

Trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành, eKYC có ưu thế đặc biệt vì nó giúp cho các công ty, tổ chức, đơn vị kinh doanh xác minh danh tính khách hàng mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Đồng thời, nó có ưu thế về mặt địa lý, định danh khách hàng từ xa, trên toàn cầu, giúp mở rộng quy mô và phạm vi kinh doanh... Một người ở Việt Nam có thể mở tài khoản tại một ngân hàng nước ngoài chấp nhận hình thức eKYC mà không phải trực tiếp đến ngân hàng đó.

4 mô hình eKYC phổ biến

Các quy định về eKYC có điểm chung là cách tiếp cận mơ hồ trong các yêu cầu. Thay vì phải có điều khoản về công nghệ hay quy trình cụ thể, quy định vẫn là những hướng dẫn chung, cởi mở trong việc phân tích và duyệt/từ chối các thủ tục của một tổ chức tài chính dựa trên một cơ sở đặc biệt nào đó. Có thể thấy điều này qua mô hình Xác thực & Đối sánh Danh tính của Hồng Kông.

Vào tháng 2/2019, HKMA (Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông) đã phát hành một thông tư cập nhật về “việc thu hút khách hàng cá nhân từ xa”. Trong đó, không cung cấp danh mục cụ thể về các hành động cần tuân theo, nhưng nêu rõ rằng công nghệ được áp dụng cho mục đích thu hút khách hàng từ xa phải bao gồm cả xác thực/xác minh danh tính và đối sánh danh tính (ví dụ: Nhận dạng khuôn mặt, phát hiện trực tiếp [trên video quay live hình khách hàng] ).

Ưu điểm của mô hình linh hoạt này là dựa vào các tài liệu nhận dạng cộng với phát hiện "live", qua đó, tạo ra một hệ sinh thái rộng rãi các giải pháp không dễ bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công trên toàn bộ hệ thống tài chính. Nhược điểm là sự không chắc chắn do các yêu cầu tương đối mơ hồ.

Mô hình thứ 2 là Xác minh qua video của Đức. BaFin, cơ quan quản lý của Đức, đã đáp ứng các yêu cầu về quy trình thuận tiện hơn trong việc thu hút khách hàng, cho phép xác minh và nhận dạng khách hàng thông qua liên kết video hai chiều trực tiếp với ngân hàng. Ví dụ đáng chú ý khác là RBI (Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ), vào tháng 1/2020 đã tuyên bố sẽ cung cấp tùy chọn KYC dựa trên video để thiết lập danh tính của khách hàng.

Xác minh bằng video có ưu điểm là ngăn chặn một số phương thức đánh cắp danh tính và được hiểu đơn giản là phiên bản kỹ thuật số của phương thức mặt đối mặt truyền thống. Nhưng nó đặt gánh nặng lớn lên nhóm quản lý hàng loạt cuộc gọi điện video đến và không có lợi thế nào về khả năng mở rộng so với phương pháp truyền thống.

Một cách tiếp cận triệt để hơn đối với eKYC là mô hình ID số của Thụy Điển và Ấn Độ. Hệ thống tạo ra các ID kỹ thuật số được liên kết hoặc các tiện ích KYC tập trung. Mô hình này yêu cầu việc tạo ra một nguồn thông tin chính thức đáng tin cậy mà các tổ chức tài chính có thể tham khảo khi kiểm tra danh tính của một khách hàng tiềm năng.

Ấn Độ, với hệ thống Aadhaar e-KYC, là một trong những nước tiên phong về sự đa dạng tập trung của mô hình này. Ra mắt vào năm 2009 và được coi là nguyên mẫu eID toàn cầu, Aadhaar hiện có hơn 1,21 tỷ người dùng. Nói một cách đơn giản, Aadhaar là số nhận dạng cá nhân do Cơ quan Nhận dạng Duy nhất của Ấn Độ (UIDAI) cấp với mục đích thiết lập danh tính duy nhất của mọi cá nhân đã đăng ký.

Thật không may, một chương trình tập trung dễ gặp rủi ro lớn từ các cuộc tấn công mạng hoặc lỗi triển khai. Điều này đã xảy ra vào tháng 1/2019, khi hàng triệu hồ sơ sinh trắc học hoàn chỉnh của người dùng Aadhaar đã bị rò rỉ, khiến việc sử dụng hệ thống phi chính phủ tạm thời bị dừng lại.

Thụy Điển là một ví dụ thú vị trong nhiều hệ thống ID kỹ thuật số. Năm 2003, hệ thống eID liên hợp gọi là BankID do một nhóm các ngân hàng lớn của Thụy Điển đưa ra. Sau đó, nó được các cơ quan chính phủ chấp nhận sử dụng như là một trong những hình thức nhận dạng chính.

Lợi ích của việc áp dụng eKYC

Hiện tại, mở tài khoản ngân hàng ở bất kỳ đâu đều phải có các bước xác minh tối thiểu như căn cước, hộ chiếu, đối chiếu khuôn mặt... hay các tài liệu liên quan như hóa đơn điện nước, hợp đồng lao động để giúp ngân hàng đánh giá, giám sát rủi ro, ngăn ngừa gian lận. Qua đó, ngân hàng đảm bảo được người mở tài khoản là chính chủ, và người thực hiện các giao dịch trong tương lai chính là người đã đăng ký.

eKYC ra đời giúp các ngân hàng loại bỏ khuyết điểm của phương pháp định danh truyền thống. Khách hàng không phải đến trực tiếp văn phòng giao dịch của ngân hàng để đối chiếu giấy tờ tùy thân, không mất thời gian đi lại, chờ đợi. Chỉ với một chiếc smartphone, khách hàng có thể thực hiện việc định danh ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian, với các thao tác đơn giản, dễ hiểu và chỉ tốn vài phút.

Đồng thời, công nghệ áp dụng để thực hiện eKYC cũng làm giảm sai sót trong quá trình nhập liệu, dễ dàng phát hiện những giấy tờ giả khó phát hiện bằng mắt thường. Các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực để thực hiện những công việc này.

Trong lĩnh vực đầu tư, ở cấp độ quốc gia, nhiều cơ quan quản lý đã ban hành hướng dẫn sửa đổi về xác minh khách hàng từ xa để giúp các tổ chức tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và tiếp cận khách hàng trong thời gian đại dịch. Ví dụ: Một số tổ chức tại New Zealand đã chấp nhận bản sao được quét của tài liệu thay vì bản gốc và thực hiện xác minh điện tử để tránh tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Tương tự, SEBI (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ) hiện đang cho phép các nhà đầu tư danh mục đầu tư nước ngoài cung cấp phiên bản ảnh quét của các tài liệu được yêu cầu khi đăng ký. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Philippines đã tạm thời dỡ bỏ yêu cầu xuất trình thẻ ID hợp lệ trong quá trình tiếp cận khách hàng (hiện chỉ áp dụng với các giao dịch nhỏ). Hiện tại, có 4 mô hình eKYC đang được áp dụng phổ biến trên thế giới: Hồng Kông (Trung Quốc), Đức, Thụy Sĩ - Ấn Độ hoặc Anh quốc.

Cách thức Việt Nam áp dụng e-KYC

Việt Nam cũng đã nhanh chóng tiếp cận eKYC trong lĩnh vực ngân hàng. Thông tư số 16/2020/TTNHNN đã hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đưa ra những nét khái quát để các ngân hàng có thể áp dụng eKYC . Thông tư cũng chính thức cho phép các ngân hàng được áp dụng phương thức định danh trực tuyến để mở tài khoản từ xa cho khách hàng từ ngày 5/3/2021. Hướng dẫn trong Thông tư mang tính cởi mở, cho phép có nhiều phương thức linh hoạt hơn để ngân hàng áp dụng những hình thức eKYC mà mình mong muốn.

Hiện tại, phương thức eKYC của các ngân hàng Việt Nam tương đối đơn giản, thuận tiện có phầnn giống với mô hình Hồng Kông. Nhưng Việt Nam có lợi thế là đang thực thi việc cấp căn cước công dân có gắn chip và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, việc xác minh danh tính trực tuyến của các ngân hàng sẽ còn chính xác và thuận tiện hơn nữa, tránh được những rủi ro về tiết lộ dữ liệu khách hàng cũng như làm giả danh tính để trốn thuế hay rửa tiền.

Ở thời điểm đại dịch COVID-19 chưa bùng phát nghiêm trọng, lĩnh vực thương mại điện tử và các ứng dụng ngân hàng số đã bùng phát. Chính điều đó đã thúc đẩy các ngân hàng thực hiện chuyển đổi số, thành lập nên các ngân hàng số với các hoạt động hoàn toàn có thể thực hiện online. Và để làm được điều này thì áp dụng eKYC tại Việt Nam là nhu cầu tất yếu. eKYC chính là cánh cửa đầu tiên để đến với những ngân hàng số

Việt Nam có lợi thế là đang thực thi việc cấp căn cước công dân có gắn chip và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, việc xác minh danh tính trực tuyến của các ngân hàng sẽ còn chính xác và thuận tiện hơn nữa, tránh được những rủi ro về tiết lộ dữ liệu khách hàng cũng như làm giả danh tính để trốn thuế hay rửa tiền.

Người ta ước tính rằng 80% dân số Thụy Điển hiện đang sử dụng nó một cách nhất quán. Dữ liệu nhận dạng nằm trong ngân hàng của người dùng, không phải ở một nơi tập trung và do đó ít bị tấn công hoặc triển khai không an toàn.

Trong khi hầu hết các kế hoạch KYC và các yêu cầu về việc chống rửa tiền áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro, Cơ quan quản lý tài chính của Anh đưa vấn đề lên cấp độ tiếp theo, tạo ra mô hình Nâng cao và đơn giản hóa với sự chú ý xác đáng.

Nhóm chỉ đạo chung về rửa tiền - JMLSG là cơ quan đưa ra hướng dẫn để hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thực hiện nghĩa vụ của họ theo luật AML/CTF (chống rửa tiền, tài trợ khủng bố). Theo hướng dẫn hiện tại của JMLSG, các khách hàng có rủi ro thấp đủ điều kiện để được thẩm định đơn giản (SDD). Với SDD, để xác minh danh tính của khách hàng, các tổ chức tài chính chỉ cần thu thập thông tin tên, ngày sinh, địa chỉ cư trú và xác minh các phần thông tin được cung cấp dựa trên các nguồn chính thức như sổ đăng ký bầu cử, bản án của tòa án, tổ chức tín dụng... Theo quy tắc JMLSG, tiêu chí xác minh đó gọi là 2 + 2 vì nó yêu cầu các tổ chức tài chính phải khớp 2 điểm dữ liệu do khách hàng cung cấp với 2 điểm dữ liệu từ một nguồn đáng tin cậy.

4 mô hình eKYC trên đều có những ưu và nhược điểm mà Việt Nam có thể rút kinh nghiệm và sử dụng khi đang trong quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện trong lĩnh vực ngân hàng. Chúng ta có thể kết hợp sự ưu việt của các mô hình eKYC khác nhau để tối ưu hóa thời gian, nguồn lực, cũng như tận dụng được ưu thế là người đi sau - có nhiều lựa chọn hơn để có được hình thức eKYC thích hợp nhất.