NTK Virginie Viard đã đưa những tín đồ thời trang đến với lâu đài Chenonceau tọa lạc tại thung lũng Loire. Đây là nguồn cảm hứng cũng như là bối cảnh của show diễn ra mắt BST Métiers d’Art 2021 của Chanel.
Lâu đài Chenonceau được gọi là “Le Château des Dames” (Lâu đài của những quý cô), bởi lịch sử của nó gắn liền cùng tên tuổi những phụ nữ huyền thoại đã từng sống ở đó như: Katherine Briçonnet, Diane de Poitiers, Catherine de’ Medici, Louise de Lorraine, Gabrielle d’Estrées và Louise Dupin. Vào nửa sau của thế kỷ 16, nữ hoàng người Ý, Catherine de’ Medici đã trang hoàng cho tòa lâu đài này bằng vẻ lộng lẫy của thời kỳ Phục Hưng trong từng chi tiết nhỏ. Bằng chứng là rất nhiều bản khắc chữ viết tắt tên của bà vẫn còn xuất hiện trên nội thất bên trong lâu đài, hai chữ C đan vào nhau có sự giống nhau một cách đáng kinh ngạc với logo “CC” mà Gabrielle Chanel giới thiệu vào đầu năm 1921 trên nắp gài của nước hoa Chanel N°1. Tất cả tạo nên mối liên kết bất ngờ giữa Chanel với lâu đài tuyệt đẹp này.
BST Métiers d’Art được ra mắt hằng năm của Chanel là cuộc đối thoại của NTK Virginie Viard với những nghệ nhân tại các nhà nghề thủ công của Chanel. Không chỉ đề cao tính sáng tạo, bộ sưu tập Métiers d’Art còn ca ngợi kỹ thuật thượng thừa của các nghệ nhân thủ công như: thợ may từ Desrues, thợ làm lông vũ từ Lemarié, thợ làm mũ từ Maison Michel, thợ thêu từ Lesage và Atelier Montex, thợ đóng giày từ Massaro, thợ kim hoàn từ Goossens, thợ làm găng tay từ Causse Gantier và thợ xếp nếp từ nhà nghề Lognon, ở Paris và Pháp.
Với BST Chanel Métiers d’Art 2021, vẻ đẹp của người phụ nữ mà NTK Virginie Viard mang đến được bao trùm bởi sự bí ẩn, quyến rũ tưởng chừng không thể mai một theo thời gian. Các chất liệu sáng tạo chính vẫn là các biểu tượng quen thuộc của Chanel như chất vải tweed, những chuỗi ngọc trai, những chiếc vòng tay mắt xích to,… Đó là những biểu tượng trường tồn, được xuất hiện từ thế kỷ trước nhưng cho tới ngày nay vẫn luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim của những người yêu thời trang.
Dấu ấn của trang phục hoàng gia, quý tộc xưa cũ được NTK Virginie Viard khéo léo thể hiện qua những bộ trang phục hiện đại dành cho phái đẹp ngày nay. Những phom dáng kinh điển được cân chỉnh đến mức hoàn hảo để rồi được “phá bĩnh” bởi những nét chấm phá sắc sảo, tạo những cú lội ngược dòng thú vị và mãn nhãn cho người yêu cái đẹp. Các chất liệu như nhung, ren, lụa,… tạo nên những sự kết hợp đặc sắc, tô điểm cho diện mạo của những quý cô hiện đại.
Và những chiếc túi xách của Chanel vẫn tiếp tục biến hóa trong BST Métiers d’Art 2021 lần này. Các kích cỡ khác biệt trên nhiều chất liệu phong phú, đôi khi được kết hợp cùng nhau không theo một quy tắc hay quy chuẩn nào cả. Tất cả đều tạo nên được những dấu ấn khó quên ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Điểm nhấn đầu tiên của chiếc đồng hồ này chính là bộ vỏ, vòng benzel, núm vặn cũng như phần khóa gập được chế tác hoàn toàn bằng bạch kim 950 (độ tinh khiết đạt 95%), trong khi đó, mặt số cũng sử dụng chất liệu bạch kim 950 nhưng được phun cát, con dấu PT950 nằm rất gọn giữa cọc số 4 và cọc số 5. Toàn bộ cọc số được làm từ vàng trắng 18k, bộ kim nung xanh có màu sắc cực kỳ ăn ý với dây da cá sấu Mississipiensis với phần chỉ thêu bện giữa sợi bạch kim 950 và lụa, hoàn thiện kiểu yên ngựa bản vuông lớn.
Nhìn tổng thể, chiếc Traditionnelle mang vẻ đẹp nhã nhặn, quý phái theo kiểu cổ điển, hòa quyện giữa kỹ thuật điêu luyện và thẩm mỹ tinh tế, vừa làm nổi bật phong thái lịch lãm của người đeo, vừa thể hiện được sự năng động, khỏe khoắn, hiện đại và phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Kích thước 42,5mm, độ dầy 10,72mm đặc biệt phù hợp với cổ tay cỡ vừa và lớn. Chống nước tới độ sâu 30 mét.
Kiệt tác này mang trong mình cỗ máy Calibre 3500 do chính Vacheron Constantin phát triển và sản xuất (in-house), 47 chân kính, 473 chi tiết, thời lượng trữ cót khoảng 48 giờ. Đặc biệt hơn, cỗ máy cơ khí phức tạp này được chế tác thủ công, dầy chỉ 5,2mm, mỏng nhất trong dòng máy Calibre, con lắc ngoại vi của tính năng lên cót tự động làm bằng vàng 22K. Mặt lưng của đồng hồ cũng được phủ kính shappire trong suốt để mọi người có thể chiêm ngưỡng một phần cơ chế hoạt động của Calibre 3500 cùng những chi tiết cực kỳ tinh xảo, do bàn tay con người làm ra.
Không chỉ vậy, trên cỗ máy này, các nghệ nhân của nhà Vacheron Constantin còn tích hợp cả một tính năng hết sức phức tạp và độc đáo: bấm giờ thể thao tách giây. Đó cũng là lý do đồng hồ được mang cái tên rất dài: Traditionnelle Split-Seconds Chronograph Ultra-Thin Collection Excellence Platine – Traditionnelle siêu mỏng bấm giờ thể thao tách giây thuộc bộ sưu tập Excellence Platine. Tính năng này thường được dùng để đo thời gian của hai sự kiện khác nhau, mà sự phức tạp trong hoạt động của các kim giây đã khiến bất kỳ ai may mắn được chiêm ngưỡng cũng phải trầm trồ thán phục.
Không xa rời hơi thở đương đại, Vacheron Constantin vẫn luôn tìm được cảm hứng sáng tạo từ quá khứ. Sức cuốn hút của những chiếc đồng hồ Vacheron Constantin có thể nói đã vượt qua mọi thách thức của thời gian, biến chúng thành tuyên ngôn cá nhân trên cổ tay, nơi kỹ thuật và phong cách tìm được tiếng nói chung, để truyền thống hòa quyện cùng những cách tân táo bạo…
Giá tham khảo: 288.000 USD (khoảng 6,65 tỷ đồng)
Những bộ đồ tắm dành cho nữ giới đầu tiên được thiết kế từ đầu thế kỷ 19, tuy nhiên, đến đầu những năm 1920, nhờ sự bùng nổ của phim ảnh Hollywood, loại trang phục này bỗng nhiên trở nên phong cách hơn, gợi cảm hơn và có kiểu dáng tương tự với những gì chúng ta vẫn thấy trên các hồ bơi, bãi biển ngày nay.
Trong một trăm năm qua, nếu có một sản phẩm may mặc thể hiện được tinh thần thời đại nhiều nhất thì đó phải là áo tắm. Ngay cái tên của nó cũng thay đổi và phát triển theo thời gian: đồ tắm, đồ bơi, áo tắm liền mảnh, áo tắm hai mảnh… Từ những chiếc váy đủ màu cho đến những bộ bikini gợi cảm, đồ bơi đã góp phần định nghĩa nhiều thập kỷ với những phong cách mang tính biểu tượng và chắc chắn là đi vào lịch sử ngành thời trang thế giới.
Ra đời từ giữa thế kỷ 19, nhưng áo tắm chỉ thực sự phổ biến ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20, khi bơi lội trở thành môn thi đấu ở Thế vận hội và được đưa vào các trường đại học. Các xưởng may bắt đầu nghĩ đến chuyện thiết kế những bộ đồ bơi gọn gàng hơn, bó sát vào người hơn, như lời báo hiệu cho sự bùng nổ về mặt kiểu cách sau đó. Người ta đã thấy những cánh tay trần, những đường viền len lỏi tới giữa đùi và các nhà thiết kế cũng không hẹn mà gặp trong việc dùng ít vải hơn.
Trong khi kích thước của đồ bơi ngày càng nhỏ lại, thì nhu cầu về chúng lại ngày càng tăng lên, nhất là từ năm 1920, khi cả Hollywood và tạp chí thời trang còn non trẻ lúc đó là Vogue đều cổ súy cho ý tưởng về những bộ đồ bơi gợi cảm và quyến rũ. Lớp trẻ cấp tiến đã hoàn toàn bị quyến rũ trước hình ảnh các cô đào Anita Page hay Leila Hyams xuất hiện trên màn bạc trong bộ áo tắm khoe trọn bờ vai trần, đôi tay nuột nà cùng cặp chân dài miên man.
Rất nhanh chóng, những phiên bản y hệt xuất hiện ở mọi nơi – chúng được may bằng một loại vải tổng hợp co giãn mang tên Lastex, không chỉ bền bỉ hơn dưới nước mà còn giúp khéo léo phô bày những đường cong gợi cảm nhờ khả năng “dán” chặt vào cơ thể.
Các nhà mốt xa xỉ cũng bắt đầu tham gia vào thị trường béo bở này, sau khi họ chứng kiến những ngôi sao có sức cuốn hút mạnh mẽ như Briggite Bardot, Marilyn Monroe, Sophia Loren làm cả nước Mỹ và châu Âu tin rằng một phụ nữ mặc bikini trên bãi biển là chuyện hết sức bình thường. Đây cũng là thời điểm người ta tạm xa rời cái đẹp dịu dàng, tao nhã để quay sang tôn sùng vẻ đẹp phồn thực, hừng hực sức sống của những thân hình đồng hồ cát.
Những bộ đồ tắm phổ thông đã có nhiều thay đổi so với khoảng mười năm trước đó: chiếc váy nhỏ che phần eo, hông và đùi đã biến mất, nhường chỗ cho quần cạp cao, áo ngực vẫn theo dáng bralette (không có phần gọng) nhưng biến tấu đa dạng hơn, gợi cảm hơn – nhờ sự ra đời của vải nylon và Lycra, co giãn và đàn hồi hơn hẳn vải Lastex.
Cuối thập niên 1960, trào lưu hippy cùng cuộc cách mạng phản kháng xã hội lên ngôi ở hai bên bờ Đại Tây Dương, phụ nữ được khuyến khích mặc bất cứ thứ gì không làm họ thấy xấu hổ. Đó cũng là lý do vì sao tính từ thời điểm này, đồ bơi tiếp tục táo bạo hơn, tiếp tục lộ liễu hơn, bikini dây, áo tắm cut-out, kiểu trang trí bằng tua rua và móc nghiễm nhiên lên ngôi, trong không khí tưng bừng của cuộc cách mạng tình dục, classic rock và cool jazz.
Năm 1975, poster nữ diễn viên kiêm người mẫu Farrah Fawcett mặc chiếc áo tắm một mảnh màu đỏ đầy gợi cảm đã bán được 12 triệu bản và phần nào cho thấy thẩm mỹ cũng như nhu cầu thể hiện bản thân của một cô gái Mỹ là như thế nào. Những bộ bikini tiếp tục được ưa chuộng hơn, tối giản hơn, vải cũng mỏng hơn, đó chính là thập niên 1980, khi da thịt được phô bày nhiều hơn bao giờ hết.
Ngày 5/7/1946, cả thế giới chứng kiến một cơn địa chấn, khi cô vũ nữ y thoát Micheline Bernardini lần đầu tiên mặc bộ bikini xuất hiện trước công chúng ở Paris. Không người mẫu nào dám mặc thứ trang phục “nhỏ hơn áo tắm nhỏ nhất thế giới này”, và ở thời điểm đó, được ghi nhớ như bộ đồ bơi hai mảnh “tiết lộ mọi thứ về một thiếu nữ ngoại trừ tên thời con gái của mẹ cô”. Nhà thiết kế Louis Réard gọi thiết kế của mình là bikini – lấy theo tên hòn đảo Bikini Atoll, nơi diễn ra vụ thử bom hạt nhân cách đó bốn ngày. Ông muốn ví von nó như một cú bùng nổ, đúng như vậy, nhưng là câu chuyện của gần mười năm sau.
Bởi ban đầu, bikini không được hoan nghênh như Louis Réard hình dung. Nước Pháp cấm nó trên các bãi biển từ năm 1949. Nước Đức cấm nó ở mọi bể bơi công cộng cho tới tận thập niên 1970. Tuy nhiên, bikini vẫn có sức tiêu thụ tốt, chỉ có điều, người ta không dám công khai mua nó, cũng chẳng có cơ hội công khai mặc nó, do bị các tổ chức xã hội, các nhà nữ quyền lên án về sự suy đồi và khuynh hướng trở thành công cụ mua vui cho đàn ông. Phải đến năm 1952, khi nữ minh tinh người Pháp Brigitte Bardot làm công chúng chao đảo khi diện bộ đồ bơi hai mảnh này trong phim The Girl In The Bikini, người ta mới kịp nhận ra khả năng tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ của nó hoàn hảo đến mức nào.
Đây là lần đầu tiên bikini lên phim, và sau đó, qua những bộ phim khác như Lolita (1962), Dr. No (1962), Blue Lagoon (1980), Fast Time At Ridgenmont High (1982), Star Wars: Return Of The Jedi (1983), Die Another Day (2002)… người ta đã tổng hợp ra 17 khoảnh khắc biểu tượng của bikini trong lịch sử điện ảnh.
Trở lại năm 1964, nhà thiết kế Rudi Gernreich đã thực sự gây bão bằng việc tung ra mẫu monokini bị Vatican lên án là suy đồi, do chỉ có phần quần ngắn, bó sát phía dưới cùng hai dây đai mảnh phía trên, để lộ toàn bộ vùng ngực của người mặc. Thật kỳ lạ, con số 3.000 chiếc bán được trong mùa hè đầu tiên đáng để suy ngẫm, tuy nhiên, ai cũng phải công nhận đây chính là nguồn cảm hứng cho mọi mẫu áo tắm cut-out với những đường cắt xẻ từ tinh tế đến táo bạo sau này.
Khi trào lưu disco thăng hoa cùng quả cầu ánh sáng lấp lánh trong các vũ trường, cũng là lúc tông neon cùng đủ gam màu sặc sỡ, họa tiết hoa kiểu bohemian xuất hiện dày đặc trên các bộ áo tắm. Sự “nguy hiểm” của các thiết kế áo tắm dường như đã tới hạn, dù phụ nữ ngày càng độc lập và mạnh mẽ hơn, chúng vẫn dừng lại ở những hình thái như chúng ta vẫn thấy tại Tuần lễ thời trang áo tắm Miami (Miami Swim Week) hằng năm, sự khác biệt chỉ nằm ở các chi tiết, kiểu trang trí, nhấn nhá mà thôi.
Phong cách được xem là nổi bật nhất thập niên 1990 chính là kiểu áo tắm một mảnh lấy cảm hứng từ Baywatch - loạt phim về đội cứu hộ bãi biển với phần hông khoét cao, cổ chữ V khoét sâu để khoe được trọn vẹn sự nóng bỏng của những ngôi sao như Pamela Anderson hay Carmen Electra.
Còn sang đến thế kỷ 21, tankini bỗng nhiên ra đời như một cuộc cách tân ngược, bởi nó vốn là bikini nhưng phần trên lại là dáng tank top kín đáo, giúp người mặc không mắc kẹt trong nỗi lo lộ “nhược điểm” với đồ bơi một mảnh hay quá lộ liễu với bikini. Có thể nói, tankini phá vỡ mọi quy tắc về thiết kế đồ tắm nhưng lại thừa hưởng được những ưu điểm của cả hai kiểu áo tắm truyền thống.
Và mới năm ngoái thôi, làng thời trang lại thêm một lần sửng sốt khi bắt gặp một xu hướng lạ đời: đồ bơi không phải mặc để bơi, mà chỉ để khoe dáng bên bể bơi. Thậm chí, bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mốt Pretty Little Thing còn khuyến cáo “không nên mặc những set đồ bơi này xuống nước, bởi nó được thiết kế chỉ để khoe dáng trên thành bể”. Trước đó, nhà Gucci cũng từng bán ra chiếc áo bơi một mảnh màu trắng với logo rất lớn phía trước ngực, giá 380 USD, nhưng người mua lại nhận được gợi ý nên mặc nó với chân váy mini, quần denim hoặc bất cứ thứ gì cạp cao. Chiếc áo bơi này cũng tạo ra rất nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Twitter, tuy nhiên, người ta vẫn mua, thậm chí mua sạch. Trên thực tế, đây chính là những ví dụ rất tiêu biểu về sự đỏng đảnh của thời trang. Trong thời đại của chúng ta, trang phục đôi khi không cần thực hiện chính xác chức năng cơ bản của nó. Nó chỉ cần đẹp đẽ, bắt mắt và chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng, vậy là đủ. Khi người ta có thể mặc đồ ngủ đi shopping, mặc đồ tập tới chốn công sở thì mặc đồ bơi mà không xuống nước cũng chẳng là vấn đề gì to tát. Hãy nhớ rằng, áo tắm chính là thứ trang phục tự do nhất, không phải tuân theo bất kỳ quy tắc nào. Hãy tận hưởng, ngưng áp đặt, đó chính là tinh thần của áo tắm trong thế kỷ 21.