Ý chí không hoàn hảo
Ý chí không hoàn hảo
Angela Merkel - Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới
Elon Musk - Tony Stark trong đời thực
Bernard Arnault - Ông hoàng xa xỉ toàn cầu
Dwayne Johnson - Hình dáng hoàn hảo của “giấc mơ mỹ”
Cristiano Ronaldo - Nguồn cảm hứng bất tận trong bóng đá
Phạm An
Khi đọc chuyện về những vĩ nhân, chúng ta thường nghĩ rằng thành tựu và nỗ lực của họ là những yếu tố then chốt trong câu chuyện. Rốt cục thì ngược lại: thực ra họ tạo cảm hứng và lôi cuốn chúng ta vì họ cũng thật… bình thường.

Vào ngày 11/10/1726, một thanh niên bước ra khỏi con tàu khởi hành từ Anh đến Philadelphia (Mỹ), thở phào nhẹ nhõm. Sau hai năm ở London học nghề in ấn, anh vượt Đại Tây Dương trong một chuyến đi kéo dài 12 tuần vất vả. Trong vòng ba năm, anh sẽ làm việc cật lực và cho xuất bản hai tờ báo, nhưng vào ngày tháng Mười đẹp trời đó, chàng thanh niên nghĩ về một chuyện khác: anh chạy vội về phòng tìm bút lông, một lọ mực đỏ, và bắt đầu phác thảo một biểu đồ.

Trên trục hoành của biểu đồ, anh ghi các ngày trong tuần, và ở trục tung là 13 “đức tính” mà anh sẽ sử dụng để kiểm tra sự phát triển cá nhân của mình. Các đức tính mà chàng trai liệt kê lần lượt là: tự chủ, im lặng, có kỷ luật, cương nghị, thanh đạm, chăm chỉ, chân thành, công bằng, điều độ, sạch sẽ, điềm tĩnh, giản dị và khiêm nhường. Mỗi lần vi phạm một đức tính, anh sẽ chấm thêm một nốt đen vào ngày hôm đó.

Ngay vào ngày Chủ nhật đầu tiên, anh đã hai lần vi phạm đức tính im lặng (bằng những trò đùa lắm lời), và một lần với kỷ luật. Ngày hôm sau, thêm hai nốt đen nữa ở những chỗ đã phạm phải ngày hôm trước, cộng thêm vi phạm vào sự thanh đạm (theo Franklin thì thanh đạm phải là “không được lãng phí thứ gì”). Vào ngày thứ Ba, anh vi phạm đủ ba loại lỗi cũ, lại còn thêm cả một nốt đen ở đức tính “cương nghị”.

Hình vẽ minh họa Benjamin Franklin trong một con tàu trên đường đến Pháp

Trong suốt tuần đó và cả những tuần tiếp theo, thật dễ đoán, chàng trai sẽ lần lượt phản bội tất cả những đức tính anh tôn sùng. Bạn đọc có thấy tình huống này quen không: thất bại khi cố với đến những mục tiêu hoàn hảo dường như là chuyện thường ngày của đời sống. Anh bạn này có thể là bất cứ ai trong số chúng ta.

Nhưng chàng trai mà tôi nói đến, rốt cục, lại không phải là đa số chúng ta: Benjamin Franklin. Một trong bảy “người cha lập quốc” của Mỹ. Chưa từng là Tổng thống Mỹ, nhưng chân dung của ông đã được in lên tờ 100USD. Một nhà phát minh phi thường, đã sáng tạo ra cột thu lôi, đàn harmonica, kính hai tròng. Một trong những người đào hoa bậc nhất. Một người được xem như biểu tượng vĩnh cửu của nước Mỹ, và đã chạm đến hầu như mọi thành công có thể giành được, với tư cách người đàn ông.

Nhưng vậy đấy, con người hoàn hảo ấy đã từng thất bại trong nỗ lực cố làm người hoàn hảo. Franklin từng viết trong tự truyện về tham vọng này: “Tôi hình dung rằng táo bạo và gian khổ chính là con đường đạt đến sự hoàn thiện về đạo đức. Tôi muốn sống mà không phạm phải bất kỳ lỗi lầm nào vào bất kỳ lúc nào; và có thể chinh phục mọi thứ”.

Khi nói về con đường thành công, người ta thường tin rằng đó phải là một đường thẳng hướng lên không có sự do dự, với quyết tâm đã chinh phục được mọi thứ, gạt đi mọi vật cản. Con đường này không chấp nhận việc ai đó xao lãng và chệch hướng: mỗi một sai lầm dường như là chuyện thật kinh khủng. Kiểu một cơ hội bị đánh mất không thể cứu vãn.

Nhưng điều Franklin học được là thật vô ích khi cố gắng hoàn thiện tất cả. Anh từ bỏ biểu đồ của mình, nghĩ rằng tốt hơn là vẫn nên có sai lầm, thay vì để bất kỳ thất bại nhỏ nào cũng khiến mình phải tự dằn vặt cả tuần: “Một chiếc rìu có nhiều vết sắt rỗ vẫn là bén nhất. Một người tử tế nên cho phép mình mắc lỗi” – Franklin kết luận.

Hãy đến với một câu chuyện khác về tỷ phú Elon Musk, được ghi lại trong tự truyện của ông, về lao động. Năm 17 tuổi, Musk rời nhà ở Nam Phi đến Canada, quê mẹ anh, sống với anh họ của mình. Musk kiếm sống từ rất sớm, ban đầu làm việc tại trang trại của anh họ, tưới rau và xúc ngũ cốc, sau đó đi cưa gỗ ở Vancouver. Cũng tạm đủ sống. Tuy nhiên, Musk không hài lòng với thu nhập, và sau khi tham khảo văn phòng tư vấn cho người thất nghiệp xem công việc chân tay nào được trả lương cao nhất, cậu quyết định nhận ngay hợp đồng “khó nhằn” nhất: đi dọn dẹp buồng nồi hơi trong một nhà máy gỗ. Với thù lao 18 USD một giờ, Musk kể lại trong tự truyện rằng mình phải “mặc bộ đồ bảo hộ này, chui qua một đường ống nhỏ mà hầu như không thể lọt vừa được. Sau đó, bạn phải xúc cát, sạn và các loại cặn khác, những thứ vẫn còn đang bốc hơi nóng hầm hập, tống chúng ra khỏi cái lỗ mà bạn vừa chui vào”. “Không có lối thoát” Musk kể. “Người nào ở đầu bên kia phải xúc nó ngay lên xe cút kít. Nếu bạn phải ở trong đó quá 30 phút, bạn có thể chết vì nóng”. Công việc này rất ngốn nhân sự. Theo cuốn sách, Musk bắt đầu làm việc trong háo hức, với 30 người khác vào đầu tuần. Đến ngày thứ ba, chỉ còn 5 người trụ lại. Cuối tuần, chỉ còn Musk và 2 người khác chịu tiếp tục. Ý chí mãnh liệt, không chịu bỏ cuộc này có vẻ là lời giải hợp lý cho thành tựu của Musk sau này. Anh phải kiên cường thế nào mới vươn lên được như ngày hôm nay chứ. Nhưng không phải. Cuối cùng thì Musk cũng bỏ việc, và thậm chí trải nghiệm kinh hoàng ấy khiến cậu tự hứa sẽ… không bao giờ lao động chân tay kiếm tiền nữa, để tập trung đi học công nghệ.

Tốt nghiệp xong, anh xin vào Netscape, và bị từ chối thẳng thừng. Anh nhớ lại rằng mình đã nhút nhát đến nỗi “chỉ đi loanh quanh ở sảnh công ty và không dám bắt chuyện với ai cả”. Thêm một lần nữa, Musk không nỗ lực sửa chữa thất bại này. Không xin được việc thì ta… lập công ty. Và khi lập doanh nghiệp đầu đời, Musk cũng tính luôn: khởi nghiệp nhỡ may mà thất bại, anh sẽ quay trở lại đi học tiếp. Không cố đấm ăn xôi làm gì. Phần còn lại của câu chuyện thì chúng ta đều đã biết. Từ đó đến nay, hầu như Musk không ngoảnh lại phía sau, và thậm chí đang đại diện cho những ước mơ vĩ đại bậc nhất của loài người (như là chinh phục Sao Hỏa chẳng hạn). Nhưng để đến được ngày hôm nay, Musk không phóng thẳng mình lên như tên lửa. Anh bầm dập, lên rồi lại xuống, nhọc nhằn. Bỏ cuộc từ đầu đôi khi lại tốt. Quỹ Giáo dục Kinh tế Mỹ kể lại một câu chuyện đau lòng: một cậu học sinh bảy tuổi ở Michigan bị thày giáo miệt thị là đần độn, gọi mẹ cậu đến và bảo “dắt con bà về để nó tự dạy chính mình”. Từ đó, mẹ cậu là người thầy duy nhất của cậu. Tai cậu từ nhỏ đã hơi nghễnh ngãng. Cậu giúp mẹ kiếm sống bằng cách bán kẹo và báo trên tàu hỏa. Tóm lại, xuất phát điểm của cậu thật tệ, từ tư chất cho đến hoàn cảnh. Gần một thế kỷ sau, khi nhắm mắt xuôi tay, cậu bé năm nào giờ là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất lịch sử thế giới từng ghi nhận: Thomas Edison. Ông qua đời chỉ ba ngày trước lễ kỷ niệm “sinh nhật” lần thứ 52 của chiếc bóng đèn đầu tiên. Giai thoại kể rằng những từ cuối cùng ông thốt ra là: “Ngoài kia đẹp quá”. Phải, thế giới đẹp đẽ nên ai cũng có quyền hy vọng. Anthony Hopkins sẽ kể cho bạn nghe về một cậu học trò năm nào chỉ luôn ngồi cuối lớp, dốt đến mức không thể đánh vần nổi và thường xuyên bị bắt nạt. Giờ đây, đó là người vừa giành được giải Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất 2021 ở tuổi 93, và vẫn khiến khán giả phải run rẩy vì nhân vật của ông trong bộ phim mới nhất The Father (Người cha).

Khi đọc chuyện về những vĩ nhân, chúng ta thường nghĩ rằng thành tựu và nỗ lực của họ là những yếu tố then chốt trong câu chuyện. Rốt cục thì ngược lại: thực ra họ tạo cảm hứng và lôi cuốn chúng ta vì họ cũng thật… bình thường. Cũng không hoàn hảo (như Edison). Cũng yếu đuối (như Franklin). Cũng từng bỏ cuộc (như Musk). Cũng thất bại (như Hopkins). Thậm chí liên tục, như cơm bữa.

Nhưng họ đã trụ lại, như bằng chứng sinh động rằng đã có những người với nhiều khoảnh khắc không phải xuất chúng, cũng vượt qua được những con đường đầy gai nhọn, và để lại một ý nghĩa nào đó trong cách họ đã sống đời mình. Những gợi ý đầy cảm hứng, về cách thức chúng ta nên đối mặt với nghịch cảnh và sự thiếu hoàn hảo thường trực của chính mình.

Tư duy cổ điển khi nói về chiến thắng nghịch cảnh của những con người xuất chúng thường kết hợp sức mạnh ý chí và những đánh giá đạo đức. Kiểu như nếu anh thất bại, hãy cố gắng làm cho kỳ được, dù cho cái giá phải trả là gì. Ai không bỏ cuộc là tốt. Ai bỏ đi làm việc khác là thiếu nghị lực, và xứng đáng với thất bại.

Trong một thí nghiệm tâm lý vào năm 2016, các chuyên gia đã tìm thấy sơ hở trong câu chuyện này, khi khảo sát cách mọi người đi đến mục tiêu trong cuộc sống của họ. Họ chia những người cố giảm cân thành hai nhóm: một tuân thủ chế độ thực phẩm nghiêm ngặt liên tục, và nhóm còn lại được phép có một ngày ăn uống “xả hơi” chêm vào giữa.

Kết quả là những người thuộc nhóm sau có khả năng tự điều chỉnh hành vi tốt hơn. Những người thuộc nhóm một, phải tự ép mình vào khuôn khổ liên tục, có tỉ lệ bỏ ăn kiêng cao hơn hẳn và có cảm xúc rất tệ. Họ không chấp nhận nổi, thậm chí chán ghét bản thân, vì đã gắn đánh giá đạo đức vào mỗi thất bại nhỏ của mình.

Tất cả chúng ta đều lên kế hoạch cho những lần giải lao trong ngày (ngủ trưa, uống cà phê), vì biết rằng mình sẽ cảm thấy tốt lên sau mỗi lần như vậy. Nhưng cách nghĩ này thường bị bỏ quên khi con người đề ra những mục tiêu.

Trong khi chúng ta không nhất thiết phải chiến thắng liên tục để đến đích, thậm chí ngược lại: ta nên lập kế hoạch cho những thất bại. Ví dụ như thỉnh thoảng vung tiền vào những món đồ xa xỉ trong khi bạn đang tiết kiệm mua nhà, hay ăn vài lát sô-cô-la khi cố gắng giảm cân.

Cũng như chúng ta, Franklin từng cố gắng thay đổi đức hạnh bằng nỗ lực ý chí tuyệt đối, và nhanh chóng nhận ra điều cần làm là… bỏ nó đi. Elon Musk cũng không ngồi than khóc và tự vấn sau mỗi thất bại của mình, mà đơn giản là ông đi làm việc khác. Hopkins bỏ học chính quy để theo đuổi giấc mơ diễn viên. Mẹ của Edison không cần trường học định đoạt tương lai của con trai bà.

Nhìn bề ngoài thì có vẻ đó là những vĩ nhân với nguồn ý chí vô hạn và nỗ lực không biết mệt mỏi. Những con người phi thường đã tự đốt cháy mình cho một con đường mà chỉ có họ đi qua được.

Nhưng tôi không thích câu chuyện kiểu như thế, và nó cũng không thực sự diễn ra như thế. Họ không cố dùng nghị lực bừa bãi, và kỷ luật hành động của họ thậm chí không cần đến ý chí. Họ chỉ đơn giản chấp nhận bản thân, tự điều chỉnh, không dằn vặt và để sự tự phán xét ngăn cản mình tiếp tục hành động.

Và cảm hứng bùng lên ở đó: bạn không cần phải là một người phi thường. Bạn chỉ cần là một người biết chấp nhận mình. Việc một con người sống đến cùng trong đời này, rốt cục không phải chỉ là vấn đề của nỗ lực, cũng như thất bại không phải là một vấn đề đạo đức.

Chúng ta sống, khóc và cười, với những thất bại của mình, không phải để tự hủy hoại mình, mà là để mạnh mẽ, và luôn cảm thấy tốt hơn.

Angela Merkel
Người phụ nữ
quyền lực nhất thế giới
Trúc An
Angela Merkel là nữ Thủ tướng đầu tiên và được mệnh danh là Bà đầm thép của nước Đức. Thông minh, mạnh mẽ và quyết đoán là những gì được nhắc đến từ "bông hoa thép" nổi tiếng trên vũ đài chính trị quốc tế.
Cuộc sống ở thời điểm đó đã rèn nên một Merkel không phải là người cơ hội cũng không phải là người lì lợm, thích đối đầu mà là một Merkel luôn biết lắng nghe.
Bà Merkel được mệnh danh là cỗ máy “học” với những nỗ lực không ngừng từ khi còn trẻ - Ảnh Getty
Nỗ lực không ngừng

Để bước lên vũ đài chính trị, để trở thành một trong những nữ chính khách tài năng bậc nhất thế giới, bà Merkel phải trải qua rất nhiều những thăng trầm kèm theo sự cố gắng tột đỉnh. Bà Merkel sinh ra ở Tây Đức năm 1954, lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Đông Đức, phía Bắc Berlin. Cha bà là một mục sư giáo hội Luther, và cũng là một mục tiêu giám sát của cơ quan an ninh. Vì thế, Merkel đã sớm nhận thức được việc “không đặt bản thân mình hoặc gia đình vào trung tâm” để gây chú ý.

“Chẳng có gì muộn phiền trong quãng đời ấy”, bà Merkel đã bộc bạch về tuổi thơ của mình ở lần tranh cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ 3. Bà không ngần ngại chia sẻ những tấm ảnh gia đình và nhớ lại tuổi thơ hạnh phúc bên em trai và em gái. “Chúng tôi đã có những ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời nhưng vẫn còn nhiều thứ kết nối chúng tôi. Những giá trị Cơ đốc giáo và cái nhìn rộng mở đối với thế giới của gia đình tôi đã hình thành nên con người tôi”, bà Merkel cho biết.

Ông Hans-Ulrich Beeskow, thầy giáo của bà Merkel, đã có những chia sẻ thế này về nghị lực phi thường của cô học trò cũ trên tờ Telegraph (Anh): “Angela là một học sinh năng khiếu, là một trường hợp đặc biệt trong số các nữ sinh và chỉ có em ấy mới có thể tranh đua với các nam sinh. Angela rất ham học, rất có hoài bão. Angela không bao giờ đưa ra những quyết định kiểu chớp nhoáng. Mọi thứ luôn luôn được cân nhắc cẩn trọng”. Ông Beeskow từng phụ đạo cho cô học trò Angela để tham gia kỳ thi toán quốc tế. Với ông, được làm thầy của một học sinh xuất sắc như Merkel là một vinh dự đặc biệt trong cuộc đời.

“Cuộc sống ở thời điểm đó đã rèn nên một Merkel không phải là người cơ hội cũng không phải là người lì lợm, thích đối đầu mà là một Merkel luôn biết lắng nghe. Với bài học ấy, bà Merkel sau này là người rất giỏi về giao tiếp. Bà là người nổi tiếng nắm bắt vấn đề rất nhanh nhưng lại biết dành thời gian cân nhắc trước khi quyết định như lời kể của thầy giáo năm xưa. Đó là nhà khoa học trong bà ấy”. (trích từ một bài báo nổi tiếng trên tờ Newstatesman của Anh).

Dù quan tâm đến cả tôn giáo và chính trị từ rất sớm, bà Merkel vẫn luôn sống lặng lẽ với mục tiêu tập trung toàn lực vào chuyện học hành. Ở trường, Merkel là một trong những học sinh xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà học Đại học Leipzig với môn vật lý từ năm 1973 đến 1978. Tốt nghiệp đại học, bà gia nhập Viện Hóa học Vật lý Trung ương của Viện Hàn lâm Khoa học tại Berlin-Adlershof và có bằng tiến sĩ cho luận án về hóa học lượng tử vào năm 1986. Bà gắn bó với học viện như một nhà nghiên cứu cho đến năm 1990.

Cùng thời gian này, bà Merkel đã bắt đầu tham gia vào con đường chính trị và có những bước thăng tiến vượt bậc. Thành công trên chính trường của bà chính là thành quả của những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ với những cố gắng từng được đánh giá là “vượt qua giới hạn của một người phụ nữ bình thường”. Angela Merkel nhậm chức Thủ tướng vào ngày 22/11/2005. Để duy trì được sự tín nhiệm cho đến tận ngày hôm nay, Merkel đã cho thấy được tài năng lãnh đạo xuất chúng với những thành công vang dội trên mọi lĩnh vực.

Angela là một học sinh năng khiếu, là một trường hợp đặc biệt trong số các nữ sinh và chỉ có em ấy mới có thể tranh đua với các nam sinh.
Những điều thú vị về bà Merkel
Angela Dorothea Merkel là Thủ tướng Đức từ năm 2005 là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Bà cũng là Lãnh đạo của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Bà bắt đầu quan tâm đến chính trị vào cuối những năm 1980 và gia nhập đảng mới Thức tỉnh Dân chủ được thành lập sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Sự nghiệp chính trị của bà phát triển mạnh khi bà đảm nhận vai trò Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Môi trường và An toàn Hạt nhân sau một vài năm. Bà vượt qua cuộc bầu cử quốc gia năm 2005 và giữ chức vụ Thủ tướng Đức từ tháng 11/2005 đến nay.
Tài lãnh đạo xuất chúng

Angela Merkel là người phụ nữ khiêm tốn. Bà luôn có chừng mực khi xử lý các vấn đề và tìm ra cách để giải quyết nó một cách ổn thỏa nhất. Bởi thế, Thủ tướng Đức luôn có thể trấn an dư luận ở những thời điểm được coi là rối ren nhất. Còn nhớ, khi COVID-19 lan sang châu Âu và Đức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Người Đức hoang mang và lo sợ. Nhưng chỉ với một bài phát biểu, bà Merkel đã xoa dịu những âu lo của người dân nước mình.

Trong bài phát biểu đó, bà Angela Merkel đã trình bày những sự thật nghiệt ngã của đại dịch toàn cầu, đi kèm với một liều lượng xúc cảm hợp lý. Bà nhắc đến xuất thân từ vùng Đông Đức của mình và những khó khăn gặp phải với ý tưởng hạn chế quyền tự do của người dân. Nhưng bà Merkel giải thích tại sao điều đó là cần thiết, và người Đức đã đứng về phía bà.

Cần phải nhấn mạnh, trước bài phát biểu này, bà Merkel không có nhiều những bài diễn văn hùng hồn. Mỗi năm, bà chỉ đứng phát biểu một lần trước công chúng. Thường thì đó là lời chúc mừng năm mới và tất cả các bài phát biểu đó đều được ghi hình trước. Nhưng đó là khi quốc gia đang yên ổn, còn trước đại dịch, bà đã quyết định nói trước toàn quốc mà không lên kế hoạch từ trước. Lần đầu trong 15 năm lãnh đạo đất nước, bà Merkel đã làm thế. Hành động của bà nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Nó cho thấy tài lãnh đạo với những chiến lược linh hoạt của một nữ chính khách, thứ mà không phải một đấng mày râu nào cũng có thể làm được.

‘Tôi không bao giờ quyết định tùy biến. Tôi nhìn lại toàn bộ quá trình cũng như nghĩ tới nơi mà một quyết định hợp lý sẽ đưa tôi đến’, bà Merkel cho biết. Tính khoa học trong con người bà đã giúp bà luôn đưa ra được những quyết định đi vào lòng người.

Dẫn đầu phong trào bình đẳng giới

Năm 2020, bà Merkel được tạp chí danh tiếng Forbes tôn vinh khi đứng đầu trong danh sách 100 người Phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Đây đã là lần thứ 10, bà đứng đầu trong danh sách này. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của bà Merkel lớn như thế nào đối với “một nửa thế giới”.

“Không thể chấp nhận được việc phụ nữ đóng vai trò quyết định trong việc hỗ trợ xã hội của chúng ta nhưng đồng thời lại không tham gia bình đẳng vào các quyết định quan trọng về chính trị, kinh tế và xã hội", bà Merkel đã nói thế hôm 6/3/2021. Thời điểm này, cả thế giới đang điêu đứng vì đại dịch COVID-19, người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực và phải làm nhiều công việc hơn.

Bà Merkel nhấn mạnh vấn đề chăm sóc gia đình trong đại dịch và chỉ ra rằng, công việc chăm sóc trẻ em và giáo dục tại nhà trong thời gian đóng cửa vì dịch bệnh đã bị đổ lên vai phụ nữ một cách bất bình đẳng. Thủ tướng Đức tuyên bố sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ đi làm. Bà chỉ ra rằng, hơn 75% nhân viên y tế là phụ nữ, trong khi chỉ 30% người ở các vị trí lãnh đạo là phụ nữ.

Những phát biểu của bà Merkel đến vào thời điểm còn 2 ngày nữa là kỉ niệm ngày Quốc tế phụ nữ. Nó như một thông điệp đanh thép cho thấy người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi quyết liệt phong trào bình đẳng giới, quyết thay đổi quan điểm, tư duy của thế giới về vai trò quan trọng của người phụ nữ. Bởi thế, một lần nữa, bà Merkel lại khơi nguồn cảm hứng, lại lan tỏa được nhiều hơn tầm ảnh hưởng của người phụ nữ trong thế giới hiện đại này.

Bà Merkel lại khơi nguồn cảm hứng, lại lan tỏa được nhiều hơn tầm ảnh hưởng của người phụ nữ trong thế giới hiện đại này.
Người vợ của gia đình
Bận rộn với vai trò lãnh đạo đất nước nhưng sáng nào bà Merkel cũng ưu tiên dùng bữa sáng với chồng, ông Joachim Sauer - một giáo sư hóa học. Hai ông bà thường trò chuyện với nhau về các vấn đề chính trị đơn giản như cách nói chuyện của bất kỳ một gia đình bình thường nào khác. Ông bà Merkel cũng thích leo núi, xem hát opera cùng nhau và từ nhiều năm nay, vẫn thường dành thời gian cho những hoạt động này trong lúc rảnh.
Tiêu dùng bình dân
Thủ tướng Đức là một đầu bếp tài ba. Các món tủ của bà có thể kể đến là súp khoai tây, bánh thịt bò xay và bánh mận. Khi đi chợ, bà Merkel vẫn giữ một thói quen mua sắm rất giản dị. Chồng bà, ông Sauer cũng là một người tiết kiệm, với thói quen sử dụng các hãng hàng không giá rẻ.
Hâm mộ bóng đá
Ngoài lĩnh vực chính trị, bà Merkel còn là một fan hâm mộ môn bóng đá cuồng nhiệt. Nữ Thủ tướng đã theo sát đội tuyển bóng đá quốc gia Đức trong suốt hành trình tới ngôi vị vô địch World Cup 2014. Bà còn bay tới Brazil để theo dõi trận chung kết, rồi vào phòng thay đồ để chụp ảnh với cả đội sau chiến thắng 1-0. Bà cho rằng đây là cách để hòa mình với niềm đam mê chung của thế giới.
Elon Musk là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong giới kinh doanh. Ông đã tham gia và thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ tương lai, giúp chúng thoát ra khỏi bức tranh viễn tưởng. Người đàn ông với ý tưởng vĩ đại “đưa mọi người rời khỏi Trái đất, thống trị sao Hỏa” không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Ông đã vươn mình từ đứa trẻ hay bị bắt nạt ở trường học trở thành người giàu nhất nhì thế giới.
Vào tháng 2 năm nay, thị trường tiền mã hóa thế giới chao đảo khi Elon Musk khiến Tesla đầu tư 1,5 tỷ USD để mua bitcoin. Sau đó, ông lại khiến bitcoin hạ giá khi tuyên bố trên twitter rằng đồng tiền Dodge có tiềm năng thay thế nó. Từ trò chơi, phần mềm xuất bản, các phương tiện thanh toán trung gian trên mạng như Paypal cho đến các công nghệ tương lai như ô tô điện, tên lửa vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, có vẻ như không có lĩnh vực nào mà Elon Musk không “tham chiến”.
Tuổi thơ khó khăn

Theo Musk, tính cách của chúng ta có 80% thuộc về bản chất tự nhiên còn 20% là do sự nuôi dưỡng. Để hiểu tương lai mà Musk muốn xây dựng, cần phải biết tới quá khứ đã tạo nên con người ông. Có những thứ chi phối ông trong đó có cả sự cô đơn lẫn nỗi sợ hãi về sự tuyệt chủng của loài người.

Elon Musk sinh năm 1971 tại Pretoria, Nam Phi. Từ nhỏ, cậu bé Elon đã đam mê công nghệ nhưng vì quá khác người, hay tập trung quá độ vào những điều mình ham thích, Elon từng bị cha mẹ cho đi kiểm tra thính lực.

Trong 8 năm đầu đời, Musk sống với cha mẹ nhưng hiếm khi cậu nhìn thấy cả 2 người ở bên nhau. Elon kể lại: “Tôi chỉ có một quản gia để đảm bảo rằng tôi không làm hỏng bất cứ thứ gì, cô ấy giống như đang theo dõi tôi… Tôi đã được nuôi dưỡng bởi những cuốn sách. Sách, và sau đó là bố mẹ tôi”.

Một số cuốn sách giúp giải thích thế giới mà Musk đang xây dựng, đặc biệt là loạt sách khoa học viễn tưởng của Isaac Asimov.

Musk giải thích: “Asimov chắc chắn có ảnh hưởng lớn vì ông ấy đã có cùng tư duy với nhà sử học Gibbon, người đã viết ‘Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã’. Nhưng ông ấy đã áp dụng điều đó vào một loại đế chế thiên hà hiện đại. Bài học tôi rút ra từ đó là bạn nên cố gắng thực hiện một loạt các hành động có khả năng kéo dài nền văn minh, giảm thiểu xác suất xảy ra thời đại đen tối và giảm thời gian của thời đại đen tối nếu có thể”.

Lúc này, Elon Musk mới 10 tuổi và chìm trong thời kỳ đen tối của chính mình. Năm 1979, bố mẹ chia tay. Cậu bé Elon cùng em trai là Kimbal quyết định sống với bố. Từ 10-15 tuổi, Elon không có cuộc sống êm ả với cha và hay bị bạn bè ở trường bắt nạt vì luôn bé nhất, yếu nhất.

Elon đã đặt sách xuống và học cách đánh trả bằng việc luyện các môn như karate, judo và đấu vật. Việc chăm chỉ rèn luyện thể chất đã giúp Elon có chiều cao 1,82m vào năm 16 tuổi, có thể đánh trả lại khi bị bắt nạt. Musk kể mình đã chiến đấu với đứa to xác nhất trường và hạ gục hắn bằng một cú đấm. Từ đó, Musk không bao giờ bị những đứa trẻ khác tấn công nữa.

Năm 1983, khi mới 12 tuổi, Elon đã bán một trò chơi đơn giản có tên "Blastar" cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD. Elon mô tả nó là "một trò chơi tầm thường... nhưng hay hơn Flappy Bird".

Khởi đầu ngọt ngào với Zip2 & Paypal

Năm 1992, Elon chuyển tới Canada để ở cùng với mẹ, em gái Tosca và em trai Kimbal. Anh theo học 2 năm tại Đại học Queen ở Kinston, Ontario sau đó chuyển sang học tại Đại học Pennsylvania và có bằng vật lý và kinh tế tại đây. Elon cũng quyết định theo học tiến sĩ vật lý năng lượng tại Đại học Stanford nhưng bỏ ngang trước khi bắt đầu chương trình học để thử vận may trong thời kỳ bắt đầu bùng nổ dot-com.

Cùng với em trai Kimbal, Elon ra mắt Zip2 với sự tài trợ vốn từ một nhóm các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon. Năm 1999, Công ty máy tính Compaq đã mua lại Zip2 với giá 307 triệu USD tiền mặt và 34 triệu USD cổ phiếu. Elon và Kimbal Musk thu về lần lượt 22 triệu và 15 triệu USD.

Nói về anh trai của mình, Kimbal Musk không thể không thán phục: “Anh ấy có khả năng nhìn thấu mọi thứ theo cách mà không ai trong những người tôi biết có thể hiểu...”; “Có thứ trong cờ vua là bạn có thể tính được 12 nước đi nếu là một đại sư. Và trong bất cứ tình huống cụ thể nào, Elon có thể tính trước được 12 bước”.

Elon và Kimbal sau đó đã thành lập X.com, một công ty ngân hàng trực tuyến. Năm 2000, X.com hợp nhất với công ty khởi nghiệp tài chính Confinity do Peter Thiel đồng sáng lập, tạo thành Paypal - công ty thương mại điện tử chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet. Elon được bầu là CEO của PayPal nhưng không giữ được vị trí này bao lâu.

Tuy nhiên sau đó, mọi thứ đã diễn ra thuận lợi với Musk. Cơn bão lớn được thổi bùng lên khi eBay mua lại PayPal vào cuối năm 2002. Với tư cách là cổ đông lớn duy nhất của PayPal, Elon kiếm được 165 triệu USD trong số 1,5 tỷ USD mà eBay trả.

Ngay cả trước khi bán PayPal, Elon đã mơ về bước đi tiếp theo của mình, bao gồm kế hoạch đưa chuột hoặc thực vật lên Sao Hỏa. Đầu năm 2002, anh thành lập công ty Space Exploration Technologies, hay SpaceX, với 100 triệu USD. Mục tiêu là làm cho giá vé bay trong vũ trụ rẻ hơn gấp 10 lần.

SpaceX, Tesla và những trắc trở

Kể từ khi thành lập cho đến năm 2021, SpaceX sản xuất và thử nghiệm với vô số lần thất bại, để có được các loại tên lửa có thể tận dụng lại. Trong lâu dài, nếu như thành công, SpaceX sẽ làm cho việc di chuyển từ Trái đất đến các vì sao hay thuộc địa hóa Sao Hỏa với giá cả phải chăng. Musk ám ảnh với chuyện này đến mức anh đã nói rằng mình sẽ không thể hạnh phúc khi chúng ta chưa thể thoát khỏi Trái đất và thuộc địa hóa Sao Hỏa.

Một tham vọng thông minh khác của Musk là thành lập Công ty sản xuất ô tô điện Tesla Motors vào năm 2004 và Công ty năng lượng mặt trời SolarCity vào năm 2006. Đây là những ý tưởng rất “cáo” bởi với 1 công ty xe điện, Musk sẽ không phải cạnh tranh với các ông lớn có tuổi đời đến trăm năm trong lĩnh vực xe truyền thống như General Motors hay Ford... SolarCity cũng là nước cờ hay khi mà Mỹ đang hướng tới việc cắt giảm khí thải carbon, chống biến đổi khí hậu bằng cách ưu đãi cho công nghệ xanh.

Đến cuối 2016, Tesla đã mua lại SolarCity trong thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ USD. Năm 2007, Musk tổ chức một cuộc “đảo chính” trong phòng họp tại Tesla, hất cẳng Eberhard khỏi ghế CEO và sau đó là hoàn toàn khỏi hội đồng quản trị và ban điều hành công ty.

Trước đó, vào năm 2008, đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, Elon đích thân cứu Tesla khỏi phá sản. Nhưng với SpaceX, Tesla và SolarCity, Musk gần như đã phá sản. Anh mô tả năm 2008 là "năm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi".

Nhưng sự kiên trì của Musk cũng được đền đáp khi SpaceX đã ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD để cung cấp các phương tiện phóng vào không gian và có nhiều vụ thử nghiệm thành công sau đó, nhất là với tên lửa Falcon 9. SpaceX đã có hai cột mốc quan trọng trong năm 2020: vào tháng 5, SpaceX hợp tác với NASA để hoàn thành vụ phóng phi hành gia đầu tiên vào không gian. Sau đó, vào tháng 11, SpaceX đã hoàn thành chuyến bay không gian đầu tiên của con người "hoạt động" bằng cách gửi bốn phi hành gia đến Trạm Vũ trụ Quốc tế với thời gian dự kiến là 6 tháng. Cũng trong năm 2020, Tesla gặt hái thành quả lớn khi bán được 499.550/509.737 xe sản xuất được.

Phương pháp nghiên cứu khoa học của Elon Musk
Phương pháp khoa học là cụm từ Musk thường sử dụng khi được hỏi về cách ông nảy ra ý tưởng, giải quyết vấn đề hay lựa chọn khởi nghiệp.
  • 1
    Đặt câu hỏi
  • 2
    Thu thập càng nhiều càng tốt luận cứ và bằng chứng về nó.
  • 3
    Phát triển các tiên đề dựa trên bằng chứng và cố gắng gán xác suất đúng cho mỗi tiên đề.
  • 4
    Rút ra một kết luận dựa trên sự đồng nhất để xác định:
    Các tiên đề này có đúng không, chúng có liên quan không, chúng có nhất thiết dẫn đến kết luận này không và với xác suất là bao nhiêu?
  • 5
    Cố gắng bác bỏ kết luận. Tìm kiếm sự bác bỏ từ những người khác để giúp phá vỡ kết luận của bạn.
  • 6
    Nếu không ai có thể làm phản bác kết luận của bạn, thì bạn có thể đúng, nhưng bạn không chắc chắn đúng

Tuy có tầm nhìn ấn tượng, đã hiện thực hóa được nhiều ước mơ của mình nhưng Elon Musk lại luôn thất bại trong công việc quản lý.

Khi Zip2 bắt đầu thu hút được những nhà đầu tư nghiêm túc, họ nhìn vào Elon Musk với nỗi khát khao muốn trở thành CEO đến tuyệt vọng của anh rồi chỉ nói một từ: "Không". Ở Paypal cũng vậy, khi anh bị “hất cẳng”, nhiều người kết luận rằng, quan điểm về lãnh đạo của Musk trong những năm 1990 là ở lại làm việc muộn và viết lại các đoạn mã cho đội kỹ sư của mình vì cho rằng tất cả mọi người đều không đủ năng lực.

Năm 2018, Musk đã gặp một số rắc rối khi anh gửi một tweet tuyên bố rằng mình đang cân nhắc mua Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu và đã đảm bảo nguồn vốn. Musk đã dàn xếp với Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), dẫn đến việc cả anh và Tesla đều phải nộp phạt 20 triệu USD và đồng ý từ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Tesla.

Cuộc sống cá nhân của Elon cũng có nhiều rắc rối, không hợp với bố đẻ, có 7 đứa con với 3 bà vợ khác nhau và luôn băn khoăn với những sai lầm của mình. Cuộc sống thăng trầm và tài năng của Musk đã khiến cho ông được ví là “Người sắt” phiên bản đời thật. Đặc biệt, vai diễn Tony Stark của Robert Downey Jr. trong vũ trụ điện ảnh Marvel có phần “nhại” theo tính cách của Elon. Một con người có cuộc sống cá nhân bất ổn, luôn bận rộn để hoàn thành các ý tưởng mới, một tỷ phú và một tài năng về công nghệ tương lai.

Thành công của Tesla trong năm 2020 đã khiến giá cổ phiếu của nó tăng vọt. Tesla đã tham gia S&P 500 vào tháng 12. Giờ đây, giá trị thị trường của công ty xe điện này đã đạt gần 500 tỷ USD. Elon Musk trở thành người giàu nhất nhì thế giới với giá trị tài sản ròng khoảng 149 tỷ USD khi bài viết này xuất bản.

Giữa đại dịch, “đế chế” đồ hiệu LVMH lại có một câu chuyện mang hai khía cạnh làm thiên hạ sửng sốt. Doanh thu giảm 17% và lợi nhuận giảm 28% trong năm 2020, nhưng giá cổ phiếu lại tăng đến 107% - trong 15 tháng vừa qua. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư vẫn hoàn toàn tin tưởng vào khả năng phát triển và tiếp tục sinh lời của LVMH, đồng nghĩa với việc họ đặt hoàn toàn niềm tin vào người đứng đầu đế chế này – tỷ phú người Pháp Bernard Arnault.

72 tuổi, Bernard Arnault hiện là người giàu thứ ba thế giới với khối tài sản ròng cá nhân trị giá 152 tỷ USD, nắm trong tay 47% cổ phần của LVMH (viết đầy đủ là LVMH Moet-Hennessy Louis Vuitton), đồng nghĩa với việc “cầm trịch” 75 thương hiệu xa xỉ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thời trang và mỹ phẩm, đồng hồ và trang sức, đồ uống có cồn và một số dịch vụ khác. Những cái tên này thuộc loại ai cũng biết, là khát khao và mơ ước của đại đa số người bình thường ở mọi nơi, như Dior, Givenchy, Marc Jacobs, Kenzo, Celine, Louis Vuitton, Stella McCarrtney, Bulgari, Hublot, Zenith, TAG Heuer, Mercier, Moet & Chandon, Glenmorangie…

Bộc lộ năng khiếu kinh doanh từ nhỏ, Bernard Arnault được định hướng theo sự nghiệp của gia đình là ngành xây dựng, và ông cũng đã tốt nghiệp bằng kỹ sư tại đại học danh tiếng Ecole Polytechnique. Sau khi ra trường, ông tham gia quản lý công ty cùng bố, và sang Mỹ ở tuổi 25 để mở chi nhánh bất động sản ở Florida. Chính chuyến đi này đã khiến ông rẽ sang hướng đi mới, từ câu chuyện với một tài xế taxi. Anh ta không biết Tổng thống Pháp đương nhiệm là ai, nhưng lại biết Christian Dior, một thương hiệu thời trang xa xỉ. Điều này vô tình gợi lên giấc mơ Bernard Arnault ấp ủ bấy lâu: một doanh nghiệp Pháp mang tầm vóc toàn cầu. Kể từ đó, chàng thanh niên bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với mình, nhưng ẩn chứa vô số cơ hội và tiềm năng khổng lồ.

Để trở thành một nhà kinh doanh sừng sỏ được cả thế giới kính ngưỡng, bất kỳ ai cũng cần hội đủ hai yếu tố là tài năng và cơ duyên. Bernard Arnault cũng không ngoại lệ. Sau những khó khăn xuất hiện do biến động chính trị tại Pháp, cả gia đình ông phải chuyển qua Mỹ và xây dựng việc kinh doanh gần như từ đầu. Và khi mọi thứ đã trở lại như cũ, Bernard Arnault lại về Pháp, bỏ tiền đầu tư vào ngành dệt may – cánh cửa dẫn vào thế giới thời trang cao cấp.

Cơ duyên chỉ thực sự đến vào năm 1984, khi Chính phủ Pháp tìm người mua lại công ty dệt may Boussac Saint-Frères, doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản. Với Bernault Arnault, đây là một cơ hội vàng, bởi thứ duy nhất mà ông nhìn thấy chính là thương hiệu Christian Dior đang do Boussac sở hữu sẽ do ông làm chủ. Rất nhanh chóng, rất quyết đoán, Bernard Arnault đã chơi một cú “tất tay” trong thương vụ này: dốc túi được 15 triệu USD, thuyết phục hãng đầu tư Lazard Frères bỏ thêm 80 triệu USD để thâu tóm Boussac, và sau đó, lạnh lùng bán mọi thứ mình mua được, chỉ giữ lại đúng Christian Dior. Hậu quả là hàng nghìn công nhân mất việc làm, nhưng Bernard Arnault chẳng hề quan tâm. Giới thương gia Pháp, một mặt vẫn tung hô ông, mặt khác, họ ngấm ngầm gọi ông là một con sói. “Con sói mặc đồ cashmere”.

Có thể nói, tầm nhìn của Bernard Arnault đã đi trước thời đại, bởi nửa đầu thập niên 1980 là quãng thời gian ngành thời trang xa xỉ đang trong giai đoạn sa sút trầm trọng nhất. Không chỉ vực dậy nhà Dior và tiếp tục khuếch trương kênh bán lẻ, Bernard Arnault còn “tranh thủ” mua lại mảng nước hoa của Dior trong tay LVMH. Với “con sói” này, chỉ một Dior là chưa đủ. Bởi “nó vẫn quá nhỏ so với hình dung của tôi về một thế giới trong tương lai”. May mắn cho ông là Dior đã bị đánh giá sai lầm, một “viên ngọc giá thấp” – giống những bất động sản nghỉ dưỡng ông từng mạo hiểm đầu tư và gặt hái được mức lợi nhuận khổng lồ.

Để trở thành một nhà kinh doanh sừng sỏ được cả thế giới kính ngưỡng, bất kỳ ai cũng cần hội đủ hai yếu tố là tài năng và cơ duyên. Bernard Arnault cũng không ngoại lệ.

Và cú tấn công dẫn đến thôn tính LVMH mới cho thấy danh hiệu “con sói” đúng với Bernard Arnault đến mức nào. Người ta vẫn đồn với nhau rằng, sau khi nhận được lời mời đầu tư vào tập đoàn này năm 1987, Bernard Arnault đã mạnh tay chi đến 1,5 tỷ USD để gây dựng vị thế và vây cánh, đồng thời, ngấm ngầm gây xung đột giữa hai nhân vật quyền lực nhất khi đó là Chủ tịch Henry Racamier (người nắm Louis Vuitton) và CEO Alain Chevalier (người nắm Moet & Chandon). Bước tiếp theo, ông bắt tay với Henry Racamier để “hất cẳng” Alain Chevarlier, trong khi vẫn âm thầm thâu tóm cổ phần. Đến năm 1989, Bernard Arnault đã kiểm soát 43,5% cổ phần và 35% quyền biểu quyết, đủ để thay thế Henry Racamier ngồi vào ghế chủ tịch.

Quá trình này chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hai năm trời, nhưng đầy cam go, đầy thử thách với rất nhiều vụ tranh chấp tại tòa án. Thậm chí, Bernard Arnault từng can thiệp để thay đổi một số điều luật tại địa phương theo chiều hướng có lợi cho ông. Khi tiếp quản LVMH, với bản tính sắt đá quen thuộc, Bernard Arnault đã sa thải hàng loạt nhân sự cấp cao, lựa chọn người mới – trẻ tuổi, tài giỏi, trung thành – để được toàn tâm toàn ý lèo lái tập đoàn này theo đúng hướng đi mong muốn. Ông chưa bao giờ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn, mà luôn suy nghĩ đến việc tập đoàn sẽ ra sao trong vòng mười năm tới. Hàng tỷ USD đã được ném ra để thâu tóm hàng loạt thương hiệu nổi tiếng, cách thức cũng không có gì mới mẻ nhưng luôn thành công: chia rẽ rồi chinh phục.

Kể từ khi Bernard Arnault lên nắm quyền, LVMH, từ thiếu sinh khí và thiếu sáng tạo, đã hoàn toàn lột xác. Công việc chủ yếu của tập đoàn chính là “chuyên tâm phục vụ nhóm khách hàng giàu có”. Ông luôn tin rằng, sáng tạo là chìa khóa của thành công, mà hầu hết ngành hàng ông nắm trong tay đều cần đến sáng tạo, bởi gốc rễ của chúng không ít thì nhiều đều có liên quan đến nghệ thuật, như thời trang, chế tác đồng hồ, thậm chí nấu rượu vang hay chưng cất whisky đều cần đến nghệ thuật và những nghệ nhân hàng đầu. Đó cũng là lý do để các thương hiệu khi về “dưới trướng” của Bernard Arnault đều được cách tân theo hướng mới mẻ, hiện đại hơn, với sự tham gia cộng tác của nhiều nghệ sĩ ở nhiều loại hình khác nhau – mà đồng hồ Hublot là một ví dụ hết sức điển hình. Mô hình quản trị - sáng tạo do chính Bernard Arnault đưa ra được áp dụng rộng khắp, đó là sự kết hợp hài hòa giữa một nhà quản lý giỏi và một nghệ sĩ tài hoa.

Sự sát sao đôi khi đến khắc nghiệt của Bernard Arnault tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trên “mặt trận” kinh doanh cũng góp phần giải thích cho thành công của LVMH và của cả chính ông. Người đứng đầu đế chế không ngần ngại ghé thăm từng cửa hàng, nhắc nhở về những yếu tố mà ông cảm thấy chưa vừa lòng – từ việc mở nhạc to hay nhỏ, điều hòa để hơi lạnh hay hơi nóng, màu sắc của hoa cắm bình có phù hợp với màu nội thất hay không. Còn sản phẩm ư? Chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu là điều không phải bàn cãi, nhưng sự đồng nhất giữa chúng cũng được chú trọng không kém. Ai cũng tin ở các phân xưởng may/ráp túi của Louis Vuitton có một tổ chuyên đếm mũi chỉ trên quai túi, dù chưa ai thực sự kiểm chứng được thông tin này.

Sự sát sao đôi khi đến khắc nghiệt của Bernard Arnault tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trên “mặt trận” kinh doanh cũng góp phần giải thích cho thành công của LVMH và của cả chính ông.

Liên tục cách tân nhưng Bernard Arnault cũng không cho phép các thương hiệu của LVMH được xa rời truyền thống. Tag Heuer hay Hublot đã trình làng những chiếc đồng hồ thông minh thời thượng, nhưng đồng hồ cơ khí của họ vẫn luôn là thứ khiến cả thế giới phải say mê, phải thèm muốn. Nhà Dior đã trình làng những đôi sneakers đẹp tuyệt nhắm vào nhóm khách hàng trẻ tuổi, thành đạt, nhưng hơi thở New Look cổ điển vẫn thấm đẫm trong các bộ sưu tập đương đại. Tuy là “ông vua” của những sản phẩm và dịch vụ xa xỉ, Bernard Arnault cũng không ngại đầu tư sang mảng công nghệ - chủ yếu dành cho giới “bình dân”, như Spotify, Lyft, Airbnb… Có hề gì, miễn là chúng sinh lời.

Được mô tả là người có khát khao chinh phục, hiển nhiên Bernard Arnault rất ghét thua cuộc. Nhưng rõ ràng, trên đời chẳng ai có thể chiến thắng được mãi. Hai lần thất bại đáng nhớ nhất của “con sói” này có lẽ là vụ thâu tóm hụt nhà Hermès khi đã nắm trong tay 17% cổ phần, và để lọt nhà Gucci vào tay đối thủ truyền kiếp – tỉ phú Pháp Francois Pinault, chủ tịch tập đoàn Kering, nơi sở hữu những thương hiệu không hề kém cạnh, như Yves Saint Laurent, Balenciaga, Alexander McQueen, Gucci, Bottega Veneta, Girard-Perregaux, JeanRichard, Ulysse Nardin. Và đến năm 2019, ông đã có cơ hội “phục hận” bằng cách quyên góp khoản tiền 200 triệu Euro cho cuộc tái thiết Nhà thờ Đức bà Paris sau trận hỏa hoạn lịch sử. Số tiền này nhiều gấp đôi khoản quyên góp của Francois Pinault.

Ở tuổi 72, khi hầu hết mọi người dành thời gian nghỉ ngơi, du lịch thì Bernard Arnault vẫn làm việc miệt mài như một cỗ máy. Bốn trong năm người con của ông đều đảm nhiệm những vị trí quan trọng ở LVMH, tất cả đều nói về bố với sự ngưỡng mộ sâu sắc. Và rõ ràng, Bernard Arnault vẫn chưa có ý định dừng lại, vì vẫn còn nhiều mục tiêu cần chinh phục. Vẫn còn những thương hiệu ông muốn được làm chủ. Đế chế của ông cần phải tăng mức độ hiện diện ở khu vực Đông Nam Á và nhiều nền kinh tế mới nổi khác.

Hiện Bernard Arnault mới là người giàu thứ ba thế giới. Ông từng từ bỏ đam mê chơi piano vì nhận ra mình không thể trở thành người số một trong lĩnh vực này. Nhưng để giàu hơn Jeff Bezos và Elon Musk thì ông tự tin mình có thể làm được, và còn đủ thời gian để thực hiện mục tiêu này. Khoảng cách giữa ông và Elon Musk chỉ là con số “mong manh” 2 tỷ USD.

Anna Wintour, Tổng biên tập tạp chí thời trang Vogue từng nói, “trong từ điển của Bernard Arnault không có từ "không". Và tôi tin trên thế giới này chẳng thứ gì ngăn cản nổi ông ấy”.

MINH NGỌC
Năm 2016, khi Dwayne Johnson nhận mức thù lao 60 triệu USD, trở thành diễn viên được trả lương cao nhất thế giới, nhiều người mê điện ảnh đã tỏ ra hoài nghi, thất vọng và coi đó là một bất công ghê gớm. Chỉ có điều, họ đã hoàn toàn quên cựu đô vật Wrestling có sức hút mạnh mẽ ra sao, đủ khả năng kéo khán giả ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính đến rạp, bất kể phim của anh hay dở thế nào…

Giờ đây, sau 5 năm, Dwayne Johnson vẫn giữ vững ngôi “vương” với tổng thu nhập từ phim ảnh lên đến 87,5 triệu USD/năm, thì công chúng đã coi đây là sự thật hiển nhiên. Người mang biệt danh “The Rock” đã trở thành quyền lực thực sự ở Hollywood, theo cả nghĩa đen với nghĩa bóng. Hiển nhiên, chẳng diễn viên nào muốn đọ sức với người từng thống trị sàn đấu vật chuyên nghiệp Mỹ trong 6 năm trời với đủ các loại đai vô địch, mà việc muốn nhận thù lao diễn xuất cao hơn Dwayne Johnson xem ra cũng là “nhiệm vụ bất khả thi”, cho dù đó có là Tom Cruise, Brad Pitt, Ryan Reynolds, Chris Evans, Tom Hanks, Vin Diesel, Robert Downey Jr hay bất kỳ ngôi sao nào khác.

Không phải ngẫu nhiên mà người Mỹ dành một tình yêu đặc biệt cho Dwayne Johnson. Bởi anh là đại diện tiêu biểu của “giấc mơ Mỹ” trở thành hiện thực – đi lên từ đôi bàn tay trắng, thành công nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, đạt tới đỉnh cao danh vọng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đấu vật, Dwayne Johnson (tên thật là Dwayne Douglas Johnson) được thừa hưởng không chỉ tình yêu với môn thể thao này từ bố và ông ngoại, mà còn cả một thân hình “ngoại cỡ” với những khối cơ bắp cuồn cuộn như “đá tảng” – cũng là biệt danh của anh sau này.

15 tuổi, lợi thế về cơ thể và sức khỏe giúp Dwayne Johnson trở thành cầu thủ bóng bầu dục cừ khôi trong trường, thậm chí sau này giành cả giải vô địch quốc gia với đội Miami Hurricanes. Nhưng chính vì thân hình “ngoại cỡ” cộng thêm khuôn mặt già trước tuổi, anh lại bị bạn bè xa lánh, thậm chí nhiều người còn nghĩ anh là cảnh sát chìm đang thực hiện nhiệm vụ. Tuổi thơ của Dwayne Johnson là những chuỗi ngày thăng trầm, gia đình phá sản, bố mẹ li dị, bữa no bữa đói, thậm chí đã có những tuần lễ anh phải chui rúc bờ bụi, ăn trộm thức ăn để tồn tại qua ngày, bị bắt vì tội gây rối và đánh lộn trên phố. Một chấn thương quái ác đã khiến giấc mơ trở thành siêu sao bóng bầu dục tan thành mây khói, nhưng lại giúp Dwayne Johnson quay lại với truyền thống của họ tộc, trở thành võ sĩ.

Năm 1995, sau khi gia nhập Liên đoàn Đấu vật Thế giới (WWF) dưới cái tên Rock Maivia, Dwayne Johnson lập tức gây chú ý bằng những trận đấu thuộc loại để đời với các đối thủ nặng ký hơn, giành đai vô địch thứ nhất năm 1998, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên đạt được danh hiệu này. Kỷ nguyên thống trị đấu trường Wrestling của Dwayne Johnson không quá dài, nhưng trong vỏn vẹn có 6 năm, anh đã giành được 10 chức vô địch thế giới, 2 lần vô địch quốc tế (International Champion), 5 lần vô địch đồng đội thế giới (World Tag Team), 6 lần vô địch Tripple Crown (giải đấu dành cho những võ sĩ giành ít nhất 3 chức vô địch khác nhau trở lên). Những kỷ lục khiến công chúng kinh ngạc và ngưỡng mộ, các đối thủ ghen tị và coi anh như mục tiêu để tiến tới.

Dwayne Johnson là đại diện tiêu biểu của “giấc mơ Mỹ” trở thành hiện thực – đi lên từ đôi bàn tay trắng, thành công nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, đạt tới đỉnh cao danh vọng.

Gữa lúc sự nghiệp võ sĩ lên như diều, Dwayne Johnson bất ngờ nhận được lời mời hóa thân thành Vua Bọ Cạp - một vai phụ nhưng đầy ấn tượng trong phim The Mummy Return, và sau đó, trở thành nhân vật chính trong The Scorpion King, giúp anh chính thức ngoặt sang con đường diễn xuất – mà khi đó, rất ít người dám tin “The Rock” sẽ thành công. Bởi Hollywood không chỉ là kinh đô điện ảnh, nó cũng là cỗ máy in tiền lạnh lùng vô cảm, rất không phù hợp với dân “tay ngang”, bộc trực, thẳng thắn và không có người chống lưng như Dwayne Johnson.

Nhưng anh đã làm được điều không tưởng. Theo giới chuyên môn, ngoài nỗ lực tuyệt vời, thành công của Dwayne Johnson còn đến từ may mắn, và may mắn này lại xuất phát từ thị hiếu của khán giả. Giữa thời buổi hỗn loạn các siêu anh hùng bước ra từ truyện tranh với đủ dạng siêu năng lực, một ngôi sao gợi nhớ về dòng phim hành động hiện thực của hai thập niên 1980 – 1990 bỗng trở thành của hiếm. Dwayne Johnson khiến người ta liên tưởng đến các đàn anh lừng lẫy một thời, như Sylvester Stallone, Arnold Schwarzenegger, Bruce Willis hay Jean Claude Van Damme…

Có hề gì khi phim của anh bị giới phê bình chê bai đủ đường. Đại đa số khán giả tới rạp không quan tâm tới những con số vô cảm đó. Họ muốn xem ngôi sao của mình tỏa sáng trong một thế giới quen thuộc và Dwayne Johnson thì chưa bao giờ làm các fan của mình thất vọng. Như Rampage, dù bị phàn nàn là "thiểu năng, vô cảm", "phi lý, lộn xộn" và "chỉ dành cho tụi nhóc", vẫn dễ dàng thu về hơn 400 triệu USD. Hay như Baywatch, phim vẫn đạt doanh thu gần gấp ba chi phí sản xuất nhờ nụ cười sáng lóa của Dwayne Johnson bất chấp phần kịch bản ngớ ngẩn. Hai tập Jumanji: Welcome To The Jungle & The Next Level nhẹ nhàng cán mốc 800 triệu USD mỗi tập, còn Furious 7 và The Fate Of The Furious (thuộc series The Fast And The Furious) thậm chí đạt những con số “trong mơ” với bất kỳ nhà sản xuất nào: 1,5 tỷ và 1,2 tỷ USD.

Trong loạt phim lấy đề tài đua xe này, những màn đối đầu đậm chất bạo lực kiểu nguyên thủy giữa Dwayne Johnson và hai siêu sao cơ bắp lừng danh khác là Vin Diesel và Jason Statham rất hợp với gu thưởng thức của đa số khán giả: đơn giản, trực tiếp, không "hại não", đánh thẳng vào thị giác theo phong cách “xôi thịt” cổ điển. Sang đến Jumanji: Welcome To The Jungle, Rampage, thậm chí là Baywatch, cái tinh thần "xôi thịt" đó vẫn phát triển rất hiệu quả: hành động nhiều, diễn xuất vừa phải, nếu có thể, cài cắm thêm chút hài hước là đủ.

Nhưng cũng phải công nhận, Dwayne Johnson diễn hài khá duyên, không phải kiểu lặn vào trong mà cứ thế phô hết ra ngoài qua nụ cười "lấp lóa" đã gần như trở thành thương hiệu. Hình tượng ông bố Mỹ điển hình đã được anh thể hiện không thể tốt hơn trong hai phim hài rất dễ thương là The Game Plan và Tooth Fairy. Nhìn vào nụ cười “lấp lóa” đó, người ta thấy ngoài sự tếu táo còn rất nhiều ấm áp, hiền hòa và độ tin cậy cực cao. Dạng nhân vật "trụ cột trong nhà" như vậy muốn chiếm được sự mến mộ của công chúng không phải là chuyện khó khăn gì, đó cũng là một trong những lý do quan trọng mang đến thành công cho San Andreas hay Skyscraper, những phim có nội dung xoay quanh câu chuyện tình cảm gia đình giữa thảm họa.

Nhưng ở ngoài đời, Dwayne Johnson cũng là một "người đàn ông của gia đình" chính hiệu với cung cách "bình dân học vụ" như diễn xuất của anh, đó cũng là một lý do quan trọng để anh được yêu thích nhiều hơn trên màn ảnh. Giải thích về chuyện này, Dwayne Johnson chỉ nói đơn giản với tờ Forbes: "Tôi ngầu hơn bất cứ ai trên đời. Và tôi có nụ cười quá đỗi đoan trang".

Là một siêu sao nhưng Dwayne Johnson lại sống khá giản dị vợ và hai con gái ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Florida là chính, chỉ chuyển đến Los Angeles hoa lệ mỗi khi phải tham gia làm phim. Anh lái xe bán tải hạng trung và luôn dạy dỗ con cái phải mạnh mẽ, tự lập và thực tế. Anh cũng là một người con vừa hiếu thảo vừa vui nhộn, luôn chia sẻ với bà mẹ Ata Johnson một thú vui xa xỉ: tặng xe hơi cho người khác.

Có rất ít khoảng cách giữa Dwayne Johnson và người hâm mộ, anh luôn cố gắng gặp gỡ, chuyện trò mỗi khi có thể và Instagram hoạt động liên tục với rất nhiều hình ảnh giản dị từ đời sống thường nhật. Nhìn vào đó, đại đa số công chúng sẽ thấy anh cũng giống như họ, một người thuộc tầng lớp trung lưu bình dân chứ không phải một ngôi sao chảnh chọe và xa cách.

Dwayne Johnson cũng là một trong không nhiều ngôi sao Hollywood dám nhận giải Mâm xôi vàng (giải thưởng giống Oscar, nhưng dành cho những phim, diễn viên, đạo diễn dở nhất năm) và nghiêm túc phát biểu về nó theo kiểu tếu táo quen thuộc.

Những vấp váp đầu đời được anh chia sẻ và cách anh vượt qua nó là nguồn cảm hứng lớn lao cho lớp trẻ Mỹ, những người không chỉ thấy ở Dwayne Johnson một ngôi sao giải trí mà còn cả một người đàn ông mẫu mực, vị tha, nỗ lực không ngừng nghỉ để làm cuộc sống của mình và thế giới xung quanh tốt đẹp hơn. Anh cho Simone, con gái đầu lòng theo đuổi môn đấu vật và hiện cô gái đang trên đường trở thành võ sĩ chuyên nghiệp. Chế độ dinh dưỡng và ăn kiêng của anh được hàng triệu người tập thể hình trên thế giới thực hiện theo hằng ngày.

Và người Mỹ cũng thể hiện tình cảm của mình với “The Rock” theo cách vô cùng thực tế. Trong một cuộc thăm dò dư luận do tờ Newsweek tiến hành đầu năm nay, có đến 46% dân Mỹ muốn Dwayne Johnson trở thành tổng thống của họ. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Today, nam diễn viên được mến mộ nhất hiện nay cũng nói anh chắc chắn sẽ cân nhắc việc tranh cử nếu cảm thấy nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết, nhưng chưa tiết hộ mình sẽ theo đảng phái nào, và khi nào chính thức bắt đầu.

Nhưng website vận động Dwayne For President thì đã hiện diện trên internet, như một sự trông đợi, một sự thúc giục diễn viên 48 tuổi biến lời nói, biến ước mơ thành hiện thực. Trước anh, một ngôi sao cơ bắp khác là Arnold Schwarzenegger đã trở thành Thống đốc bang California, và rõ ràng, cơ hội để Dwayne Johnson tiến xa hơn trên con đường chính trị là rất lớn.

Nếu không nhanh chân, rất có thể “The Rock” sẽ tụt hậu so với đồng nghiệp Matthew McConaughey và vận động viên từng giành huy chương Olympic Caitlyn Jenner, những người dự định ra tranh cử ở các bang Texas và California. Mà thất bại là thứ Dwayne Johnson không muốn chấp nhận chút nào, bất kể trong lĩnh vực gì…

Có rất ít khoảng cách giữa Dwayne Johnson và người hâm mộ, anh luôn cố gắng gặp gỡ, chuyện trò mỗi khi có thể và Instagram hoạt động liên tục với rất nhiều hình ảnh giản dị từ đời sống thường nhật.
Xuất phát điểm nghèo khó, không sở hữu những tài năng thiên bẩm nhưng bằng nghị lực phi thường và sự khổ luyện, Cristiano Ronaldo đã trở thành một tượng đài và tấm gương mẫu mực cho thế giới bóng đá.

Cristiano Ronaldo vã một chút nước lên mặt. Anh nhìn thẳng vào mình ở trước gương. Anh hít một hơi thật sâu. Hôm ấy, ngày 7/6/2009, với Ronaldo là một ngày trọng đại. Ngày đầu tiên của anh ở đội bóng vĩ đại nhất thế giới.

Anh đứng trong bóng tối và hít thở sâu một lần nữa. Anh bước lên những bậc thang mà có cảm giác như mình đang bước lên bậc thang của danh vọng. Tim của anh rung lên loạn nhịp khi thấy những cầu thủ vĩ đại nhất của Real Madrid đều đã hiện diện ở sân Santiago Bernabeu.

“Tôi rất hạnh phúc khi có mặt ở đây", anh nói và đám đông cổ động viện (CĐV) như phát điên. Phải mất tới một phút để Ronaldo tiếp tục bài phát biểu của mình. "Đây là một giấc mơ đã trở thành hiện thực. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã luôn mơ được chơi cho Real Madrid". Sau đó, Ronaldo hít một hơi thật sâu và hét lên: "Hala Madrid!".

Tất cả các CĐV đứng cả dậy và khoảnh khắc ấy dành riêng cho Ronaldo. Có thể anh không nhìn thấy tất cả nhưng Ronaldo biết mẹ anh, Elma, Hugo và Kaita cũng có mặt ở đó. Anh biết cha đỡ đầu Fernao de Sousa cũng có mặt ở đó. Anh cũng biết các bạn anh ở Santo Antonio có mặt ở đó. Anh ước bố của mình vẫn còn đó để anh có thể tìm ông giữa đám đông CĐV ấy. Anh nghĩ về bố, về những gì chỉ mới diễn ra vài năm trước.

Ronaldo chỉ là một cậu bé nghèo khổ. Anh học tất cả mọi thứ mình biết qua những trận đấu đáng nhớ trên các đường phố của hòn đảo Madeira. Vậy Ronaldo đã làm thế nào để có mặt ở đây? Làm cách nào để anh trở thành một trong những cầu thủ hay nhất thế giới? Anh nhắm mắt. Anh nhớ lại hòn đảo gắn liền với thời thơ ấu của mình một lần nữa: Những đường phố nứt nẻ, những túp lều vá chằng vá chịt và những sân bóng. Ronaldo cảm giác như cả một bầu trời tuổi thơ đang trở lại với mình.

Tuổi thơ nghèo khó và thương đau

Ngôi nhà của gia đình Ronaldo nhỏ đến nỗi bố anh, ông Jose Dinis, phải để máy giặt trên mái nhà. Ông luôn nói đầy hài hước rằng phòng giặt nhà mình có view đẹp nhất ở hòn đảo Madeira. Cậu bé 5 tuổi Cristiano Ronaldo sống chung với bố mẹ, hai chị gái Elma, Katia và anh trai Hugo. Họ sống trên khu đồi bên trong làng Santo Antonio của thị trấn Funchal, trung tâm của đảo Medeira. Bố mẹ Ronaldo ngủ một phòng trong khi 4 con của họ ngủ ở phòng còn lại. Cửa sổ phòng ngủ là nơi cung cấp ánh sáng duy nhất cho ngôi nhà có 3 phòng nhỏ, ngoại trừ những tia sáng len lỏi qua hàng tá lỗ hổng của trần nhà. Họ không có tiền để sửa nó. Căn phòng còn lại là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Họ có phòng tắm, nơi nhỏ nhất của ngôi nhà.

Ronaldo lớn lên trong tình yêu đủ đầy của cha mẹ, anh chị em nhưng lại thiếu thốn vô vàn về vật chất. Anh mê bóng đá và tuổi thơ của anh gắn liền với những trận bóng ở những con phố loang lổ ổ gà, với những đôi giày cũ rách và những quả bóng sờn da cũ kĩ. Bố anh, một trợ lý huấn luyện viên (HLV) cho đội bóng quê hương, đã dành tất cả những tâm huyết cuộc đời để hướng Ronaldo đi theo con đường đá bóng. Ông muốn cậu con trai thứ hai của mình phải theo đuổi đam mê, phải hiện thực hóa giấc mơ trở thành một siêu sao bóng đá. Bởi ông cho rằng, chỉ có bóng đá mới giúp Ronaldo thoát ra khỏi ngôi làng Santo Antonio nghèo khó, nơi mà phần lớn thanh niên nếu không có nghề nghiệp sẽ rơi vào tệ nạn, tù tội. Như chính cậu con trai cả của ông, sau này cũng đã rơi vào vòng lao lý vì ma túy.

Hướng cho con như vậy, nhưng ông Jose Dinis cũng không tự thoát ra được căn bệnh nghiện rượu kinh niên của mình. Vì nó, ông nướng tất cả những số tiền ít ỏi kiếm được hằng tháng vào các quầy rượu mỗi tối và đẩy gia đình vào tình trạng nghèo khổ khi mức lương ít ỏi của bà Dodores, mẹ Ronaldo, không đủ trải cho cuộc sống gia đình. Cũng vì rượu, ông Dinis đã sớm ra đi mãi mãi khi Ronaldo chỉ mới tròn 20 tuổi.

Nguồn cảm hứng trong thế giới bóng đá

Từ rất nhỏ, Ronaldo đã coi Real Madrid là đội bóng trong mơ. Với anh, mục tiêu lớn nhất trong đời là sẽ được khoác lên mình chiếc áo đấu của đội bóng vĩ đại nhất thế giới. Đó là động lực, là quyết tâm, là khát khao để anh vươn tới đỉnh cao.

Năm 18 tuổi, Ronaldo lọt vào mắt xanh của HLV huyền thoại Alex Ferguson. Anh chuyển từ Sporting Lisbon đến Manchester United, được Sir Alex trao cho chiếc áo số 7 huyền thoại, số áo mà những Gorge Best, Eric Cantona và David Beckham đã mặc. Ở đội bóng ở thành phố công nghiệp nước Anh, Ronaldo có những bước tiến vượt bậc và trở thành nhân vật quan trọng giúp CLB thống trị bóng đá Anh cũng như đấu trường châu lục. Ronaldo có chức vô địch Anh, có chức vô địch Champions League. Cá nhân anh giành giải Quả bóng vàng, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Ở Manchester United, Ronaldo trở thành thần tượng mới của nước Anh nói riêng và thế giới bóng đá nói chung. Nhưng Ronaldo cần những thử thách khác, cần những trải nghiệm khác khi mà giấc mơ được chơi cho Real Madrid vẫn luôn hiện hữu trong đầu anh. Hai mùa bóng cuối cùng ở Manchester United, Ronaldo đã cống hiến những gì tuyệt vời nhất của anh cho Quỷ đỏ. Đó cũng là điều kiện tiên quyết, giúp Ronaldo hoàn thành ước nguyện trong đời là đầu quân cho Real Madrid với mức giá chuyển nhượng kỉ lục thời điểm ấy (2009) là 90 triệu bảng.

Phần còn lại đã thuộc về lịch sử bởi ở Real Madrid, Ronaldo đã có tất cả những gì mà một cầu thủ mơ ước khi ở đỉnh cao danh vọng, với những chiếc cúp, những danh hiệu cá nhân và những kỉ lục mà anh tạo ra rồi lại tự mình phá bỏ nó.

Nếu gác khía cạnh chuyên môn sang một bên, người ta cảm nhận được nghị lực phi thường của một chàng trai. Anh có xuất phát điểm thấp, chuyên môn không phải xuất sắc, nhưng bằng sự khổ luyện, bằng khát khao vượt lên chính mình, Ronaldo đã phát triển, đã trưởng thành để rồi cùng với Lionel Messi, trở thành hai tượng đài vĩ đại nhất của bóng đá thế giới đương đại. Bởi thế, Ronaldo được coi là nguồn cảm hứng, là đỉnh cao mà bất cứ một cầu thủ trẻ nào cũng mơ được vươn tới đỉnh cao ấy.

Không xăm trổ vì trẻ em
Ronaldo nổi tiếng với những nỗ lực để giúp đỡ trẻ em vượt qua các căn bệnh suy nhược bằng việc hiến máu. “Tôi không xăm trổ vì tôi đi hiến máu thường xuyên”, anh từng chia sẻ với tờ Diretta News. Theo báo cáo, tiền vệ người Bồ Đào Nha hiến máu 2 lần một năm. Ở nhiều nước, một hình xăm mới có thể ảnh hưởng lớn đến việc hiến máu, ví dụ như người hiến phải chờ từ 6 tháng đến 1 năm mới được đi hiến máu để phòng ngừa sự lây nhiễm các bệnh như viêm gan.
Profile về Ronaldo:

Tên đầy đủ : Cristiano Ronaldo dos Santos Aveiro

Quốc tịch : Bồ Đào Nha

SN : 5/2/1985

Các CLB khoác áo : Sporting Lisbon, Manchester United, Real Madrid, Juventus

Số trận khoác áo ĐTQG : 173 (ghi 103 bàn)

Các danh hiệu :

Với Manchester United: VĐQG Anh (3 lần), FA Cup (1), Cúp Liên đoàn Anh (2), UEFA Champions League (1), FIFA Club World Cup (1), Siêu cúp Anh (1)

Với Real Madrid: VĐQG Tây Ban Nha (2), Cúp nhà Vua (2), Siêu cúp Tây Ban Nha (2), UEFA Champions League (4), Siêu cúp châu Âu (2), FIFA Cup World Cup (1)

Với ĐTQG Bồ Đào Nha: EURO (1), UEFA Nations League (1)

Các danh hiệu cá nhân : Quả bóng vàng (5 lần), Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới (1 lần).