TIN THẾ GIỚI

BoK không loại trừ khả năng tăng mạnh lãi suất để ứng phó lạm phát cao

Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong ngày 16/5/2022 cho biết, không loại trừ khả năng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, trước sự bất ổn kinh tế do lạm phát tăng cao giữa lúc giá năng lượng tăng và đồng Won yếu.

Trong tháng Tư, BoK đã tăng lãi suất lên 1,5%, lần tăng lãi suất thứ tư kể từ tháng 8/2021, nhằm kiềm chế lạm phát và kiềm chế nợ hộ gia đình.

Giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 13 năm vào tháng 4/2022 trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng vọt và nền kinh tế phục hồi. Giá tiêu dùng trong tháng Tư tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và so với mức 4,1% trong tháng Ba.

Lạm phát cao lo ngại sẽ làm giảm sức mua của người dân, cản trở tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại khoảng 2% trong năm nay do sự bất ổn kinh tế gia tăng, sau khi tăng 4% vào năm ngoái.

Lạm phát tác động mạnh tới doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ

Giá hàng tiêu dùng tăng trong nhiều tháng qua ở Mỹ, làm thay đổi tình hình ở nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng vẫn chưa ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng.

Các nhà sản xuất của mọi mặt hàng từ khăn giấy đến nước ngọt hay tấm đệm, miêu tả hành vi của người tiêu dùng là tương đối linh hoạt dù giá cả tăng trên diện rộng. Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất có thể tăng giá thêm được bao nhiêu nữa mà không gặp khó khăn vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Với lạm phát chạm mức cao nhất trong 40 năm và ít có dấu hiệu giảm ngay lập tức, nền kinh tế Mỹ vốn do người tiêu dùng thúc đẩy phải đối mặt với những dấu hỏi lớn, dù tỷ lệ thất nghiệp rất thấp và mức độ tăng lương đang tăng nhanh. Giới quan sát dự báo xu hướng giá cả tăng sẽ thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi hành vi trong những tháng tới.

Nhà phân tích Neil Saunders thuộc tổ chức GlobalData Retail có trụ sở ở London (Anh) cho biết: Nhiều người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu khi họ kết luận rằng họ “không thể tiếp tục đối phó với tất cả những đợt tăng giá này”.

Morgan Stanley: Kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm 2022

Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 sẽ ở mức 2,9%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6,2% trong năm 2021.

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng này cho rằng, tăng trưởng có khả năng giảm tốc như vậy là do chính sách kích thích tài khóa yếu đi, chính sách tiền tệ thắt chặt, sự kéo dài của dịch COVID-19, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và gần đây nhất là tác động từ xung đột Nga-Ukraine.

Giá dầu và hàng hóa đang tăng vọt sau khi Nga chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu, khiến chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đánh giá lại các chính sách tiền tệ của mình. Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ và làm giảm nhu cầu trong nước, qua đó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia của Morgan Stanley dự đoán khả năng tăng trưởng kinh tế gia tăng là rất nhỏ.

ADB nhận định thận trọng về triển vọng phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 13/5/2022 cho biết, triển vọng phục hồi kinh tế ở Đông Nam Á rất đáng khích lệ trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, không phải là không có rủi ro dai dẳng.

Báo cáo của ADB có tiêu đề “Phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á”, khảo sát các cơ hội tăng trưởng, chiến lược ngành và cải cách ưu tiên, vốn có thể giúp các quốc gia thúc đẩy phục hồi kinh tế trong trung hạn.

Tổng giám đốc ADB khu vực Đông Nam Á Ramesh Subramaniam cho biết, những rủi ro đối với triển vọng phục hồi trong khu vực bao gồm sự không chắc chắn gia tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và leo thang căng thẳng, sự xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2 và hậu quả để lại của đại dịch thông qua tổn thất lớn về việc làm và giáo dục, gián đoạn sản xuất, giảm niềm tin vào doanh nghiệp cũng như giảm tốc độ tăng năng suất.

Báo cáo cũng cho thấy thương mại số có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á.

BoJ: Thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ là không phù hợp

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho rằng, việc thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ là không phù hợp khi tình hình kinh tế tại Nhật Bản “hoàn toàn khác” so với Mỹ và châu Âu.

Trong một bài phát biểu trực tuyến, ông Kuroda cho biết, lạm phát đang tăng lên và hướng tới mục tiêu 2% của BoJ chủ yếu do giá năng lượng và hàng hóa cao hơn, nhưng tính bền vững của con số này vẫn là một nghi vấn. Bên cạnh đó, liệu đà tăng giá có diễn ra trên diện rộng hay không cũng là điều quan trọng.

Theo Thống đốc Kuroda, Nhật Bản có thể chứng kiến lạm phát cao hơn mục tiêu một cách ổn định, bền vững và tốc độ tăng lương cần được đẩy nhanh để hỗ trợ nhu cầu trong nước.

Phát biểu trên đã củng cố quan điểm cho rằng BoJ sẽ vẫn là một ngoại lệ vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương tại Mỹ và châu Âu chuyển sang hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Ông Kuroda nhấn mạnh, kinh tế Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, trong khi tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ tăng lên khoảng 2% trong ngắn hạn. Do đó, việc thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại là không phù hợp.

IMF nâng tỷ trọng của đồng USD và NDT trong rổ tiền tệ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho biết, cơ quan này đã tăng tỷ trọng của đồng USD và đồng NDT (Trung Quốc) khi xem xét các loại tiền tệ tạo nên giá trị của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), một tài sản dự trữ quốc tế. Đây là lần đánh giá đầu tiên kể từ khi đồng NDT gia nhập rổ tiền tệ SDR vào năm 2016.

Cụ thể, IMF đã nâng tỷ trọng của đồng USD từ 41,73% lên 43,38% và đồng NDT từ 10,92% lên 12,28%. Trong khi đó, tỷ trọng của đồng Euro giảm từ 30,93% xuống 29,31%, đồng Yen giảm từ 8,33% xuống 7,59% và đồng Bảng Anh giảm từ 8,09% xuống 7,44%.