Trả lời PV Người Dẫn Đầu, TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, để lại phía sau những trải nghiệm thành công lẫn đau thương trong 2 năm chống dịch, chúng ta cần tự tin tiến về phía trước với những bài học của quá khứ và khát vọng về tương lai an toàn hơn, thịnh vượng hơn.
Tăng trưởng GDP 2021 tiếp tục ở mức rất thấp, do dịch bệnh. Nhưng nếu phải chọn đâu là điểm sáng của bức tranh kinh tế, bà sẽ chọn điểm nào?
Kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn có những điểm tích cực. Đáng lưu ý nhất là hoạt động thương mại của Việt Nam đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu tăng trưởng tới 18,3% trong 11 tháng đầu năm 2021 (so với cùng kỳ 2020), cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2020 (6,9%).
Nhập khẩu cũng tăng trưởng tới 27,5% trong 11 tháng đầu năm 2021, trong đó có nhiều đầu vào quan trọng cho sản xuất như máy móc thiết bị phụ tùng, hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại... Cũng trong thời giannày, thặng dư thương mại đạt gần 1,5 tỷ USD. Như vậy, trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng còn hiện hữu, hoạt động xuất nhập khẩu đã có sự thích ứng, vượt qua khó khăn để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Điểm sáng thứ hai chính là việc kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đà phục hồi kinh tế thế giới, giá hàng hóa trên thị trường thế giới (tính theo USD), đặc biệt là nhiều đầu vào như xăng dầu… đã có những bước tăng khá mạnh. Ước tính của Economist Intelligence Unit đến 15/12/2021 cho thấy giá dầu tăng tới 66,4% so với năm 2020. Bản thân chỉ số USD Index cũng tăng tới 6,89% (tại thời điểm 23/12/2021 so với cuối năm 2020).
Trong bối cảnh đó, việc duy trì lạm phát ổn định ở mức 1,84% (bình quân 11 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước), thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (dưới 4%), đã giúp giảm bớt khó khăn cho đời sống của người dân, đồng thời tạo thêm dư địa cho điều hành lãi suất, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Dù vậy, cũng phải nhìn nhận những khó khăn không nhỏ của nền kinh tế trong năm vừa qua. Đó là tăng trưởng kinh tế còn chịu ảnh hưởng đáng kể bởi những diễn biến của dịch COVID-19, giải ngân đầu tư công còn chậm, hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam giảm…
Nhìn lại bối cảnh hiện tại, theo bà, đâu sẽ là cơ hội cho phục hồi và phát triển kinh tế?
Kinh tế Việt Nam 2022 đang có bối cảnh những khó khăn và thuận lợi đan xen. Diễn biến phức tạp của COVID-19 cùng với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới làm tăng mức độ bất định phục hồi kinh tế. Xung đột Nga - Ukiraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có thể diễn ra phức tạp, khó lường hơn, trên nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ...
Khác với các năm trước, chúng ta đã có “hành trang” là tỷ lệ tiêm vaccine tương đối cao, mong mỏi được nối lại hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp sau những đợt gián đoạn...
Cạnh tranh công nghệ tiếp tục nổi lên là một nhân tố quyết định, thay đổi bản chất thương mại và đầu tư toàn cầu một cách sâu sắc hơn, do đó, vừa tạo sức ép đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời đòi hỏi thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đầu tư vào công nghệ và nhân lực chất lượng cao.
Bối cảnh ấy cũng tạo cơ hội, thậm chí là “sức ép tích cực”, để nhận ra những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế, từ đó xử lý một cách toàn diện, hiệu quả, gắn với phục hồi xanh và phát triển bền vững.
Xin được nhấn mạnh về câu chuyện thể chế. Trên thực tế, đột phá thể chế vẫn mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thúc đẩy các khâu, các lĩnh vực khác. Vậy theo bà, thời gian tới, việc cải cách thể chế sẽ tập trung vào nội dung nào để trở thành động lực cho nền kinh tế?
Cải cách thể chế vẫn là một đột phá chiến lược để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra. Trong thời gian tới, cải cách cần thực hiện mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn; trong đó, không dừng lại ở thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mà phải thực hiện những cải cách tạo ra nền tảng để nâng cao mức độ thị trường của nền kinh tế.
Trọng tâm của cải cách thể chế là hướng tới xây dựng và phát triển các loại thị trường các nhân tố sản xuất để các loại thị trường này thực hiện vai trò huy động nguồn lực, phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; và quan trọng nhất là nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước và xử lý tình huống ở các cấp, bảo đảm đủ khả năng ứng phó với mọi tình huống, hướng tới mục tiêu cao nhất là mở cửa lại nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn.
Năm nay, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu từ 6 đến 6,5% cho tăng trưởng GDP. Bà có nghĩ rằng mục tiêu này sẽ khả khi?
Điểm nhấn trong năm nay chính là việc thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô lớn chưa từng có. Trên thực tế, yêu cầu nghiên cứu kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 đã được đề cập, kiến nghị ở không ít diễn đàn, thảo luận chính sách ngay từ giữa năm 2020.
Tuy nhiên, tại thời điểm giữa 2020, một số nội dung liên quan đến kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế còn thiếu cơ sở để cụ thể hóa. Chẳng hạn, dự báo thời điểm khống chế kiểm soát dịch COVID-19 về cơ bản gắn với các kịch bản tiếp cận và phổ biến vaccine là không dễ. Bên cạnh đó, yêu cầu kết hợp hài hòa giữa các yêu cầu cải cách dài hạn (môi trường kinh doanh, phát triển bền vững..) với các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn có thể khác biệt giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Với nhìn nhận ấy, tôi cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ có điều kiện để thực hiện thành công và hiệu quả trong năm 2022 và năm tiếp theo.
Năm nay, nếu tận dụng hiệu quả các cơ hội và xử lý thách thức có tính đan xen như đã đề cập ở trên, Việt Nam có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng kinh tế từ 6,3-6,5% như Quốc hội đã đề ra.
Ngoài những vấn đề như trong Nghị quyết, theo bà, Chính phủ cần làm gì để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 và những năm sau?
Việt Nam cần tiếp tục định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách thể chế ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.
Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ không chỉ tập trung vào tạo “sức bật” cho tăng trưởng, mà còn phải giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đó tạo dựng môi trường thuận lợi cho quá trình cải cách môi trường kinh doanh, tạo dựng nền tảng cho các thị trường nhân tố sản xuất, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, nâng cao năng lực nội tại, tính độc lập, mức độ tự chủ của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều hơnđến khu vực kinh tế tư nhân, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng ưu đãi từ các FTA mới, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trong đó, hai nội dung quan trọng là mở rộng không gian số cho doanh nghiệp Việt Nam, và tận dụng nguồn tài nguyên dữ liệu trong nền kinh tế số, xã hội số.
Ngoài ra, với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển, theo bà, Chính phủ cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ có chất lượng và bền vững nếu đi kèm với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn với tạo dựng các đột phá nhằm huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn.
Theo đó, bên cạnh các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, một nội dung quan trọng là bảo đảm giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhanh và hiệu quả hơn.
Khơi thông trách nhiệm, tháo gỡ các bất cập đối với giải ngân đầu tư công là một nội dung cần thiết, dù đã được đề cập nhiều trong những năm qua. Tôi muốn lưu ý một định hướng quan trọng là cần tăng cường hiệu quả, sức lan tỏa của dự án đầu tư công gắn với các dự án liên kết vùng.
Chính ở đây, vai trò của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế liên kết vùng, thúc đẩy các dự án liên kết vùng là rất quan trọng.
Còn với doanh nghiệp, cộng đồng này cần phải làm gì trong bối cảnh hiện nay, theo bà?
Sau hơn hai năm chịu nhiều gián đoạn do dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam đang khát khao, kỳ vọng hơn bao giờ hết hiệu quả của việc nối lại hoạt động sản xuất-kinh doanh. Theo tôi, đó là kỳ vọng chính đáng, và sẽ thôi thúc doanh nghiệp hưởng ứng, tận dụng các cơ hội từ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ khát khao thôi thì không đủ với bối cảnh phát triển mới. Doanh nghiệp cũng cần chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, quản trị rủi ro (thị trường, chuỗi cung ứng, lao động) một cách hiệu quả. Cần lưu ý, các giải pháp về tài khóa, tiền tệ rất quan trọng, song cũng có thời điểm “bình thường hóa”.
Chủ động nâng cao năng lực sản xuất-kinh doanh của cả doanh nghiệp và người lao động thích ứng với không gian mới (kinh tế số, kinh tế xanh/kinh tế tuần hoàn,...) - với nguồn lực có thể tiếp cận/tiết kiệm được từ các gói tài khóa, tiền tệ - chính là “bước chuyển” phù hợp nhất.
Cuối cùng là việc tận dụng cơ hội từ các FTA mới. Muốn tận dụng được hiệu quả các cơ hội này thì điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về các hiệp định, và tìm cách đáp ứng các điều kiện.
Cuối cùng là việc tận dụng cơ hội từ các FTA mới. Muốn tận dụng được hiệu quả các cơ hội này thì điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về các hiệp định, và tìm cách đáp ứng các điều kiện.
Yêu cầu này không mới, nhưng tôi tin khó khăn trong tiếp cận thị trường đầu ra hai năm qua đã khiến doanh nghiệp “thấm thía” hơn yêu cầu “chắt chiu” cơ hội từ các FTA.
Xin cảm ơn bà!
Những tín hiệu khả quan
Số liệu tình hình kinh tế-xã hội hai tháng đầu năm cho thấy kinh tế nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; Thu ngân sách nhà nước đạt 22,9% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ; Giải ngân vốn đầu tư công đạt 8,61% kế hoạch, cao hơn 5,09% so với cùng kỳ; Vốn FDI đăng ký 2 tháng tăng mạnh, cho thấy nhu cầu đầu tư và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta. Kết quả bước đầu này thêm khích lệ để người dân, doanh nghiệp tin tưởng vào sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế, dù trước mắt có không ít khó khăn.
Đơn cử, xung đột giữa Nga và Ukraine tạo thêm lực đẩy khiến giá dầu thô thế giới vượt qua mốc 100 USD/thùng và dự báo sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều muốn nhanh chóng “lấy lại những gì đã mất“ sau hai năm đại dịch, khiến nhu cầu về nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh, giá cả hàng hóa tăng. Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động từ những yếu tố bất định này.
Đánh giá tình hình những tháng tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng sẽ tiếp tục có những khó khăn, thách thức đan xen nhiều thuận lợi và thời cơ. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, dự báo sát tình hình, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng để giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh do khủng hoảng tại Ukraine.
Riêng với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã có tác động không nhỏ. Các chính sách trừng phạt mà nhiều quốc gia áp đặt đối với Nga sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam. Đơn cử, việc Nga bị hạn chế tiếp cận hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) sẽ ảnh hưởng khá lớn đến thanh toán quốc tế của các ngân hàng - doanh nghiệp Việt Nam khi đây là thị trường truyền thống, rộng lớn và rất quan trọng.
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD, tăng 38,3% so với năm 2020, đứng thứ 39 trong các đối tác thương mại của Nga. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga. Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
Những ngày qua, trong khi một số ngân hàng đắn đo, thậm chí từ chối tiếp nhận hồ sơ thanh toán liên quan đến Nga, thì cũng có những ngân hàng tin tưởng, dù khó khăn nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ trong “thế giới kết nối”, họ vẫn sẽ tìm ra phương án thích hợp.
Phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Những tác động từ biến động địa chính trị thế giới đối với thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam là khó tránh khỏi. NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài chính chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đạt các mục tiêu: Kiểm soát lạm phát bình quân khoảng 4%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, ngành Ngân hàng sẽ triển khai hai nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội thông qua các chương trình tín dụng chính sách mà Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai như: cho vay trả lương ngừng việc, tạo việc làm mới; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay cá nhân mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; cho vay vốn xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nhà ở…
Thứ hai, các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hiện NHNN đang xây dựng Thông tư hướng dẫn cụ thể gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ. Dự kiến đối tượng thụ hưởng chính sách này là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh như hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…
Các ngân hàng tham gia chương trình trên sẽ nhiều bởi quy mô gói hỗ trợ này lên đến 40.000 tỷ đồng. Việc cấp bù lãi suất 2% sẽ do Bộ Tài chính tiến hành hằng quý đối với các NHTM tham gia, sau đó quyết toán khi kết thúc chương trình (dự kiến vào 31/12/2023 hoặc cho đến khi hết hạn mức).
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng năm 2021, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm 2020 (tổng vốn huy động của nền kinh tế đạt khoảng 11,23 triệu tỷ đồng). Các NHTM đã thực hiện tốt chủ trương đưa vốn vào sản xuất kinh doanh và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, các NHTM thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, nhiều ngân hàng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng caocả về quy mô tổng tài sản lẫn lợi nhuận với mức tăng trung bình khoảng 25% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng này dự báo sẽ được duy trì trong năm 2022.
Song, xác định khó khăn thách thức còn nhiều, nên ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, các NHTM nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh với tâm thế linh hoạt, nhạy bén, quyết liệt… như Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng nói để “đưa ngân hàng đạt được những tầm cao mới”.
Với tâm thế đó, tín dụng toàn ngành Ngân hàng hai tháng đầu năm đã tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhiều năm trước: Tháng 1/2022 tăng khoảng 2,74%; tháng 2/2022 tăng 2,52%. Việc tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ ngay những tháng đầu năm là chỉ dấu quan trọng cho thấy sự hứng khởi và kỳ vọng lớn vào khả năng hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế.
Theo dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao trong năm 2022 và hồi phục tốt hơn vào 2023. Nhu cầu vốn đầu tư tăng là cơ hội cho các hoạt động tài chính - ngân hàng phát triển.
Tuy nhiên, cầu tín dụng tăng trong bối cảnh giá hàng hóa trong và ngoài nước tăng thì việc kiểm soát lạm phát trong mục tiêu là nhiệm vụ khó khăn của NHNN mà các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là những NHTM Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank phải đồng hành. Lạm phát tăng, lãi suất huy động tăng. Trong khi đó, lãi suất cho vay khó có thể tăng theo chủ trương, động viên, khuyến khích giảm lãi suất cho vay của NHNN và tác động từ gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cho một số ngành nghề ưu tiên theo Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Như vậy, các NHTM sẽ phải xoay trở trong điều kiện NIM bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 Theo thông tư 01 (và Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01) sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ. Theo tính toán của NHNN, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 7,31%. Điều này khó đảm bảo ngân hàng thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD.
Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua là đầu tư chủ yếu từ vốn tín dụng từ ngân hàng, đặc biệt vốn trung dài hạn chiếm tỷ trọng cao, từ đó làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản khi tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn tăng, kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống TCTD. Trong khi đó, vấn đề tăng nguồn lực, tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước - những thành viên chủ lực, đóng vai trò chính trong thực thi các chủ trương, chính sách của Chính phủ và của Ngành - dù đã kiến nghị nhiều nhưng hiện chưa được giải quyết triệt để.
Vốn điều lệ các NHTM Nhà nước không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng này trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia (điện, BOT giao thông, sân bay, cảng biển…), ảnh hưởng đến vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường của các NHTM Nhà nước.
Khó khăn, thách thức còn ở phía trước, nhưng với nền tảng vững chắc và quyết tâm chính trị cao, các ngân hàng sẽ chủ động thích ứng, hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phục hồi, phát triển nền kinh tế.