Xu hướng mới của ngành ngân hàng:
Đi tìm hình hài
ngân hàng số
tương lai
Bài:Ban Cầm
Hãy thử tưởng tượng, một tập đoàn đa quốc gia đang muốn triển khai chiến lược bán hàng toàn cầu, họ sẽ phải tự hỏi mình một câu hệ trọng: Chúng ta sẽ triển khai thanh toán như thế nào?
VCB Digibank
Ngân hàng số không phí
Với việc miễn toàn bộ các loại phí duy trì, phí giao dịch thường xuyên, hằng ngày của khách hàng trên kênh số, Vietcombank mong muốn mang tới cho khách hàng sự đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhất khi giao dịch trên ngân hàng số VCB Digibank, góp phần thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Đi tìm hình hài
Ngân hàng số tương lai
Đi tìm hình hài
Ngân hàng số tương lai
VCB Digibank
Ngân hàng số không phí
Warren Buffett
Cho đi là còn mãi

Từ trường hợp của Adyen

Cùng xem xét trường hợp của Nike, một tập đoàn bán hàng đa kênh đi khắp thế giới. Họ phải đối mặt với hai vấn đề: Đầu tiên, hệ thống điểm bán hàng (POS) toàn cầu của Nike bị phân mảnh với nhiều bên trung gian, bao gồm các cổng thanh toán, nhà cung cấp dịch vụ, bên thụ đắc và bên xử lý giao dịch, với chi phí rất lớn phải chia cho các phía và dữ liệu trở nên rời rạc.

Thứ hai, sở thích thanh toán của người tiêu dùng trên khắp thế giới là rất khác nhau, tức là Nike phải làm việc với mọi bên trung gian là ngân hàng và các dịch vụ thanh toán khác nhau tùy theo địa lý của khách hàng. Kênh phân phối phức tạp này đòi hỏi rất nhiều hợp đồng, quy trình, và tất nhiên là chi phí khổng lồ.

Vào năm 2015, Nike đã chọn một công ty khởi nghiệp mới toanh ở Hà Lan để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ này, gạt các ngân hàng và dịch vụ thanh toán sang một bên. Trước đó 9 năm, hai doanh nhân Hà Lan đã thành lập Adyen, trong tiếng Surinam nghĩa là “bắt đầu lại”, với tham vọng tạo ra một mạng lưới thống nhất thanh toán trên toàn cầu. Vào năm 2017, khối lượng giao dịch của Adyen đã đạt 130 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng là 262 triệu USD. Ngày nay, Uber, Grab, Airbnb, Nike và hầu hết các tập đoàn phải xử lý hàng triệu giao dịch mỗi ngày đều là khách hàng của Adyen.

Trong chuỗi thanh toán truyền thống, khi dòng tiền đi từ ngân hàng qua các công ty dịch vụ thanh toán kiểu Paypal, các khách hàng sẽ phải tự quản lý hệ thống, phân tích rủi ro và sửa lỗi nếu có. Adyen sử dụng các đám mây dữ liệu để phát hiện những lỗ hổng trong các giao dịch: “Với dữ liệu kiểu này, chúng tôi biết 100 lý do dẫn đến các giao dịch bị từ chối, trong khi các hệ thống khác chỉ cho bạn tối đa 30 nguyên nhân” - Warren Hayashi, Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Adyen, cho biết. Phạm vi tiếp cận địa lý rộng và trải nghiệm trên quy mô lớn của Adyen được mở ra đến hơn 150 đơn vị tiền tệ và 200 phương thức thanh toán. Người bán có quyền truy cập vào dữ liệu người tiêu dùng tập trung và quản lý tất cả các khoản thanh toán trên một chương trình duy nhất.

Vào năm 2017, khối lượng giao dịch của Adyen đã đạt 130 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng là 262 triệu USD. Ngày nay, Uber, Grab, Airbnb, Nike và hầu hết các tập đoàn phải xử lý hàng triệu giao dịch mỗi ngày đều là khách hàng của Adyen.

Các ngân hàng đã từng đi đầu trong lĩnh vực tự động hóa, nhưng giờ đây, phần lớn các công nghệ tiên tiến một thời đã cản trở sự đổi mới, và gặp phải những thách thức từ những công ty fintech kiểu Adyen hay Revolut. Các start-up này đã và đang tối ưu lợi nhuận nhờ các công nghệ dữ liệu điều hướng (data-driven) kiểu mới như dữ liệu đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và Học Máy (Machine Learning).

Họ sử dụng chúng trong định tuyến thanh toán, tối ưu hóa tỷ lệ ủy quyền, cung cấp khả năng chống gian lận trên tất cả các phương thức thanh toán. Tập dữ liệu ngày càng tăng và hạ tầng khoa học dữ liệu của các công ty kiểu này cho phép hệ thống của họ tự động phát triển và hoàn thành các tác vụ nhanh hơn theo thời gian.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Hành trình “đám mây hóa” của ngân hàng đã bắt đầu cách đây vài năm trong các lĩnh vực như bán hàng và tiếp thị, với những nền tảng như Salesforce và Microsoft Dynamics. Sự thành công của các ứng dụng này sau đó chứng kiến cuộc cách mạng đám mây lan sang hai mảng quan trọng khác là nhân sự và quản trị, với các giải pháp như SuccessFactors và Workday. Giờ đây, bối cảnh được thiết lập cho làn sóng “mây hóa” thứ ba của các ngân hàng, diễn ra trong các ứng dụng và quy trình cốt lõi của họ: thanh toán.

Chính phủ Việt Nam mới đây đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu trong vòng ba năm nữa, thanh toán không tiền mặt sẽ gấp 25 lần GDP, đạt 50% trong thương mại điện tử, với 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Điện toán đám mây (Cloud Computing) là cốt lõi trong quá trình này, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, cũng như nhận dạng sinh trắc học (Biometrics).

Đầu tháng 12/2019, Vietcombank đã cùng Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) khởi động dự án “Phần mềm quản trị nhân sự mới - HRM”. Giải pháp HRM được xây dựng theo mô hình Talent Hybrid trên nền tảng công nghệ lưu trữ dữ liệu tại chỗ (On-premises) và điện toán đám mây (Cloud).

Theo đó, dự án HRM được triển khai với 6 phân hệ chính, gồm quản lý thông tin nhân sự, chi phí tiền lương, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá cán bộ và quản lý nhân tài.

Giải pháp này cũng cung cấp thông tin toàn diện, báo cáo đa chiều cho ban lãnh đạo và nhà quản lý, nhờ vậy, công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp hơn, tạo một nền tảng vững chắc cho hoạt động của ngân hàng. Điều đáng nói là toàn bộ thông tin dữ liệu của nhân sự sẽ được bảo mật tối đa trên hệ thống.

Cuộc đua trong ngành ngân hàng vẫn đang âm thầm diễn ra. Vào tháng 9 năm ngoái, VIB công bố việc hợp tác với Microsoft trong 3 năm tới để triển khai điện toán đa đám mây (multi-cloud), đồng thời hai bên có thể đi xa hơn trong tương lai với các dự án ứng dụng AI, Big Data, Internet vạn vật (IoT). Techcombank cũng đã chọn Amazon Web Service, thuộc tập đoàn hàng đầu Amazon, làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Song song với việc ký kết thỏa thuận là đào tạo nhân sự ngân hàng làm quen dần với những công nghệ để sẵn sàng cho làn sóng mới.

Không khó để hiểu tại sao. Sự phát triển chóng mặt của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán dựa trên dữ liệu đám mây như Stripe và Adyen đã khiến họ được định giá cao hơn nhiều ngân hàng lớn hàng đầu thế giới, với lịch sử lâu đời. Không chỉ là một hoạt động độc lập, thanh toán thường gắn bó sâu vào tất cả hệ thống và kênh chính của ngân hàng.

Thêm vào đó, đám mây dữ liệu là tiền đề của một ngân hàng kỹ thuật số hoàn toàn, với nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng, sẽ không chỉ dừng lại ở các quy trình đã thành cơ bản như gửi tiền trực tiếp, ứng dụng di động và thanh toán hóa đơn điện tử.

Ngân hàng kỹ thuật số thực sự là câu chuyện của số hóa mọi cấp độ trong hoạt động: Nó cần dựa vào trí thông minh nhân tạo để xử lý tự động hóa các hoạt động đầu-sau (back-end) như các tác vụ quản trị và xử lý dữ liệu, từ đó giảm bớt áp lực cho nhân viên lẫn hạn chế các sai sót. Các ngân hàng kỹ thuật số không chỉ cho phép người dùng gửi và chuyển tiền dễ dàng, mà còn mang lại cho họ cơ hội đăng ký các khoản vay và tiếp cận những dịch vụ quản lý tài sản được cá nhân hóa một cách dễ dàng.

Động cơ của nhiên liệu nói trên là IoT, một cuộc cách mạng lớn tiếp theo của dịch vụ tài chính. IoT là một mạng lưới các thiết bị được kết nối qua internet để lấy và truyền dữ liệu sẽ biến đổi trải nghiệm của khách hàng trong môi trường ngân hàng. Nó tiến hóa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet trong vài thập kỷ qua, từ một tập hợp các tài liệu hoặc siêu liên kết văn bản thành một mạng lưới thực sự với các đối tượng đa dạng, từ con người, ứng dụng lẫn thiết bị.

Chỉ trong vài năm, số lượng thiết bị tham gia vào IoT đã gia tăng đáng kể. Năm 2016, người ta ước tính rằng, 75% dân số trên thế giới truy cập internet thường xuyên với 6 triệu thiết bị. Đến 2019, với 4,5 tỷ người truy cập internet cùng số lượng thiết bị tăng gấp đôi, thì IoT đã trở thành một thứ được quan tâm nghiêm túc. Các thiết bị thông minh này chia sẻ dữ liệu lưu trú trên đám mây, được dán nhãn và phân tích liên tục bằng AI và Máy Học, để giúp chuyển đổi doanh nghiệp, cuộc sống con người và thế giới nói chung theo nhiều cách khác nhau.

Trong ngành ngân hàng, nó có thể cung cấp cái nhìn đầy đủ nhất theo thời gian thực về tài chính của khách hàng, một khi họ sử dụng thiết bị thông minh để truy cập dữ liệu và tương tác. Dữ liệu dễ dàng được chia sẻ giữa hàng triệu thiết bị đầu cuối của khách hàng đến đầu cuối của ngân hàng, giúp ngân hàng lường trước nhu cầu của khách và đưa ra các giải pháp, cũng như lời khuyên hữu ích.

Nhờ đó, ngân hàng vạn vật (Banks of Things) có thể là một công cụ mạnh mẽ để gia tăng lòng trung thành của khách hàng với ngân hàng, từ đó mang lại nhiều hoạt động kinh doanh hơn cho ngân hàng. Các ngân hàng cũng có thể ứng dụng dữ liệu để tối ưu hóa mọi hoạt động, như phân tích cách khách hàng sử dụng các ki-ốt đặt máy rút tiền ATM tại các khu vực, để có thể tăng hoặc giảm việc lắp đặt các máy ATM tùy vào khối lượng sử dụng. Họ cũng có thể tận dụng IoT để đưa các dịch vụ theo yêu cầu đến gần khách hàng hơn, nhờ hiểu biết được nhu cầu kinh doanh của khách hàng lẫn chuỗi giá trị của họ, chẳng hạn như các nhà bán lẻ, nhà cung cấp và nhà phân phối.

Dữ liệu cũng giúp các ngân hàng có thông tin chi tiết về khách hàng để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng phù hợp, các sản phẩm tài chính đã được tùy chỉnh để đảm bảo các bên luôn có lợi. Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân là khách hàng vay vốn có thể thu lợi từ các giải pháp IoT: ngân hàng có thể phân tích được sản lượng canh tác cùng với các điều kiện canh tác khác để ước tính được sản lượng cây trồng, dựa vào đó để cung cấp các điều khoản tài chính linh hoạt dựa trên sản lượng dự kiến. Những thông tin này có thể giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa nông dân và ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể dự đoán các gian lận trong quá trình chuyển đổi thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ: khi khách hàng quẹt thẻ, họ sẽ tự động cung cấp xác minh chủ tài khoản thông qua vị trí thiết bị và tùy vào thông tin thu được, ngân hàng có thể tự động từ chối hoặc chấp thuận giao dịch. Với khách hàng vay vốn, một số ngân hàng trên thế giới đã bắt đầu thử nghiệm gắn những cảm biến trong kho của khách hàng để theo dõi nguyên liệu thô cũng như hàng tồn kho, để làm dày thêm dữ liệu tài chính.

Hiện tại, một số lãnh đạo ngân hàng vẫn nhấn mạnh rằng, các thay đổi đang diễn ra không chỉ là một lựa chọn, mà còn là những thứ không thể thiếu trong ứng dụng ngân hàng của tương lai. Đó có lẽ cũng là tinh thần chung của các ngân hàng đang manh nha áp dụng các công nghệ tiến bộ vào hoạt động của mình: Một ngân hàng có thể bắt đầu hành trình này ngay bây giờ, hoặc đợi đến khi bối cảnh khiến nó bắt buộc phải bước lên con đường đó.

Miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì trên VCB Digibank

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố chính sách phí mới: Miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank - Kênh ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân của Vietcombank. Chính sách phí mới có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Với chính sách phí mới này, Vietcombank miễn phí cho mọi giao dịch chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank (bao gồm cả chuyển tiền qua số tài khoản và chuyển tiền qua số thẻ) trên VCB Digibank, khách hàng thực hiện chuyển tiền là được miễn phí mà không cần đăng ký gói dịch vụ, không yêu cầu số dư tối thiểu.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng miễn toàn bộ các loại phí quản lý và duy trì dịch vụ bao gồm: Phí duy trì dịch vụ VCB Digibank (mức phí trước đây là 10.000 VND/tháng) và Phí quản lý 1 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank (mức phí trước đây là 2.000 VND/tháng).

Ngoài ra, cũng từ ngày 1/1/2022, Vietcombank chính thức dừng đăng ký mới các Gói tài khoản dành cho khách hàng cá nhân bao gồm VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro và VCB Advanced. Đối với khách hàng đang sử dụng các Gói tài khoản này, Vietcombank tiếp tục cung ứng dịch vụ, đồng thời áp dụng chính sách miễn phí Gói tài khoản (mức phí trước đây là từ 12.000 VND/tháng đến 45.000 VND/tháng) và không yêu cầu số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ: “Với việc miễn toàn bộ các loại phí duy trì, phí giao dịch thường xuyên, hằng ngày của khách hàng trên kênh số mà không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về đăng ký gói dịch vụ hay duy trì số dư tối thiểu, Vietcombank mong muốn mang tới cho khách hàng sự đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhất khi giao dịch trên ngân hàng số VCB Digibank. Chúng tôi tin tưởng sự thay đổi này sẽ được khách hàng đón nhận tích cực và cam kết không ngừng cải tiến để mang đến các trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng trong thời gian tới”.

Với chính sách phí trên, Vietcombank chính thức gia nhập cuộc đua miễn phí giao dịch, chuyển khoản online. Theo ghi nhận, cuộc đua miễn phí dịch vụ đối với các giao dịch qua kênh online đã được nhiều ngân hàng thương mại vừa và nhỏ đẩy mạnh thời gian qua. Việc miễn phí dịch vụ giúp khách hàng cá nhân thoải mái giao dịch, thúc đẩy thanh toán online, không dùng tiền mặt.

Hướng tới mục tiêu Ngân hàng số hàng đầu Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển ngân hàng số với gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh, 130 triệu thuê bao di động, 64 triệu người dùng Internet (chiếm 67% dân số).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 654/QĐ-TTg, ngày 19/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025: 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%...

Việc số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng không thể nằm ngoài quy luật của việc phát triển thị trường trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và điều này phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Với mục tiêu trở thành ngân hàng số hàng đầu Việt Nam, gia tăng các tiện ích và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank đã nhận được phản ứng tích cực từ khách hàng, đánh giá đây là kênh ngân hàng số thuận tiện và bảo mật cao.

Đặc biệt, VCB Digibank đã nhiều lần được bổ sung và điều chỉnh một số tính năng để mang lại sự tiện ích và trải nghiệm tốt nhất tới khách hàng. Chính sách miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank có thể coi là một bước đột phá nhằm xây dựng Vietcombank trở thành ngân hàng số hàng đầu Việt Nam.

Dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank của Vietcombank được xây dựng dựa trên việc hợp nhất các nền tảng giao dịch riêng rẽ trên Internet Banking và Mobile Banking, cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng (KH) trên các phương tiện điện tử như máy tính (PC/Laptop) và thiết bị di động (điện thoại/tablet).

Chỉ còn 1 tên đăng nhập và 1 mật khẩu cho 1 dịch vụ VCB Digibank duy nhất. Khách hàng không còn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ song song hai tên đăng nhập và mật khẩu riêng rẽ.

Đặc biệt, VCB Digibank kế thừa các phương thức bảo mật đã được áp dụng cho khách hàng trên các dịch vụ trước đây bao gồm: Bảo mật đăng nhập, bảo mật giao dịch và đặc biệt là Smart OTP.

Hơn thế nữa, VCB Digibank còn được bổ sung công nghệ xác thực đăng nhập mới - Push Authentication. Với công nghệ này, khi khách hàng đăng nhập trên trình duyệt web, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo tới ứng dụng di động để chờ khách hàng xác nhận trước khi cho phép đăng nhập thành công. Các công nghệ xác thực đăng nhập cùng với Smart OTP sẽ là các lớp bảo vệ gia tăng, tạo nên một “bức tường” bảo mật kiên cố đảm bảo sự an toàn cho khách hàng trong mỗi giao dịch.

Việc ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank hoàn toàn mới là một dấu mốc quan trọng, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chuyển đổi số của Vietcombank. Lãnh đạo Vietcombank tin rằng, VCB Digibank sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ, giúp hàng triệu khách hàng được tận hưởng sự thuận tiện tối đa trong mỗi giao dịch.

  • CÁC TÍNH NĂNG NỔI BẬT CỦA VCB DIGIBANK
  • Thanh toán học phí, nạp tiền chứng khoán trên kênh ứng dụng VCB Digibank.
  • Nhà cung cấp dịch vụ đối với thanh toán phí bảo hiểm, thanh toán hóa đơn tiền nước trên ứng dụng VCB Digibank
  • Cho phép khách hàng (KH) là người Việt Nam có tài khoản đồng chủ sở hữu với người nước ngoài được thực hiện các giao dịch tiền gửi trực tuyến đối với các tài khoản thanh toán không phải là tài khoản đồng chủ sở hữu trên VCB Digibank.
  • Miễn phí chuyển đến các tài khoản của tổ chức từ thiện trong danh sách ưu đãi của Vietcombank đối với các loại giao dịch: Chuyển tiền tương lai/ định kỳ trong Vietcombank; Chuyển tiền tương lai/ định kỳ ngoài Vietcombank; Chuyển tiền nhanh 24/7 ngoài Vietcombank qua tài khoản.
  • Quản lý email trên VCB Digibank, cho phép KH: Đăng ký mới email hoặc thay đổi email nhận thông báo kết quả giao dịch trên VCB Digibank; Đăng ký/hủy đăng ký nhận thông báo kết quả giao dịch trên VCB Digibank qua email.
  • Nhắc nợ tài khoản vay qua email, cho phép KH: Đăng ký/hủy đăng ký nhận thông báo nhắc nợ vay qua email. Email đăng ký nhận thông báo nhắc nợ vay là email KH đăng ký sử dụng VCB Digibank. Các giao dịch đăng ký/hủy đăng ký Thông báo nhắc nợ vay qua email sẽ được xác thực theo cơ chế xác thực giao dịch phi tài chính trên VCB Digibank gồm các phương thức xác thực MPIN, Vân tay, Face ID.
  • Tách menu Thanh toán hóa đơn/Nạp tiền thành 2 menu riêng trên ứng dụng VCB Digibank.
  • Cho phép KH chủ động thay đổi số điện thoại nhận thông báo OTP qua tin nhắn: Tính năng này giúp KH có thể chủ động lựa chọn số điện thoại để nhận tin nhắn thông báo mã OTP của ngân hàng. Để đảm bảo an toàn cho KH, các số điện thoại này phải nằm trong danh sách số điện thoại KH đã đăng ký với ngân hàng.
  • Thanh toán vé máy bay và thanh toán QR Pay bằng thẻ tín dụng trên ứng dụng VCB Digibank: Trước đây, KH chỉ có thể trích tiền từ tài khoản thanh toán đối với dịch vụ Đặt vé máy bay và dịch vụ thanh toán qua mã QR trên ứng dụng VCB digibank. Với tính năng này, KH có thể thanh toán các dịch vụ này bằng thẻ tín dụng trên ứng dụng.
  • Thanh toán viện phí và nạp tiền đại lý tại VCB Digibank trên cả phiên bản mobile và phiên bản web.
  • Tiền gửi tích lũy trực tuyến: Trước đây, với tính năng tiết kiệm tại VCB Digibank, KH chỉ có thể
  • mở tài khoản tiết kiệm và nộp thêm tiền vào tài khoản tiết kiệm khi tài khoản này đến hạn. Với tính năng Tiền gửi tích lũy trực tuyến, KH có thể mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng/24 tháng, đồng thời, KH có thể đăng ký để nộp thêm tiền gốc tự động hoặc chủ động theo lựa chọn trong kỳ hạn gửi theo định kỳ tháng/Quý.
  • Đăng ký Chuyển đổi công nghệ thẻ ghi nợ trên VCB Digibank: Để thuận tiện cho KH và đơn giản hóa tối đa quy trình đăng ký chuyển đổi thẻ ghi nợ nội địa và ghi nợ quốc tế sử dụng công nghệ cũ sang công nghệ mới - công nghệ thẻ chip không tiếp xúc, KH có thể đăng ký chuyển đổi thẻ ngay trên VCB Digibank
  • Đặt lịch hẹn với Vietcombank: KH có thể đặt lịch hẹn và xác định nhu cầu giao dịch trước khi đến Chi nhánh Vietcombank một cách dễ dàng trên VCB Digibank. Các dịch vụ được áp dụng đặt lịch hẹn trước bao gồm: Dịch vụ Ngân hàng điện tử; Thẻ; Tiền gửi tiết kiệm; Giao dịch tiền mặt; Chuyển tiền.

Khi ba đứa con của mình còn nhỏ, Warren Buffett đã cho lắp một… máy đánh bạc trên tầng ba ngôi nhà của gia đình ở Omaha, Nebraska, Mỹ.

Mục đích là để truyền đạt sự nguy hiểm của cờ bạc: ông không cấm con cái lại gần chiếc máy, nhưng luôn kiểm soát chúng. “Sau đó, tôi có thể cho các con tôi bao nhiêu tiền chúng muốn và giao hẹn rằng chúng phải trả lại tôi nguyên vẹn trước nửa đêm” - ông nói trong một cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway.

Tỷ phú giản dị

Buffett, người đang nắm trong tay hơn 100 tỷ USD, đã sống hơn sáu thập kỷ trong một ngôi nhà tương đối khiêm tốn, nơi ông đã trả 31.500 USD để mua vào năm 1958. Ông ăn uống giản dị, thích hamburger hơn là các bữa tiệc nhà hàng xa xỉ, ưa dùng phiếu giảm giá (một giai thoại kể lại rằng Buffett đã từng mời Bill Gates đi ăn McDonald ở Hồng Kông và đến lúc tính tiền, Buffett đã rút ra một xấp voucher giảm giá). Một lần, ông nói trên tạp chí Fortune rằng sẽ để lại cho ba đứa con số tiền “đủ để chúng cảm thấy chúng có thể làm bất cứ thứ gì, nhưng không nhiều đến mức làm chúng nghĩ đến chuyện ăn không ngồi rồi”. Ông nói thêm rằng “một vài trăm ngàn” nghe có vẻ hợp lý”, và “đưa cho lũ trẻ tem thực phẩm suốt đời chỉ vì chúng đã chui ra thành công từ bụng mẹ” là “có hại, chống lại xã hội”.

Chính ông đã đi lên từ hai bàn tay trắng thật sự. Năm 11 tuổi, Buffett đã mua cổ phiếu đầu tiên trong đời, sở hữu sáu cổ phiếu ưu đãi của Cities Service với giá 38 USD/cổ phiếu - ba cổ phiếu cho chính mình, ba đưa cho em gái Doris. Giá của nó giảm về 27 USD nhưng nhanh chóng tăng trở lại 40 USD. Warren và em gái nhanh nhảu bán “non” chúng, và gần như ngay lập tức, cổ phiếu tăng vọt lên 200 USD. Buffett nhận ra bài học đầu tiên về thấu hiểu giá trị trước khi đầu tư.

Mười năm sau, Buffett thành lập Buffett Associates, huy động được 105 ngàn USD từ bảy thành viên trong gia đình và bạn bè (bản thân Buffett chỉ góp vào hơn 100 USD), nhanh chóng kiếm một triệu USD đầu tiên. Vào năm 1969, khi mới 39 tuổi, Buffett đã sở hữu số tài sản trị giá 25 triệu USD. Giữa thập niên 1970, số cổ phiếu ông nắm giữ từng giảm đến hơn 50% giá trị, nhưng Buffett không dao động. Ông tin vào giá trị thực sự của các doanh nghiệp mình chọn nắm giữ. Thời gian này, cổ phiếu của Berkshire Hathaway chỉ có giá trị 290 USD.

Buffett sẽ còn phải đối diện với những cú sụt giảm như vậy nhiều lần, chẳng hạn như khi cổ phiếu Berkshire giảm từ 4.230 USD xuống còn 3.170 USD vào năm 1987. Hiện tại, tài sản ròng của “nhà tiên tri xứ Ohama” đã lên đến hơn 100 tỷ USD, một bằng chứng không thể thuyết phục hơn về tầm nhìn của nhà đầu tư giỏi nhất hành tinh trong một thế kỷ qua. Buffett không chỉ là biểu tượng trong giới siêu giàu, mà bản thân ông là một hệ thống triết lý đầy ảnh hưởng, về đầu tư giá trị.

Vào năm 2016, khi đã nắm trong tay khối tài sản gần 60 tỷ USD, Buffett tổ chức đám cưới với người vợ thứ hai Astrid Menks một cách hết sức tiết kiệm: buổi lễ nhỏ diễn ra tại nhà của con gái ông, chỉ trong 15 phút, rồi cả nhà kéo nhau đi ăn mừng ở một nhà hàng hải sản bình dân. Buffett đã nhờ con gái chọn hộ ông nhẫn cưới ở một cửa hàng trang sức bình thường tại Ohama thuộc sở hữu của quỹ Bershire Hathaway. Cũng giống như khi giao dịch cổ phiếu, Buffett luôn muốn “vị thế mua” của mình trong mọi hoàn cảnh là đẹp nhất: tiêu dùng không nằm trong danh sách ưu tiên của ông, vì ở đó, thường thì “giá cả bị thổi vượt quá xa giá trị thực”.

Trong một thời gian dài, để đáp lại những cáo buộc rằng mình không phải người hào phóng, Buffett lập luận rằng xã hội sẽ được phụng sự tốt nhất nếu thay vì cứ cho đi số tiền của mình, ông nên cộng dồn nó, năm này qua năm khác, để tối đa hóa số tiền hết sức có thể cho đến lúc qua đời. Nhưng rốt cục thì ông đã thay đổi. Có thể là do tuổi tác. Hoặc có thể, như một số người tin rằng, từ sau cái chết của vợ ông, bà Susan Thompson Buffett, vào năm 2004, Warren Buffett đã bị ám ảnh hơn với việc cho đi.

Cho dù lý do là gì, như tất cả chúng ta đều đã biết, vào ngày 25/6/2006, đúng sinh nhật 75 tuổi, Buffett đã đưa ra một tuyên bố gây ngỡ ngàng: ông sẽ cho đi dần 85% tài sản của mình dưới dạng cổ phiếu của Berkshire Hathaway, tập đoàn khổng lồ mà ông đang nắm giữ. Lời cam kết của Buffett - vào thời điểm đó có trị giá 37 tỷ USD - là món quà từ thiện lớn nhất từng có trong lịch sử. Để so sánh, Andrew Carnegie, một tỷ phú từ thiện vĩ đại khác, đã cho đi 350 triệu USD, tương đương với khoảng gần 10 tỷ USD ngày nay.

Số tiền ấy không được sử dụng để khắc tên Buffett lên tòa nhà này hay biu-đinh nọ. Thay vào đó, phần lớn được dành để tài trợ cho quỹ Bill & Melinda Gates. Một số thuộc về Quỹ Susan Thompson Buffett, quỹ từ thiện được sáng lập bởi chính ba người con của Buffett: Susie, Howard và Peter. Mỗi người đã nhận số cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD vào thời điểm đó. Không ai trong số những đứa con của Buffett từng tưởng tượng nổi cha của họ sẽ từ bỏ một số tiền lớn cỡ đó khi ông còn đang sống.

Sáu năm sau, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 82, vào ngày 30/8/2012, Buffett thông báo rằng ông sẽ tặng thêm khoảng 12 triệu cổ phiếu Berkshire Hathaway cho quỹ từ thiện của các con mình. “Ông gọi chị tôi dậy” - Howard Buffett, con trai Warren, nhớ lại khi trả lời The Atlantic. “Ông nói chuyện với chị ấy, và chỉ bảo là, ‘Con nghĩ sao nếu cha bỏ thêm vài tỷ USD vào quỹ?’, và chị ấy đáp, ‘Vâng, nghe ổn đấy ạ’. Ý tôi là, ông ấy luôn kiểu vậy. Ông nẩy ra một ý tưởng, và nếu thích nó, ông ấy tới luôn. Kiểu ông là vậy”.

Ngôi nhà mà Warren Buffett đã sống kể từ năm 1958 tới giờ.
Ảnh: Business Insider

Hạnh phúc của việc cho đi

Tổng cộng, mỗi người con nhận được một khoản tài sản cam kết trị giá chừng 2,5 tỷ USD vào thời điểm đó, được trả dần hằng năm dao động từ 100 triệu - 150 triệu USD, tùy thuộc giá cổ phiếu. Khi trao đi món quà này, Warren Buffett không có điều kiện gì khác ngoài việc khẳng định lại tôn chỉ của quỹ: tiền chỉ được sử dụng cho các hoạt động từ thiện. Trong một bức thư gửi các con mình, Buffett viết ngắn gọn: “Cha tin các con sẽ sử dụng tiền một cách khôn ngoan, theo cách của mình. Yêu thương các con”.

Nhà đầu tư giàu nhất hành tinh này từ chối hoàn toàn xã hội tiêu dùng, một cách khôn ngoan và chừng mực. Cho đến tận bây giờ, thị hiếu của Warren Buffett không thay đổi gì nhiều: “Hôm nay tôi vẫn thích những gì đã thích cách đây 50 năm” - ông nói trên The NewYorker. “Tôi chỉ thích đọc 10-Ks (một loại báo cáo tài chính). Tôi thích chơi bài bridge. Tôi chưa có nhiều thói quen mới. Tôi hạnh phúc vì những gì đã có ở tuổi đôi mươi và không thấy có lý do gì để thay đổi mọi thứ”. Phóng viên của The NewYorker thực hiện bài phỏng vấn đã kể lại rằng, như minh họa cho quan điểm của mình, bữa trưa mà Buffett dùng trong buổi phỏng vấn đó là bữa trưa mà có lẽ ông thường ăn khi còn nhỏ: một chiếc bánh hamburger và khoai tây chiên, tiếp đến là kem va-ni rưới đầy chocolate.

Điều đã thay đổi là danh tiếng của Buffett, không chỉ với tư cách một nhà đầu tư giá trị lão luyện. Trong nhiều năm trở lại đây, ông đã trở thành một nhà hiền triết trong mắt công chúng, vì cách ứng xử trái ngược với đa số tầng lớp siêu giàu: ngoài việc hiến đa số tài sản cho từ thiện, Buffett còn trực tiếp tham gia vào quá trình thúc đẩy việc tăng thuế với người giàu dưới thời Tổng thống Obama. Bằng cách nào đó, vào thời điểm mà sự thù địch của công chúng đối với giới siêu giàu chưa bao giờ sâu sắc đến vậy, Buffett không chỉ trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh, mà còn là một trong những người được tôn kính nhất.

Buffett cũng luôn cảnh giác với cạm bẫy của sự giàu có: “Khi tôi bỏ đi máy bay, bạn biết tôi đã phá sản” - ông nhắc câu này trong nhiều bài trả lời phỏng vấn. Sự nổi tiếng của Buffett không chỉ đến từ phong cách sống của ông, mà quan trọng hơn, thành công của ông gợi ra một khía cạnh trái ngược với nền kinh tế đầy rủi ro và không ổn định ngày nay. Thế giới đầu tư bị chi phối bởi phong cách hưng cảm, với các quỹ thay đổi danh mục xoành xoạch mỗi năm. Buffett bỏ qua tất cả những điều này: một khi đã tìm thấy một công ty có giá trị, ông có thể kiên nhẫn hàng năm, thậm chí nắm giữ nó “mãi mãi”, và thích vài lần đặt cược lớn hơn là nhiều lần đặt cược nhỏ.

Trên các bức tường trong văn phòng của Berkshire Hathaway, những tranh về những ngày thị trường hoảng loạn (khủng hoảng tài chính năm 1929 chẳng hạn) được đóng khung và treo kín tường, như một lời tự nhắc nhở của Buffett rằng đừng bao giờ đánh mất góc nhìn riêng vào thị trường, nếu đã xác định được cái gì là có giá trị thực sự. Đấy là điều mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng đều biết, nhưng để thực sự có thể mua khi đám đông hoảng loạn hô “bán” và không mua khi mọi người đều lên đồng là một điều cực khó. Với Buffett, điều này diễn ra tự nhiên như hơi thở.

Có lẽ cũng vì thế mà cho đến khi những người siêu giàu vẫn mải mê gom vào, thì ông đã lại rẽ qua một lối khác: cho đi. Với Buffett, đó có thể là lựa chọn sống nhiều giá trị nhất, và đáng để “đầu tư” nhất, vào thời điểm này.

Buffett đã nói
  • Quy tắc số một: không bao giờ để mất tiền. Quy tắc số hai: đừng bao giờ quên quy tắc một.
  • Tôi không muốn nhảy qua các hàng rào cao 2 mét. Tôi nhìn xung quanh để tìm những hàng rào cao dưới nửa mét và có thể bước qua được.
  • Nếu một doanh nghiệp hoạt động tốt, cổ phiếu cuối cùng sẽ lên theo.
  • Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn mua một công ty tuyệt vời với giá hợp lý hơn là một công ty hợp lý với mức giá tuyệt vời.
  • Vì một số lý do, mọi người thường theo dõi đường giá hơn là giá trị. Giá là thứ bạn trả, Giá trị là thứ bạn nhận được.
  • Bạn không đúng cũng chẳng sai nếu đám đông không đồng ý với bạn. Bạn đúng vì dữ liệu và lý lẽ của bạn đúng.
  • Đa dạng hóa danh mục có thể bảo vệ sự giàu có, nhưng tập trung danh mục sẽ tạo ra sự giàu có.
  • Bạn nên đầu tư vào một công ty mà kẻ ngốc cũng có thể điều hành được, vì rồi sẽ đến lúc nó được một kẻ ngốc điều hành.