Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm, hệ số ICOR giảm xuống còn khoảng 6,1. Năm 2020, kinh tế Việt Nam có quy mô thứ 40 trên thế giới, thứ tư ASEAN và bình quân GDP/người đứng thứ sáu ASEAN.
Giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP bình quân đạt khoảng 29%. Vốn đầu tư phát triển đạt gần 15 triệu tỷ đồng (tương đương 682 tỷ USD), tăng bình quân 10,6%/năm; trong đó: vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 3,1 triệu tỷ đồng (144 tỷ USD), chiếm 20,8% tổng đầu tư xã hội, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong nước tăng từ 36,1% năm 2010 lên 45,7% năm 2020. Tổng số vốn FDI đăng ký đạt trên 278 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 3,6 lần và xuất khẩu tăng bình quân khoảng 14%/năm trong suốt giai doạn 2010-2019. Thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; Đặc biệt, xuất siêu liên tục từ 2016-2020 và năm 2020 đạt trên 19,1 tỷ USD. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng lên khoảng 50% năm 2020.
Trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp rất quan trọng của ngành Ngân hàng. Chính những kết quả tích cực của toàn ngành Ngân hàng đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các tổ chức tín dụng Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á -Thái Bình Dương, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017. Chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019 và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 2 trong khu vực châu Á (chỉ sau Brunei).
Trong thành tựu đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ghi dấu ấn tượng khi là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đạt lợi nhuận 1 tỷ USD/năm (năm 2019), về đích vượt xa kế hoạch lợi nhuận đặt ra. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng Vietcombank vẫn đạt kết quả kinh doanh “đáng nể”, lợi nhuận trên 23.000 tỷ đồng, đồng thời tiên phong 6 lần giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng vượt qua khó khăn.
Năm 2020, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên Hợp quốc (so với 11 nước năm 1954); có quan hệ
kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; Việt Nam có 16 đối tác chiến lược,
11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; đã ký 15 Hiệp
định FTA (năm 2020 phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực
(RCEP) và ký FTA Việt Nam – Anh), đang đàm phán 2 FTA; có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường…
Việt Nam đã có 7/200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 5 tỷ phú USD do
Forbes Asia 2019 công bố. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có đột phá trong sản xuất và công nghệ, vươn mạnh ra thị trường
quốc tế.
Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng
lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với
năm 2018.
Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,91% GDP; được coi là một trong
16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn
6% tới 11,2% trong năm 2021.
Theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo.
Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 do Chương
trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố chiều 16/12/2020 là 0,704, lần đầu tiên đưa Việt Nam vào nhóm các nước
phát triển con người cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn 1990-2019, giá trị HDI của Việt
Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới, trong khi vẫn còn là nước đang
phát triển có thu nhập trung bình thấp…
Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên
hợp quốc, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với
biến đổi khí hậu.
Nhìn tổng thể, năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào về khả năng tự chủ, tự cường, thành
công trong kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19; linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và phản ứng thị
trường hỗ trợ doanh nghiệp; chủ động tham gia tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; khai thác các
cơ hội từ sự dịch chuyển và tái định vị các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế, thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công
nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hướng tới tăng trưởng nhanh,
bền vững.
Về triển vọng, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V; là
một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.
Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng
trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái, thúc đẩy phát triển trên
nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.
Nếu duy trì được đà tăng trưởng như vừa qua thì quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập
bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1945-2045).
Định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho Việt Nam dựa trên nguyên tắc lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý,
phản ánh quy luật phát triển ở Việt Nam và khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành
tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Động lực và kỳ vọng phát triển kinh tế năm 2021 của Việt Nam trước hết dựa trên những thành tựu chống dịch COVID-19 và
đà tăng trưởng kinh tế dương năm 2020; đồng thời, được củng cố và bổ sung mới từ những đột phá thể chế và cải thiện môi
trường kinh doanh để đưa Việt Nam thuộc số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư.
Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển cả về lượng và chất, với nhiều tập đoàn và doanh nghiệp hướng tới đột phá
trong sản xuất công nghiệp và công nghệ, chủ động tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đầu tư khu
vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chiếm khoảng 4/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Động lực tăng trưởng năm 2021 cũng được tiếp nối từ những thành tựu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện hạ tầng viễn
thông, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính và an toàn, an ninh mạng; trong xây dựng Chính phủ điện tử và các thành phố
thông minh trên toàn quốc.
Động lực cho năm 2021 cũng tích hợp và tỏa sáng từ những thành tựu phát triển bền vững của Việt Nam và từ những thành
tựu đối ngoại.
Tuy vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến bất thường, kinh tế nước ta có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường gắn với sự điều chỉnh chính sách của các tân chính phủ sau bầu cử.
Theo ADB, Việt Nam cần cảnh giác trước những nguy cơ toàn cầu do đại dịch COVID-19 kéo dài; sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính; sự suy giảm và thu hẹp thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp trong khi tăng áp lực thất nghiệp và ô nhiễm môi trường, thời tiết cực đoan, gắn với biến đổi khí hậu…
Đặc biệt, năm 2021 Việt Nam cần chú ý chủ động các kịch bản và giải pháp đối phó với áp lực gia tăng nợ xấu ngân hàng và nợ công gắn với khả năng thanh toán nợ vay và nộp thuế của doanh nghiệp.
Với phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, theo chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, năm 2021 cả nước cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; phát huy giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc.
Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam hiện nay là to lớn chưa từng có, được cộng đồng trong nước và thế giới ghi nhận. Đây là kết quả tổng hợp, thước đo khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khẳng định chất lượng thể chế, hiệu quả phản ứng chính sách và phản ứng thị trường của Đảng, Nhà nước, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam. Tất cả cho phép chúng ta tự tin về động lực và kỳ vọng mới cho năm 2021 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục nổi lên như một điểm sáng đáng tự hào về phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững hơn, hiệu quả hơn.
Năm 2020, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có một năm thành công gây ấn tượng lớn, vượt qua đại dịch COVID-19 một cách ngoạn mục.
Theo đó, năm qua đã chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng cao kỷ lục, sự tham gia mạnh mẽ của một lớp nhà đầu tư mới, trẻ khiến nhà quản lý cùng các thành viên tham gia thị trường cảm thấy bất ngờ, vượt qua cả kỳ vọng. Tính đến ngày 17/12/2020, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK đã đạt 383,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt tới 10.247 tỷ đồng/phiên, tăng 11,3%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên TTCK phái sinh đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77%.
Tính đến ngày 30/11/2020, tổng giá trị vốn hóa TTCK đạt hơn 6,11 triệu tỷ đồng - là mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 101% GDP, vượt mục tiêu phấn đấu 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường này tới năm 2020. Thị trường ghi nhận quy mô tham gia của số nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử. Tính đến hết tháng 11/2020, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886 tài khoản, trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới là 329.452 tài khoản. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục. Giá trị khớp lệnh cũng liên tục đạt hơn 10.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2020.
Sự bùng nổ của TTCK là kết quả cộng hưởng từ việc giảm lãi suất ngân hàng và các khó khăn về cơ hội đầu tư với lợi nhuận thấp trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, do tác động rất mạnh của đại dịch COVID-19 nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 chỉ tăng 5,7% so với năm 2019, là mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Với thị trường tín dụng, có thể nói, 2020 là năm khó khăn nhưng lại là năm toàn ngành Ngân hàng đã cùng vào cuộc với toàn nền kinh tế bằng tinh thần trách nhiệm và chia sẻ. Ngành đã mở luồng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, hòa luồng vốn tín dụng với đầu tư công, khơi thông vốn bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện tiếp sức cho doanh nghiệp và cá nhân khôi phục sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong suốt năm 2020, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã nhìn thấu mọi khó khăn của doanh nghiệp (DN) và người dân về năng lực hấp thụ vốn bởi sự tác động của đại dịch COVID-19. NHNN đã kịp thời có những quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT), chỉ đạo giảm lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra, kết hợp với những nỗ lực tạo môi trường đầu tư của Chính phủ nên ngành đã thu được những kết quả vượt mong đợi.
Năm 2020, NHNN đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 1,5 đến 2 điểm %; giảm 0,6 đến 1 điểm % trần lãi suất tiền gửi và giảm 1,5 điểm % trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Các quyết định này đã làm giảm mặt bằng lãi suất đầu vào, tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi cùng với quá trình kiểm soát rất tốt dịch bệnh COVID-19 ở trong nước.
Trong năm qua, hầu hết các TCTD đã không ít hơn 4 lần giảm lãi suất cho vay. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam trong năm 2020 giảm mạnh, về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua đối với không chỉ các món cho vay mới, mà áp dụng điều chỉnh giảm đồng loạt với cả lãi suất của các món cho vay cũ trước năm 2020. Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có 5 lần giảm lãi suất, với tổng lợi nhuận mà ngân hàng này chủ động giảm tới hơn 3.700 tỷ đồng trong năm 2020 để góp phần hỗ trợ khách hàng.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực. Cụ thể, Thái Lan giảm 0,75 điểm %, Malaysia giảm 1,25 điểm %, Trung Quốc giảm 0,3 điểm %… trong khi Việt Nam giảm 1,5-2 điểm %. Việc này đã tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất cho vay nền kinh tế giảm mạnh trong năm qua, góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân, nhất là khi Việt Nam đã ngăn chặn khá thành công sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong nước. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91% trong bối cảnh tăng trưởng bình quân toàn cầu đã mang số âm sâu trong năm qua.
Thống kê của NHNN cho thấy đến 21/12/2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt 10,14%; cả năm ở mức 10,5% đến 11%. Theo NHNN, năm 2020, cơ cấu tín dụng đã chuyển dịch tích cực, phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP. Tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, ít bị tác động trực tiếp của dịch bệnh.
Mặt khác, dù giảm mạnh lãi suất, nhưng các TCTD vẫn không thả cho tín dụng tăng trưởng tương đương với 2019, một phần vì sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, một phần do ngành ngân hàng vẫn cẩn trọng và nỗ lực áp dụng các chuẩn mực cho vay theo trụ cột của Basel II (Hiệp ước Basel phiên bản II) để chủ động trong việc ứng phó, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro nợ xấu. Do đó, tăng trưởng tín dụng trong năm qua chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp, nhằm hạn chế rủi ro.
Năm 2021, NHNN cần tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ hơn ngay từ đầu năm. Công ty chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt trong khoảng 13%-14%. Dự báo này dựa trên các phân tích về khả năng kinh tế sẽ phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc xin ngừa COVID-19 thành công sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế dần phục hồi vào nửa cuối năm 2021.
Từ phía thương mại quốc tế, khả năng sản xuất và tiêu dùng cũng đã và đang có thể khôi phục sẽ giúp cho cầu của thị trường tín dụng trong nước gia tăng. Ngoài ra, nhu cầu nợ vay có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đặt ra với ngành những nhiệm vụ rất cụ thể: Trong năm 2021, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung dài hạn…
Cụ thể, Thống đốc yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc, Giám đốc các TCTD phải chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Với việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021, Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận.
Những chỉ đạo nói trên là rất đúng đắn cả về tính chiến lược và tính thời điểm. Nếu các TCTD làm tốt tinh thần chỉ đạo này thì DN và người dân sẽ càng có điều kiện tập trung tiền gửi thanh toán và sử dụng các giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua ngân hàng, cũng đồng nghĩa với việc tăng nguồn vốn giá rẻ cho hoạt động cho vay của các TCTD. Nhờ đó, các TCTD sẽ phát triển bền vững hơn, lợi nhuận cũng sẽ gia tăng ngay cả khi giảm lãi suất cho vay ở đầu ra. Cũng nhờ đó, tình hình an ninh trật tự xã hội chắc chắn sẽ tốt hơn, các hoạt động tín dụng theo kiểu xã hội đen sẽ giảm mạnh và kinh tế - xã hội sẽ phát triển nhanh chóng, bền vững.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường nên đồng thời với duy trì mặt bằng lãi suất, CSTT nới lỏng thì các TCTD cần tiếp tục thực hiện cơ chế “cùng đứng trong cuộc với con nợ” để xem xét tại chỗ việc nới lỏng tiêu chuẩn cho vay về tương đương mức trước COVID-19 cùng với những quyết định rải vốn dần theo năng lực hấp thụ gắn với các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế.
Cùng với kết quả dịch bệnh được kiểm soát, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi khả quan vào nửa cuối năm 2021. Năm qua, CSTT đã làm hầu hết các nhiệm vụ nặng nề để thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giữ cơ chế CSTT năm 2020 cho đến hết năm 2021 trước khi có thể tăng lại lãi suất cơ bản 0,25% vào đầu năm 2022 và nâng lãi suất tái cấp vốn lên 4,25% đến cuối giữa năm 2022.
Năm 2021, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng theo khuôn khổ của trụ cột Basel II.