Có thể nói, 2020 là một năm thất bát của nền điện ảnh thế giới, nhất là Hollywood. Những đợt giãn cách xã hội kéo dài khiến rạp chiếu đóng cửa, các phim lớn nhỏ đều phải lùi lịch chiếu ít nhất vài tháng, không thì một năm, thậm chí gần hai năm, như trường hợp của bom tấn 007: No Time To Die. Trong bối cảnh đó, một số nhà sản xuất buộc phải tìm phương án thỏa hiệp, như Warner Bros đã chính thức phát hành phim siêu anh hùng rất được mong đợi Wonder Woman 1984 đồng thời ngoài rạp và trên kênh HBO Max, hay Disney cũng dự kiến thực hiện điều tương tự với bom tấn Black Widow vào tháng Năm tới: vừa chiếu ngoài rạp vừa chiếu trên kênh truyền hình trực tuyến Disney Plus. Nghĩa là, người xem đã không cần bước chân ra khỏi nhà mà vẫn có thể xem được “ngay và luôn” những bộ phim mới nhất. Điều chưa từng xảy ra trong một thế kỷ qua.
Vài năm trở lại đây, điện ảnh dù vẫn được xem là ở trong giai đoạn hoàng kim, thì cũng đã vấp phải sự cạnh tranh đáng kể từ các dịch vụ truyền hình trực tuyến, với những cái tên tiêu biểu như Netflix, HBO Max, Hulu, FX, AMC, TNT, TBS, BBC, Showtime, Syfy… gần đây lại thêm Disney Plus và “con cưng” của các đại gia công nghệ, như YouTube Red, Amazon Prime, Apple TV Plus. Với lợi thế sẵn có là internet băng thông rộng, cộng thêm nền tảng kỹ thuật vượt trội, chưa kể hàng “núi” tiền sẵn sàng được chi trả để làm ra những series truyền hình (TV series) có chất lượng rất cao, những kênh truyền hình này ngày càng thu hút được đông đảo người đăng ký, giữ chân họ ở lại trước màn hình TV lâu hơn, khiến cảm giác “thèm” ra rạp càng lúc càng phai nhạt…
Việc chứng kiến những ngôi sao sáng giá bậc nhất Hollywood, kể cả các chủ nhân của tượng vàng Oscars, diễn xuất trong các phim truyền hình dài hơi cũng đã trở nên dễ dàng “như mua một chiếc bánh mì”, nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các “nhà đài trực tuyến” đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Nào là series tâm lý kịch tính Big Little Lies (HBO Max) có Nicole Kidman, Reese Whitherspoon và cả Meryl Streep cầm trịch; nào là series luật pháp Defending Jacob (Apple TV Plus) do “Captain America” Chris Evans lĩnh xướng; nào là loạt series trinh thám True Detective (HBO Max) kéo dài ba mùa với những cái tên quá quen thuộc trên màn ảnh rộng như Matthew McConaughey, Woddy Harrelson, Collin Farrell, Rachel McAdams, Mahershala Ali, Carmen Ejogo; nào là loạt series tội phạm châm biếm Fargo (FX) kéo dài bốn mùa với những ngôi sao giàu thực lực Billy Bob Thornton, Martin Freeman, Kristen Dunst, Ewan McGregor, Mary Elizabeth Winstead; hay series The Morning Show (Apple TV Plus) cực hút khách hồi năm ngoái với hai người tình quốc dân của nước Mỹ thủ vai chính: Jennifer Aniston và Reese Whitherspoon. Mà đây chỉ là những cái tên tiêu biểu nhất.
Nhưng không dừng lại ở đó, thậm chí, nhà đài hùng mạnh nhất ở thời điểm hiện tại là Netflix còn đầu tư sản xuất cả phim điện ảnh – rất nhiều, đa dạng về nội dung và thể loại, từ giải trí thuần túy cho tới có lượng nghệ thuật cao tuyệt để tranh Oscar. Trong khoảng ba năm nay, Netflix đã trở thành một thế lực “đáng gờm” ở giải thưởng điện ảnh đình đám nhất hành tinh, với những bộ phim nhận được vô số đề cử và được giới chuyên môn cũng như công chúng nhiệt liệt tán thưởng, như Roma (giành Oscars cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất), The Irishman, Marriage Story, The Two Popes, Uncut Gems. Chỉ riêng trong năm 2020, khi các hệ thống rạp chiếu ngừng hoạt động thì Netflix vẫn “lạnh lùng” tung ra loạt phim đặc biệt xuất sắc, bao gồm I’m Thinking Of Ending Things, Da 5 Bloods, The Life Ahead, The Trial Of The Chicago 7, Mank – đủ sức cạnh tranh ở nhiều hạng mục khác nhau ở giải Oscars lần thứ 93, sẽ diễn ra ngày 25/4 tới đây.
Trong khi đó, dù sinh sau đẻ muộn nhưng Disney Plus đang có sự vươn lên mạnh mẽ và đang ngày càng bám sát gót Netflix. Sau hơn một năm ngắn ngủi, kênh truyền hình trực tuyến của “nhà chuột” đã có 94 triệu thuê bao, gần bằng một nửa con số 204 triệu của Netflix, với vũ khí chính chỉ là Mandalorian – TV series ăn theo “vũ trụ” viễn tưởng Star Wars. Nhưng từ năm nay, mọi sự sẽ thay đổi chóng mặt, khi Disney Plus tung ra những series “ăn theo” Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), bao gồm Wanda Vision, Loki, The Falcon And The Winter Soldier, What If, Miss Marvel, Hawkeye, kéo dài từ thời điểm hiện tại cho tới cuối năm. Còn gì tuyệt vời hơn việc được chứng kiến những siêu anh hùng quen thuộc tiếp tục tung hoành trên màn ảnh nhỏ, trong những câu chuyện mới, đối đầu những kẻ thù mới, sau cái kết quá hoành tráng của hai tập Avengers. Chỉ với loạt phim khai thác từ MCU, Disney Plus đã không ngán ngại bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.
Cũng như lĩnh vực nhạc số trực tuyến chất lượng cao, truyền hình trực tuyến đang được hưởng quá nhiều lợi thế từ mạng lưới internet băng thông rộng. Ngay cả những bộ phim với độ phân giải 4K cũng có thể xem online mượt mà, trơn tru. Mà mức phí thì thuộc loại cực kỳ dễ chịu: như thuê bao của Netflix ở Việt Nam đang trả mức phí 260.000 đồng/tháng (gần 13 USD), có thể chạy cùng lúc trên 4 thiết bị. Các nhà đài khác (chưa hoặc sắp có mặt tại Việt Nam) cũng đưa ra những mức giá gần tương đương dao động trong khoảng 8 – 19 USD/tháng, nghĩa là chỉ bằng tiền một đến vài chiếc vé xem phim ngoài rạp.
Ngoài “món chính” là các series truyền hình đủ chủng loại, nhà đài nào cũng có hẳn một kho phim điện ảnh để giữ chân khán giả, và cũng thường xuyên được cập nhật. Như Netflix, với độ phủ rộng nhất hiện nay, thậm chí còn hợp tác với các nhà làm phim ở nhiều quốc gia khác nhau như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, để cho ra đời những bộ phim sát với thị hiếu chuyên biệt của từng khu vực. Đó là lý do vì sao Netflix Việt Nam lại tràn ngập phim Hàn Quốc.
Thậm chí, ngay cả biểu diễn âm nhạc lên sóng “trực tuyến” cũng được xem là một xu hướng tất yếu. Ngay tại Việt Nam thôi, ngày càng xuất hiện nhiều liveshow online được ưa chuộng và được đầu tư sản xuất chuẩn chỉnh, bài bản, mà Music Home của Truyền hình FPT là một ví dụ điển hình. Không chỉ quy tụ được các ca sĩ nổi nhất thị trường hiện nay, Music Home còn đảm bảo được chất lượng âm thanh chuẩn chỉnh như trong phòng thu và cho phép khán thính giả tương tác với nghệ sĩ ngay trong lúc show đang diễn ra. Ngoài Music Home còn có những liveshow khá hấp dẫn khác là Monsoon Festival From Home (Lễ hội âm nhạc Gió Mùa) của nhạc sĩ Quốc Trung, Phòng Trà Online của Top Group, hay các chương trình riêng của nhiều nghệ sĩ. Tất cả đều trực tiếp – trực tuyến, giúp khán thính giả thưởng thức được thứ âm nhạc chất lượng cao ngay tại nhà, qua một thiết bị âm thanh loại tốt (loa bluetooth, dàn âm thanh, tai nghe…).
Với việc TV màn hình lớn và thiết bị âm thanh ngày càng rẻ, ngày càng đơn giản và tiện dụng, giải trí tại gia đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn, chưa kể việc COVID-19 đã phần nào thay đổi thói quen thưởng thức phim ảnh và âm nhạc của hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ người trên thế giới. Cộng thêm mức phí quá rẻ cho cả một kho nội dung hấp dẫn trên mỗi dịch vụ trực tuyến, giải trí tại gia chắc chắn lên ngôi và sẽ thống trị trong một quãng thời gian dài mà không nỗ lực nào có thể ngăn cản nổi.
Nghe nhạc trực tuyến (hoặc truyền dẫn trực tuyến – streaming) vốn không có gì xa lạ. Giới trẻ toàn cầu đã từ lâu quen thuộc với những dịch vụ như Apple Music, Spotify, Deezer, SoundCloud, Google Music, Amazon Music, JUKE… ở Việt Nam thì có thêm Zing MP3 hay Nhaccuatui cũng được ưa chuộng không kém. Nhưng tất cả những dịch vụ này đều cung cấp thứ nhạc nén dung lượng thấp, chỉ có TIDAL – thuộc sở hữu của cặp vợ chồng ca sĩ Jay-Z và Beyoncé – là cho người dùng thêm lựa chọn về chất lượng: tương đương đĩa CD (16bit/44kHz) hoặc cao hơn, lên đến 24bit/192kHz. Giới chuyên môn gọi đó là âm thanh Hi Res – high resolution, tức độ phân giải cao. Mỗi tháng, người dùng chỉ phải trả khoảng 20 USD – bằng tiền mua một đến hai đĩa CD “xịn” – là có thể thoải mái “ngụp lặn” trong kho nhạc khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn album, có thể nghe mọi nơi mọi lúc, miễn là có kết nối internet băng thông rộng.
Sau hơn hai năm làm bá chủ thị trường – đặc biệt trong giới audiophile, cho đến giờ, TIDAL cũng đã phải chia lại thị phần cho nhiều đối thủ khác cũng cung cấp những sản phẩm tương tự, như Qobuz, Amazon Music HD, HighResAudio, Primephonic (chuyên nhạc cổ điển) và sắp tới có thể có thêm những cái tên khác như Linn Records hay Society Of Sound. Sau khi đàm phán mua lại TIDAL bất thành, Apple cũng đã âm thầm “nâng cấp” rất nhiều album trên Apple Music lên chuẩn CD, cho thấy “đại gia” này cũng đang muốn chinh phục một phân khúc khách hàng cao cấp và sành sỏi hơn. Tháng Ba vừa qua, Spotify cũng chính thức công bố sẽ cung cấp thêm định dạng nhạc lossless có chất lượng tương đương CD vào cuối năm nay, đây đúng là một tin cực vui cho gần 150 triệu khách hàng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Với nhóm người nghe trẻ tuổi, nhạc số chất lượng cao trực tuyến coi như thỏa mãn được mọi nhu cầu: âm thanh chuẩn chỉnh, kho nhạc không giới hạn, tính tiện dụng và cơ động cực kỳ cao. Ngay cả các audiophile cấp tiến cũng dễ dàng thỏa hiệp được với xu thế này. Sự phát triển của các hình thức kết nối không dây như wi-fi, bluetooth giúp họ thoải mái phát nhạc trực tuyến từ các thiết bị cầm tay tới “phần còn lại của hệ thống âm thanh” mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Nếu không quá cầu kỳ, một chiếc loa di động cũng có thể mang đến sự hài lòng với âm nhạc. Vừa tiền cũng có, mà “tiền tấn” cũng có – như mẫu SF16 của Sonus Faber, giá lên đến hơn 300 triệu đồng.
Không còn là tương lai, nhạc số trực tuyến đã trở thành xu hướng thưởng thức được toàn thế giới chấp nhận, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành. Chẳng cần bước chân ra khỏi cửa mà vẫn nghe được mọi thứ mình thích, nắm bắt được mọi xu hướng mới nhất, thịnh hành nhất, với chất lượng âm thanh cao nhất, theo cách đơn giản nhất, không ngạc nhiên vì sao nhạc số trực tuyến lại nhanh chóng lấn át được mọi loại hình thưởng thức âm nhạc trước đó.
Nhưng không phải ai cũng thích điều này, nhất là giới nghệ sĩ. Từng có một thời gian, Taylor Swift gỡ hết album nhạc của mình khỏi Spotify do không đạt được các thỏa thuận về doanh thu. Cô muốn người nghe phải trả tiền cho từng ca khúc họ nghe thay vì đóng phí hoạt động hàng tháng, bởi “âm nhạc là nghệ thuật, và nghệ thuật thường quan trọng và hiếm hoi. Mà những thứ quan trọng và hiếm hoi thường có giá trị cao. Phải trả tiền để sở hữu những thứ có giá trị cao. Âm nhạc không nên là đồ miễn phí…”. Cũng như vậy, album 25 của Adele khi mới ra mắt đã không hề hiện diện trên bất kỳ dịch vụ truyền dẫn nhạc số chất lượng cao nào – đó cũng là một lý do quan trọng để bản CD đạt mức tiêu thụ khủng khiếp đến vậy.
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn luyến lưu với truyền thống, với việc nâng niu một album nhạc dạng “vật lý” trên tay, với việc lúi húi đi lại chọn đĩa, thay đĩa, coi đó như một sự trân trọng đam mê của mình. Đó là chưa kể những ý kiến cho rằng nhạc số “chi tiết nhưng lạnh lùng và vô cảm”, không có sự mộc mạc, êm ái của đĩa than hay sự trong trẻo của đĩa CD phát qua những bộ cơ đắt tiền. Trong khi đó, trường phái ủng hộ nhạc số chất lượng cao lại nhấn mạnh đến sự tiện lợi: thao tác hoàn toàn trên máy tính, smartphone hay máy tính bảng, không tốn diện tích cho bộ sưu tập CD hay đĩa nhựa, âm thanh sáng sủa, tách bạch, rõ ràng, sân khấu ba chiều rộng rãi, đặc biệt phù hợp với các dòng nhạc hiện đại. Bên nào cũng có lý lẽ riêng dù tất cả đều dựa trên thói quen và cảm tính, nhất là những tranh cãi về chất lượng âm thanh.
Và nghe nhạc trực tuyến đồng nghĩa với việc người sử dụng không thực sự bỏ tiền ra mua bất kỳ một album hay thậm chí một ca khúc nào, chỉ cần bỏ ra một khoản phí sử dụng dịch vụ hàng tháng là có thể nghe nhạc mọi nơi, mọi lúc, nhờ internet tốc độ cao – thứ đã phổ biến tới tận hang cùng ngõ hẻm. Theo đó, không chỉ nhu cầu mua đĩa CD, kể cả việc download và lưu trữ các album nhạc trong ổ cứng cũng sẽ dần biến mất…
Thật đáng tiếc, các dịch vụ nghe nhạc số chất lượng cao hàng đầu hiện nay bao gồm TIDAL, Qobuz, Amazon Music HD đều chưa chính thức hỗ trợ cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với tinh thần “vượt khó”, các audiophile Việt Nam đã tìm cách “lách qua khung cửa hẹp” bằng một vài thủ thuật máy tính đơn giản để có thể tận hưởng những kho tàng âm nhạc digital chất lượng cao lớn nhất thế giới này. Và mức phí trung bình 15 – 20 USD/tháng (khoảng 350.000 – 460.000 đồng) cũng nằm trong mức có thể chi trả của nhiều người, đặc biệt là những audiophile từng bỏ ra cả chục triệu mua CD hay đĩa nhựa hằng năm.
Trước đây, chơi âm thanh vẫn được coi là thú chơi cầu kỳ, tốn kém và chỉ dành cho những người thực sự đam mê. Bởi, như những tay chơi giàu kinh nghiệm đúc kết, chơi âm thanh chính là “nghệ thuật của sự phối ghép”, mà trong đó, bất cứ yếu tố gì cũng hết sức quan trọng: kể cả những phụ kiện ít người quan tâm, như dây dẫn, ổ cắm điện, thậm chí là chiếc cầu chì bé xíu. Còn người bình thường, một bộ dàn mini, thậm chí là cặp loa vi tính có khi đã quá đủ để thưởng thức âm nhạc.
Tuy nhiên, thiết bị âm thanh là sản phẩm của công nghệ, và sự phát triển của công nghệ, nhất là trong lĩnh vực giải trí tại gia thường không nằm ngoài những mục đích cơ bản: nâng cao chất lượng, kéo dài độ bền và tăng tính tiện dụng. Với đồ âm thanh, sự tiện dụng chính là yếu tố quan trọng nhất để những người xưa nay vẫn đứng ngoài cuộc chơi bỗng cảm thấy mọi thứ trở nên đơn giản hơn, dễ dàng hơn. Không mất nhiều công sức, thời gian mày mò, nghiên cứu vẫn có thể thoải mái thưởng thức thứ âm nhạc với chất lượng vượt trội so với trước kia. Mà các hãng hi-fi, hi-end cũng “vui lây” vì chắc chắn là họ sẽ bán được nhiều hàng hơn, thị trường được mở rộng hơn, với nhóm khách hàng không “khó tính và xét nét” như các audiophile.
Trong những tiến bộ của ngành công nghệ âm thanh, mạch công suất digital (class D) được xem là quan trọng nhất, một “game changer”, nghĩa là yếu tố làm thay đổi toàn bộ cuộc chơi. Nhờ có class D, thị trường đã đón nhận vô số dòng sản phẩm có kích thước nhỏ gọn hơn hơn, theo cách nói vui của một dân chơi lâu năm thì đó là một dạng “hi-end cắp nách”. Bên cạnh đó, những dòng sản phẩm này cũng bắt mắt hơn, nhiều tiện ích hơn mà chất lượng âm thanh không thay đổi, thậm chí còn vượt trội hơn hẳn các thế hệ ra mắt trước đó. Theo cách chơi cổ điển, từ điểm xuất phát là CD, LP (đĩa nhựa) đến đích là cặp loa có thể phải đi qua rất nhiều thiết bị khác nhau, nhưng hiện tại, tất cả những thứ đó đã nằm gọn trong một chiếc hộp bé xinh, kết nối ra loa, hoặc tối giản hơn nữa, nằm gọn trong cặp loa, với âm thanh độ phân giải cao “bắn” thẳng từ smartphone hay máy tính bảng vào. Không thể đơn giản hơn được nữa.
Theo xu thế đó, ngày càng nhiều hệ thống âm thanh hi-fi, hi-end tích hợp, và all-in-one (tất cả trong một) xuất hiện trên thị trường, ngày càng nhiều thương hiệu lớn tham gia vào phân khúc sản phẩm rất giàu tiềm năng này. Những cái tên nổi bật có thể kể đến như Linn, Naim, Arcam, Audiovector, Mcintosh, Meridian, Denon, Marantz, Cyrus, Devialet, Bluesound, Cambridge Audio, Bang & Olufsen, Dynaudio, Q Acoustics…
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố giúp thúc đẩy sự bùng nổ của các hệ thống âm thanh gọn nhẹ chính là kết nối không dây. Nếu trước kia, kết nối không dây phổ biến nhất là bluetooth chỉ cho phép truyền tải nhạc nén dung lượng thấp thì giờ đây, bluetooth 4.1, 4.2 rồi 5.0, cộng thêm chuẩn atpX HD đã cho phép phát nhạc HD (24bit – gấp 4 lần chất lượng CD trở lên) từ các thiết bị cầm tay tới dàn máy hay cặp loa mà không cần đến bất kỳ sợi dây nối nào. Các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hàng đầu hiện nay cũng đều hỗ trợ những phương thức kết nối riêng, như TIDAL Connect, Spotify, Apple AirPlay 2 hay Google Chromecast Audio, miễn là trong nhà có mạng wi-fi với đường truyền ổn định. Wi-fi cộng thêm chuẩn kết nối Play-Fi cũng cho phép người dùng kết nối đa phòng, điều khiển mọi bộ dàn hoặc loa trong nhà một cách tiện lợi nhất thông qua điện thoại. Và những phương thức kết nối này thậm chí còn có băng thông rộng hơn cả bluetooth 5.0. Nghĩa là đã không còn bất kỳ rào cản nào về mặt kỹ thuật, ngăn cách giữa người dùng và thứ âm thanh có chất lượng cao nhất hiện nay, bao gồm cả định dạng DSD.
Với những hệ thống âm thanh tích hợp gọn nhẹ như vậy, người dùng không còn phải lo lắng chuyện set-up một không gian nghe nhạc tiêu chuẩn, vốn là yếu tố thách thức nhất trong cuộc chơi âm thanh, ngay cả các audiophile cũng không ngoại lệ. Ví dụ như trong các sản phẩm của Linn đều đã tích hợp sẵn công nghệ độc quyền Space Optimisation (tối ưu hóa không gian), giúp cải thiện chất lượng âm thanh đến mức tối ưu bằng cách điều chỉnh dải tần, loại bỏ hoàn toàn các hiệu ứng tiêu cực do điều kiện phòng ốc gây ra. Tương tự vậy, Audiovector trang bị cho các sản phẩm tích hợp của mình mạch ARA – một dạng phần mềm có khả năng khắc phục mọi sai sót do phòng nghe không đạt chuẩn tạo ra để mang đến những màn trình diễn âm nhạc chính xác và lôi cuốn nhất. NAD, Arcam, Bang & Olufsen, Bluesound, ngay cả những bộ dàn xem phim phổ thông của Sony cũng đều được trang bị công nghệ tương tự, giúp người dùng không bị lệ thuộc vào phòng nghe như trước kia.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những bộ dàn âm thanh thế hệ mới có thể thoải mái hiện diện trong nhiều không gian khác nhau, phòng khách, phòng ngủ, thậm chí trong căn bếp mà không cần đến một không gian thưởng thức riêng biệt được xử lý âm học cẩn thận nữa. Cũng từ đó, các nhà sản xuất đã có thể dụng công trau chuốt cho mỗi sản phẩm của mình như một tác phẩm nghệ thuật để không chỉ chơi nhạc hay mà còn trở thành món đồ décor độc đáo, như hệ thống Linn Exakt 520 & 530, các dòng loa SR3, SR6 của Audiovector, các dòng loa Aerosphere, Model XXL của Geneva…
Những bộ dàn xem phim 5.1. 7.1, 9.1 cồng kềnh cũng dần bị thay thế bởi những chiếc soundbar thanh mảnh, phù hợp với các không gian nhỏ ở chung cư hay nhà phố đô thị. Với sự ra đời của công nghệ surround ảo (virtual surround), các hiệu ứng âm thanh vòm đã có thể được tái hiện khá chi tiết và chân thật mà không cần đến sự trợ giúp của các loa đằng sau, thậm chí, những chiếc soundbar vào loại đắt tiền nhất thị trường hiện nay như AMBEO của Sennheiser hay Beosound Stage của Bang & Olufsen thậm chí còn tái tạo được âm thanh trên cao (tiếng mưa rơi, tiếng sấm, tiếng máy bay…) đúng… ở trên cao, nhờ sở hữu chuẩn âm thanh thời thượng Dolby Atmos. Một số thương hiệu điện tử phổ biến từ vài năm nay đã ngừng sản xuất các hệ thống xem phim 5.1, chỉ tập trung vào soundbar.
Độc đáo hơn, những chiếc ampli của Devialet còn sở hữu một công nghệ độc quyền mang tên Speaker Active Matching (SAM – tạm dịch: ghép loa chủ động). Mỗi dòng loa của mỗi hãng lại có các thông số kỹ thuật khác nhau, và SAM giúp điều chỉnh mức tín hiệu phù hợp nhất với các đặc điểm của cặp loa được phối ghép với ampli. Sau nhiều năm nghiên cứu, phòng thí nghiệm của Devialet cho phép xác định khoảng 60 chỉ số khác nhau trở lên cho mỗi mẫu loa riêng biệt. Công việc điều chỉnh này được tiến hành chủ yếu ở bộ DSP (Digital Signal Processing – cân chỉnh tín hiệu số), cộng thêm dữ liệu về loa lấy từ database, hiện đã tổng hợp được hơn 800 mẫu, từ các loại phổ thông cho tới những cặp loa hi-end siêu đắt, siêu hiếm.
Báo giới đồng loạt tôn vinh đây là chiếc ghế đến từ tương lai dành cho các game thủ, và thứ gây ấn tượng nhất chính là màn hình OLED dạng cuốn kích thước 60 inch với góc nhìn siêu rộng 180 độ. Ngoài ra, nó cũng được trang bị tấm bàn gấp theo kiểu “biến hình” để có thể tương thích hoàn toàn với chuột – bàn phím cho game trên PC hay tay cầm console cho game trên các dòng máy PS hay Xbox, có phản hồi xúc giác trên toàn bộ bề mặt ghế bằng công nghệ Razer Hypersense với độ trễ gần như bằng 0. Đây là điều vô cùng quan trọng với các game thủ, bởi trong nhiều trò chơi hành động tốc độ cao, thắng thua chỉ phân định trong tích tắc. Bộ khung làm từ sợi carbon vừa khỏe vừa chắc chắn, mặt và lưng ghế bọc da cao cấp bên ngoài lớp mút mật độ cao dầy dặn và êm ái. Ngoài ra, nó còn được trang trí bằng dải đèn RGB 16,8 triệu màu và đồng bộ hóa với 150 tựa game tích hợp.
Razer chưa ấn định ngày ra mắt chính thức và giá bán của chiếc ghế này, tuy nhiên, nó sẽ đắt khủng khiếp, bởi năm ngoái, màn hình OLED cuộn 65 inch của LG đã được bán ở mức 87.000 USD.
Hai mẫu loa di động sử dụng công nghệ Reality Audio 360 của Sony nhận được vô số lời khen cả về kiểu dáng và chất lượng âm thanh. Đây là công nghệ tái tạo không gian, mang đến cảm giác âm nhạc và giọng hát như ở xung quanh người nghe. Mẫu lớn hơn, RA5000, được trang bị đến 7 loa con – với riêng 3 loa con hướng lên trần để tái tạo âm thanh vòm, tạo hiệu ứng bao trùm toàn bộ không gian.
Mẫu nhỏ hơn, RA3000, được trang bị 3 loa con cùng 2 màng rung thụ động để tăng hiệu ứng của tiếng trầm. Cả hai đều sở hữu khá nhiều kết nối không dây như bluetooth, wi-fi và Google Cast – tương thích với nguồn nhạc số độ phân giải lên đến 24bit, ngoài ra còn có Spotify Connect. Có thể dễ dàng kết nối RA5000 và RA3000 vào hệ thống giải trí đa phòng qua Google Home hoặc Amazon Alexa, kết nối với các TV Sony Bravia tạo ra hệ thống âm thanh 5.1 nhỏ gọn. Loa có nhiều chế độ nghe, tương thích với các dạng phòng nghe khác nhau nhờ thuật toán đặc biệt của Sony.
Giá bán lẻ của RA5000 là 678 USD (hơn 14 triệu đồng) và RA3000 là 379 USD (hơn 8 triệu đồng).
Trong hình hài của một chú chuột lang dễ thương có đôi mắt đen và bộ lông mềm mại, robot của Vanguard Industries được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, có khả năng học hỏi và phát triển cảm xúc, sử dụng các cảm biến tích hợp để đánh giá môi trường xung quanh. Moflin có khả năng phân biệt những người khác nhau dựa vào cách họ tương tác với nó, thể hiện cảm xúc thông qua chuyển động và âm thanh lấy cảm hứng từ tiếng động thực tế.
Mỗi con Moflin sẽ phát triển một cá tính riêng theo thời gian, tùy thuộc vào môi trường và "cách chủ nhân đối xử với chúng", như lời khẳng định của các kỹ sư, cùng những cảm xúc như lo lắng, bình tĩnh, vui vẻ, phấn khích - giống như một thú cưng thực sự trong gia đình. Khi sạc bằng đế không dây (với hình thức giống chiếc ổ nhỏ), Muflin sẽ tạo ra những âm thanh dễ thương như lúc đang ngủ. Người dùng có thể set-up nó qua ứng dụng trên các hệ điều hành iOS và Android.
Một chú Moflin có giá 400 USD (khoảng 8,5 triệu đồng), đến tay người mua từ tháng 6/2021.
Chiếc laptop cỡ nhỏ tích hợp tay cầm chơi game này là sản phẩm hợp tác giữa hai tên tuổi lớn: Lenovo và NEC, cạnh tranh trực tiếp với Nintendo Switch và Dell Concept UFO. Lavie Mini có màn hình 8 inch độ phân giải 1.920 x 1.200 pixel, là laptop nhỏ nhất trên thế giới chạy vi xử lý Intel Core i7 thế hệ 11, card màn hình Intel Iris Xe, 16 GB RAM và ổ SSD 512 GB. Máy có cảm ứng vân tay, kết nối wi-fi, cổng HDMI, USB type C và type A.
Màn hình của Lavie Mini có thể lật ngược ra phía sau đến 180 độ, hai tay cầm analog hỗ trợ rung, có thể tháo rời khi không cần thiết. Pin lên tới 26 giờ, hỗ trợ đầy đủ các tính năng như trên laptop thông thường của Lenovo như Modern Standby hay Window Hello.
Hiện Lenovo chưa công bố giá bán chính thức của Lavie Mini nhưng có một điều chắc chắn là nó đang rất được giới game thủ PC mong đợi, nhờ cấu hình mạnh mẽ và kích thước gọn gàng, trọng lượng lại chỉ có 579 gam. Trong tương lai, những sản phẩm như Lavie Mini hứa hẹn sẽ chiếm lĩnh thị trường bởi sự cơ động của chúng.
Để kỷ niệm 75 năm thành lập, tại CES năm nay, hãng loa lừng danh nước Mỹ đã tung ra phiên bản đặc biệt của JBL L100 - một trong những cặp loa được giới audiophile mến chuộng nhất từ trước đến nay. Chỉ có 750 cặp được bán trên toàn thế giới, phối ghép với ampli tích hợp SA750 chạy class G kèm tính năng truyền dẫn nhạc số trực tuyến sẽ trở thành hệ thống hi-end vừa cổ điển vừa hiện đại, hợp thời.
L100 Classic 75 vẫn giữ nguyên kiểu dáng cũ cùng chân đế JS-120, có cấu trúc ba đường tiếng với các loa con sử dụng vật liệu và thiết kế mới, cho âm thanh chi tiết hơn, chính xác hơn, sân khấu có độ mở rộng hơn sang hai bên. Vỏ thùng loa phủ vơ-nia vẫn gỗ tếch, tấm màng bảo vệ phía trước là lưới xốp Quadrex với họa tiết kẻ ca-rô đặc trưng của dòng L100, vừa bắt mắt lại vừa giúp tán âm hiệu quả hơn. Phiên bản này sẽ được đánh số thứ tự từ 1 – 750, kèm tên đội ngũ kỹ sư và chữ ký của Chris Hagen, kỹ sư trưởng của tập đoàn âm thanh Harman Kardon.
Giá của L100 là 5.500 USD/cặp, của ampli SA750 là 3.000 USD/chiếc, chính thức bán từ tháng Năm tới.
Được mệnh danh là trạm quan sát vũ trụ nhỏ gọn nhất thế giới, kính thiên văn Vespera của công ty Vaonis đã giành Giải thưởng Sáng tạo CES 2021 và được bình chọn là một trong những thiết bị đáng quan tâm nhất tại triển lãm. Trên thực tế, nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa kính viễn vọng thông minh và máy ảnh, giữa điện tử và cơ học với độ chính xác cao, được thiết kế để bất kỳ ai cũng có tiếp cận thiên văn học theo cách dễ dàng nhất. Nó cho phép người dùng chụp ảnh các kỳ quan của vũ trụ, các tinh vân, các chòm sao và chia sẻ với những người cùng sở thích thông qua ứng dụng điều khiển trên smartphone.
Vespera chỉ nặng 5 kg, cao 40 cm, dùng ống kính 50mm với cảm biến Sony IMX462, độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, chống nước chuẩn IP43, thời gian hoạt động liên tục sau mỗi lần sạc đầy pin là 4 tiếng. Chỉ cần xách Vespera lên sân thượng hay ra bất kỳ chỗ nào quang đãng là đã có thể bước chân vào thế giới thiên văn kỳ ảo rồi.
Mức giá 1.400 USD cho một chiếc Vespera được xem là khá hợp lý.
Thiết bị làm vườn trong nhà này được xem là công cụ giải trí khác biệt và lý thú giữa thời đại dịch. Nó mang đến thú vui trồng và chăm cây, hoa, rau củ cho những cư dân đô thị cùng sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, giúp cây lên xanh tốt và đạt năng suất cao. Ban đầu, các hạt giống được đặt trong một khối vuông nhỏ, và một hệ thống Gardyn cho phép trồng tới 30 cây khác nhau trên cùng một “giàn”.
Kelby, trợ lý thông minh sẽ giúp theo dõi độ ẩm và độ bão hòa của đất, theo dõi sự phát triển của cây, cho biết khi nào cây cần thêm nước, thêm ánh sáng, hay khi nào cần chăm bón. Việc nặng nhất phải làm có lẽ là đổ đầy bồn nước mỗi ngày một lần trong 30 ngày liên tiếp. Dạy trẻ con cách chăm sóc khu vườn với Gardyn hẳn mang đến nhiều niềm vui cho cả gia đình, nhất là khi chúng có thể tự thu hoạch và thưởng thức “nông sản” ngay tại chỗ.
Gardyn đã được tạp chí Time bình chọn là một trong những sáng tạo độc đáo nhất năm 2020. Giá khởi điểm của một hệ thống Gardyn từ 899 USD.
Là nhà sản xuất tai nghe hàng đầu thế giới, Sennheiser có thừa kinh nghiệm để phát triển bất kỳ dòng sản phẩm audio nào họ muốn, và lựa chọn soundbar cho thấy Sennheiser đã nhắm đến phân khúc khách hàng gia đình – những người luôn đề cao sự tiện dụng bên cạnh chất lượng và chi phí. AMBEO đã được nhận giải “Sản phẩm tốt nhất” năm 2019 do Hiệp hội âm thanh và hình ảnh châu Âu trao tặng, được tờ What Hi-Fi tặng điểm tối đa 5 sao và coi là mẫu soundbar Dolby Atmos hay nhất họ từng được nghe – chính là sản phẩm phù hợp cho những người muốn có âm thanh rạp hát ở nhà theo cách gọn gàng và đơn giản nhất.
Trong khi hầu hết soundbar đang có mặt trên thị trường hiện nay dùng củ loa con cỡ nhỏ và khuyến khích dùng thêm subwoofer để tăng hiệu ứng tiếng trầm thì Sennheiser đã cho AMBEO đi ngược lại – dùng củ loa con cỡ lớn nhất có thể, dải trầm xuống sâu tới 30Hz để người dùng không còn cảm giác cần subwoofer rời nữa. Cũng không ngoa khi tờ What Hi-Fi gọi đây là “giải pháp home cinema tất-cả-trong-một đặc biệt xuất sắc”.
Vẻ ngoài của AMBEO tuy đơn giản nhưng vẫn toát lên nét “hầm hố” với phần ê-căng làm từ vải bố màu đen bọc lấy bộ khung nhôm vững vàng, được nhấn nhá bằng cách phô ra hình dáng của 11 loa con ở mặt trước và hai cạnh bên, một màn hình cỡ nhỏ ở góc dưới. Cộng thêm hai loa con ở mặt trên, AMBEO chính là hệ thống loa 5.1.4 độc đáo và khác thường. Nếu phải chỉ ra một nhược điểm thì đó chỉ là kích thước của AMBEO hơi lớn hơn so với hầu hết soundbar thông thường và trọng lượng cũng khá nặng: 18,5kg. Nhưng phải như thế mới có thể hoàn toàn thay thế bộ dàn 5.1 một cách hoàn hảo.
Toàn bộ kết nối vật lý nằm ở mặt sau của AMBEO, bao gồm 4 HDMI (3 cổng vào 1 cổng ra), 1 cổng vào digital, 1 cổng vào RCA, 1 cổng LAN, 1 USB và 1 subwoofer out cho những ai vẫn muốn có thêm tiếng trầm. Bên cạnh đó, AMBEO cũng sở hữu kết nối bluetooth 4.2 và nhất là Google Chromecast – cho phép nghe nhạc số chất lượng cao với độ phân giải 24bit/96kHz ngay từ smartphone, máy tính bảng mà không cần dây dẫn. Rất tiện cho những người đang sở hữu kho nhạc lossless hoặc dùng TIDAL, Qobuz – những dịch vụ nghe nhạc HD hàng đầu hiện nay.
Với kết cấu 5.1.4, AMBEO có 5 loa tweeter dome nhôm 2,5 cm, 6 loa woofer màng sợi cellulose kết cấu sandwich và 2 loa toàn dải hướng lên trên để làm thành hiệu ứng Dolby Atmos hoàn chỉnh. Nghĩa là từ nay, người xem phim có thể nghe rõ tiếng sấm rung, chớp giật, tiếng máy bay, tiếng gió thổi ở phía trên đầu chứ không phải chỉ xung quanh như trước kia. Rất rất hiếm soundbar tạo ra được hiệu ứng Dolby Atmos, đây cũng là lý do để AMBEO vượt xa khỏi các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, AMBEO cũng như mọi soundbar khác, để tạo ra âm thanh vòm như ở rạp, nó cần có mặt tường trống phía sau người ngồi xem và khoảng cách cũng không được quá xa. Đây chính là sự phát triển của công nghệ surround ảo (virtual surround), hoạt động dựa trên cơ sở phản xạ sóng âm thanh từ mặt tường, khiến âm thanh đến tai người nghe trễ hơn một chút, tạo cảm giác như có loa đằng sau. Nhờ công nghệ này, cộng thêm khả năng kết nối không dây đa dạng, lại rất vừa vặn với các không gian vừa và nhỏ, mà soundbar dần thay thế các hệ thống xem phim 5.1, 7.1, 9.1 cồng kềnh, phức tạp trong các gia đình, nhất là ở chung cư hay nhà phố chật hẹp.
Dĩ nhiên, AMBEO phải được trang bị tính năng đo đạc để tự cân chỉnh âm thanh phù hợp với mọi phòng nghe khác nhau, cộng thêm 3 chế độ thiết lập âm thanh riêng theo sở thích cùng bộ DSP (điều chỉnh tín hiệu số). Nó còn có công nghệ Upmix với khả năng “biến tấu” hiệu ứng 5.1 thành trải nghiệm âm thanh 3D độc đáo, cổng HDMI 1.4 tương thích với các chuẩn hình ảnh tiên tiến nhất bao gồm 4K, eARC và Dolby Vision. Ngoài tay khiển đi kèm, người dùng nên tải thêm ứng dụng (miễn phí) Smart Control để tận dụng thêm nhiều mức cài đặt tinh chỉnh cũng như điều khiển các chức năng cơ bản thông qua wi-fi. Tương thích với hai hệ điều hành iOS và Android.
Những màn trình diễn của AMBEO thực sự mạnh mẽ, vượt khỏi vóc dáng của một chiếc soundbar và như lời nhóm chuyên gia của What Hi-Fi thì nó “để lại ấn tượng rất sâu đậm”. Tiếng những quả tên lửa mini bắn ra từ tay Iron Man trong tập phim Avengers: Infinity War cho dù là bay thẳng hay bay vòng đều được tái hiện rõ nét và sinh động, trong khi đó, tiếng con tàu vũ trụ khổng lồ của “những đứa con Thanos” khi hạ cánh xuống Trái đất đúng là xuất hiện từ trên cao – hoàn toàn nhờ vào hiệu ứng Dolby Atmos. Và ngay cả giữa hai phân cảnh hỗn loạn nhất là trận chiến trên hành tinh Titan cũng như trận chiến ở Wakanda, tiếng hội thoại vẫn được tái hiện rõ nét, không bị lẫn vào đủ các tiếng động khác. Âm thanh như tràn ngập trong căn phòng khoảng 30 mét vuông, ngồi ở bất kỳ vị trí nào cũng nghe được đầy đủ và chi tiết.
Không ngạc nhiên khi AMBEO chính là mẫu soundbar tái tạo dải trầm xuất sắc nhất trên thị trường hiện nay. Những tiếng nổ trong phim viễn tưởng Blade Runner 2049 có thể làm rung chuyển căn phòng, như có thêm subwoofer vậy. Thậm chí, với nhiều phim như Venom, người nghe còn phải giảm bớt tiếng bass bởi sự “khủng bố” của nó. Trong khi đó, tiếng súng nổ, tiếng kính vỡ vẫn vang lên chát chúa. Đặc biệt, tiếng những thiết bị bay quần thảo trên bầu trời được tái hiện rõ ràng và có độ chính xác cao, tiếng hội thoại xen lẫn vào phần nhạc nền cực kỳ bong tách và chi tiết, không phải phát ra từ loa mà như đang ở đâu đó ngay bên người xem.
Cũng không ngạc nhiên khi AMBEO chơi nhạc hai kênh cực kỳ sống động, bởi đơn giản, nó được thiết kế và sản xuất bởi Sennheiser. Chỉ với nguồn âm từ Spotify qua bluetooth thôi, chiếc soundbar này đã cho thấy nó không thua kém bất kỳ hệ thống hi-fi nào ngang tầm tiền. Trong ca khúc May It Be của Enya, từng tiếng lấy hơi, nhấn nhá, rung, ngân của danh ca người Ireland đều được tái hiện rõ ràng. Tiếng violin bay bổng, thanh thoát, cao mà không hề bị gắt. Bộ đôi này thực sự biết cách làm hài lòng những người mê jazz khi tái tạo được độ tự nhiên đến bất ngờ trong những màn trình diễn đỉnh cao, giúp họ cảm nhận được phong cách kỹ thuật cũng như tâm trạng của ca sĩ, từ chất giọng thanh tao của Lisa Ekdahl tới làn hơi ám màu thuốc lào của Nina Simone, từ nét mộc mạc khỏe khoắn của Liz Wright tới vẻ tươi tắn thanh xuân của Nikky Yanofsky.
Với các file nhạc 24bit/96kHz, AMBEO cho thấy rõ hơn năng lực kiểm soát dải trầm và tốc độ tốt đến mức nào. Tiếng trống mở đầu bản So Far Away của nhóm Dire Straits chắc nịch, vững vàng và rất giàu nhạc tính, trong khi đó, tiếng guitar điện gay gắt trong bản Highway Star của nhóm Deep Purple quá đủ gai góc, quá đủ sắc nét. Qua Giao hưởng số 7 của Beethoven, AMBEO đã cho thấy một không gian rộng mở, cân bằng và rất chi tiết. Những người mê nhạc cổ điển hoặc hòa tấu kiểu bán cổ điển hẳn cũng cảm thấy hài lòng khi được nghe chiếc soundbar này thể hiện lại sự mướt mải của dàn dây, đặc biệt là tiếng violin bay bổng. Không thể tìm thấy bất kỳ nhược điểm nào trong những màn trình diễn tuyệt hảo đó.