Tiếng trống chầu
trong cung đình nhà Nguyễn
TRONG NGHỆ THUẬT HÁT TUỒNG, HAY CÒN GỌI LÀ HÁT BỘI, ĐÁNH TRỐNG CHẦU LÀ KHÓ NHẤT, QUAN TRỌNG NHẤT. NHIỀU VỊ VUA NHÀ NGUYỄN NHƯ MINH MẠNG, TỰ ĐỨC, ĐỒNG KHÁNH, THÀNH THÁI, KHẢI ĐỊNH ĐỀU MÊ HÁT TUỒNG, TRONG ĐÓ, VUA THÀNH THÁI THẬM CHÍ CÒN LÀ MỘT TAY ĐÁNH TRỐNG CHẦU CÓ TIẾNG.
Nghệ thuật tuồng Huế đã trải qua 3 thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân
và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn.
Lời ca tiếng hát trong cung đình

Âm nhạc đã đi cùng các triều đại phong kiến từ khi hình thành nhà nước, từ những bộ đàn đá, khánh đá, cho đến những bộ chiêng, trống đồng trong lịch sử nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, những hình khắc nghệ nhân thổi khèn, thổi sáo, chơi đàn còn lại đến ngày nay. Văn tịch cổ nước ta chỉ ghi lại từ thời Tiền Lê vua Lê Đại Hành đã thường xuyên trổ tài ca hát khi tiếp các sứ giả nhà Tống. Sứ nhà Tống kể lại trong “Tống sử” rằng vua Lê “có khi tự mình hát ‘khuyến tửu ca’ (khúc ca mời rượu), không một ai có thể hiểu lời của bài hát”.

Sử sách ghi rằng vào thời Tiền Lê năm 1005, một kép hát người Hoa tên là Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư, trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung.

Tác giả Phạm Đình Hổ thời Hậu Lê cho rằng nền ca kịch Đại Việt bắt đầu từ thời Lý, do những người Trung Quốc theo Đạo giáo sang dạy cho người Việt. Nhảy múa thường xuyên được tổ chức trong cung đình và trong dân gian. Ngoài ra, nghệ thuật chèo cũng phổ biến từ thời Tiền Lê ở kinh đô Hoa Lư, được giới quý tộc ham thích. Âm nhạc cung đình cũng cùng với các nghi lễ trong cung chịu ảnh hưởng từ âm nhạc của nhà Tống. Các điệu nhạc du nhập từ Trung Quốc có "Nam thiên nhạc", "Ngọc lâu xuân", "Mộng du tiên"…

Đến thời nhà Trần, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, quân ta bắt được một tên lính nhà Nguyên tên là Lý Nguyên Cát, vốn là kép hát người nước Tống. Lý Nguyên Cát được sai dạy lối hát xướng của người Trung Quốc cho binh sĩ, rồi dàn dựng diễn vở “Vương mẫu hiến đào” để vua Trần ngự lãm cùng các triều thần, ai cũng cho là hay. Từ đó, các môn nghệ thuật chèo, tuồng bắt đầu phát triển ở nước ta, không chỉ trong cung đình mà lan rộng ra khắp dân gian.

Nhà hát Duyệt Thị Đường nhìn từ bên trong.
Ban nhạc cung đình Huế những năm 90

Sang thời Lê trung hưng, theo tác giả Jean-Baptiste Tavernier trong “Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài” cho biết, người Đàng Ngoài thích chèo tuồng. Chèo tuồng diễn ban đêm với diễn viên có khả năng tả sông biển, những trận thủy chiến dù số lượng chỉ 8 người cả đào lẫn kép. Nơi diễn là phòng rộng với sân khấu, các dãy ghế dài để khán giả xem. Hai bên sân khấu “mỗi bên có một cái buồng rất đẹp dành cho nhà vua khi nào ông tới xem”.

Hoạt động này được nhiều vua Lê ưa chuộng, Giuliano Baldinotti trong “Bản tường trình về vương quốc Đàng Ngoài” đầu thế kỷ 17 cũng ghi: “Ngài còn mời chúng tôi đến dự xem những vở diễn hài (tuồng chèo) và những hội hè khác của địa phương”.

Theo lời kể của vị linh mục dòng Tên Giovanni Filippo de Marini, người từng có mặt ở Thăng Long thế kỷ 17, thì khi vua Lê ngự kiệu ra khỏi cung, xung quanh luôn có phường hát múa, phường bát âm thổi kèn, sáo, đánh trống vang trời. Đêm đến, thú tiêu khiển của vua là thưởng thức yến tiệc “sau xem chèo hát, pháo thăng thiên và con hát vui ca nhảy múa”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Đào Duy Từ chính là người đã đem nghệ thuật hát tuồng vào phổ biến ở Đàng Trong. Duy Từ vốn là con trai của một kép hát quê ở Thanh Hóa nên không được dự thi, do đó ông đã vượt sông Gianh vào Nam, trở thành bậc công thần đệ nhất của các chúa Nguyễn.

Hiện nay, giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc Huế vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư và coi năm 1627, năm Đào Duy Từ vượt sông vào Nam là niên đại khởi đầu của lịch sử tuồng Huế. Nhà sư người Trung Quốc Thích Đại Sán, người đã được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến Huế năm 1695 đã kể lại rằng ông từng được xem buổi diễn tuồng trong phủ chúa.

Nghệ thuật tuồng Huế đã trải qua 3 thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Ngay từ sau khi vua Gia Long lên ngôi, sử nhà Nguyễn cho biết, nhà hát biểu diễn tuồng dành riêng cho nhà vua thưởng thức là Thanh Phong đường đã được xây dựng từ năm Gia Long thứ 4 (1805).

Cấm thành rộn ràng tiếng trống tuồng

Trong hoàng cung của nhà Nguyễn, Thanh Bình thự (Trường Xuân), trường dạy diễn viên tuồng quy mô đầu tiên cả nước được thành lập năm 1823, dưới thời vua Minh Mạng. Nhiều vở tuồng được tổ chức soạn thành văn hoàn chỉnh như “Quần tiên hiến thọ” do Nguyễn Bá Nghi soạn nhân Ngũ tuần đại khánh (kỷ niệm vua tròn 50 tuổi) vua Minh Mạng và chính nhà vua cũng tham gia viết một đoạn trong vở này.

Dưới triều Tự Đức, tuồng phát triển rực rỡ, vua cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm đường tại khu lăng mộ của mình (Khiêm cung) năm 1864, lại thành lập Ban Hiệu thư, chuyên sáng tác, chỉnh lý, hiệu đính tuồng với sự điều khiển của chính vua Tự Đức. Đào Tấn được vua tín nhiệm, sung vào Ban Hiệu thư lúc còn trẻ, đã sáng tác nhiều vở tuồng trong giai đoạn này. Thời kỳ này văn học tuồng đạt tới những thành tựu đáng kể về số lượng lẫn chất lượng. Đào Tấn sau này là tác giả kiệt xuất của nhiều vở tuồng nổi tiếng. Có những bản tuồng trường thiên dài hàng trăm hồi, mỗi hồi diễn một đêm như “Vạn bửu trình tường”…

Trong kinh thành, tuồng đã được biểu diễn ở nhiều nhà hát trong Đại nội như Duyệt Thị đường, Tĩnh Quang viện, Thông Minh đường, còn bên ngoài kinh thành là ở Khiêm Minh đường...

Nhà hát nổi tiếng nhất là Duyệt Thị đường được xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên nền cũ của nhà hát Thanh Phong đường. Đây là nhà hát có quy mô lớn nhất trong các nhà hát ở Hoàng cung, còn tồn tại đến ngày nay và đã được trùng tu, tôn tạo, vẫn dành để biểu diễn các trích đoạn tuồng phục vụ du khách. Tĩnh Quan viện là nhà hát thứ hai trong Tử Cấm thành, hình thành dưới thời vua Thiệu Trị. Sử triều Nguyễn cho biết nhà hát này được xây cất vào tháng Giêng năm Quý Mão (1843).

Vua Thành Thái

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, vì Tĩnh Quan viện nằm trong địa phận cung Khôn Thái, nên nó là nhà hát dùng để diễn cho cả Hoàng gia xem chung, chứ không phải chỉ dành cho vua xem. Sân khấu Thông Minh đường là nhà hát ở cung Diên Thọ dành riêng cho Hoàng thái hậu xem tuồng (về sau là Tịnh Minh lâu). Sân khấu tuồng ở lăng vua Tự Đức (Khiêm cung) tên gọi Minh Khiêm đường là nhà hát tuồng của nhà vua duy nhất còn lại được giữ nguyên cho đến nay.

Vua Đồng Khánh cũng say mê tuồng đến mức đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích là “Vạn bửu trình tường” để đặt cho các cung nữ. Điều đặc biệt là các nhân vật trong vở tuồng mà tác giả Đào Tấn tham gia biên soạn đều mang tên các vị thuốc, nên các cung nữ được vua Đồng Khánh sủng ái được mang những cái tên rất thú vị, như Đại Hoàng, Nhân Sâm, Cam Thảo…

Ngoài vở tuồng nói trên, các vở “Quần trân hiến thụy” của Nguyễn Bá Nghi, “Từ quốc lại vương” do Đào Tấn sáng tác cũng được vua Đồng Khánh thích thú và thường cho biểu diễn tại nhà hát Duyệt Thị đường trong Tử Cấm thành.

Từ sau thời Tự Đức, tuồng Huế dần vượt ra khỏi cung đình và trở thành sân khấu của quần chúng bình dân. Nhiều vị quý tộc, tôn thất đã tự đứng ra lập gánh hát, nuôi "đào", "kép" riêng và ganh đua với nhau. Nghệ thuật tuồng từ đó sống và phát triển được nhờ công chúng.

Vua Khải Định cũng là người mê tuồng. Từ khi còn là một vị công tước, ông đã cho lập Cửu Tư đài là nhà hát tuồng nằm trong khuôn viên An Định cung - dinh thự riêng của mình ở bờ Bắc sông An Cựu. Tuy nhiên, giai thoại ở kinh thành Huế kể rằng, khi đã lên làm vua, vì không muốn xem phụ nữ biểu diễn trên sân khấu nên đoàn tuồng của vua Khải Định chỉ toàn các diễn viên nam giới.

Gặp các cảnh cần có vai đào thì nam diễn viên phải hóa trang, đóng giả nữ, chính vì thế đoàn tuồng cung đình thời Khải Định có nhiều nghệ nhân nam đóng vai đào rất giỏi.

Tiếng trống chầu của nhà vua

Dù có nhiều vị tiên vương say mê tuồng, nhưng vị vua yêu nước Thành Thái lại say mê theo cách riêng mình, khi tự luyện khả năng đánh trống tuồng nhuần nhuyễn và còn trực tiếp lên sân khấu cầm chầu.

Trống chầu là hồn cốt của nghệ thuật hát tuồng. Tuy nhiên để đánh được trống chầu phải có năng khiếu, khả năng cảm thụ âm nhạc và phải khổ luyện. Bởi vì từng âm thanh phát ra từ dùi trống (hay còn gọi là roi chầu) đều có quy tắc nhất định. Tiếng trống chầu vang lên trong những đêm hát, không chỉ như chiếc đũa của người nhạc trưởng chỉ đạo dàn nhạc hiện đại, ra hiệu lệnh cho diễn viên, mà còn là một “chiếc cầu” đặc biệt nối các nghệ sĩ với khán giả.

Ví dụ, khi diễn viên diễn hay hát một khúc hay, người cầm chầu gõ một tiếng “thùng” vào giữa mặt trống để ban tặng một lời khen hay. Hai tiếng “thùng… thùng…” liền nhau là lời khen rất hay, giục khán giả nổ một tràng pháo tay hay tung tiền lên sân khấu để thể hiện sự tán thưởng. Nhưng một tiếng “rụp”, “cắc” hay “cắc… cắc” là lời chê trách diễn viên hát không hay hoặc múa không đẹp.

Do đó, người cầm trống chầu có vị trí hết sức quan trọng trong đêm hát tuồng. Chẳng vậy mà trong dân gian có câu hát rằng: “Trên đời có bốn thứ ngu. Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Làm mai mối mà vợ chồng người ta không hạnh phúc thì mắc oán, lãnh nợ mà người ta không trả nợ thì chính mình mắc nợ, mất uy tín. Gác cu, tức đi bẫy chim cu gáy thì mất công mất việc. Còn cầm chầu vừa tốn tiền, vừa không được phép mắc sai sót, phải khen, chê đúng và trúng, nếu không sẽ bị khán giả sành sỏi chê cười.

Do đó, để được cầm chầu, phải là người thuộc nằm lòng từng vở diễn, từng tích trò, từng câu hát, điệu múa, thế nào là diễn đúng, diễn hay. Ngoài ra, tay trống chầu phải có nhạc cảm tốt, phối hợp tiếng trống với các nhạc cụ khác, với diễn xuất của diễn viên.

Mà trong nghệ thuật tuồng, không chỉ có lời hát, diễn viên còn biểu diễn rất nhiều động tác võ thuật, với rất nhiều loại binh khí trong đó như kiếm, đao, thương, côn… Vì vậy, người cầm chầu cũng phải biết các động tác võ thuật, biết các thế võ để cầm nhịp cho động tác khớp với nhịp nhạc thật mềm mại, trơn tru và thể hiện được tính nghệ thuật ước lệ.

Người cầm chầu lại cũng như một nhà phê bình nghệ thuật tại chỗ, tức thì. Tiếng trống chính là lời đánh giá, là thái độ khen - chê, cũng là hiệu lệnh thưởng - phạt với vở diễn, với diễn viên. Thưởng phạt không đúng, không công minh chẳng những bạn hát coi thường mà công chúng cũng chê bai, không tin vào khả năng “cầm cân nảy mực”.

Vua Thành Thái không chỉ là một người say sưa với nghệ thuật tuồng, mà còn là một tay trống tuồng tài ba. Vì mê tuồng, vua Thành Thái nhiều khi trực tiếp cầm trống chầu trong các buổi diễn. Nhà vua luôn đánh giá đúng các diễn viên có tài, những đào, kép giỏi, được vua ban thưởng tiền bạc mà có người còn được phong tước hiệu, ông Nhưn Đá được phong là “Thế thượng vô song”, ông Quyền Ngữ được phong là “Bích nhãn chi”…

Đặc biệt, có nguồn tài liệu viết rằng vua Thành Thái còn trực tiếp lên sân khấu diễn tuồng, đóng vai Thạch Giải trong vở “Xảo Tống”. Có chuyện kể rằng, nghe nói có một người đánh trống tuồng rất giỏi nên vua Thành Thái cho gọi ngay vào cung biểu diễn cho vua xem, thấy người này trổ tài đúng như lời đồn, vua liền ban thưởng và thú thật với triều thần rằng người đó đánh trống giỏi hơn cả vua.

Giai thoại ở Huế còn đi xa hơn, khi kể câu chuyện vua Thành Thái “mượn đầu” một nghệ nhân trống tuồng. Chuyện rằng nhà vua thích tài nghệ của một tay trống, nhưng không thích anh ta vừa đánh trống vừa lúc lắc đầu, nên đã ban thưởng và nói: “Nhà ngươi đánh trống rất hay, nhưng có tật lúc lắc cái đầu trông xấu lắm. Ta cho ngươi mấy tháng để sửa, nếu cái đầu nhà ngươi vẫn còn lúc lắc thì ta mượn nó đấy”.

Kể từ đó, ngày nào tay trống ấy cũng luyện tập, nhưng tật lúc lắc đầu vẫn không bỏ được. Anh ta quá lo sợ nên nhuốm bệnh nặng rồi chết. Nghe tin ấy, vua Thành Thái rất thương tiếc một tài năng nghệ thuật và rất hối hận vì câu nói vô tình của mình. Vua liền lệnh Bộ Lễ ban phát cho gia đình người đánh trống một số bạc lớn để tống táng người chết và mưu sinh cho người thân còn sống.

Sau thời vua Khải Định, vua Bảo Đại là vị vua Tây học, không ham mê hát tuồng. Ở kinh thành Huế, tuồng Huế dần biến chất, pha tạp. Tuồng Xuân nữ (pha cải lương) ra đời, tuồng Huế mất địa vị độc tôn. Những năm 1920-1945, một hình thức sân khấu Huế khác được khai sinh và phát triển, đó là ca kịch Huế. Đây là thời kỳ nở rộ của bộ môn này, có đến 16 đoàn trình diễn ở Huế và các nơi, tuồng Huế bắt đầu suy thoái.

Ngày nay, du khách tham quan kinh thành Huế, ghé nhà hát Duyệt Thị đường, thưởng thức các trích đoạn tuồng cổ hằng đêm, có thể hình dung ra cảnh tượng các vị vua nhà Nguyễn say sưa thưởng thức môn nghệ thuật cổ truyền này hàng trăm năm về trước.