Ở Bruges, thời tiết quanh năm biết cách chiều lòng người. Từ tháng Mười đến tháng Ba cực kỳ thích hợp cho những người yêu thích bầu không khí tĩnh lặng, yên ả của một thành phố nhỏ, hiền hòa, với những hàng cây lá chuyển sắc đỏ, bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, trải dài đến vô tận, làm nổi bật lên những ngôi nhà đủ màu sắc. Trong khi đó, mùa hè nơi đây lại mang đến vẻ rực rỡ của ánh nắng vàng như mật ong, từng đoàn du khách tấp nập qua lại trên phố, tiếng những ly bia mát lạnh lanh canh chạm vào nhau trong các quán bar đông người. Bruges quyến rũ ở mọi khía cạnh khác biệt, nhẹ nhàng, dịu dàng mà vô cùng thấm thía…
Xét về khía cạnh tôn giáo, Bruges có nhiều nét tương đồng với các thành phố ở Italia. Tượng Thiên Chúa và hình ảnh Đức mẹ Maria có thể tìm thấy ở mỗi góc phố, mọi nhà thờ đều vô cùng quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến cư dân qua các thời kỳ khác nhau. Hãy bớt chút thời gian ghé thăm đại giáo đường Holy Blood (Thánh Huyết) ở quảng trường Burg, được xây dựng theo phong cách Gothic cổ kính mà thanh nhã. Tên gọi này bắt nguồn từ những tin đồn nơi đây còn lưu giữ được một lọ nhỏ chứa máu của Chúa Jesus. Cố gắng đi sớm để cảm nhận bầu không khí nghiêm, và đừng quên thăm nhà nguyện dưới tầng hầm, một mẫu kiến trúc kiểu La Mã điển hình.
Nổi tiếng không kém đại giáo đường Holy Blood là nhà thờ Jerusalem nằm ở một khu vực rất yên tĩnh của thành phố, với tháp chuông hình bát giác, bên trong là bệ thờ chạm khắc hình đầu lâu và những chiếc thang, cùng hình mẫu ngôi mộ của Chúa Jesus. Đây cũng là nhà thờ duy nhất ở Bruges thuộc về tư nhân, chính xác là gia tộc Andrones. Còn khi đến nhà thờ Đức Mẹ, ngoài lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa La Mã và Gothic ở bên ngoài và Gothic – Phục Hưng bên trong lăng mộ Charles The Bold, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một tác phẩm hiếm hoi nằm bên ngoài nước Ý của họa sĩ thiên tài Michelangelo: bức tượng Madonna and the child (Đức Mẹ và em bé), được các thương gia đưa về thành phố từ năm 1506.
Bruges thường được so sánh với Venice của Ý, người ta còn gọi nó là Venice của phương Bắc, nhờ vào những dòng kênh hiền hòa cắt ngang qua thành phố và ca-nô là phương tiện ưa thích của các cặp tình nhân phương xa, bởi bồng bềnh trên sóng nước luôn mang lại cảm giác lãng mạn, nhất là khi lướt qua những rặng cây lá xanh ngắt trong làn gió dịu dàng mát mẻ của tiết chớm thu. Bruges không phải là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động vui chơi, nó là không gian của thư giãn, của việc tìm kiếm sự tĩnh lặng cho tâm hồn.
Nhưng Bruges cũng chẳng cần “dựa hơi” một thành phố khác để nổi danh, bởi nó cũng sở hữu rất nhiều đặc sản của riêng mình. Bia là một trong số đó. Đúng như vậy, dù không nổi tiếng theo kiểu “ầm ĩ” như bia Đức hay bia Tiệp thì bia Bỉ vẫn được giới “tửu đồ” trên toàn thế giới kính ngưỡng. Bruges có cả một bảo tàng bia mang tên Brewery De Halve Maan, mở cửa hằng ngày với giá vé gần 10 Euro, bao gồm một cốc bia Brugse Zot hoặc Straffe Hendrik, và tour ngắn 45 phút sẽ giới thiệu đầy đủ về lịch sử cũng như quy trình làm bia Bỉ.
Mọi quán bar hay nhà hàng ở Bruges đều mang đến cho thực khách những loại bia hảo hạng, và có nhắm mắt chọn bừa thì cũng không ai cảm thấy thất vọng. Đa số nhãn bia được đặt theo tên thành phố, nên bên cạnh Brugse Zot hay Brugse Straffe Hendrik còn có Brugge Tripel, Brugs, Brugse Babbelaar, Brugge Blonde, đặc biệt là Tripel Karmeliet làm từ ba thứ ngũ cốc gồm lúa mì, yến mạch, đại mạch. Bia này mà nhắm với một món đặc sản khác là khoai tây chiên ăn kèm sốt cà chua nấm, andalouse stoovfvleessaus thì đúng là “thần sầu”. Và đừng quên bia Bỉ rất nặng, thậm chí đến 10 độ, vì thế, quá chén là điều chẳng nên chút nào, dù có bị hương thơm và vị ngon tuyệt vời ấy quyến rũ.
Cho những người yêu thích sự ngọt ngào, yêu thích hương vị nồng nàn của tình yêu, đã có chocolate. Bỉ là vương quốc chocolate và Bruges lại là thánh địa của món quà kỳ diệu Thượng đế đã ban tặng cho con người. Cũng như bia, chocolate có riêng một bảo tàng mang tên Choco-Story, thuộc sở hữu của nhà sản xuất Belcolade, nơi cũng mô tả rất kỹ lưỡng quá trình làm ra chocolate từ cây ca-cao. Nếu đặt chỗ trước, du khách còn có thể tham gia lớp làm chocolate do các chuyên gia của bảo tàng hướng dẫn.
Những cửa hiệu bán chocolate xuất hiện ở khắp nơi, biết cách làm hài lòng đám du khách ồn ào và cả cư dân Bruges, nhưng vẫn có những cái tên được tìm đến nhiều hơn. Đó là Dominique Persoone nổi tiếng với chocolate hạt dẻ, là Café Tasse - nơi chocolate nhân rượu có vẻ là mặt hàng được ưa chuộng nhất, là Lady Chocolates giá rẻ và cực nhiều chủng loại, là Dumon - nằm trong một ngôi nhà cổ 400 tuổi đằng sau quảng trường Markt, nơi vị ngọt ngào và béo ngậy có thể làm người ăn như tan chảy ra. Không ít du khách kỹ tính đã coi Dumon là chocolate shop đáng mua nhất ở Bruges dù vẫn còn rất nhiều tiệm nổi tiếng khác như Daya Chocolates, Sukerbuyc Chocolaterie, Verheecke, Brown & Sugar hay Moeder Babelutte…
Bruges không có quá nhiều điểm tham quan, thế cho nên, du khách có thể tự do thả bộ trên những con đường hẹp lát đá để rồi chợt bừng tỉnh khi thấy mình đang đứng trên quảng trường trung tâm Markt, đẹp như một bức tranh với ngọn tháp chuông cao 83 mét, xây từ thời trung cổ, cũng là biểu tượng vĩnh cửu của thành phố. Tuy nhiên, những người yêu nghệ thuật sẽ chẳng bao giờ bỏ qua được Bảo tàng Groeninge, nơi lưu giữ những bộ sưu tập quý giá của các nghệ sĩ hàng đầu từng sinh sống và làm việc ở Bruges từ thế kỷ 14 – 20.
Bruges nhỏ nên phương tiện giao thông công cộng chỉ có xe bus, nhưng đừng lo, nó sẽ đưa du khách đến bất kỳ địa điểm nào trong thành phố, riêng xe có chữ Centrum sẽ chỉ chạy vào khu trung tâm. Thuê xe đạp để rong ruổi qua các con phố nhỏ là một hoạt động rất thú vị, giá cũng không đắt lắm, khoảng 15 Euro một ngày. Đi xe ngựa cũng hay, và nếu dư dả tiền bạc, một tour khám phá thành phố từ trên cao bằng khinh khí cầu chắc chắn mang lại những trải nghiệm đặc biệt không bao giờ quên…
Bruges duyên dáng trên những dòng kênh có từ thế kỷ 12 bắt nguồn từ con sông Zwin nhập về phía biển. Từ thời Trung cổ cho tới thế kỷ 15, Bruges là một trong vài cảng biển thương mại tấp nập nhất thế giới. Bruges miên man với những ngôi nhà theo kiến trúc Gothic hoặc Flander bồng bềnh trên mặt nước, nơi những chiếc ca-nô nhỏ đi qua chỉ điểm xuyết và lay động chút đỉnh sự thanh bình bao trùm lên chúng, biến những chiếc thuyền máy ấy thành thứ chuyển động duy nhất trong khung cảnh tĩnh mịch. Ngay cả cái vẻ ồn ã ở những quầy bia nơi người ta hối hả chạm cốc cũng không khiến Bruges trở thành một tửu quán tấp nập và lộn xộn. Bruges lãng mạn với bầu trời trôi trên mặt nước mà một thời những con tàu buôn lớn đã đi qua đây và làm cho thành phố giàu có, đẹp đẽ và huyên náo hơn, cùng sự thăng hoa của kiến trúc và nghệ thuật.
“Xứ Nẫu” Phú Yên bao đời nằm êm đềm giữa những người hàng xóm “nổi danh”. Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, hay cả Bình Định đều có truyền thống du lịch lâu đời, chỉ riêng Phú Yên vốn chỉ được biết đến như một xứ biển hiền hòa, thưa thớt người tới thăm. Vài năm trở lại đây, sau khi đạo diễn Victor Vũ đưa miền đất này lên màn ảnh với những thước phim rực rỡ về miền “hoa vàng trên cỏ xanh”, du khách khắp nơi mới ngạc nhiên ngỡ ngàng vì những cảnh đẹp trên phim, để rồi thêm một điểm đến vào danh sách những nơi cần ghé thăm.
Ban đầu, đúng là du khách chỉ muốn tới để “check-in” ngay bối cảnh của bộ phim, nằm ở Bãi Xép – Gành Đá Đĩa. Để rồi, từ chỗ chỉ muốn có những tấm ảnh đẹp đăng mạng xã hội khoe với bạn bè, người tới Phú Yên một lần bỗng thấy yêu mảnh đất êm đềm này, bởi ở đây có nhiều hơn những gì vài cú lia máy có thể ghi lại.
Tôi là một người như thế: tìm đến vì những tấm hình, nhưng mang về những ký ức khó lòng lưu giữ bằng máy móc vô tri. Hành trình của tôi vì thế đi theo cả những bước chân quen thuộc của người đi trước, cũng lại rẽ vào những khoảnh khắc khác lạ không thể nào quên.
Tuy Hòa, tỉnh lỵ của Phú Yên chào tôi bằng một buổi sáng nắng đẹp. Ngay cả trong mùa mưa cuối năm, bầu không khí nơi này cũng không hề làm khó những đôi chân thèm đi, chỉ một chút se lạnh cùng bầu trời nhiều mây đen và những cơn mưa rào bất chợt. Đó cũng là sự thuận lợi, bởi ở Phú Yên có khá đa dạng điểm đến từ biển khơi tới vùng núi, thế nên ở bất kỳ thời điểm nào, du khách cũng có thể lựa chọn được hoạt động phù hợp cho bản thân.
Với mục đích ban đầu là đến để “sống ảo”, lựa chọn đầu tiên của tôi là đi theo hành trình “kinh điển” mà bất kỳ một tour guide hay bài chia sẻ nào trên mạng cũng đều giới thiệu, đi ngang qua những địa danh nổi tiếng như Bãi Xép, Hòn Yến, Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Bãi Tiên, Mũi Điện, Đầm Vân Phong…
Hành trình này cho phép tôi khám phá được những gì nổi trội nhất của đất trời nơi đây: Gành Đá Đĩa với những trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề sóng nước như một tổ ong khổng lồ của tạo hóa, hay đầm Ô Loan yên ả bao quanh bởi những dãy đồi thấp thoải và ruộng mía xanh ngắt.
Đừng bỏ lỡ dịp một lần đứng ở Mũi Điện – nơi có doi đất liền của Tổ quốc vươn ra xa nhất về Biển Đông, để thấy ranh giới giữa biển, trời, người và đất hòa vào với nhau; cũng đừng quên chạm tay vào ngọn hải đăng Đại Lãnh, bởi nếu bạn dậy đủ sớm thì chính ở ngọn hải đăng hơn trăm tuổi này, bạn là người đầu tiên đón ánh bình minh trên đất liền Việt Nam…
Hành trình đi theo bước chân du lịch quen thuộc luôn là điều cần thiết cho mỗi chuyến khám phá một miền đất mới, đó là những gì tôi rút ra được sau nhiều chuyến đi. Và với Phú Yên, kinh nghiệm này cũng vẫn hoàn toàn chính xác, bởi tôi tin rằng mình sẽ rất tiếc nuối nếu như chưa một lần tận mắt chứng kiến sự đẹp đẽ vô ngần của thiên nhiên nơi đây.
Hãy tạm quên câu chuyện về những tấm ảnh ngàn like sau đó, bởi chỉ riêng không khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ và cảm giác hòa vào đất trời thấm đẫm mọi bước chân đã là phần thưởng vô cùng xứng đáng. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều hơn ba ngày ở Phú Yên, hoặc bạn muốn tìm cho mình một lý do để quay lại mảnh đất này, hãy nghĩ tới những điều rất “khác”.
Tôi có một người bạn là dân “xứ Nẫu”. Cứ mỗi lần nói về mảnh đất quê hương, anh lại ngập ngừng, rồi mới chia sẻ: “Nếu ông muốn tìm một điều gì đó hoàn toàn khác biệt không đâu có, thì Phú Yên không thực sự là lựa chọn hợp lý. Thế nhưng, nếu kiên trì, nếu chịu khó lăn vào những khám phá theo đúng mong muốn của bản thân, sẽ có nhiều điều rất hay ho đang chờ đợi”
Và đó cũng chính là những gì tôi nhận ra vào những ngày tiếp theo ở Phú Yên, sau khi trở về từ hành trình mang tính “mẫu mực” trước đó. Hãy lấy một ví dụ rất gần gụi: ẩm thực. Khi nhắc tới bún bò giò heo, người ta sẽ nghĩ ngay tới Huế. Khi nhắc tới bún mắm, ấy là Châu Đốc, Sóc Trăng. Đặc sản Phú Yên là gì? Mắt cá ngừ, có thể. Tuy nhiên, với tôi, điều thú vị lại không nằm ở thố mắt cá ngừ chưng ăn kèm tía tô xắt ghém, mà nằm ở ngay miếng bánh xèo của một gánh bên đường, hay chén bánh bèo nóng hổi ở ngay cửa ngõ Tuy Hòa: đó có thể là món ăn có ở nhiều nơi, nhưng phong vị Phú Yên rất khác. Cũng giống như chính cái cách thiên nhiên Phú Yên đi vào lòng người vậy – có một cái gì đó khó gọi tên, cứ vương vấn trong từng lời ăn tiếng nói, từng miếng ăn chén rượu, để rồi lòng du khách chợt nhận ra: “ồ, Phú Yên là đây!”
Hãy thử dành một vài ngày dừng chân khám phá thành phố Tuy Hòa. Tôi đã lang thang nơi tỉnh lỵ này để nhận ra sự thú vị của một đô thị mà cái mới và cái cũ vẫn đang sống kề bên nhau khăng khít, của bóng Tháp Nhạn phủ lên những kiến trúc mới, của những di tích dinh thự người Hoa, đền đài người Chăm im lìm nằm cạnh những ngôi nhà người Việt mới xây. Nếu như Huế là nơi người sống và người đã khuất đang cùng tồn tại, phố Hội là nơi thời gian ngừng trôi, thì Tuy Hòa lại là bức tranh nhiều lớp về một lịch sử đa văn hóa vẫn đang sống động từng ngày.
Hãy thuê một chiếc xe, không phải để đi vài chục cây số tìm đến điểm “check in” tiếp theo, mà để tìm đến những địa danh thực sự “chỉ riêng Phú Yên mới có”: đó là nhà thờ Mằng Lăng, công trình kiến trúc Gothic có tuổi đời hơn 100 năm, nơi gìn giữ cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên được in bởi những linh mục phương Tây, ngay tên nhà thờ cũng là chứng nhân về một loại cây nay đã tuyệt tích. Đó là làng cổ Quảng Đức, nơi bậc cao niên vẫn sẵn sàng kể câu chuyện về dòng gốm mang tên ngôi làng, một dòng gốm đầy tự hào mang dấu ấn của người Chăm mà nay chỉ còn trong lịch sử. Đó là thôn Hảo Sơn Bắc, nơi vào năm 1936, đoạn ray cuối cùng của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương được nối liền.
Phú Yên là vậy, nhìn từ xa thì tưởng rằng vùng đất mới chỉ mở rộng du lịch vài năm không có gì ngoài những cảnh quan, đến khi bước tới mới hiểu rằng sự quyến luyến đến từ chính bầu không khí du khách hít thở trên từng chặng đường khám phá muôn màu.
Tôi mang gì về Thủ đô? Một lời hứa với chính mình: sẽ hẹn gặp lại Phú Yên trong tháng ngày không xa.
Tháng 7/2022, tạp chí du lịch Travel+Leisure của Mỹ công bố danh sách 15 resort tốt nhất châu Á và không có gì ngạc nhiên khi Waldorf Astoria Maldives Ithaafushi đứng đầu bảng xếp hạng với 99,11 điểm đánh giá từ du khách. Khu nghỉ dưỡng này cũng “ẵm” luôn giải thưởng resort tốt thứ 3 thế giới của tạp chí Mỹ.
Kết quả dựa trên bình chọn trực tuyến của độc giả trong khuôn khổ giải thưởng World's Best Awards 2022. Tiêu chí đánh giá dựa trên cơ sở vật chất, vị trí, dịch vụ, đồ ăn và giá trị tổng thể. Bảng xếp hạng được tính theo thang điểm 100.
Tọa lạc tại một trong những địa điểm đẹp nhất, được săn đón nhất trên thế giới, khu nghỉ dưỡng Waldorf Astoria Maldives Ithaafushi (Maldives) mang đến cho du khách dịch vụ hoàn hảo, đặc biệt và những trải nghiệm khó quên. Được thiết kế với kiểu dáng, phong cách quyến rũ và ngoạn mục cùng sự riêng tư chưa từng có, nơi đây truyền cảm hứng cho những hành trình nghỉ dưỡng đẳng cấp của mỗi người.
Nằm tại rạn san hô vòng South Male Atoll, thành phố Kaafu Atoll, Maldives, khu nghỉ dưỡng Waldorf Astoria Maldives Ithaafushi bao phủ 3,5 km cây xanh và bãi biển trải dài trên 3 hòn đảo bao quanh một phá nước.
Waldorf Astoria Maldives Ithaafushi có 118 phòng nghỉ, trong đó có 55 biệt thự trên biển và hai biệt thự Stella Maris biệt lập. Nội thất các biệt thự đều rất trang nhã, với một phần sàn kính đặc trưng. Trải dài 32.000 mét vuông, ngay tại trung tâm của Ấn Độ Dương, nơi đây hứa hẹn sẽ là khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất khó có nơi nào sánh kịp.
Với sự riêng tư được nâng lên một tầm cao mới, vào đầu năm 2021, Waldorf Astoria đã công bố mở đảo Ithaafushi, nơi được định vị để trở thành hòn đảo tư nhân lớn nhất của Maldives.
Mỗi biệt thự đều nằm trong một khu đất riêng, có khu vực sinh hoạt rộng rãi ngoài trời với hồ bơi vô cực, chòi hóng mát lý tưởng để dùng bữa ngoài trời và giường xích đu để thư giãn. Kiểu kiến trúc dàn ngang của biệt thự giúp du khách có thể ngắm trọn mặt nước xanh ngắt và hùng vĩ của đại dương.
Biệt thự 2 phòng ngủ trên mặt nước với bể bơi vô cực, bể sục là nơi hoàn hảo cho những ai muốn trải nghiệm đại dương. Bên cạnh đó, biệt thự bãi biển 3 phòng ngủ, nằm nép mình duyên dáng và quyến rũ giữa những khu vườn tươi tốt và những tán dừa, có lối ra bãi biển riêng và hồ bơi cũng là sự lựa chọn lý tưởng.
Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng hạng sang này còn có biệt thự 4 phòng ngủ, với hai phòng ngủ có giường cỡ lớn, hai phòng ngủ nhỏ hơn, bể sục và phòng khách chung rộng rãi, tất cả đều có lối đi thẳng ra bãi biển riêng tư.
Waldorf Astoria Maldives Ithaafushi sang trọng có 11 nhà hàng độc đáo và đẳng cấp quốc tế, trong đó, nổi bật phải kể tới nhà hàng phong cách Trung Quốc, phong cách Trung Đông và nhà hàng trên cây đặc trưng. Vào tháng 4 năm nay, khu nghỉ dưỡng này thông báo ra mắt nhà hàng Zuma mang phong cách Nhật Bản đương đại, bổ sung vào bộ sưu tập địa chỉ ẩm thực phong phú và vô cùng đẳng cấp nơi đây.
Bạn có thể sẽ mãi nhớ thực đơn tinh túy của Waldorf Astoria với các món ăn được chế biến một cách nghệ thuật như tôm hùm Maldives với bơ miso, tỏi tây cháy, cá edamame tráng men, bánh quy tôm hùm, gel ponzu và trứng cá muối beluga.
Ngoài nhà hàng, bạn có thể tận hưởng một số trải nghiệm ẩm thực có một không hai tại Waldorf Astoria, bao gồm các bữa ăn tại bãi cát biệt lập hoặc trên du thuyền ngắm hoàng hôn. Các dịch vụ ẩm thực tại khu nghỉ dưỡng đẳng cấp này dường như là vô hạn.
Hãy chiều chuông mình với bữa tối riêng tư cùng rượu vang tại The Rock, một hầm rượu mát lạnh nằm giữa những tảng đá có tường làm bằng đá vôi trắng của Jordan và một quầy bar là phiến đá từ cây 2.000 năm tuổi. Tại The Rock, có hơn 1.000 loại rượu vang từ khắp nơi trên thế giới, là một trong những bộ sưu tập vang lớn nhất ở Maldives.
Tới thiên đường xứ nhiệt đới này, có rất nhiều việc để trải nghiệm, bất kể sở thích của bạn là gì. Bạn có thể thư giãn khi sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe riêng tư tại spa. Ngoài ra, còn có một không gian thiền và yoga với tầm nhìn tuyệt đẹp ra đại dương. Không chỉ thế, một công viên dành cho trẻ em cũng là lựa chọn không tồi, nơi có khu vui chơi giải trí dưới nước và nhiều hoạt động khác sẵn sàng chiều lòng các vị khách nhí.
Có thể nói, để tận hưởng trải nghiệm nghỉ dưỡng xa hoa đầy thú vị, sẽ khó tìm được nào có thể sánh ngang Waldorf Astoria Maldives Ithaafushi.
Theo tài liệu ghi chép được, con người đã biết sử dụng kim cương lần đầu tiên vào khoảng năm 800 trước Công nguyên ở Ấn Độ. Còn đồng hồ đeo tay thì ra đời vào khoảng năm 1880, khi nhà Girard-Perregaux chế tác theo đặt hàng của hải quân Đức. Rất nhanh chóng, khi thiết bị này vượt khỏi “thân phận” cỗ máy đếm thời gian để trở thành đồ trang sức cho cả phái đẹp và phái mạnh, kim cương đã tìm thấy người bạn đồng hành để nâng tầm giá trị của cả đôi.
Có nhiều lý do để các nhà sản xuất đồng hồ xa xỉ mang kim cương lên sản phẩm của mình. Để làm tăng giá trị, tăng mức độ độc đáo và hiếm có, thu hút thêm khách hàng thuộc giới thượng lưu, quyền quý, khẳng định giá trị thương hiệu. Chế tác đồng hồ kim cương là cả một quy trình cầu kỳ, phức tạp, đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm lâu năm và tay nghề ở mức “thượng thừa”. Hiển nhiên, không phải bất cứ hãng đồng hồ nào cũng đủ tư cách và năng lực mời các nghệ nhân này về “cùng hợp tác sản xuất”, chứ không chỉ đơn thuần là làm công ăn lương.
Cho đến giờ, những đồng hồ kim cương nổi tiếng nhất, được khát khao nhất cũng đều đến từ những tên tuổi hàng đầu, như Vacheron Constantin, Piaget, Blancpain, Jaeger LeCoultre, Hublot, Piaget, Patek Philippe... Tuy nhiên, The Fascination và Hallucination - hai chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới (40 & 55 triệu USD) lại thuộc về một thương hiệu kim hoàn, nhà Graff Diamond. Không ai biết có bao nhiêu viên kim cương nạm trên đó, chỉ biết rằng, cả hai chỉ được xuất xưởng sau hàng ngàn giờ lao động miệt mài của rất nhiều nghệ nhân. The Fascination đã có chủ, còn Hallucination vẫn đang chờ người dám “xuống tiền”.
Không như nhiều người vẫn nhầm tưởng đồng hồ kim cương chỉ dành cho phái đẹp, trên thực tế, cánh mày râu cũng không ngại đeo trên cổ tay cỗ máy thời gian “đính kèm” loại đá quý này. Nó như một tuyên ngôn về địa vị và sở thích. Đàn ông thành đạt thường có xu hướng tìm những thứ tốt nhất cho bản thân: nhà cửa, xe cộ, trang phục, ẩm thực và nhiều thứ khác. Đồng hồ là một trong số đó, phiên bản đính kim cương hiển nhiên đắt đỏ và hiếm có hơn phiên bản thường.
Cũng có những người chỉ đơn thuần là thích kiểu dáng của chiếc đồng hồ, sự lấp lánh của những viên kim cương trên đó. Những mẫu đồng hồ kim cương được cánh mày râu ưa chuộng không hề ít, những cái tên nổi bật nhất phải kể đến Piaget Altiplano, Hublot Spirit of Big Bang 42 Titanium, Vacheron Constantin Traditionnelle 18K Rose Gold, Rolex Submariner Serti, Omega Constellation Blue Diamond, Tudor Royal, Patek Philippe Nautilus Ref. 5713, Panerai Luminor…
Có một điều chắc chắn, rằng phụ nữ đeo đồng hồ kim cương chủ yếu để làm đẹp, còn phái mạnh đeo đồng hồ kim cương theo cách họ cảm nhận được – rằng đó thực sự là điều quan trọng để làm nên một quý ông hoàn hảo từ trong ra ngoài.
Một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo
Với các nhà thiết kế đồng hồ, kim cương mang đến cảm hứng sáng tạo và khơi dậy trí tưởng tượng. Tuy nhiên, với các nghệ nhân chế tác, độ cứng của kim cương đặt ra những thách thức to lớn. Cho nên, cũng không ngoa khi nói rằng, mỗi chiếc đồng hồ kim cương của các thương hiệu lớn là một tác phẩm nghệ thuật, một phép màu thủ công. Không chỉ vậy, nhà thiết kế và nghệ nhân còn phải có sự đồng điệu nhất định với nhau, với chất liệu, với thông điệp của thương hiệu.
Ví dụ như, series Cat’s Eye của nhà Girard-Perregaux tôn vinh vẻ nữ tính đài các và kiêu sa, còn bộ sưu tập Happy Diamonds đầy màu sắc của nhà Chopard lại thể hiện niềm khát khao tự do, bứt phá và hướng đến đời sống tinh thần bay bổng, không ràng buộc.
Khi bắt tay vào việc, nhà thiết kế sẽ đứng trước hai lựa chọn: đính kim cương lên những phiên bản có sẵn, hoặc tạo ra những mẫu đồng hồ kim cương hoàn toàn mới. Lựa chọn thứ nhất tốt cho việc… bán hàng vì ai cũng thích những phiên bản đặc biệt hơn, sang trọng hơn, còn lựa chọn thứ hai có lợi cho khâu làm hình ảnh của thương hiệu.
Đó là một công việc vô cùng phức tạp: chọn vị trí đặt kim cương, hình dạng, kích thước của kim cương để tạo ra cái nhìn mạch lạc. Chỉ một sai lầm nhỏ cũng đủ khiến tính toàn vẹn về cấu trúc của bộ vỏ, bộ khung hoặc núm vặn bị phá hủy, tạo điều kiện cho hơi ẩm hoặc bụi xâm nhập vào trong. Ngoài ra, chúng cũng có thể gây ảnh hưởng đến chuyển động cơ học của bộ máy, nhất là cơ chế tourbillon “thần thánh”.
Kim cương có thể hiện diện ở bất kỳ nơi nào trên đồng hồ, những vị trí được ưa thích nhất thường là trên mặt số, trên vỏ, trên vòng benzel, trên núm vặn, trên hai càng, thay cho cọc số. Cá biệt như mẫu Classic Fusion Haute Joaillerie của nhà Hublot nạm tới 1.185 viên kim cương ở khắp mọi chỗ, chỉ trừ trên… dây đeo. Chỉ riêng thao tác cắt kim cương đã tốn 4.100 giờ do 40 nghệ nhân thực hiện, trong đó, hàng trăm viên buộc phải có hình baguette (chữ nhật, hơi giống bánh mì baguette) đạt tới độ cân xứng hoàn hảo.
Kim cương được chọn hoặc tự nhiên, hoặc nhân tạo, tuyệt đối không dùng hàng tái chế. Chúng phải có kích thước và kiểu dáng phù hợp với các đường cong và góc cạnh của đồng hồ, không phá vỡ kết cấu tổng thể. Màu sắc và độ trong phải hoàn toàn tương đồng với nhau để có sự bắt mắt. Phần việc của những nghệ nhân đính kim cương cũng không hề đơn giản, nhất là khi chúng nằm trên bộ vỏ. Khoan quá tay có thể khiến vỏ bị thủng, mà khoan nông thì kim cương lại không thể bám chắc, dễ rơi ra ngoài.
Tất cả các “ổ” kim cương phải có độ sâu bằng nhau, theo đúng thiết kế để khi kim cương đặt vào, nhìn từ bên ngoài, chúng ta sẽ chỉ thấy những mặt cắt hoàn hảo, tạo độ sáng lấp lánh mà thôi. Đây chính là kiểu nạm Pave, phức tạp và cầu kỳ nhất trong ba phương pháp nạm kim cương lên đồng hồ hiện nay.
Với nhiều người, đồng hồ kim cương (của các thương hiệu lớn) không đơn thuần là một món phụ kiện đắt giá. Nó còn là một khoản đầu tư đảm bảo sinh lời. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó chính là việc kim cương tự nhiên đang dần khan hiếm và giá cả chỉ tăng chứ không giảm.
Đồng hồ kim cương sẽ rất khó mất giá, trừ khi người sở hữu có lý do đặc biệt để bán theo kiểu “đem cho”. Chưa kể, bản thân những chiếc đồng hồ cũng đã có đủ thế mạnh để giữ giá, từ chất liệu quý hiếm tới tính năng, từ bộ máy độc quyền tới kỹ nghệ chế tác tinh xảo.
Nếu chúng là sản phẩm của những cái tên thuộc nhóm “đỉnh chóp” như Bovet, Patek Philippe, H. Morser & Cie, MB&F, Vacheron Constantin, Jacob & Co, Auderma Piguet, Piaget, Blancpain, Girard-Perregaux hay “đình đám” như Chopard, Rolex, Hublot, Ulysse Nardin, Cartier, Omega, IWC, Grand Seiko… thì việc giá trị tăng lên từ vài tới vài chục, thậm chí vài trăm lần sau khoảng một thập niên trở đi là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Thời gian là vĩnh cửu, còn kim cương cũng là mãi mãi. Sở hữu cùng lúc cả hai yếu tố bất biến này trên cổ tay chắc chắn là trải nghiệm không phải bất kỳ ai cũng được nếm trải trong cuộc đời…
Sự phá cách luôn như một ngọn lửa, chực bùng cháy trong con người Tom Ford. Từ khi đặt chân vào ngành thời trang trong thập niên 1990, ông đã tỏa một ánh hào quang khó cưỡng. Ông là một trong những người thường xuyên gây scandal trong giới thời trang.
Cái tên Tom Ford luôn dính liền với những hình ảnh gợi cảm quá mức cho phép. Trong tấm ảnh quảng cáo nước hoa Opium cho thương hiệu Yves Saint Laurent, lúc Tom Ford còn là Giám đốc sáng tạo tại đây, người mẫu Sophie Dahl hoàn toàn khỏa thân. Chiến dịch quảng cáo này đã lập tức bị cấm. Nhiều người cho rằng Tom Ford lạm dụng việc dùng hình ảnh khỏa thân của mẫu nữ.
Năm 2002, ông một lần nữa sử dụng hình ảnh nuy trong quảng cáo nước hoa YSL M7. Chỉ có điều, lần này, Tom Ford đã dùng một người mẫu nam, với phần nhạy cảm hoàn toàn phơi bày. Giống với chiến dịch Opium trước đấy, ngay lập tức nó bị lên án và bị cấm xuất hiện.
Tom Ford không chùn bước trước dư luận. Năm 2004, ông lại tiếp tục sử dụng hình ảnh nhạy cảm để quảng cáo, lần này còn táo bạo hơn. Trong chiến dịch quảng cáo sốc nhất năm, ông đã yêu cầu tạo thành logo chữ “G” nổi danh của Gucci vào vùng kín của người mẫu nữ.
Chiến dịch lại bị cấm truyền bá. Nhưng nó mang lại biệt danh cho Tom Ford: “Ông hoàng Sex”. Tom Ford rất tự hào về điều này. “Sự gợi cảm mang về doanh thu,” ông phát biểu về hành động của mình. Năm 2019, khi được phỏng vấn về giai đoạn này, Tom Ford rất hoài niệm. Chiến dịch nữ quyền #MeToo đã khiến ông phải suy nghĩ rất kỹ trước khi chụp ảnh quảng cáo. “Bây giờ, tôi chẳng thể làm như hồi 2004 được nữa. Giới thời trang bây giờ rất nhạy cảm; chẳng ai được phát biểu điều mình suy nghĩ thật.”
Bất chấp sự phá cách có phần hoang dại, Tom Ford vẫn có một cái chất mà khiến cho tất cả giới đam mê thời trang phải tôn sùng, điên dại với các sản phẩm sáng tạo của ông. Nó là thành quả của một quá trình dài sáng tạo, dấn thân với những đam mê bất tận trong ngành công nghiệp thời trang.
Tom Ford sinh năm 1961 tại hành phố Austin, Texas, Mỹ. Ông sớm thể hiện là một người có khiếu thẩm mỹ và tư duy thiết kế tốt khi luôn chủ động sắp xếp nội thất trong phòng khách. Chính bà và mẹ là hai người phụ nữ đã truyền cảm hứng cho ông đến với con đường thời trang.
Năm 16 tuổi, Tom Ford dần lơ là chuyện học hành vì không tìm được đam mê. Một năm sau, ông chính thức bỏ học để trở thành người mẫu quảng cáo, đó cũng chính là bước đầu cho sự thành công của Tom trong lĩnh vực này. Tom Ford được nhận vào làm việc cho nhà thiết kế đồ thể thao nổi tiếng Cathy Hardwick dưới vai trò trợ lí. Nhưng do không tìm được cảm hứng với ngành công nghiệp thời trang ở Mỹ, ông quyết định sang châu Âu để theo đuổi đam mê của cuộc đời.
Vào cuối những năm 1980, hãng thời trang nổi tiếng Gucci đứng trước bờ vực phá sản. Tom Ford đến đúng vào thời điểm khó khăn nhất của Gucci và chàng trai 20 tuổi đầy hoài bão đã vực dậy cả một đế chế thời trang bằng những sáng tạo bất tận. Ông bắt đầu với vị trí thiết kế thời trang nữ và không mất quá nhiều thời gian để đứng đầu 11 dòng thời trang nổi tiếng của Gucci.
Với tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, với những đam mê trong sáng tạo, Tom chinh phục cả tập đoàn Gucci. Họ tín nhiệm và trao cho ông vị trí Giám đốc sáng tạo. Năm 1999, sau khi Gucci thâu tóm Yves Saint Laurent (YSL), Tom được đề cử giữ vị trí Giám đốc sáng tạo của thương hiệu này. Đó là một quyết định đúng, khi một lần nữa Tom đưa YSL vươn tầm thế giới.
Nhưng một con người phá cách như Tom Ford không thể dừng lại nếu không có một thương hiệu cho riêng mình. Năm 2004, sau những bất đồng trong quản lý, Tom Ford chia tay Gucci và tự lập ra thương hiệu thời trang mang chính tên của ông. Ban đầu, Tom chỉ tập trung phát triển mảng phụ kiện với một vài mẫu mã như kính mắt và mỹ phẩm. Liên tiếp trong các năm 2006 đến 2009, Tom Ford dần cho ra đời một loạt sản phẩm khác, từ nước hoa, quần áo, đồ lót cho đến giày dép,...
Bằng đẳng cấp và thương hiệu đã được định danh trong ngành thời trang thế giới, tất cả sản phẩm của Tom Ford đều được săn đón khi ra đời. Tom Ford trở thành một thương hiệu có thể cạnh tranh sòng phẳng với những hãng thời trang nổi tiếng của thế giới.
Trái ngược với những phá cách, ngẫu hứng trong công việc, người ta lại cảm nhận được một Tom Ford rất “đời” trong cuộc sống thường ngày. Là một người đồng tính, ông chung thủy với bạn đời mang tên Richard Buckley, một biên tập viên của hai tờ báo thời trang danh tiếng. 25 năm gắn bó bên nhau, họ có một cuộc sống yên bình và có với nhau một cậu con trai 10 tuổi.
Đó cũng là mái ấm, là gia đình mà ông trân trọng, nâng niu để qua đó tạo ra động lực, cảm hứng cho những sáng tạo vô tận của mình.