Động lực nào
cho tăng trưởng cuối năm?
Bài: Huyền Trang (thực hiện)
Việt Nam đã bước qua 7 tháng đầu năm với mức tăng trưởng ấn tượng cùng con số kiềm chế lạm phát “khiêm tốn”. Nhưng hiện tại, đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến khó lường, kinh tế thế giới còn nhiều điểm đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, đâu sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2022?
Nhận diện khó khăn
vượt qua thách thức
Bài: Ths. Vũ Thị Thu Hà
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn là mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo.
Động lực nào cho tăng trưởng
cuối năm
Động lực nào cho tăng trưởng
cuối năm
Nhận diện khó khăn
vượt qua thử thách

Xung quanh vấn đề này, Người Dẫn Đầu có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Thưa ông, cho đến nay, kinh tế Việt Nam với nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đang hướng tới phục hồi và dần bình thường như trước dịch. Song, thế giới bên ngoài có nhiều biến động bất lợi. Ông đánh giá thế nào về bối cảnh đó?

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, hơn 200% GDP, nên mặc dù sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu hồi phục nhưng bất kỳ cú shock bên ngoài nào cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của nước ta.

Chính vì thế, bên cạnh việc tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch, các doanh nghiệp cũng phải hết sức chú ý đến các yếu tố vĩ mô thế giới để có kế hoạch dự phòng phù hợp cho những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tổng cục Thống kê mới đây công bố báo cáo cho biết, GDP quý II/2022 của Việt Nam đạt 7,72% - mức cao nhất trong 10 năm qua, GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Đây là một kết quả rất khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cho thấy nội tại của nền kinh tế Việt Nam tương đối tốt và chúng ta đang tranh thủ được những lợi thế là một nền kinh tế sản xuất và hướng đến xuất khẩu. Việc này đã giúp cho Việt Nam có sự phục hồi hình chữ V sau đại dịch và tận dụng được việc giá cả hàng hóa thế giới đang tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng và giá năng lượng gia tăng. Tuy nhiên, kèm theo đó là “bóng ma” lạm phát quay trở lại, đe dọa đến an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Lạm phát ở mức 2,44% khiến lãi suất 6 tháng chưa phải chịu áp lực lớn để điều chỉnh (tăng). Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chưa có động thái điều chỉnh lãi suất điều hành. Nhưng thực tế lại cho thấy, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất. Ông có thể lý giải về động thái này? Theo ông, thời gian tới, diễn biến lạm phát và lãi suất sẽ ra sao? Liệu mặt bằng lãi suất tương đối dễ chịu sẽ còn kéo dài được bao lâu?

Thực tế, mặc dù NHNN chưa tăng các lãi suất điều hành nhưng NHNN cũng đã hút mạnh dòng tiền từ kênh thị trường mở và các kênh khác trong thời gian vừa qua. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt thanh khoản tại các ngân hàng thương mại (NHTM) và buộc các NHTM phải tăng lãi suất để huy động vốn, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống cũng như đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Theo tôi, hiện nay, NHNN sẽ ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát hơn là tăng trưởng, và điều này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt và tập trung ứng phó lạm phát toàn cầu. Chính vì thế, lạm phát nhiều khả năng sẽ đỡ căng thẳng hơn trong thời gian tới trước việc ưu tiên thắt chặt tiền tệ của Chính phủ và nhất là giá dầu thế giới cũng đang có dầu hiệu hạ nhiệt do lo ngại về suy thoái toàn cầu dẫn đến nhu cầu về dầu mỏ giảm.

Một số quan điểm cho rằng việc tăng lãi suất lúc này sẽ lợi bất cập hại, vì ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như tác động tới Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ. Ý kiến của ông về câu chuyện này?

Điều hành vĩ mô luôn phải dung hòa giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế, nhất là khi kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng đình lạm như hiện nay (tức vừa đình đốn, tăng trưởng kinh tế giảm và vừa lạm phát). Đây là một tình huống rất khó xử lý trong kinh tế học cũng như trong thực tiễn của các nhà điều hành.

Vì nếu như chúng ta ưu tiên kiểm soát lạm phát, hạn chế cung tiền, thắt chặt tài khóa thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Còn nếu ưu tiên phát triển kinh tế thì lại phải hy sinh lạm phát và chấp nhận mức lạm phát cao trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà điều hành vẫn phải lựa chọn để có động thái phù hợp, và thực tế cho thấy các nhà điều hành kinh tế đang ưu tiên kiểm soát lạm phát hơn.

Theo tôi, việc này là phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Chúng ta có thể hy sinh một chút tăng trưởng để tập trung vào vấn đề bình ổn giá và an sinh xã hội, khi giá cả đã được bình ổn thì sau đó phát triển kinh tế cũng chưa muộn, điều này cũng đang là xu hướng chung của các chính phủ trên toàn thế giới.

Đương nhiên, điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp hậu COVID-19 nhưng quả thật sẽ rất khó để tìm được một giải pháp có thể vừa kiểm soát lạm phát lại vừa có thể thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện tại.

Nhìn rộng hơn câu chuyện tài khóa - tiền tệ, ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2 quý tới? Đâu sẽ là động lực tăng trưởng chính? Kịch bản tăng trưởng khả thi mà ông đưa ra là gì?

Theo tôi, chính sách tài khóa luôn có độ trễ nhất định so với chính sách tiền tệ, do hệ thống thuế, thu chi ngân sách đều đã được lên kế hoạch từ kỳ tài khóa trước, và sẽ mất thời gian để điều chỉnh cũng như thay đổi do phải qua khá nhiều bước thủ tục và các cơ quan liên quan. Đó là lý do vì sao chính sách tài khóa chậm thay đổi hơn so với chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, cũng nhìn nhận rằng, chúng ta đang khá chậm trong các vấn đề thay đổi để chống lạm phát chi phí đẩy như giảm thuế môi trường hay thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu, và việc giảm này cũng khá nhỏ giọt trong khi tỷ trọng các loại thuế phí này chiếm gần một nửa giá xăng dầu.

Chính vì thế, theo tôi, Chính phủ và Bộ Tài chính cần quyết liệt hơn để giảm giá xăng dầu, nguyên nhân chính gây ra lạm phát hiện nay và điều này sẽ góp phần kiểm soát được lạm phát trong thời gian tới.

Như chúng ta thấy, kịch bản của kinh tế thế giới là rất khó xác định một cách chính xác từ giờ cho đến cuối năm bởi có rất nhiều diễn biến không dự báo được như xung đột Nga-Ukraine hay căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây có còn tiếp diễn hay không.

Hoặc các yếu tố về đứt gãy chuỗi cung ứng có thể được giải quyết trong thời gian tới hay không, đặc biệt là liệu Trung Quốc có từ bỏ chính sách zero COVID, hay các biến chủng mới vừa được phát hiện liệu có phải là mối đe dọa tiếp theo cho toàn cầu. Và các yếu tố này lại có ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế Việt Nam trong hai quý tới.

Do đó, việc dự báo về kinh tế Việt Nam có thể sẽ thực sự khó khăn.

Sẽ có 3 động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất là phục hồi sản xuất kinh doanh, thứ hai là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển khu vực FDI và thứ ba sẽ là sự phục hồi, bùng nổ trở lại của du lịch và các ngành dịch vụ.

Nhưng theo quan điểm của tôi, sẽ có hai kịch bản chính cho kinh tế Việt Nam. Kịch bản tốt là kinh tế Việt Nam sẽ vượt bão tốt và đạt được thành tựu khả quan trong năm nay, tăng trưởng kinh tế có thể đạt trên 7%, lạm phát dưới 4% nếu như căng thẳng giữa Nga và phương Tây không có các dấu hiệu quá tiêu cực trong thời gian tới, COVID-19 dần bị loại bỏ và Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Kịch bản xấu là nếu như xung đột Nga-Ukraine thêm leo thang đẩy giá dầu tăng đột biến trở lại và Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng cửa nền kinh tế do lo ngại COVID-19 hay các biến chủng mới trở thành mối đe dọa toàn cầu thì lạm phát có thể vượt so với mục tiêu đề ra và tăng trưởng sẽ quay trở lại dưới 5%, đồng thời áp lực lên tỷ giá, thị trường chứng khoán, lãi suất ngân hàng cũng sẽ rất lớn.

Như ông vừa chia sẻ, giá xăng dầu tác động rất mạnh lên mặt bằng chung của nền kinh tế. Vậy với đà tăng giá xăng dầu như thời gian vừa qua, ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát những tháng cuối năm 2022? Áp lực lạm phát tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Theo tôi, nếu như tình hình căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây không trở nên quá tồi tệ, thì giá dầu 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ hạ nhiệt do lo ngại về suy thoái toàn cầu, nên áp lực lạm phát sẽ không đến nỗi quá lớn như 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Chính phủ thời gian qua cũng đã chủ động giảm mạnh thuế phí xăng dầu để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Do vậy, theo tôi, những tháng cuối năm sẽ “dễ thở” hơn và không gây trở ngại quá lớn đối với tăng trưởng.

Theo lý thuyết về đường cong Philip, thì một mức lạm phát dương nhưng trong tầm kiểm soát vẫn có tác động tích cực đến việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.

Còn nếu như tình hình địa chính trị trở nên xấu đi trong những tháng cuối năm, thì lạm phát chắc chắn là thứ chúng ta phải ưu tiên xử lý trước sau đó mới tính đến việc thúc đẩy tăng trưởng.

Vậy với mối lo lạm phát cùng bối cảnh đại dịch vẫn chưa kết thúc hoàn toàn, theo ông, yếu tố nào sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm 2022?

Theo tôi, sẽ có 3 động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất là phục hồi sản xuất kinh doanh, thứ hai là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển khu vực FDI và thứ ba sẽ là sự phục hồi, bùng nổ trở lại của du lịch và các ngành dịch vụ.

Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 6-6,5%. Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu này không, thưa ông?

Nếu như kịch bản 6 tháng cuối năm không trở nên quá tồi tệ bởi các cú shock không thể dự báo được như xung đột và căng thẳng giữa các cường quốc, thì theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí vượt mục tiêu trong năm nay.

Xin cảm ơn ông!

Từ định hướng này của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ vừa kiểm soát lạm phát, vừa góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phải ứng xử ra sao?

Vì sao thế giới “cuống cuồng” chống lạm phát?

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008 - thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, bắt đầu từ sự sụp đổ của Lehman Brothers - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ khi đó. Tiếp sau Lehman Brothers là hàng loạt ngân hàng trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực châu Á, phá sản. Thế giới đã trải qua khủng hoảng với thiệt hại được thống kê sau này là khoảng 10.000 tỷ USD, lạm phát toàn cầu lên đến 9,2%, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo…

Bài học xương máu đó còn nguyên giá trị đến hôm nay. Điều đó lý giải tại sao ngay khi lạm phát có dấu hiệu tăng, NHTW các nước đã lập tức hành động. Cuộc khủng hoảng 2008 bắt nguồn từ cho vay dưới chuẩn dẫn đến hệ thống tài chính ngân hàng sụp đổ, kéo theo đổ vỡ, phá sản của các tập đoàn, doanh nghiêp… Nhưng lần này, khủng hoảng bắt đầu từ sự “vung tay quá trán” - những gói hỗ trợ, nới lỏng tiền tệ lớn chưa từng có của chính phủ các nước nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi trì trệ do tác động của đại dịch COVID-19. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan ra nhanh chóng hơn bởi sự cộng hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch với xung đột Nga-Ukraine; và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tới đây sẽ càng khoét sâu thêm thương tổn của kinh tế thế giới.

Chỉ trong vòng 12 tháng trở lại đây, NHTW các nước đã tiến hành 196 lượt tăng lãi suất nhằm đối phó với tình trạng lạm phát tăng quá nhanh.

Lần này, cũng là Mỹ “đi đầu” khi tháng 6/2020, Hạ viện nước này thông qua đạo luật mang tên “Các giải pháp toàn diện phục hồi kinh tế và sức khỏe” (viết tắt là HEROES - những người anh hùng), nhằm tung thêm gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến với dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế Mỹ. Trước đó, quốc gia này đã có các gói 2.000 tỷ USD vào tháng 2/2020; 484 tỷ USD vào tháng 4/2020.

Không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng triển khai các gói hỗ trợ lớn chưa từng có. Và giờ, anh hùng đã trở thành “kẻ tội đồ”. Tại gần 90% các nền kinh tế đang phát triển và tất cả các nền kinh tế phát triển, lạm phát thực tế đều đã cao hơn mục tiêu. Trong đó, tính đến tháng 6/2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; CPI tại Mỹ tăng 9,1%, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 8,6%, Áo tăng 8,5%, Italy tăng 8,0%...

Và rồi chỉ trong vòng 12 tháng trở lại đây, NHTW các nước đã tiến hành 196 lượt tăng lãi suất nhằm đối phó với tình trạng lạm phát tăng quá nhanh. Điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối tháng 7/2022 tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % lần thứ hai liên tiếp và là lần tăng thứ 4 trong năm nay. Hay như ngày 2/8, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên 1,85%. Ngân hàng này đã tăng lãi suất 4 tháng liên tiếp và đây cũng là giai đoạn RBA có tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong gần 30 năm qua.

Việt Nam “ngược gió”

Có một bài thơ khá nổi tiếng là “Một chiều ngược gió” của nhà thơ Bùi Sim Sim. Bài thơ này bắt đầu bằng câu: “Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh”. Ở đây, chúng tôi không có ý định bình thơ, nhưng hiểu trên nghĩa đen, cô gái trong bài thơ đã rất can đảm, hy sinh nhiều thứ để đến với tình yêu của mình. Vậy phải chăng Việt Nam cũng đang rất kiên định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nên “ngược đường” với đa số các quốc gia trên thế giới: Chưa thực hiện tăng lãi suất điều hành; triển khai mạnh mẽ Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong hai năm 2022-2023 với quy mô 350 nghìn tỷ đồng.

Số liệu thống kê hết tháng 6/2022 cho thấy: GDP tăng trưởng 6,42% - gần đạt mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đặt ra cho năm nay. Vì thế, hầu hết các dự báo đều cho rằng GDP của Việt Nam sẽ “đi ngược” xu hướng giảm của toàn cầu với tăng trưởng vượt 7% trong năm nay. Trong khi đó, việc kiểm soát lạm phát tuy có nhiều sức ép nhưng CPI bình quân 7 tháng tăng 2,54%. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế dự báo lạm phát của Việt Nam chỉ quanh mức 4% trong cả năm nay.

Trong cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tháng 7/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ mức 6% trước đây lên 7%; đồng thời giữ nguyên mức dự báo lạm phát với Việt Nam trong năm 2022. Còn theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, nếu cân bằng được giữa nhu cầu cung cấp hỗ trợ chính sách liên tục để củng cố sự phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang nổi lên, kỳ vọng Việt Nam có thể tăng trưởng GDP hơn 7%, trong khi giữ được lạm phát chỉ khoảng 3,8% trong năm nay.

Và hoạt động của các tổ chức tín dụng

Theo công bố báo cáo tài chính của nhiều NHTM, bức tranh về kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM có nhiều điểm sáng, đặc biệt là tăng trưởng về lợi nhuận. Một số ngân hàng công bố về lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm: VPBank đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch cả năm; Techcombank báo lãi trước thuế hơn 14.100 tỷ đồng, thực hiện được hơn 52% kế hoạch lợi nhuận đề ra; MB thu về 11.920 tỷ đồng lợi nhuận, đạt trên 50% kế hoạch… Ở khối các NHTM Nhà nước, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu toàn hệ thống với lợi nhuận trước thuế ấn tượng 17.300 tỷ đồng; Vietinbank thu về 11.600 tỷ đồng; con số này ở BIDV là 11.084 tỷ đồng…

Tuy nhiên, đây mới là kết quả kinh doanh của 6 tháng đầu năm. Vấn đề lớn nhất đặt ra đối với các NHTM những tháng cuối năm là NHNN thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Do đó, trước nhiều sức ép lạm phát tăng do cả cầu kéo và chi phí đẩy như hiện nay và cả thời gian tới, NHNN sẽ kiểm soát chặt mức cung tiền, mà quan trọng nhất là tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%) là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua. Hiện tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam theo đánh giá của WB là cao nhất thế giới, 124% (theo GDP mới). Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong điều kiện áp lực lạm phát tăng, thì đây là sự cố gắng rất lớn của ngành Ngân hàng. Mức tăng trưởng tín dụng cả năm 14% đã được NHNN đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo các mục tiêu đề ra.

NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Qua 6 tháng đầu năm, nhiều NHTM đã sử dụng hết hoặc gần hết room tín dụng NHNN cấp (đây chính là yếu tố cơ bản giúp lợi nhuận của ngân hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm). Sau nhiều cuộc họp bàn, cho đến cuối tháng 7/2022, NHNN vẫn chưa giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào, tuy rằng đã có NHTM được duyệt chỉ tiêu tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Như vậy, lợi nhuận ngân hàng những tháng cuối năm sẽ không thể tăng mạnh như đầu năm khi nguồn từ tín dụng giảm mạnh.

Một vấn đề khác, trong khi cầu tín dụng vẫn đang rất cao nhưng nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%, tạo áp lực tăng lãi suất. Thực tế là mặt bằng lãi suất huy động đã tăng từ 1-1,5% (tùy từng ngân hàng và tùy theo kỳ hạn) so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tín dụng trên tiền gửi đã là 99%, nguy cơ rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng rất lớn, đặc biệt với những NHTM có tỷ lệ tín dụng lĩnh vực bất động sản cao.

Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng song lãi suất cho vay lại khó tăng do yêu cầu giữ ổn định lãi suất cho vay của cơ quan quản lý, dẫn đến NIM (chênh lệch lãi suất biên ròng) của các NHTM sẽ giảm. Mặt khác, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn tăng song tỷ trọng CASA trong tổng tiền gửi sẽ không cao như trước. Vì khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản trầm lắng, tiền chảy về ngân hàng nhưng người dân sẽ gửi có kỳ hạn thay vì để trên tài khoản thanh toán chờ cơ hội “lướt sóng” như trước đây. Như vậy, sẽ không còn nhiều NHTM tận dụng được nguồn vốn giá rẻ như giai đoạn trước.

Khi nguồn thu từ tín dụng giảm, các NHTM sẽ phải tăng thu từ dịch vụ, bán chéo sản phẩm... Nhưng kênh Bancassurance hiện đã phủ khắp các ngân hàng, thậm chí cả đến các fintech nên sức ép cạnh tranh rất lớn. Mảnh đất màu mỡ, có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất là thanh toán thì thời gian qua, các NHTM đã, đang thực hiện chính sách miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ để thu hút khách hàng, lấy số lượng khách hàng nhiều để bù đắp phần nào chi phí đã đầu tư. Song, nguồn thu từ dịch vụ chưa tăng như kỳ vọng.

Việc này khiến ngân hàng phải tính toán giữa việc có thể tiếp tục duy trì chính sách miễn, giảm phí dịch vụ nữa hay không? Và nếu thực hiện thu phí thì thu ở mức nào, có thể giữ chân được khách hàng không khi mà người sử dụng dịch vụ lâu nay đã quen với việc được miễn phí.

Nhưng nói như vậy không phải hoạt động kinh doanh của NHTM sẽ trầm lắng trong những tháng cuối năm. Bởi dù thế nào, NHNN vẫn phải cấp thêm room tín dụng để các NHTM triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô hơn 16.000 tỷ đồng và năm 2023 là gần 24.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chính sự bất ổn, biến động không ngừng của các đồng tiền trên thế giới sẽ mở ra cơ hội kinh doanh ngoại hối và phát triển các sản phẩm phái sinh, bảo lãnh thanh toán…

Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu: Các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nghiêm chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh các thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hiện còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, TCTD cần rà soát đánh giá toàn diện hoạt động của tổ chức mình; nhận diện rủi ro, có cách thức xử lý phù hợp.

Đặc biệt, TCTD phải cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn cho phù hợp; đảm bảo cân đối về thời hạn và cân đối về loại tiền, tránh trường hợp đối mặt với rủi ro thanh khoản; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn hệ thống ngân hàng và tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số…

Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, phân tích kỹ lưỡng những động thái của NHTW các nước và những thay đổi chính sách vĩ mô trong nước để có những quyết sách, hành động hướng đến mục tiêu “bất di bất dịch” của Ngành, đó là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống.

(Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng)