VIETCOMBANK MÓNG CÁI TỔ CHỨC HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ QUẦN CHÚNG ƯU TÚ

16/06/2020 02:21 CH
Chào mừng thành công Đại hội Chi bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Móng Cái (Vietcombank Móng Cái) lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vừa qua Chi bộ Vietcombank Móng Cái đã tổ chức hành trình về nguồn cho 25 cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú tại hai địa điểm Côn Đảo và thành phố Hồ Chí Minh.

Điểm đầu tiên đoàn dừng chân là nhà tù Côn Đảo - nơi từng được mệnh danh “địa ngục trần gian”. Trong 113 năm tồn tại (1862 - 1975), nhà tù Côn Đảo đã là nơi giam giữ, đầy đọa hàng chục vạn chiến sỹ cách mạng, nhà yêu nước của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc, trong đó  nhiều đồng chí sau này đã trở thãnh lãnh đạo và cán bộ xuất sắc của Đảng như đồng chí Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng v.v…

Đoàn đến thăm Bảo tàng Côn Đảo

Các thành viên trong đoàn đã không khỏi cầm lòng trước sự tàn bạo của quân xâm lược đối với những người chiến sỹ Việt Nam. Vốn sinh ra và lớn lên vào thời bình, chúng tôi chỉ biết chiến tranh qua sử sách và ký ức của thế hệ đi trước, bỗng ngỡ ngàng nhận ra nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh vẫn còn in dấu vào từng cành cây, ngọn cỏ trên mảnh đất này.

Đoàn đến thăm Trại Phú Hải (Côn Đảo)

Chúng tôi đã đứng lặng hồi lâu trước những trại giam, nghĩa địa tù… lặng người trước những câu chuyện kể về tội ác của kẻ địch, về tình người, tình đồng chí, về sự chịu đựng, hy sinh… với niềm cảm phục, tự hào. Dường như ở Côn Đảo mỗi tảng đá, mỗi gốc cây, mỗi thảm cỏ, mỗi lối đi trong trại giam đều thấm đẫm mồ hôi và máu của những người tù nhân cách mạng trong hơn một thế kỷ đấu tranh. Thăm quan di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, niềm bồi hồi xúc động trước những mất mát, hy sinh lớn lao vượt sức tưởng tượng và chịu đựng của con người lại dâng tràn. Mỗi hiện vật, mỗi ngôi mộ, xà lim, hầm tối… không chỉ là một số phận, một chứng tích tội ác của thực dân, đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam. Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý và truyền lại để tạo nên sức mạnh và niềm tin vững chắc cho thế hệ hôm nay.

Hành trình tiếp theo của đoàn là Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng. Nghĩa trang Hàng Dương rộng lớn, linh thiêng và yên tĩnh, hàng ngàn cây dương ngày đêm rì rào đưa du khách chìm vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Về đây chúng tôi càng thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước, những con người đã làm lên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến.

Đoàn đã thăm nơi yên nghỉ của anh hùng Võ Thị Sáu - người con gái đất đỏ kiên trung và bất khuất. . Chị Sáu hy sinh nhưng tinh thần và tâm hồn của chị mãi mãi bất diệt cùng non sông đất nước. Trong không khí linh thiêng ấy, chúng tôi chợt nhận thấy mình thật bé nhỏ, cần phải cố gắng học tập và công tác tốt hơn nữa, là động lực giúp chúng tôi vững tin vào con đường đúng đắn mà Đảng và Bác đã chọn.  

Đoàn đến thăm Trại Phú Bình (Côn Đảo)

Chia tay Côn Đảo, đoàn đến với thành phố mang tên Bác, ghé thăm địa đạo Củ Chi “đất thép thành đồng” - nơi đã từng là địa bàn cư trú cũng như làm việc của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến. Củ Chi đã ghi dấu những chiến tích hào hùng của dân tộc về tinh thần quả cảm cũng như thể hiện trí tuệ của những con người nước Nam nhỏ bé tay không chống giặc. Được tự mình trải nghiệm cuộc sống của người dân  thời kỳ chiến tranh khi xuống hệ thống đường hầm - công trình kiến trúc độc đáo và là một trong năm đường hầm trứ danh thế giới, ta mới hiểu được vì sao nước Việt Nam bé nhỏ lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân lớn hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, nhân dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt. Tại lòng đất của địa đạo, chúng tôi cảm nhận được ý chí bất khuất, ý chí tự lực tự cường của người Việt Nam. Mọi người đều trào dâng một niềm cảm phục trước sự thông minh, linh hoạt và sáng tạo của quân và dân “đất thép thành đồng”. Chỉ có những chuyến đi thực tế như thế này mới cho thế hệ chúng tôi cảm nhận những gian khổ, hy sinh mất mát và ý chí kiên cường cùng tinh thần yêu nước bất khuất của quân và dân ta.

Đoàn đến thăm Địa đạo Củ Chi “đất thép thành đồng”

Điểm đến cuối cùng của đoàn trong hành trình Về nguồn lần này là Bến cảng Nhà Rồng. Thật vinh dự và tự hào cho chúng tôi khi đến nơi đây vào đúng ngày 05/06/2020 - nơi mà 109 năm về trước, ngày 05/06/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Người thanh niên khi đó tinh thần đã vượt qua núi cao, không quản ngại hy sinh thân minh để đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc Được tìm hiểu và lắng nghe những câu chuyện về Bác, chúng tôi càng trân trọng những giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường mà Người  đã khắc sâu vào lịch sử Việt Nam.

Đoàn đến thăm Bến Cảng Nhà Rồng ngày 05/06/2020

Có thể nói, hành trình về nguồn là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, để mỗi chúng tôi - những cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú của Vietcombank Móng Cái tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, góp phần đưa đất nước vươn mình ra biển lớn, sánh vai với bè bạn năm châu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.

VCB News

Tin đã đăng


​Trang thông tin điện tử Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank 
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. Nguyễn Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc
Liên hệ: Ban biên tập - Phòng Quan hệ Công chúng - Tòa nhà VCB Tower - 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.



Điện thoại: 84-24-39343137

Fax: 84-24-39365402

Email: vcbnews.ho@vietcombank.com.vn​