Ngày 25/05/2017, tại Trụ sở Chi nhánh Vietcombank Hưng Yên, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Hội thảo về công tác quản lý và xử lý nợ có vấn đề năm 2017 cho một số chi nhánh khu vực miền Bắc. Tới dự hội thảo, về phía khách mời có sự tham dự của ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư Pháp, bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư Pháp; Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh - Cục trưởng Cục An ninh Tài chính tiền tệ và đầu tư (A84) - Bộ Công an; đại tá Trần Anh Dũng - Trưởng phòng 6 Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an, các Trưởng, phó phòng, trinh sát viên, điều tra viên của A84 và C46. Về phía tỉnh Hưng Yên, tới dự hội thảo có ông Vũ Viết Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, ông Vũ Hoàng Thu - Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên. Về phía Trụ sở chính Vietcombank có Phó Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thắng, đại diện phòng đầu mối tổ chức Hội thảo là Phòng Công nợ, cùng đại diện các phòng nghiệp vụ liên quan khác: Phê duyệt tín dụng, Quan hệ công chúng. Về phía các chi nhánh Vietcombank khu vực phía Bắc có đại diện của Vietcombank Hưng Yên (chi nhánh đồng tổ chức Hội thảo), đại diện Ban Giám đốc và cán bộ xử lý thu hồi nợ của 08 chi nhánh Vietcombank khác (Hải Phòng, Thái Bình, Hạ Long, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc).
Ông Hoàng Sỹ Thành, - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư Pháp phát biểu tại Hội thảo
Năm 2017, công tác quản lý, xử lý và thu hồi nợ có vấn đề tiếp tục được Vietcombank đặt ra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận kinh doanh 9.200 tỷ đồng lợi nhuận truớc thuế, mà trong đó kế hoạch thu nợ ngoại bảng chiếm tỷ trọng đáng kể. Khu vực miền Bắc hiện đang là khu vực có tỷ lệ nợ có vấn đề cao thứ 2 trong toàn hệ thống Vietcombank. Do đó, việc tổ chức hội thảo này thể hiện sự quan tâm của Ban lãnh đạo Vietcombank đối với công tác quản lý và xử lý nợ có vấn đề, cũng như quyết tâm đẩy mạnh hiệu quả công tác thu hồi nợ có vấn đề tại các chi nhánh khu vực miền Bắc nói riêng và toàn hệ thống nói chung.
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, - Cục trưởng Cục An ninh Tài chính tiền tệ và đầu tư (A84) - Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã diễn ra trong vòng 01 ngày. Tại hội thảo, đại diện phòng Công nợ với vai trò là phòng quản lý về công tác xử lý thu hồi nợ có vấn đề của hệ thống Vietcombank, đã trình bày về cách thức nhận biết nợ có vấn đề tiềm ẩn, cách thức ứng xử khi nợ có vấn đề phát sinh và các biện pháp xử lý theo từng giai đoạn, đồng thời trao đổi các kinh nghiệm triển khai các biện pháp xử lý nợ thông qua một số trường hợp thực tế điển hình của khu vực miền Bắc và trong hệ thống Vietcombank. Về phía các chi nhánh, Giám đốc/Phó giám đốc các chi nhánh tham dự hội thảo cũng đã sôi nổi, nhiệt tình phát biểu ý kiến tại hội thảo, chia sẻ về thực tế tình hình công tác quản lý, xử lý nợ có vấn đề tại từng chi nhánh, nêu ra các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý thu hồi nợ. Đối với các khó khăn vướng mắc mà chi nhánh gặp phải, đại diện Trụ sở chính đã phối hợp với các khách mời để đưa ra phương án giải đáp, cách thức xử lý phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.
Ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh và Đại tá Trần Anh Dũng nhấn mạnh rằng xử lý nợ xấu là một phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, đồng thời đánh giá cao quyết tâm xử lý nợ xấu của Ban lãnh đạo Vietcombank, cũng như vị thế của Vietcombank là một trong những ngân hàng đi đầu về công tác xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Đại diện Bộ Công an cũng đề nghị Vietcombank tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Vietcombank (tổ chức tín dụng mà Nhà nước sở hữu đa số cổ phần) và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh tài chính ngân hàng và phòng chống tội phạm, nhằm hạn chế tổn thất vốn vay – tài sản Nhà nước.
Bà Chu Thị Châu Hạnh –Trưởng phòng Công nợ TSC Vietcombank thuyết trình tại Hội thảo
Ông Nguyễn Xuân Cao Cường – Giám đốc Vietcombank Hưng Yên phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Về phía Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cũng đã phát biểu tại hội thảo và cho biết mặc dù việc thu hồi nợ thông qua khởi kiện và thi hành án là một trong các biện pháp xử lý nợ mạnh và phát huy hiệu quả, nhưng cho đến nay số lượng nợ xấu tồn đọng qua thi hành án vẫn ở mức cao. Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cũng nghiêm túc chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thi hành án chậm từ cả phía cơ quan thi hành án dân sự và phía ngân hàng, đồng thời khẳng định Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương tích cực đẩy mạnh công tác thi hành án nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu ngành ngân hàng, theo đúng nghị quyết, chính sách của Quốc hội, Chính phủ và dựa trên khuôn khổ Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự.
Đại diện khách mời, Ban lãnh đạo Vietcombank và Giám đốc các chi nhánh Vietcombank tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm
Phát biểu kết luận và bế mạc hội thảo, ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục An ninh Tài chính tiền tệ và đầu tư, và Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đối với hoạt động của Vietcombank trong thời gian vừa qua, đồng thời cho biết Vietcombank sẽ tiếp tục tích cực đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác xử lý thu hồi nợ có vấn đề trong thời gian tới. Ông Phạm Mạnh Thắng cũng đánh giá cao nội dung và ý nghĩa của hội thảo, khẳng định rằng hội thảo đã tạo cơ hội để Trụ sở chính và các Chi nhánh trao đổi, thảo luận, tự học hỏi để cùng nâng cao kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, từ đó đẩy mạnh công tác xử lý nợ tại các chi nhánh tại khu vực miền Bắc nói riêng và toàn hệ thống nói chung.
VCB News