Trong thời gian từ ngày 12 đến 15/11/2020, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37; cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan, đại diện các Tiểu ban Ủy ban quốc gia ASEAN 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Đại diện Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT đã tham dự, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông tại sự kiện.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong năm cả trong nội khối cũng như với các đối tác, đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm, lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN.
Về chương trình, có khoảng 20 hoạt động cấp cao, trong đó có Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên hợp quốc, Australia và cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Đối tác ASEAN - New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Dịp này cũng sẽ diễn ra các Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản, Mekong - Hàn Quốc...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37
Các hoạt động khác được tổ chức trong khuôn khổ các Hội nghị cấp cao lần này có: Phiên đối thoại với đại diện Hội đồng Kinh doanh Đông Á, Lễ khởi động chuỗi Logistics công nghệ cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS).
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội trong khi các nỗ lực “mở cửa” trở lại và từng bước phục hồi của các quốc gia còn gặp thách thức.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN
Bên cạnh đó, là diễn biến phức tạp của môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống đe dọa an ninh, ổn định ở khu vực. Do đó, Hội nghị là dịp quan trọng để lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cam kết, quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì đà hợp tác, liên kết khu vực, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, củng cố vai trò trung tâm, vị thế của ASEAN cũng như định hướng phát triển phù hợp cho ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định.
Tại các hội nghị cấp cao ASEAN và với các đối tác, các nhà lãnh đạo tập trung trao đổi bốn nội dung chính: Một là, về đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua khó khăn, thách thức; Hai là, việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN; Ba là, kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi dịch COVID-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi; Thứ tư, trao đổi vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Quá trình gia nhập và đồng hành cùng ASEAN trong suốt 25 năm qua chính là tiền đề để Việt Nam triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của mình. ASEAN đã trở thành ngôi nhà chung, cộng đồng ASEAN là cơ sở quan trọng trong việc duy trì bản sắc của Đông Nam Á.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank (thứ 3 từ phải sang) cũng lãnh đạo các Bộ, Ngành tham dự hội nghị
Trong các hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch bệnh COVID-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân luôn ở vị trí trung tâm.
Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN. Hướng tới một cộng đồng ASEAN giàu bản sắc; lãnh đạo ASEAN khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng bài hát ASEAN, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng.
Không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Columbia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số các nước tham gia Hiệp ước này lên con số 43.
Chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng rằng Brunei, trong vai trò Chủ tịch kế tiếp sẽ tiếp tục đưa ASEAN tiến lên phía trước hướng tới một Cộng đồng ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phục hồi toàn diện và phát triển bền vững.
Là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu với LHQ các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng; đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời và chủ động ứng phó trước các thách thức xuyên quốc gia đang đe dọa ổn định và phát triển toàn cầu, trong đó có bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký LHQ ghi nhận việc hai bên thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-LHQ giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Chủ tịch Hội nghị sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch, phản ánh các kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN – LHQ lần thứ 11.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông tại sự kiện
Tham dự và trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông tại tại sự kiện, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng rất sâu rộng tới các doanh nghiệp và ngân hàng. Trước trạng thái kinh tế mới, Vietcombank đã có các bước chuyển dịch phù hợp. Đó là đã định hình lại cấu trúc danh mục tín dụng theo hướng an toàn và bền vững; đẩy nhanh quá trình số hóa, phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử. Trong năm 2020, Vietcombank đã khai trương hệ thống thanh toán số mới trên cơ sở tich hợp các tiện ích của Internet Banking và Mobile Banking. Nhằm chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước khó khăn do dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2020, Vietcombank đã triển khai chương trình lãi suất cho vay đặc biệt với gói cho vay 30.000 tỷ đồng và tháng 4/2020, Vietcombank đã kích hoạt giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp bởi dịch COVID-19 với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm.
Nhận định về khả năng phát triển của các doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng: với khả năng linh hoạt và thích ứng của các doanh nghiệp, khu vực ASEAN sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Với xu thế đó, các doanh nghiệp cần có lộ trình cũng như cơ cấu lại hoạt động kinh doanh lõi theo hướng phù hợp với tình hình kinh tế mới.
Là ngân hàng đồng hành cùng sự kiện, Vietcombank đã tham gia phối hợp cùng Ban Tổ chức triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước cùng đối tác nước ngoài các thông tin nổi bật về hoạt động, quá trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hệ thống sản phẩm dịch vụ hiện đại trên nền tảng số của Vietcombank, nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu Vietcombank trên trường quốc tế, góp phần vào thanh công chung của chuỗi sự kiện.
VCB News