BÀI THAM LUẬN CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ VIETCOMBANK TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ III, NHIỆM KỲ 2020-2025

21/10/2020 06:19 CH
Chủ đề: Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước - thực tiễn tại Vietcombank và một số kiến nghị, đề xuất.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu xác định doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Quán triệt các chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương về đẩy mạnh tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng trong khối. Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ Vietcombank đã lãnh đạo Hội đồng quản trị xây dựng và ban hành Đề án cơ cấu lại Vietcombank giai đoạn 2016-2020, trọng tâm là Phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, hội nhập quốc tế.

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

Nội dung đề án xác định các mục tiêu chiến lược kinh doanh giai đoạn 5 năm. Thực hiện 3 đột phá chiến lược: (i) đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh doanh; (ii) Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quản trị nội bộ và chính sách với khách hàng; (iii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng năng lực thích ứng với ngân hàng số.

Trên cơ sở đó, Đảng bộ đã lãnh đạo ban hành chương trình hành động, hệ thống các giải pháp thực hiện.

Kết quả sau 5 năm, hệ thống Vietcombank đã thực hiện thành công Đề án cơ cấu với những dấu ấn nổi bật, hiệu quả kinh doanh bứt phá và đạt được những nền tảng quan trọng.

Quy mô kinh doanh tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng chiến lược.

Giai đoạn 2015 – 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng hàng năm của Vietcombank đạt gần 20%/năm. Qui mô tăng gần 2,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh doanh chuyển dịch mạnh mẽ theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Vietcombank đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là tài trợ vốn cho các chương trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đến tháng 9/2020 đạt gần 900 ngàn tỷ đồng.

Vietcombank cùng với các Ngân hàng thương mại Nhà nước đã khẳng định được vị trí chủ đạo và chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, giữ vững vai trò chi phối cung ứng vốn cho nền kinh tế với mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường. Tỷ trọng dư nợ cho vay của 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước đạt tới gần 50% dư nợ toàn ngành ngân hàng (có gần 100 tổ chức tín dụng, ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam).

Trong đại dịch Covid 19 vừa qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại Nhà nước đã tiên phong trong chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ, giảm miễn lãi. Ngay trong thời điểm đỉnh dịch, Vietcombank đã chủ động làm việc với một số Tập đoàn, Tổng công ty trong khối để cùng chia sẻ khó khăn, đồng hành hợp tác trong tình hình mới: Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty khoan thăm dò khai thác dầu khí, Tập đoàn Than khoảng sản, Tập Đoàn Điện lực, Tổng Công ty Hàng không, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Dệt May và một số Tập đoàn, Tổng công ty trong Khối. Tổng số lãi Vietcombank thực hiện miễn giảm cho các doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch Covid gần 3.000 tỷ đồng.

Chất lượng quản trị và năng lực tài chính của Vietcombank được nâng cao, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Nợ xấu được kiểm soát một cách thực chất. Tỷ lệ nợ xấu từ gần 3% đầu nhiệm kỳ đến nay giảm chỉ còn 0,8%. Thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát chung của Quốc hội là dưới 3%; Tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu đạt trên 180%, mức an toàn theo thông lệ quốc tế tốt nhất.

Cơ cấu thu nhập chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng tăng trưởng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 30% trong tổng thu nhập của Vietcombank.

Hiệu quả kinh doanh hàng năm tăng trưởng cao, về đích trước 2 năm so với đề án

Năm 2017, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng (đạt 11.300 tỷ đồng). Năm 2019, con số này tăng lên là 23.000 tỷ đồng (tương ứng ~ 1 tỷ USD), tăng gần 4 lần so với năm 2015. Với kết quả này, Vietcombank là một trong hai doanh nghiệp niêm yết nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước và được xếp vào nhóm 200 tập đoàn tài chính, ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất toàn cầu.

Phát triển mạng lưới mở rộng ra quốc tế:

Cùng với hệ thống mạng lưới đã có tại Mỹ, Singapore, Hồng Kông... Năm 2018 Vietombank đã mở chi nhánh tại Lào, và vào tháng 11/2019 khai trương Văn phòng đại diện tại Mỹ theo cấp phép của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Năm 2020 Vietcombank vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận mở chi nhánh tại Australia.

Tích cực thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội:

Bên cạnh thành công trong hoạt động kinh doanh, Vietcombank luôn cùng với các doanh nghiệp trong khối chủ lực thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, Vietcombank đã tài trợ trên 1.000 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực nhà ở cho người nghèo, xây dựng các trường học, công trình y tế, các công trình hạ tầng tại các địa bàn khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Gần đây nhất, trước tình hình bão lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh Miền Trung, theo chủ trương của Đảng ủy, Công đoàn Vietcombank đã phát động cán bộ và người lao động toàn hệ thống dành một phần tiền lương ủng hộ đồng bào vùng lũ. Trong hai ngày 16 và 17/10, Đoàn công tác của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã vào thăm, động viên và trao số tiền 11 tỷ đồng để chia sẻ một phần khó khăn với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào vùng lũ lụt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Bình. Số tiền trên là rất nhỏ bé so với những mất mát, thiệt hại mà cán bộ, chiến sỹ và người dân vùng lũ phải gánh chịu, song đã thể hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, của Vietcombank.

Những thành quả đạt được qua quá trình tái cơ cấu của Vietcombank đã góp phần cùng với các doanh nghiệp, ngân hàng trong khối khẳng định vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn 2015-2020, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, cùng với đại dịch Covid -19 bùng phát toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội nước ta trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu, là điểm sáng của khu vực và quốc tế. Trong thành công đó, vai trò của doanh nghiệp nhà nước tiếp tục khẳng định là một lực lượng vật chất quan trọng của nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 33% ngân sách nhà nước, 28% GDP cả nước. Đặc biệt qua đại dịch Covid 19, các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép: vừa duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vừa khẳng định tính tiên phong, chia sẻ trách nhiệm với xã hội; trở thành công cụ quan trọng của Nhà nước trong điều tiết và bình ổn thị trường, nguồn cung, giá cả những lĩnh vực thiết yếu của đời sống người dân, góp phần quan trọng ổn định kinh tế xã hội.

Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 đã xác định doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên thực tế trong những năm qua, các cơ chế chính sách của Nhà nước để nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước còn thiếu đồng bộ. Vốn đầu tư cùa Nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước còn rất hạn chế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mới triển khai một chiều là giảm vốn, thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước mà chưa bổ sung vốn cho những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh then chốt, thiết yếu, các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho xã hội. Chủ trương giao doanh nghiệp nhà nước tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác chưa được thể chế hóa trong thực tế.

Trên cơ sở đó, Đoàn Đại biểu Đảng bộ Vietcombank đã có một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ về kiến tạo môi trường kinh doanh, chính sách, cơ chế khơi dậy niềm tin, khát vọng của các doanh nghiệp nhà nước, trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế và ổn định xã hội của đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới.

VCB News

Tin đã đăng


​Trang thông tin điện tử Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank 
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. Nguyễn Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc
Liên hệ: Ban biên tập - Phòng Quan hệ Công chúng - Tòa nhà VCB Tower - 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.



Điện thoại: 84-24-39343137

Fax: 84-24-39365402

Email: vcbnews.ho@vietcombank.com.vn​