Đại dịch Covid-19 đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho sức khỏe, kinh tế và xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Công tác giáo dục, đào tạo trên toàn cầu cũng bị gián đoạn và chịu ảnh hưởng tỉ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Lớp đào tạo về chương trình “Đào tạo nghiệp vụ Tài trợ thương mại cho cán bộ tại Chi nhánh” (Tháng 8/2020)
Cụ thể, theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Thống kê UNESCO (UIS), tính đến ngày 18/4/2020, đã có hơn 1,57 tỉ học sinh, sinh viên ở 191 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, chiếm trên 91% tổng số người học. Không nằm ngoài làn sóng ảnh hưởng đó, công tác đào tạo tại Việt Nam nói chung và hoạt động đào tạo tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) nói riêng cũng chịu những tác động nhất định. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh khó khăn, Trường Đào tạo Vietcombank đã coi đó như một cơ hội để làm mới mình, nâng cao khả năng thích ứng nội tại để phù hợp với bối cảnh mới.
Tổ chức chia ca thi tập trung chương trình “Đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ” tại cụm thi thuộc CN Bình Dương (Tháng 8/2020)
Đặc thù của đào tạo là hoạt động mang tính thường xuyên liên tục, cần phải có sự tương tác đa chiều và thực hành nhuần nhuyễn thì đào tạo mới phát huy hiệu quả và mang ý nghĩa thực tiễn. Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh chưa được kiểm soát, vấn đề an toàn sức khỏe xã hội cần được đặt lên hàng đầu, các hoạt động hội họp, đào tạo cần tiết giảm tối đa để đảm bảo an toàn và các tiêu chí giãn cách xã hội. Nhưng tiết giảm không có nghĩa là tạm dừng, hạn chế tổ chức đào tạo không có nghĩa là ngừng việc dạy và học. Điều đó đưa ra thách thức rất lớn cho Trường Đào tạo Vietcombank trong việc phải đặt lên bàn cân giữa mục tiêu đào tạo, tính hiệu quả và khả năng triển khai khi mà thực tế thay đổi theo từng giờ từng phút.
Tổ chức chia ca thi tập trung chương trình “Đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ” tại cụm thi thuộc CN Nha Trang (Tháng 8/2020)
Nhận thức được điều đó, Trường Đào tạo Vietcombank đã thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, vận dụng linh hoạt vào thực tế, tận dụng tối đa công nghệ trong công tác dạy và học tại Vietcombank. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ những cán bộ tại Trường đào tạo Vietcombank phát huy tính chủ động, sáng tạo, còn học viên của Vietcombank có điều kiện làm quen với phương pháp học tập mới. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, Trường Đào tạo Vietcombank đã thực hiện được 64 khóa đào tạo (không bao gồm các khóa đào tạo thực hiện qua hình thức E-learning), tổng số lượt đào tạo là 27.928 lượt (đã bao gồm tất cả các hình thức đào tạo) đạt 57.6% kế hoạch cả năm, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số lượt đào tạo qua cầu truyền hình đạt tỷ trọng cao nhất với 15.137 lượt, chiếm 54.2% tổng số lượt đào tạo 6 tháng đầu năm. Tiếp đến là hình thức đào tạo E-learning với sự chuyển mình vượt bậc. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượt học được đào tạo qua hình thức này chỉ dừng lại ở con số khiếm tốn với 178 lượt, chiếm 2% tỷ trọng lượt đào tạo, thì trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Trường Đào tạo cùng với nỗ lực của toàn thể cán bộ Trường Đào tạo Vietcombank, số lượt đào tạo qua hệ thống E-learning đã tăng tới mức đáng kinh ngạc với tổng lượt đào tạo lên đến 11.044 lượt, chiếm 39,6% tổng lượt đào tạo trong nửa đầu 2020. Cùng với đó, hình thức đào tạo tập trung được thu gọn lại với 1.503 lượt, chiếm 5.4% tổng lượt. Ngoài ra, hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn mới (qua các nền tảng như Blue Jeans, Ms Team, TUVNord Meeting…) cũng đã được nghiên cứu triển khai.
Biểu đồ thay đổi tỷ trọng lượt đào tạo theo hình thức trong 6 tháng đầu năm 2019 và 2020
Bên cạnh đó, Trường Đào tạo Vietcombank đã chủ động đưa một số chương trình có nhiều nội dung lý thuyết sang hình thức giảng dạy trực tuyến để hạn chế các hoạt động đào tạo tập trung đông người nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả theo yêu cầu. Đồng thời, Trường Đào tạo Vietcombank cũng xây dựng những chương trình phù hợp, tinh giản tối đa các nội dung đào tạo và chủ động xây dựng những kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống có thể xảy ra. Để làm được vậy, Trường Đào tạo Vietcombank đã nỗ lực vượt qua những khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ hình thức đào tạo truyền thống sang các hình thức đào tạo mới. Đầu tiên phải kể đến việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác đào tạo đáp ứng được đồng thời về mặt chuyên môn và công nghệ trong triển khai các hình thức đào tạo trên nền tảng số mới là điều không hề dễ dàng. Để làm được điều này, Trường Đào tạo Vietcombank phải trải qua một quá trình rà soát, đánh giá, thẩm định và đàm phán với các đối tác cực kỳ sát sao và cẩn thận nhằm sàng lọc, lựa chọn ra được những đối tác phù hợp nhất. Thứ hai, việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ đào tạo mới yêu cầu phải được hướng dẫn tới toàn bộ cán bộ của Trường Đào tạo Vietcombank một cách nhanh chóng và bài bản với mục tiêu tất cả các cán bộ Trường Đào tạo Vietcombank đều phải hiểu rõ và thực hiện triển khai đào tạo với chất lượng dịch vụ đồng nhất và chuyên nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, các cán bộ Trường Đào tạo Vietcombank đã nỗ lực rất nhiều trong việc chủ động học hỏi, làm quen để có thể sử dụng thành thạo công nghệ mới trong đào tạo nhằm mang lại chất lượng dịch vụ đào tạo tốt nhất tới các học viên. Thứ ba, hạ tầng công nghệ yêu cầu tích hợp giữa các hình thức đào tạo trên nền tảng số mới với hệ thống mạng nội bộ của Vietcombank phải vừa đảm bảo thông suốt, mang lại hiệu quả học tập tốt nhất, vừa đảm bảo an toàn, bảo mật, hạn chế tối đa rủi ro cũng là một thách thức rất lớn trong việc cân nhắc áp dụng triển khai các hình thức đào tạo mới. Để làm được điều này, Trường Đào tạo Vietcombank đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm CNTT, với các đối tác đào tạo cũng như truyền thông tích cực tới tới các đơn vị tham gia học tập trong Vietcombank nhằm xây dựng văn hóa học tập trong bối cảnh mới, nền tảng mới nhằm đạt được kết quả đào tạo tốt nhất trong khả năng có thể thực hiện được. Không chỉ dừng lại ở việc tận dụng hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa hình thức giảng dạy, Trường Đào tạo Vietcombank còn chủ động tăng cường phối hợp với các giảng viên nội bộ tại các phòng nghiệp vụ để tổ chức các khóa tại đơn vị nhằm đáp ứng sát hơn nhu cầu đào tạo của các Chi nhánh, đồng thời giảm thiểu việc phải di chuyển của học viên ngoài địa bàn giúp nâng cao hiệu quả đào tạo, đảm bảo an toàn phòng dịch và mang lại lợi ích kinh tế.
Tổ chức chia ca thi tập trung chương trình “Đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ” tại cụm thi thuộc CN Bắc Gia Lai (Tháng 8/2020)
Với sự nỗ lực bằng cả trái tim cùng phương châm “học an toàn, học thuận tiện” lấy người học làm trung tâm, Trường Đào tạo Vietcombank đã nhận về rất nhiều phản hồi tích cực từ phía các học viên. Điều đó thể hiện qua việc đánh giá, nhận xét các chương trình đào tạo được triển khai đều mang tính thiết thực, phục vụ và bổ trợ cho hoạt động kinh doanh tại các đơn vị, hình thức học phù hợp và linh hoạt, hỗ trợ học viên được chủ động trong việc sắp xếp thời gian học. Đa số học viên sau khi có những trải nghiệm học tập trên nền tảng số mới (như Bluejeans, MSTeam, TUVNord Meeting..) đều cảm thấy hứng thú và đánh giá cao tính hữu ích cũng như sự linh hoạt của các hình thức học tập mới mẻ này.
Có thể nói, ứng dụng đa dạng các hình thức đào tạo mới đã thay đổi tư duy đào tạo truyền thống bằng việc tận dụng tối đa những lợi thế mà Internet mang lại để cân bằng các mục tiêu đào tạo cụ thể. Dẫu biết những bước đi đầu tiên còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng cũng chính những điều đó đã tiếp thêm động lực cho những người làm đào tạo chúng tôi để ngày càng nỗ lực hơn nữa nâng cao chất lượng đào tạo. Với những cố gắng ban đầu đã được ghi nhận, Trường Đào tạo Vietcombank sẽ không ngừng trau dồi và hoàn thiện hơn nữa để có thể đóng góp nhiều hơn cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Vietcombank. Chúng tôi tin rằng nếu tất cả cùng đồng lòng, chung tay thì mọi khó khăn, thử thách đều sẽ vượt qua để sẵn sàng chào đón những cơ hội mới.
VCB News