NGUYỄN HỮU ĐỨC – Vietcombank Đà Nẵng
Năm 2013, trên Tạp chí Ngân hàng số
13, người viết bài này có đăng bài “Bàn về
một số bất cập của quy định về bảo lãnh ngân hàng” liên quan đến Thông tư số
28/2012/TT-NHNN ngày 03/10/2012 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 28). Trong đó,
người viết nêu ra 6 bất cập của Thông tư 28 cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
ban hành Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 quy định về bảo lãnh ngân
hàng (Thông tư 07), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/8/2015 và thay thế cho
Thông tư 28. Tín hiệu vui là Thông tư 07 có nhiều thay đổi tích cực và giải quyết
hầu hết những bất cập của Thông tư 28 mà người viết, trong bài viết đã dẫn, đã
chỉ ra và kiến nghị sửa đổi để phù hợp với tập quán quốc tế về bảo lãnh cũng
như đáp ứng được yêu cầu thực tế trong giao dịch bảo lãnh ngân hàng.
Trong bài viết này, trên cơ sở phân
tích những quy định bất cập của Thông tư 28, người viết giới thiệu với bạn đọc những
điểm mới đáng lưu ý của Thông tư 07 quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Quy định về sử dụng ngôn ngữ trong giao dịch
bảo lãnh
Về vấn đề ngôn ngữ sử
dụng trong các văn bản liên quan đến giao dịch bảo lãnh, Thông tư số 28 quy
định các văn bản liên quan đến giao dịch bảo lãnh được lập bằng tiếng Việt. Trong
trường hợp cần sử dụng tiếng nước ngoài, các bên liên quan được thỏa thuận sử
dụng thêm tiếng nước ngoài trong các văn bản liên quan đến giao dịch bảo lãnh.
Trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu giữa văn bản tiếng Việt và tiếng nước
ngoài thì văn bản tiếng Việt là căn cứ pháp lý.
Quy định về việc sử
dụng ngôn ngữ của Thông tư 28 là bất cập, không phù hợp với thực tế giao dịch
bảo lãnh có yếu tố nước ngoài.
Giao dịch bảo lãnh
trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của ngân hàng nước ngoài là một ví dụ điển hình cho
thấy sự bất cập của quy định về ngôn ngữ của Thông tư 28. Trong giao dịch này,
ngân hàng nước ngoài không thể và không chấp nhận phát hành bảo lãnh đối ứng
(bao gồm cả nội dung bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng) bằng tiếng Việt hay
bằng song ngữ.
Tương tự, ngân hàng
nước ngoài, vì nhiều lý do khác nhau, cũng sẽ không chấp nhận bảo lãnh đối ứng
bằng tiếng Việt do tổ chức tín dụng trong nước phát hành, cũng như sẽ không
chấp nhận phát hành bảo lãnh bằng tiếng Việt hay bằng song ngữ tiếng Việt và
tiếng nước ngoài theo yêu cầu của tổ chức tín dụng trong nước.
Đối với giao dịch bảo
lãnh mà bên nhận bảo lãnh là tổ chức hay cá nhân ở nước ngoài, việc phát hành
bảo lãnh ngân hàng bằng tiếng Việt hay bằng song ngữ với tiếng Việt được sử
dụng làm căn cứ pháp lý chắc chắn cũng sẽ không được bên nhận bảo lãnh chấp
nhận.
Thực tế cho thấy các
giao dịch mua bán ngoại thương thanh toán bằng hình thức chuyển tiền bằng điện,
nhờ thu chứng từ hay thư tín dụng đều sử dụng ngôn ngữ tiếng nước ngoài nhưng
khi có tranh chấp xảy ra và tranh chấp nếu được đưa ra tòa án Việt Nam xét xử,
tòa án Việt Nam vẫn thụ lý xét xử, chứ không từ chối vì lý do ngôn ngữ sử dụng
trong các văn bản giao dịch là bằng tiếng nước ngoài.
Trong bài viết đã dẫn,
người viết đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Điều 7 Thông tư 28 về việc sử
dụng ngôn ngữ trong các giao dịch bảo lãnh. Theo đó, các văn bản liên quan đến
giao dịch bảo lãnh mà các bên tham gia giao dịch gồm các tổ chức và cá nhân
hoạt động theo luật pháp Việt Nam được lập bằng tiếng Việt hoặc bằng song ngữ
tiếng Việt và tiếng nước ngoài nếu cần thiết; trường hợp các văn bản được lập
bằng song ngữ có sự khác nhau về cách hiểu giữa văn bản tiếng Việt và tiếng
nước ngoài thì văn bản tiếng Việt là căn cứ pháp lý. Đối với giao dịch bảo lãnh
có yếu tố nước ngoài, bao gồm giao dịch bảo lãnh đối ứng hoặc giao dịch bảo
lãnh mà bên nhận bảo lãnh là tổ chức hoặc người nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng
trong các văn bản liên quan có thể bằng một thứ tiếng Anh hoặc bằng một tiếng
nước ngoài phổ biến được các bên chấp nhận.
Phản ảnh của người
viết cũng như của công đồng thực hành bảo lãnh ở các ngân hàng về sự bất cập
liên quan đến quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong giao dịch bảo lãnh của
Thông tư 28 đã được Thông tư 07 khắc phục. Theo đó, Điều 7 Thông tư 07 quy định lại như sau:
Các
văn bản sử dụng trong giao dịch bảo lãnh bao gồm thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết
bảo lãnh phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp bảo lãnh có yếu tố nước
ngoài, các bên liên quan được thỏa thuận sử dụng tiếng nước ngoài. Trường hợp sử
dụng tiếng nước ngoài, các văn bản phải được dịch sang tiếng Việt (có xác nhận
của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài) đính kèm bản tiếng nước ngoài khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền.
Có thể nói quy định mới về sử dụng ngôn ngữ tại Điều 7 Thông tư
07 đáp ứng được yêu cầu thực tế trong giao dịch bảo lãnh ngân hàng đồng thời
phù hợp với tập quán quốc tế.
Thỏa thuận cấp bảo
lãnh
Điều 13 Thông tư 28
quy định để thực hiện bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và các bên liên
quan (nếu có) phải thỏa thuận ký kết hợp đồng cấp bảo lãnh.
Theo người
viết, quy định các bên tham
gia giao dịch bảo lãnh phải thỏa thuận ký kết hợp đồng cấp bảo lãnh với đầy đủ
các nội dung trên đây chỉ phù hợp với các giao dịch bảo lãnh mà các bên tham
gia giao dịch bảo lãnh là tổ chức hoặc cá nhân trong nước.
Đối với giao dịch phát
hành bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của ngân hàng nước ngoài hoặc của tổ
chức tín dụng trong nước, bên bảo lãnh đối ứng thường chỉ phát hành thư bảo
lãnh đối ứng đơn giản bằng điện Swift MT 760 gồm (i) nội dung bảo lãnh mà bên
bảo lãnh được chỉ thị phát hành; và (ii) cam kết hoàn trả của bên bảo lãnh đối
ứng. Trong trường hợp này, bảo lãnh đối ứng phát hành bằng điện Swift có thể
được xem là thỏa thuận hợp đồng cấp bảo lãnh giữa bên bảo lãnh đối ứng và bên
bảo lãnh, thường không bao gồm quá nhiều nội dung chi tiết như theo quy định
tại Thông tư 28 và tất nhiên cũng không được ký tên và đóng dấu bởi các bên
liên quan.
Vì vậy, người viết đề
nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung quy định liên quan đến hợp đồng
cấp bảo lãnh trong trường hợp tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh trên cơ sở
bảo lãnh đối ứng được phát hành bằng điện Swift. Theo đó, cho phép hợp đồng cấp
bảo lãnh có thể được thể hiện bằng hình thức điện Swift thích hợp, ví dụ: MT
760.
Thông tư 07 sử dụng cụm từ “Thỏa
thuận cấp bảo lãnh” thay cho cụm từ “Hợp đồng bảo lãnh” của Thông tư 28 với nội
dung đã được sửa đổi như đề xuất. Theo đó, khoản 1 Điều 14 của Thông tư 07 quy
định như sau:
Để
thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách
hàng ký thỏa thuận cấp bảo lãnh. Trường hợp phát hành bảo lãnh trên cơ sở bảo
lãnh đối ứng thì bên bảo lãnh không bắt buộc phải ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với
bên bảo lãnh đối ứng.
Điều kiện đối với bên được bảo lãnh
Về điều kiện đối với
bên được bảo lãnh, Điều 10 Thông tư 28 quy định bên bảo lãnh phải có đầy đủ
năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
Có khả năng thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ cam kết với các bên liên quan
trong quan hệ bảo lãnh; và nghĩa vụ bảo lãnh và giao dịch phát sinh nghĩa vụ
bảo lãnh là hợp pháp.
Quy định trên chỉ có
thể áp dụng khi bên được bảo lãnh là tổ chức hoặc cá nhân có quan hệ tín dụng
trực tiếp với tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh. Trường hợp bảo lãnh được
phát hành trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng khác trong nước hay
nước ngoài, tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh chỉ xem xét điều kiện đối với
bên phát hành bảo lãnh đối ứng, chứ không trực tiếp thẩm định bên được bảo lãnh
để xác định bên được bảo lãnh có đáp ứng được các điều kiện được quy định tại
Điều 10 hay không. Trong trường hợp này, trách nhiệm thẩm định bên được bảo
lãnh thuộc về bên phát hành bảo lãnh đối ứng.
Thông tư 07 đã sửa
đổi quy định lại như sau:
Điều 10: Điều kiện đối với khách hàng
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho
khách hàng khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
1.
Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của
pháp luật.
2.
Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp.
3.
Được tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh
giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Cũng cần lưu ý thêm
rằng Điều 10 Thông tư 07 sử dụng là tiêu đề “Điều kiện đối với khách hàng”
thay cho “Điều kiện đối với bên được bảo lãnh” của Thông tư 28. Theo
giải thích tại Điều 3 Thông tư 07, từ “khách hàng” là tổ chức (bao gồm cả tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài)
và cá nhân. Việc bổ sung này giúp xác định rõ
khách hàng là bên nào trong quan hệ bảo lãnh, từ đó làm cơ sở cho việc xác định
số dư bảo lãnh; xem xét điều kiện cấp bảo lãnh.
Thẩm quyền ký thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết
bảo lãnh
Về thẩm quyền ký kết
hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh, Thông tư 28 quy định hợp đồng cấp bảo
lãnh, cam kết bảo lãnh của bên bảo lãnh phải được ký bởi 3 người gồm (i) Người
đại diện theo pháp luật; (ii) Người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh; và (iii)
Người thẩm định khoản bảo lãnh.
Trong bài viết đã dẫn,
người viết cho rằng quy định chặt chẽ nêu trên phát sinh từ sau những tranh
chấp liên quan đến các bảo lãnh ngân hàng được cho là ký vượt thẩm quyền của
người ký. Quy định trên chỉ nên áp dụng đối với hợp đồng cấp bảo lãnh, chứ
không nên áp dụng đối với cam kết bảo lãnh. Cam kết bảo lãnh được ký bởi
một người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền bảo đảm đầy đủ tính
pháp lý. Quy định cam kết bảo lãnh phải được ký bởi 3 người là khiên cưỡng,
mang tính chữa cháy sau những vụ tranh chấp liên quan đến bảo lãnh giả mạo, bảo
lãnh được cho là ký vượt thẩm quyền của người ký.
Một ví dụ rõ ràng nhất
cho thấy quy định bảo lãnh phải được ký bởi 3 người theo quy định là không cần
thiết, đó là trường hợp phát hành bảo lãnh bằng điện Swift. Bảo lãnh phát hành
bằng điện Swift không có bất kỳ chữ ký nào. Khi nhận được bảo lãnh ngân hàng
bằng điện Swift, ngân hàng kiểm tra tính xác thực của bảo lãnh và thông báo cho
bên nhận bảo lãnh. Rõ ràng ngân hàng phát hành bảo lãnh không thể viện lý do rằng
bảo lãnh đó là giả mạo hay được duyệt bởi người không có đủ thẩm quyền để từ
chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu chứng từ xuất trình phù hợp. Trong trường
hợp này, việc ký duyệt vượt thẩm quyền trở thành câu chuyện nội bộ của ngân
hàng phát hành bảo lãnh.
Về vấn đề này, Thông tư 07 tại Điều 16 đã quy định lại như sau:
1.
Thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh phải được ký bởi người đại diện theo
pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài.
2.
Việc ủy quyền ký thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh phải được lập bằng
văn bản và phù hợp với quy định của pháp luật.
Như vậy, Thông tư 07 đã bỏ quy định cam
kết bảo lãnh phải hội đủ 3 chữ ký quy định tại Điều 15 Thông tư 28. Cam kết bảo
lãnh này chỉ cần được ký bởi người đại diện
theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền
của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đủ bảo đảm bảo đảm tính
pháp lý.
Theo ý kiến của người viết, sẽ đầy
đủ hơn nếu Thông tư 07 bổ sung thêm quy định về cam kết phát hành bằng điện
Swift (thường sử dụng MT 760).
Thời hạn kiểm tra
chứng từ và thông báo từ chối
Về thời hạn thanh toán
và thông báo từ chối, Thông tư 28 quy định chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc
kể từ ngày bên nhận bảo lãnh xuất trình đầy đủ bộ hồ sơ đề nghị thực hiện nghĩa
vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đầy
đủ, đúng nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp từ chối thực
hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh phải trả lời bằng
văn bản nêu rõ lý do từ chối.
Quy định trên có phần
khác với Quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu - Ấn bản số 758 của Phòng
Thương mại Quốc tế (ICC Uniform Rules for Demand Guarantees - URDG 758).
URDG 758 chốt thời hạn
kiểm tra chứng từ, trong khi Thông tư 28 chốt thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh. Thông tư 28 không quy định rõ về thời hạn ra thông báo từ chối.
Trong bài viết đã dẫn,
người viết đề nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, quy định bổ sung về thời hạn
kiểm tra chứng từ và thông báo từ chối như URDG 758. Theo đó, quy định nếu bên
bảo lãnh từ chối yêu cầu đòi tiền thì phải gửi một thông báo duy nhất nêu rõ:
(i) bên bảo lãnh từ
chối yêu cầu đòi tiền; và
(ii) từng bất hợp lệ
mà căn cứ vào đó bên bảo lãnh từ chối.
Thông báo từ chối phải
được gửi đi không được chậm trễ nhưng không được trễ hơn kết thúc ngày làm việc
thứ năm kể từ ngày xuất trình. Nếu bên bảo lãnh không gửi thông báo như vậy
trong thời hạn quy định thì sẽ mất quyền tuyên bố rằng yêu cầu đòi tiền và các
chứng từ liên quan không cấu thành một sự xuất trình hợp lệ.
Thông tư 07 đã bổ sung
thêm nội dung này tại khoản 4 Điều 21 (Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như sau):
Trường hợp từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh, chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu thực hiện
nghĩa vụ bảo lãnh, bên từ chối phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối.
Tuy nhiên, theo người
viết, sẽ rõ ràng hơn nếu như Thông tư 07 quy định thêm rằng nếu bên bảo lãnh
không gửi thông báo từ chối trong thời hạn quy định thì sẽ mất quyền tuyên bố rằng yêu cầu đòi tiền và
các chứng từ liên quan không cấu thành một sự xuất trình hợp lệ.
Một số sửa đổi, bổ sung khác
Bên cạnh những sửa
đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập của Thông tư 28 như phân tích trên đây,
Thông tư 07 cũng có nhiều thay đổi, bổ sung khác nhằm mục đích để rõ ràng hơn
cũng như phù hợp với yêu cầu thực tế về bảo lãnh ngân hàng.
Có thể nêu ra đây một
vài sửa đổi, bổ sung đáng lưu ý sau đây:
Về giải thích từ ngữ, Thông
tư 07 bổ sung thêm các khái niệm “Bên bảo lãnh đối ứng”, “Bên xác nhận bảo
lãnh” để quy định cụ thể Bên bảo lãnh đối ứng, Bên xác nhận bảo lãnh bao gồm cả
tổ chức tín dụng ở nước ngoài. Thông tư 07 cũng bổ sung khái niệm “Khách hàng”
như giải thích ở phần trên là để xác định khách hàng là bên nào trong quan hệ
bảo lãnh, từ đó làm cơ sở cho việc tính số dư phát hành bảo lãnh, bảo lãnh đối
ứng, xác nhận bảo lãnh và cơ sở cho việc xem xét điều kiện đối với khách hàng
được cấp bảo lãnh.
Thông tư 07 cho phép
Bên nhận bảo lãnh có quyền chuyển nhượng quyền thụ hưởng cam kết bảo lãnh. Khi
chuyển nhượng bảo lãnh không cần phải có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Về bảo lãnh đối
với khách hàng là người không cư trú bằng ngoại tệ, Thông tư 07 quy định bổ
sung (tại khoản 4 Điều 11) không cho phép Chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo
lãnh bằng ngoại tệ đối với khách hàng tổ chức là người không cư trú ở nước
ngoài, trừ các trường hợp:
(a) Bảo lãnh cho
bên được bảo lãnh tại Việt Nam trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng
ở nước ngoài;
(b) Xác nhận bảo
lãnh cho nghĩa vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng ở nước ngoài đối với bên được bảo
lãnh tại Việt Nam.
Đặc biệt, Thông tư 07 bổ sung quy định mới về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo
đó, Thông tư 07 bổ sung Điều
12 như sau:
1.
Khi thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua
nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất
động sản, ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định sau đây:
a)
Nhà ở hình thành trong tương lai có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua theo
quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản;
b)
Trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở ký kết giữa chủ đầu tư và bên mua, bên
thuê mua có quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư phải hoàn lại tiền cho bên mua,
bên thuê mua khi chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam
kết với bên mua, bên thuê mua;
c)
Ngân hàng thương mại đánh giá chủ đầu tư có khả năng thực hiện đúng tiến độ dự
án và sử dụng số tiền ứng trước, các khoản tiền khác của bên mua, bên thuê mua
đã trả cho chủ đầu tư đúng mục đích;
d)
Ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động bảo
lãnh ngân hàng tại Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung
Giấy phép thành lập và hoạt động;
đ)
Thỏa thuận cấp bảo lãnh với chủ đầu tư, cam kết bảo lãnh phải phù hợp
với quy định tại khoản 2, 3 Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản 2014;
e)
Cam kết bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải
có hiệu lực đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên
mua, bên thuê mua nhà ở theo thỏa thuận của chủ đầu tư với bên mua, bên thuê
mua nhà ở.
2.
Hợp đồng bảo lãnh theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản được lập
dưới một trong các hình thức cam kết bảo lãnh quy định tại khoản 12 Điều 3 và
Điều 15 Thông tư này.
3.
Ngoài các quy định tại khoản 1, 2 Điều này, các nội dung khác về việc bảo lãnh
trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải thực hiện theo
quy định tại Thông tư này.
Thông tư 07 bổ sung Điều 12 quy định
bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình
thành trong tương lai, so với Thông tư 28, là điểm mới phù hợp với quy định tại
Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản.
…
KẾT LUẬN
Như
đã nêu ở phần mở đầu, Tín hiệu vui là Thông tư 07 có nhiều
thay đổi tích cực và giải quyết hầu hết những bất cập của Thông tư 28 mà người
viết, trong bài viết đã dẫn, đã chỉ ra và kiến nghị sửa đổi để phù hợp với tập
quán quốc tế về bảo lãnh cũng như đáp ứng được yêu cầu thực tế trong giao dịch
bảo lãnh ngân hàng. Hy vọng rằng Thông tư 07 sẽ được các cộng đồng những người
làm công tác bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước
ngoài đón nhận./.
----------
Tài liệu tham khảo:
- Ngân hàng Nhà
nước: Thông tư số 28/2012/TT-NHNN ngày
03/10/2012 quy định về bảo lãnh ngân hàng
- Ngân hàng Nhà
nước: Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày
25/6/2015 quy định về bảo lãnh ngân hàng
- Nguyễn Hữu Đức:
“Bàn về một số bất cập của quy định về bảo
lãnh ngân hàng”. Tạp chí Ngân hàng số 13 (2013)
- ICC Uniform Rules for Demand Guarantees ICC
Publication 758 (URDG 758)
------------