VIETCOMBANK PHỐI HỢP VỚI HIỆP HỘI NGÂN HÀNG TỔ CHỨC HỘI THẢO XỬ LÝ NỢ XẤU TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ NỢ XẤU THEO HƯỚNG LUẬT HÓA NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14

27/11/2021 11:26 SA
Ngày 24/11, Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) phối hợp với Vietcombank tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH, lãnh đạo các Ban chuyên môn Cơ quan Thường trực của HHNH, đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp kinh tế Văn phòng Chính phủ; Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước; Vụ I, Tổng cục Thi hành án, Bộ Tư pháp; các thành viên Ủy ban Chính sách, Câu lạc bộ Pháp chế, Câu lạc bộ Xử lý nợ thuộc HHNH; các chuyên gia luật đến từ Đại học Luật Hà Nội, bộ phận pháp chế và tuân thủ của các tổ chức tín dụng hội viên.

Về phía Vietcombank có ông Đỗ Việt Hùng – Thành viên Ủy ban Chính sách HHNH, Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Văn Phương-  Trưởng phòng Pháp chế, ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó trưởng Ban Định chế tài chính, ông Vũ Minh Phương – Phó trưởng phòng Công nợ và đại diện một số phòng ban tại TSC.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Xử lý nợ xấu - Kết quả và kinh nghiệm

Trong hoạt động cấp tín dụng cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng luôn phát sinh những rủi ro đến từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nợ xấu tín dụng là một phần tất yếu không tránh khỏi của hoạt động ngân hàng và kiểm soát, hạn chế nợ xấu là thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển an toàn, bền vững của mỗi tổ chức tín dụng nói riêng, của cả hệ thống ngân hàng nói chung.

Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng, giai đoạn từ 2016 đến tháng 9/2021, toàn hệ thống đã xử lý được 806,77 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, từ 8/20217 đến hết tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng trên tổng số 424,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu. 8 tháng đầu năm 2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý thu hồi được 90,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó thực hiện theo Nghị quết 42 xử lý được 32,23 nghìn tỷ đồng.

Ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc

Với tính chất đặc thù của nợ xấu đối với hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, các Ban, ngành liên quan triển khai thực hiện. Kết quả xử lý nợ xấu nói trên cũng minh chứng cho việc xử lý nợ xấu không chỉ còn là vấn đề riêng có của các tổ chức tín dụng, mà còn là sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu là một công việc nan giải, liên quan đến các giao dịch bảo đảm phụ thuộc bởi sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan công vụ như Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án, Công an… và của chính quyền địa phương các cấp, sự chủ động tích cực của các tổ chức tín dụng và thiện chí của khách hàng vay nợ.

Ông Đỗ Việt Hùng – Thành viên Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thành viên HĐQT Vietcombank trình bày một số thông tin tổng quan về triển vọng kinh tế 2022 sau tác động của đại dịch Covid-19 và liên hệ tới các nội dung trọng tâm của hội thảo

Thực tiễn công tác xử lý nợ xấu tại Viecombank cho thấy, sự chủ động các biện pháp xử lý, thu hồi nợ có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, Vietcombank quán triệt thực hiện các biện pháp (i) Tăng cường rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh, tài sản bảo đảm, khả năng trả nợ của khách hàng; giám sát chặt chẽ danh mục khách hàng cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; kịp thời có ứng xử tín dụng phù hợp để hạn chế nợ xấu phát sinh. (ii) Chủ động tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với nợ xấu, nợ có khả năng chuyển xấu; phân loại khách hàng vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo đúng tình trạng khoản nợ. (iii) Kiểm soát chất lượng tín dụng bằng các chính sách cho vay: xây dựng định hướng ngành, nghề theo múc độ rủi ro nhằm định hướng phát triển tín dụng trng điều kiện dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp; điều chỉnh tỷ lệ mức cấp tín dụng tối đa trên giá trị tài sản bảo đảm nhằm hạn chế rủi ro phát sinh; triển khai kiểm tra chuyên đề tín dụng… Cùng với việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro, Vietcombank tiến hành biện pháp phân loại khách hàng thành (i) nhóm khách hàng có thiện chí hợp tác và (ii) nhóm khách hàng không có thiện chí hợp tác. Đối với nhóm khách hàng có thiện chí hợp tác có nguồn trả nợ, Vietcombank xem xét kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích khách hàng trả nợ như cơ cấu nợ phù hợp với khả năng trả nợ, giảm, miễn lãi vay chia sẻ khó khăn trong dịch bệnh.  Đối với khách hàng có thiện chí nhưng không đủ nguồn trả nợ, Vietcombank yêu cầu khách hàng phối hợp thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm, ưu tiên phương thức bán đấu giá, trên nguyên tắc giá bán/giá khởi điểm bán đấu giá phải sát với giá trị thị trường của tài sản và hạ giá tối đa 10% và đấu giá rút gọn. Đối với khách hàng thuộc nhóm (ii) Vietcombank kiên quyết áp dụng các biện pháp thu hồi mạnh, quyết liệt như: thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42; khởi kiện (ưu tiên phương pháp hòa giải); thường xuyên trao đổi với cơ quan Thi hành án để thực thi phát mại tài sản bảo đảm. Trong trường hợp khách hàng chây ỳ, cố tình trốn tránh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hổ sơ sang cơ quan Công an để xử lý.

Ông Vũ Minh Phương – Phó trưởng phòng Công nợ Vietcombank trình bày thực trạng và giải pháp xử lý nợ xấu tại TCTD trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Nợ xấu không tự nhiên mà có và cũng không tự nhiên mất đi. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Vietcombank phần nào được mặc định đây là công việc thường xuyên trong hoạt động cấp tín dụng; nhưng cũng cho thấy, các “chủ nợ” dù có trong tay văn bằng khế ước, giao kèo thỏa thuận hay phán quyết của tòa thì để việc xử lý nợ xấu đạt được hiệu quả thiết thực, các tổ chức tín dụng không thể “đơn thương, độc mã”, mà rất cần có cơ chế pháp lý đủ mạnh và sự vào cuộc đồng bộ, liên thông của các ngành, các cấp. Xử lý nợ xấu tốt, vòng quay tín dụng nhanh, hiệu quả cấp tín dụng cao sẽ thiết thực ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sức sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, bên cạnh mặt tích cực của việc áp dụng cơ chế, chính sách cơ cấu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi, phí hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, phục hồi sản xuất kinh doanh, thì các tổ chức tín dụng cũng đang đứng trước mối quan ngại về rủi ro tín dụng tiềm ẩn. Theo Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trong các tháng cuối năm 2021 và tăng mạnh vào nửa đầu năm 2022, đặc biệt khi các Thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực. Ngay từ bây giờ, các tổ chức tín dụng phải nhanh chóng, chú trọng quan tâm tới việc trích lập dự phòng, đồng thời phải tích cực có các biện pháp quyết liệt xử lý rốt ráo nợ xấu, nếu không thành quả xử lý nợ xấu trong những năm qua sẽ trở nên vô nghĩa. Các chuyên gia ngân hàng cũng mong mỏi có một khung khổ pháp lý phù hợp giúp các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu khi nền kinh tế bước vào trạng thái binh thường mới.

Các tham luận tại Hội thảo đến từ các chuyên gia pháp lý đến từ cơ quan quản lý nhà nước (Vụ Pháp chế, Cơ quan Thanh tra giám sát - Ngân hàng Nhà nước; Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp; Đại học Luật Hà Nội), từ Câu lạc bộ Pháp chế của Hiệp hội và các ý kiến đóng góp của tổ chức tín dụng hội viên đều có chung nhận định, cơ sở pháp lý đã có khá đầy đủ, nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chưa có sự đồng bộ, liên thông giữa các văn bản quy phạm pháp luật, chưa có sự thống nhất về cách xử lý giữa các ngành, các cấp nên vô hình chung trở thành rào cản, vướng mắc khi xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Khối lượng vụ việc và số tiền thu hồi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 trong 4 năm qua của các tổ chức tín dụng là rất khả quan, tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn so với tổng dư nợ xấu của toàn ngành. Khi chỉ còn chưa đầy 1 năm thí điểm thì ngay từ bây giờ việc hoàn thiện khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu là rất cần thiết và cấp bách.

Ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Pháp chế Vietcombank trình bày tham luận và đề xuất các nội dung trọng tâm, cấp thiết cần Luật hóa để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ

Theo các chuyên gia và các nhà nghiên cứu luật pháp, luật hóa Nghị quyết 42 là phương án xây dựng Luật xử lý nợ xấu có tính khả thi cao, bởi những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của Nghị quyết 42, những khó khăn vướng mắc (i) Về thẩm định giá các khoản nợ xấu của tổ chức mua bán nợ xấu; (ii) Về quyền thu giữa tài sản bảo đảm (hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm, quy định liên quan đến thỏa thuận thu giữ trong hợp đồng bảo đảm, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm khi áp dụng biện pháp thu giữ); (iii) Về xử lý các tài sản nằm trên tài sản bị thu giữ; (iv) Về áp dụng thủ tục rút gọn; (v) Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản ; (vi) Về thứ tự ưu tiên thanh toán; (vii) Về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.. khi các tổ chức tín dụng thực hiện Nghị quyết 42 đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo các cơ quan có thẩm quyền tại văn bản 262/BC-NHNN. Mặt khác, từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 42, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xử lý nợ xấu đã được quan tâm trong đời sống xã hội, đây sẽ là điều kiện quan trọng có tính tiên quyết để tuân thủ, chấp hành khi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành.

Theo đó kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn vướng mắc. Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng Luật Xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị chu đáo, tích hợp được nhiều quy phạm pháp luật liên quan từ Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Giao dịch bảo đảm; Luật Đất đai; Luật Nhà ở… và các luật chuyên ngành khác. Vì thế, để tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 còn hiệu lực, đồng thời tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các các cơ chế về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 thêm thời hạn 03 năm, thời điểm tính từ kỳ họp Quốc hội tháng 5 năm 2022.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo hướng luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tạo hành lang pháp lý lâu dài, bền vững cho việc xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

VCB News

 

Tin đã đăng


​Trang thông tin điện tử Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank 
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. Nguyễn Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc
Liên hệ: Ban biên tập - Phòng Quan hệ Công chúng - Tòa nhà VCB Tower - 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.



Điện thoại: 84-24-39343137

Fax: 84-24-39365402

Email: vcbnews.ho@vietcombank.com.vn​