Năm 2023, kinh tế thế giới suy yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ trên phạm vi toàn cầu. Xung đột địa chính trị Nga - Ucraina kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt việc Nga không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hết hạn vào ngày 17/07/2023 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Xung đột Israel - Hamas bất ngờ bùng phát và có nguy cơ lan rộng, lôi kéo sự tham gia của nhiều bên, đe dọa an ninh các tuyến hàng hải huyết mạch như kênh đào Suez, khu vực Biển Đỏ và vịnh Aden, thách thức các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn còn mong manh sau đại dịch Covid-19…
Với đặc thù là một nền kinh tế quy mô nhỏ, có độ mở cao, khả năng chống chịu rủi ro hạn chế, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài bên cạnh những điểm yếu nội tại của nền kinh tế. GDP tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra, xuất nhập khẩu suy giảm, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu phục hồi chậm, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế bị suy giảm, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu thế tăng cao.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung đó, Vietcombank tiếp tục khẳng định vững chắc vị trí dẫn đầu ngành ngân hàng về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản đạt hơn 1,84 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt ~1,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2022. Lợi nhuận trước thuế thiết lập kỷ lục mới, đạt ~ 41.244 tỷ đồng, tăng ~10% so với năm 2022. Nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,99% - thấp nhất trong số các Tổ chức tín dụng quy mô lớn, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt ~227%, thuộc nhóm cao nhất thị trường.